Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

15 mẹo vặt giúp việc bếp núc trở nên dễ dàng hơn


15  mẹo  vặt  giúp  việc  bếp  núc  trở  nên  dễ  dàng  hơn

Nấu ăn trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn nếu bạn vận dụng những mẹo vặt trong bếp dưới đây.
Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, biết những mẹo vặt giúp việc nấu nướng giảm thời gian mà mọi thứ vẫn sạch sẽ gọn gàng. Làm rau, nướng thực phẩm, tất cả sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn chỉ bằng vài thủ thuật thông minh.
Cách phổ biến nhất để loại bỏ vỏ cà chua một cách đơn giản, nhanh lẹ là cho chúng vào nước nóng trong vài giây trước khi bóc vỏ. Tuy nhiên, có một cách thậm chí còn nhanh hơn là dùng chiếc dĩa xuyên qua quả cà chua rồi hơ trên bếp cho nóng. Hãy chắc chắn bạn giữ nó cách ngọn lửa 10cm.
Để bảo vệ tay khi cắt rửa lượng lớn ớt cay, thay vì sử dụng găng tay bạn có thể sử dụng phương pháp thân thiện với môi trường hơn đó là dùng dầu thực vật, dầu ô liu. Trước khi cắt ớt, hãy đổ một muỗng cà phê dầu lên tay và xoa đều. Dầu sẽ tạo ra một lớp bảo vệ da trước độ cay nóng của ớt.
Sử dụng lá rau diếp để bảo quản quả bơ. Lá rau diếp có thể được sử dụng như một màng bọc thân thiện với môi trường. Một quả bơ bọc bằng lá rau diếp có thể giữ trong tủ lạnh tươi ngon tối đa một tuần.
Bạn vẫn có thể thưởng thức nước táo tươi ngay cả khi bạn không sở hữu máy ép trái cây. Tất cả bạn phải làm là đặt quả táo trong tủ đông cho đến khi nó đóng băng hoàn toàn. Sau đó, lấy ra và để rã đông tan chảy hoàn toàn. Bây giờ bạn chỉ cần bóp táo bằng tay để lấy nước.
Sử dụng tinh dầu để hạn chế cay mắt, chảy nước mắt khi cắt hành tây. Bạn có thể cho một chút tinh dầu đinh hương vào một bát nước ấm và đặt bên cạnh thớt cắt hành.
Đặt xiên thịt bên trên vòng tròn nướng giúp bạn tiết kiệm thời gian và dễ dàng làm sạch sau đó.
Trước khi nấu mới bóc tỏi khiến bạn tốn khá nhiều thời gian. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách bóc sẵn rồi cho vào túi zip chứa đầy tỏi băm nhuyễn rồi chia nhỏ như hình.
Tận dụng những lọ xì dầu để đựng dầu sẽ giúp bạn dễ dàng lấy ra mỗi khi cần sử dụng.
Để giúp miếng thịt nướng không bị khô, bạn có thể đặt viên đá lên trên và chờ nó tan chảy hết.
Một củ khoai tây cắt mỏng nướng cùng thịt, cá hoặc chà vào lưới nướng trước, sẽ giúp ngăn đồ ăn dính vào vỉ, tiết kiệm thời gian khi dọn dẹp.
Chỉ cần một bát nước ấm, ngâm tỏi trong khoảng 5 phút là bạn có thể bóc vỏ một cách dễ dàng mà không cần dao hay dụng cụ.
Để tăng tốc quá trình chín của bơ, bạn hãy để chúng chung với bột mỳ. Sau quá trình này, bạn sẽ có một quả bơ chín hoàn hảo, thơm ngon.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/15-meo-vat-giup-viec-bep-nuc-tro-nen-de-dang-hon-2…
Theo Hoàng Dung (Infonet)

Những “dũng sĩ” chống oxy hóa

Những “dũng sĩchống oxy hóa




Không chỉ giàu dinh dưỡng, những loại thực phẩm dưới đây còn cung cấp các chất chống oxy hóa tốt nhất cho cơ thể, giúp bạn tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa sự viêm nhiễm và quá trình lão hóa.

1. Bơ



Bơ được xem là một trong các loại trái cây mang lại lợi ích sức khỏe nhiều nhất. Trong trái bơ chứa lượng lớn các loại vitamin quan trọng như vitamin B6, C, E, K; axit folic, đồng, chất xơ và carotenoids. Bơ còn giàu  axit oleic, một chất béo đơn chưa no, có tác dụng làm giảm cholesterol và phòng chống được bệnh ung thư vú. Ngoài ra, ăn bơ cũng giúp điều chỉnh mức đường huyết, chống đột quỵ và bệnh tim vì đây là một nguồn cung cấp kali rất tốt. Thú vị hơn nữa là trong loại trái cây này còn chứa chất glutathione – một chất chống oxy hóa tuyệt vời của cơ thể góp phần trì hoãn quá trình lão hóa.


2. Các loại dâu



Nhờ vào lượng vitamin C dồi dào, các loại dâu có tác dụng kích thích sự liên kết mạnh mẽ của các tế bào và hệ miễn dịch. Mâm xôi, nam việt quất, hay dâu tây đều là những nguồn cung cấp flavanoids và những chất hóa học từ thực vật (như axit caffeic, axit ellagic, chlorogenic, carotenoids, lutein, anthocyanins) khá dồi dào, góp phần ngăn ngừa một số căn bệnh ung thư phổ biến và nhiều bệnh khác. Dâu còn chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp ngăn ngừa sự viêm nhiễm và sự căng thẳng do quá trình oxy hóa gây ra ở thành mạch máu.


3. Khoai lang



Trong khoai lang có chứa 2 chất chống oxy hóa mạnh, đó là vitamin A (beta-carotene) và vitamin C, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do để ngăn chặn những hóa chất này gây hại cho các tế bào trong cơ thể. Do lượng chất chống oxy hóa dồi dào nên khoai lang được xem là siêu thực phẩm giúp đánh bại sự viêm nhiễm có liên quan đến những căn bệnh như gout, viêm khớp hay suyễn. Ngoài ra, khoai lang còn chứa axit folic, sắt, đồng, mangan, axit pantothenic, chất xơ và vitamin B2, B6, E, biotin (B7). Những loại khoai càng sẫm màu thì lượng dưỡng chất càng cao.

Trên thực tế, khoai lang cũng là một “kho báu” chứa nhiều chất dinh dưỡng có ích cho những căn bệnh như trĩ, ung thư, loét bao tử. Bên cạnh khả năng giữ mức đường huyết ổn định, khoai lang còn là một thực phẩm lý tưởng và rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường.


4. Trái cây họ cam quít



Các loại trái cây họ cam, quít (cam, chanh, bưởi…) là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Vitamin này đóng vai trò quyết định trong việc hình thành collagen, một chất rất quan trọng đối với quá trình xây dựng sự chắc khỏe cho các bộ phận như xương, mạch máu, dây chằng, men răng, da và gân. Các loại trái này còn giàu phốt-pho, vitamin B2, B6, folate, kali, niacin, canxi, carbonhydrate, thiamine, magiê, đồng và các chất hóa học khác từ thực vật. Do đó, một chế độ ăn có nhiều trái cây họ cam, quít chính là những khẩu phần ít béo, ít natri, rất lý tưởng để ngăn ngừa các căn bệnh đục thủy tinh thể, thiếu máu, ung thư, khuyết tật ở ống thần kinh, các bệnh về tim và mạch máu.


5. Nho



Folate, vitamin A, B6, C, canxi, sắt, selen, kali, phốt-pho… là những chất dinh dưỡng điển hình có trong “kho tàng” dưỡng chất của trái nho, đặc biệt là những loại nho có vỏ màu đậm. Loại trái này nổi tiếng với hơn 20 loại chất chống oxy hóa. Một trong những chất chống oxy hóa mạnh nhất chính là flavonoids có thể giúp ngăn ngừa, làm giảm bớt sự tổn hại ở tế bào do sự hiện diện của các gốc tự do trong cơ thể. Giá trị dinh dưỡng của nho đóng vai trò then chốt để ngăn ngừa và làm giảm bớt nhiều bệnh như các bệnh về tim và mạch máu, chứng đau nửa đầu, táo bón, hen suyễn, khó tiêu, mệt mỏi, bệnh về thận, ung thư vú, bệnh thoái hóa điểm vàng, Alzheimer và bệnh đục nhân mắt.


6. Cà rốt



Với lượng dưỡng chất dồi dào, cà rốt cung cấp nhiều các vitamin A, B, C, D, E, G, K và sắt, niacin, phốt-pho, kali, canxi, vitamin B2 và chất xơ, rất có ích cho sức khỏe. Trong cà rốt có carotenoid, là chất chống oxy hóa cực kỳ tốt, giúp hạ thấp đường huyết và đánh bại các gốc tự do trong cơ thể.


7. Cà chua



Cà chua chứa lycopene, một chất chống oxy hóa có khả năng tiêu diệt sự hình thành những tế bào ung thư. Lycopene còn hoạt động như một chất trung hòa các gốc tự do vốn là nguyên nhân gây tổn hại cho các tế bào của cơ thể. Hàm lượng lycopene cao trong cà chua mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người trong việc ngăn ngừa bệnh tim và các căn bệnh ung thư như: ung thư trực tràng, bao tử, ruột, tuyến tiền liệt, cổ.


8. Rau bi-na



Rau bi-na là loại rau có lá màu xanh đậm, chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như folate, magiê, vitamin A, lutein, protein, vitamin C, beta-carotene, chất xơ, vitamin K, sắt và can-xi. Chất carotenoids có trong rau bi-na có thể giúp ngăn ngừa bệnh đục nhân mắt và bệnh thoái hóa điểm vàng.

Lưu ý:  Trong loại rau này có nhiều oxalat, chất có thể gây ra một số rắc rối cho sức khỏe, do đó không nên dùng rau bi-na quá nhiều trong một thời gian dài và liên tục.


9. Bông cải xanh



Bông cải xanh chính là “ngôi nhà” chứa đựng chất dinh dưỡng với rất nhiều beta-carotene, axit folic, lutein, glutathione, ma-giê, chất xơ, isothiocyanates, viatmin C và carotenoids. Đây cũng chính là loại rau đã nổi tiếng từ lâu vì lượng chất chống oxy hóa và các chất hóa học từ thực vật có công dụng phòng chống bệnh ung thư.


10. Dưa bở




Các tài liệu ghi nhận rằng chỉ cần 1/4 trái dưa bở đã có thể cung cấp lượng vitamin A và C đủ cho nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, dưa bở còn mang lại rất nhiều dưỡng chất quan trọng như kali, viatmin B6, chất xơ, thiamine, niacin, axit folic, beta-caortene và axit pantothenic (B5). Dùng nhiều loại trái cây khá ngon miệng này có thể giúp cơ thể bài tiết bớt lượng natri dư thừa, tăng cường hệ miễn dịch, chứng chuột rút ở các cơ, hạ thấp nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, những khuyết tật ở ống thần kinh và rất nhiều loại bệnh ung thư, cải thiện thị lực cũng như tăng cường sự tái tạo và duy trì các tế bào mới.







theo: Healthmad

MỘT MIẾNG và MỘT GÓI


MỘT  MIẾNG  và  MỘT  GÓI
Monday, July 27, 2020


Người Việt có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Điều đó cho thấy sự ăn uống không chỉ cần thiết và còn cấp bách, không thể trì hoãn. Thật vậy, với bản năng sinh tồn, người ta phải làm và dám làm mọi thứ: “Đói ăn vụng, túng làm liều.” Tại Việt Nam đã có những trường hợp đáng thương khi người ta phải lấy trộm hoặc giật lấy những thứ đơn giản như mấy ổ bánh mì, thế nhưng pháp luật lại kết án họ nhiều năm tù, còn những kẻ cướp công khai bạc tỷ thì lại lãnh án nhẹ hoặc tù treo. Thật là bất minh và bất công!
Ai đã từng phải khổ, phải cắn răng chịu cơn đói thì thấy rằng, lúc đó toàn thân phải gồng mình để chịu đựng, vừa toát mồ hôi vừa run lên. Cái “miếng” lúc này đáng giá hơn cái “gói” lắm. Xã hội văn minh, nhưng khắp nơi vẫn thấy nhiều người thiếu những thứ thiết yếu nhất!
Có chuyện kể – xảy ra thật tại Indonesia – về một “Phiên Tòa Lương Tâm” như sau…
Tại phòng xử án, thẩm phán trầm ngâm suy nghĩ trước lời cáo buộc của các công tố viên đối với một bà cụ phạm tội ăn cắp khoai mì (sắn) và phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà cụ: Gia đình rất nghèo khổ, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu suy dinh dưỡng vì đói khát. Nhưng ông chủ quản lý vườn khoai mì nói rằng bà ta phải bị xử nghiêm minh như những người khác.
Vị thẩm phán thở dài: “Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, vừa nhìn bà cụ đói khổ vừa nói: “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Tôi tuyên phạt bà phải bồi thường một triệu Rupiah cho chủ vườn. Nếu không có tiền bồi thường, bà phải ngồi tù hai năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước mắt, vì bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo? Vị thẩm phán nói tiếp: “Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một bà cụ ăn cắp mà lo cho đứa cháu đói khát và đứa con bệnh tật.” Nói xong, ông lấy mũ của mình đưa cho cô thư ký: “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.”
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm còn trả giúp một triệu Rupiah tiền bồi thường. Bà cụ run lên vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà. Tất cả mọi người đều mãn nguyện và mỉm cười hạnh phúc.
Có lẽ đó là phiên tòa xử nghiêm minh nhất và gây xúc động, bởi vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh mình. Cái nghèo của người khác cũng mang tính liên đới, có phần lỗi của mỗi chúng ta. Trong phiên tòa kia, vị thẩm phán đã không chỉ dùng LUẬT PHÁP mà còn dùng cả TRÁI TIM để phân xử.
Như chúng ta đã biết, ăn uống là “đệ nhất khoái” trong tứ khoái của con người, và là bài học đầu tiên người ta phải học trong cuộc đời: “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Thật là lạ lùng bởi vì trong kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối,” việc ăn uống cũng được coi là “mối thương” hàng đầu: “Thứ nhất: cho kẻ đói ăn, thứ hai: cho kẻ khát uống.” Rõ ràng việc ăn uống là việc không thể trì hoãn. Khi không còn thiếu thốn, người ta lại lo sao có thể “ăn no, mặc ấm,” rồi miệt mài cố gắng để có thể “ăn ngon, mặc đẹp.” Cả đời cứ phải “vượt qua” như thế.
Sống là đấu tranh, vì bản năng sinh tồn. Người ta có no cái bụng, không phải lo về những điều cơ bản nhất, rồi mới có thể lo những thứ khác – liên quan cả xác lẫn hồn. Quả thật, người ta rất thực tế: “Có thực mới vực được đạo.” Trong lúc đói, Thằng Bờm không cần bất cứ thứ gì khác, dù đó là những thứ sang trọng hoặc quý giá, mà chỉ cần “nắm xôi.” Thế thôi. Người Anh diễn tả đơn giản: “That’s all.” Vâng, chỉ có nắm xôi mới có thể giải quyết nhu cầu cấp bách của cái bụng lúc đó. Và đó là tất cả.
Vì miếng ăn – để sinh tồn, chiến tranh vẫn không ngừng xảy ra bằng nhiều cách. Biết được nhược điểm của con người như vậy, có những người ác tâm đã lợi dụng người nghèo đói để bắt họ làm theo mưu thâm kế độc của mình bằng cách cho họ ăn uống. Miếng ăn là quan trọng, nó có thể làm cho người ta vinh dự hoặc nhục nhã.
Vật chất hay tiền bạc cũng chỉ vì miếng ăn, có thể nói rằng quyền lợi cơ bản là... “miếng ăn.” Bất ngờ thấy ai cho mình cái gì thì cũng rất có thể họ muốn nhờ vả mình chuyện gì đó, chứ đâu dễ gì họ cho mình “ăn không.” Miếng ăn có điều kiện chứ không vô điều kiện hoặc miễn phí. Theo lẽ thường, nếu có cho ai cái gì thì người ta chỉ cho những thứ thừa, nghĩa là chỉ ở mức “bố thí” chứ chưa là “công bằng” chứ đừng nói chi “bác ái.” Quả thật, “chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.” (Mc 10:18; Lc 18:19) Kinh nghiệm sống đã và đang cho chúng ta biết rõ như vậy, càng rõ hơn trong xã hội coi trọng vật chất ngày nay – một dạng chủ nghĩa duy vật tinh vi.
Tất cả mọi người, không trừ ai, đều được Thiên Chúa nhân lành mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55:1) Cứ đến “mua” mà không phải trả tiền. Một dạng “mua bán” rất kỳ lạ, đó là “mua” bằng giá trị của niềm tin chân thành và tình mến thiết tha.
Ngày nay, với sự lây nhiễm virus sĩ diện hão, người ta “đánh giá” nhau bằng mức độ vật chất. Vì muốn chứng tỏ mình mà người ta có thể bỏ ra bạc triệu hoặc bạc tỷ để mua những thứ người ta “thích” (ra vẻ), dù ăn được hay không. Có những món ăn rất đắt, thuộc loại đắt nhất hành tinh. Ví dụ: Nấm trắng Alba của Ý có giá 160.406 USD/1,5 kg (khoảng 3,4 tỷ VNĐ), trứng cá muối Almas ở vùng biển Caspian có giá 25.000 USD/hộp (khoảng 530 triệu VNĐ), hoặc dưa lưới Yabari có giá 22.872 USD/quả (khoảng 486 triệu VNĐ), v.v... Các món đó chúng ta có mơ cũng không thể thấy. Cỡ “đại gia” hạng bình thường ở Việt Nam cũng sẵn sàng uống những chai rượu có giá vài triệu đồng, đám “cậu ấm, cô chiêu” ăn chơi mỗi đêm tốn vài ngàn USD. Người ta biện hộ rằng làm như vậy để “chơi” cho biết, “chơi” cho thiên hạ “lé mắt” vậy thôi. Dù gì thì cũng quá lãng phí quá. Chắc chắn chỉ có buôn ma túy hoặc cướp giật thì mới dám “chơi chảnh” như vậy!
Từ xa xưa, Thiên Chúa đã đặt vấn đề: “Sao lại PHÍ tiền bạc vào của không nuôi sống, TỐN công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55:2a) Lương thực chỉ nuôi sống phần xác chứ không thể nuôi sống linh hồn, thế mà người ta vẫn dám bỏ ra số tiền lớn để chỉ được thưởng thức cho khoái khẩu, cho ra vẻ ta đây. Điều đó cho thấy ăn uống là điều thú vị lắm, không khéo hóa mê ăn uống thì lại là tội. Người ta chỉ lo đói thể lý mà không sợ đói tinh thần, đặc biệt là đói linh hồn. Lạ thật, lạ vì người ta tự mâu thuẫn. Vậy là không khôn rồi!
Là Đấng giàu lòng thương xót và vốn dĩ nhân hậu, Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi: “Hãy chăm chú nghe Ta thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55:2b) Lời mời gọi đó không chỉ là lời mời gọi bình thường, mà còn mang tính mệnh lệnh và thực sự có lợi cho người được mời: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.” (Is 55:3) Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv 23:1)

Với ít nhiều kinh nghiệm sống, ai cũng có thể cảm nhận được Thiên Chúa quan phòng như thế nào. Thật vậy, Ngài rất hào phóng, luôn ban cho những điều tốt lành cả thể lý và tinh thần mà lại hoàn toàn miễn phí. Chúng ta lãnh nhận liên tiếp và nhận rất nhiều mà vẫn vô ơn, thế nhưng Ngài vẫn làm ngơ, bỏ qua, không hề chấp lách. Bởi vì bản chất của Ngài là tốt lành, yêu thương, thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Thật lạ, Ngài không chỉ nhân hậu với chúng ta, mà Ngài còn nhân hậu với mọi thụ tạo của Ngài, từ gã khổng lồ tới con vi trùng.
Chúng ta có thể nhận thấy qua kinh nghiệm cuộc sống. Có những lúc chúng ta chưa xin đã được – loại này nhiều lắm, hoặc xin và được rồi, nhưng chúng ta lại “phủi tay,” kiểu “qua cầu rút ván,” giống như chuyện “mười người phong hủi được sạch cả nhưng chỉ có một người Samari trở lại tạ ơn Chúa.” (Lc 17:11-18) Mặc dù vậy, Ngài vẫn không bỏ đói ai. Như vậy liệu có quá tệ chăng? Ước gì mỗi chúng ta biết kịp nhận thức như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài ĐÚNG BỮA CHO ĂN. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật MUÔN VÀN THOẢ THUÊ.” (Tv 145:15-16) Thiên Chúa toàn năng, không gì là không thể, đặc biệt là Ngài vô cùng đại lượng và nhân hậu, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa GẦN GŨI tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:17-18)
Trong đời thường, cái nghèo luôn đi đôi với cái khổ và cái khó – nghèo khổ hoặc nghèo khó, nhưng cái khổ chưa chắc là tại cái nghèo, vì có những người giàu mà vẫn khổ và khó. Cái nghèo và cái khổ có thể là MỐI PHÚC đối với người này, nhưng lại có thể là MỐI HỌA đối với kẻ khác. Có những người “đói ăn vụng, túng làm liều,” nhưng cũng có những kẻ “nhàn rỗi sinh nông nổi,” và vì nông nổi nên mới ra nông nỗi. Khổ, khổ thật! Thế nhưng người ta vẫn có đủ cách để tự biện hộ cho những hành vi sai trái của mình. Quả thật, phải thực sự tin mến Chúa thì mới không bị chao nghiêng trước nghịch cảnh. Để nhận biết mình ở mức độ nào trong hành trình tâm linh, chắc hẳn mỗi chúng ta phải tự trả lời thật lòng với câu hỏi của Thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8:35) Và chỉ có mình mới có thể xác định chứ không ai làm thay được.
Đúng là không dễ trả lời chút nào. Nhưng đừng vội hoang mang, đây là bí quyết của Thánh Phaolô có thể giúp chúng ta: “Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, KHÔNG CÓ GÌ tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:37-39) Đó là cách lo liệu cho cái đói của linh hồn. Ai sống kiên tâm được như vậy thì thật là đại phúc: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5:6)
Chúa Giêsu không muốn ai bị đói – dù thể lý hoặc tinh thần, chỉ muốn chúng ta được sống và sống dồi dào. (Ga 10:10) Trình thuật Mt 14:13-21 (Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14) kể lại phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất. Đó là “lòng trắc ẩn” của Chúa Giêsu dành cho đám đông – những người say mê lắng nghe lời giáo huấn của Ngài. Họ no nê cả thể lý và tâm linh.
Thời gian đó, khi biết tin ông Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê ra lệnh chém đầu vì vua lỡ “hứa dại” với con gái của mụ Hêrôđia, Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó và đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành nườm nượp kéo nhau đi theo Ngài. Khi ra khỏi thuyền, Ngài trông thấy họ thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ. Tình yêu thương không thể trì hoãn.
Chiều buông, nắng nhạt. Hoàng hôn vàng võ dần dần hóa thành đêm đen, cái bụng mọi người bắt đầu đánh lô-tô. Đã đến lúc cần ăn tối. Có lẽ các môn đệ cũng thấy “bụng reo” rồi, thế nên họ lại gần thưa với Sư Phụ: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Nhưng Ngài thản nhiên bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Ôi chao, thế thì “căng” thật! Có lẽ lúc này nhìn các ông “tội nghiệp” lắm. Họ nhìn nhau, vừa gãi đầu vừa nói: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Mèn ơi, đó là đồ ăn thằng nhỏ mang đi phòng thân, mà có nhiêu đó thì thấm gì với đám đông như kiến như cỏ thế kia? Chúa Giêsu biết việc gì cần làm ngay.
Chúa Giêsu ôn tồn: “Đem lại đây cho Thầy!” Rồi Ngài truyền cho dân chúng “ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.” Sau đó, Ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho môn đệ rồi Ngài bảo họ phân phát cho đám đông. Cứu đói là một cách thể hiện lòng thương xót cụ thể.

Sau đó thế nào? Thánh sử Mátthêu cho biết chi tiết: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.” Môt bài toán kỳ lạ: 5 + 2 không là 7 mà là rất nhiều, vô số, tới mức dư thừa.
Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này để nuôi sống phần xác cho dân chúng, còn phép lạ vĩ đại nhất và quan trọng nhất được Chúa Giêsu thực hiện để nuôi sống phần hồn chúng ta là Phép lạ Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể vừa là thần lương vừa là thần dược. Phép lạ vĩ đại này hằng ngày vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, thế nhưng người ta lại thích đua nhau đi tìm các “sự lạ” khác ở nơi này hoặc chỗ nọ. Thật là mâu thuẫn, vậy mà vẫn nói rằng “tôi tin.” Đức Tin như vậy có cần “xét lại” chăng?
Hãy nghe Thánh Thomas More (1478-1535, luật sư, triết gia và chính khách người Anh) chia sẻ kinh nghiệm về Thánh Thể: “Nếu tôi xao lãng, việc hiệp lễ sẽ giúp tôi tịnh tâm trở lại. Nếu hằng ngày có những dịp xảy đến xúi giục tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, tôi sẽ tự trang bị cho cuộc chiến mỗi ngày bằng việc lãnh nhận Thánh Thể. Nếu tôi đặc biệt cần đến ánh sáng và sự khôn ngoan để thực thi các phận sự nặng nề của tôi, tôi sẽ đến bên Đấng Cứu Độ, mong tìm được lời khuyên và ánh sáng của Người.”

Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Ngài luôn quan phòng và tiền định những điều tốt lành nhất để chúng con được sống dồi dào trong sự sống của Ngài. Xin giúp chúng con luôn biết chia sẻ chính tấm-bánh-cuộc-đời của chúng con cho mọi người, bất kể đó là ai. Xin giúp chúng con biết thể hiện lòng thương xót đúng Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Những bộ phận hải sản có thể chứa độc tố bạn không nên ăn


Những  bộ  phận  hải  sản  có  thể  chứa  độc  tố  bạn  không  nên  ăn
Thứ bảy, 2/3/2019-vnexpress.net

Đầu và vỏ tôm, ruột ốc, mang cua, lớp màng bao quanh sò... chứa nhiều độc tố, nguy cơ nhiễm khuẩn cao khi ăn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn nhiều hải sản hơn thịt. Hải sản giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit béo omega-3, axit eicosapentaenoic (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA). Tuy nhiên, không phải tất cả bộ phận của hải sản đều ăn được, mà trong mỗi loài đều có những bộ phận không nên ăn.

Dưới đây là những bộ phận của hải sản ăn không tốt cho sức khỏe:

Những bộ phận của tôm không nên ăn

Đầu tôm: Đây là nơi chứa bộ phận nội tạng tôm như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp, do đó tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng. Đây cũng là bộ phận bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết. Vì vậy, đầu tôm có nguy cơ nhiễm khuẩn, độc chất cao nếu chưa được nấu chín, không nên ăn.

Đầu tôm và vỏ tôm là hai bộ phận không nên ăn.

Vỏ tôm: Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa, cho biết tôm giàu chất dinh dưỡng và giàu canxi, tuy nhiên vỏ lại không hề chứa canxi. Nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng, còn vỏ tôm chỉ có chất kittin (một dạng polymer) tạo nên vỏ của loài giáp xác. Chất này ăn vào khó tiêu hóa, vì vậy nên hạn chế ăn.

Những bộ phận của cua không nên ăn

Mang cua: Bộ phận này nằm dưới mai cua, có hình dáng khá giống những chiếc răng lược và mềm. Khi cua lên cạn, một lượng nước được lưu trữ trong mang giúp cua tiếp tục hô hấp và duy trì sự sống trong thời gian dài. Do đó, những chất bẩn và vi khuẩn trong nước có thể bám lại ở mang cua, nguy hiểm tới sức khỏe khi ăn.

Ruột cua: Trong ruột cua có chứa chất thải và độc tố, do đó tốt nhất không nên ăn bộ phận này.

Dạ dày cua: Phần này chính là túi xương nhỏ màu vàng hình tam giác nằm trong thân cua. Khi ăn nên nhẹ nhàng loại bỏ bộ phận này, tránh bị vỡ vì trong dạ dày cua có chứa nhiều cát bẩn.

Không nên ăn ruột cá, mật cá

Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ruột cá là bộ phận bẩn nhất, bởi cá sống dưới nước rất dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước. Đặc biệt, cá là loài ăn tạp chất. Những thức ăn này đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Ngoài ra, ruột cá dễ nhiễm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun và giun xoắn.


Ruột là bộ phận bẩn nhất của con cá.

Mật cá là nơi cung cấp các men, enzim, đồng thời cũng chứa rất nhiều độc tố. Ăn mật cá con người có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí tử vong.

Những bộ phận của ốc không nên ăn

Ruột ốc: Bộ phận này nằm ở đuôi ốc, ở vòng xoay nhỏ nhất, chứa nhiều chất bẩn, không nên ăn.

Não ốc: Đây là phần nằm ở đầu của con ốc có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn số lượng nhiều. Trước khi nấu, bạn cần sơ chế sạch bằng cách ngâm ốc trong nước sạch nhiều lần. Tránh ăn những loại ốc lạ để tránh ngộ độc.

Những bộ phận của sò điệp không nên ăn

Khi ăn bạn cần loại bỏ lớp màng mỏng bao quanh thịt sò, bởi đây là bộ phận chứa nhiều cát bẩn nhất của sò điệp. Ngoài ra, nên bỏ phần bao tử màu đen, đây chính là nội tạng của sò điệp.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên thận trọng khi ăn hải sản lạ, tránh các loại có thể chứa chất độc như bạch tuộc vong xanh, sam biển, sao biển... Cẩn trọng khi cho trẻ ăn hải sản. Không ăn hải sản đã để lâu, hạn chế ăn khi chưa được nấu chín kỹ.

Thúy Quỳnh

Trump và Biden đều cố gắng giành phiếu của Công Giáo


Trump  và  Biden  đều  cố  gắng  giành  phiếu  của  Công  Giáo
Vũ Văn An-29/Jul/2020



Chỉ còn hơn ba tháng nữa là đến ngày bầu cử 3 tháng 11, các chiến dịch của Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thu hút cử tri Công Giáo, một khối cử tri trước đây vốn đáng tin cậy của Đảng Dân chủ nhưng gần đây đã được thả nổi để ai muốn nắm cũng được. Các chiến dịch và những người đại diện của họ nói rằng sự lựa chọn khá rõ nét, mỗi bên đều làm nổi bật các vấn đề được họ tin sẽ thu hút các loại cử tri Công Giáo của họ: những người được động viên chủ yếu bởi chủ đề phá thai và những người nhìn thấy trong bốn năm qua việc bỏ rơi những người bị hắt hủi nhất của xã hội.

Ông Biden thường xuyên đề cập tới đức tin của mình khi nói chuyện với cử tri, nhất là trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang. Chiến dịch của ông cho đến nay đã ve vãn các cử tri được động viên bởi đức tin của họ bằng cách chèn ngôn ngữ “giá trị” vào các bài nói chuyện nhằm vào đoàn ngũ những người có truyền thống ủng hộ Đảng dân chủ, như phụ nữ, người nói tiếng Tây Ban Nha và đồng tính luyến ái cùng thay đổi phái tính. Chiến dịch của Ông Biden cũng có kế hoạch công bố một nhóm người Công Giáo nổi tiếng tán thành cựu phó tổng thống vào cuối mùa hè này. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Ông đã phát động chiến dịch trực tuyến “Các Tín Hữu Bầu Cho Biden”, bao gồm các cuộc trò chuyện ảo với nhân viên chiến dịch và các buổi cầu nguyện và suy niệm hàng tuần.

Chiến dịch Biden gần đây đã thuê một giám đốc kết nối đức tin, đặc biệt nhắm các cử tri Do Thái giáo, Hồi giáo và cả các cử tri Tin Lành có khuynh hướng Cộng Hòa, nhưng họ đang tìm cách để toàn bộ sứ điệp của ông Biden thấm nhiễm ngôn ngữ đức tin và các giá trị. Thí dụ, một quảng cáo cho chiến dịch Biden đã đăng hình một linh mục đang đứng trong một căn phòng bệnh viện. Đặc biệt đối với các cử tri Công Giáo, John McCarthy, một nhân viên của chiến dịch Biden, cho biết câu chuyện bản thân của ông Biden, cũng như chủ đề của chiến dịch, sẽ nói trực tiếp với các cử tri có đức tin.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tạp chí America, Ông McCarthy nói “Cốt lõi của đạo Công Giáo là sứ điệp dạy rằng chúng ta phải lưu tâm đến người lân cận. Khi chúng ta đang hướng về cuộc tổng tuyển cử, nước Mỹ phải trả lời câu hỏi chúng ta là ai. Đối với người Công Giáo, và đối với các cử tri có đức tin, câu hỏi đặt ra là chúng ta có lưu tâm đến nhau, có coi người khác như chính chúng ta hay không? Nếu họ hỏi câu hỏi ấy, các cử tri này cuối cùng sẽ đứng cùng chiến tuyến với Phó Tổng thống Biden, người suốt đời dấn thân cho các vấn đề cốt lõi của Giáo huấn Xã hội Công Giáo”.

Michael Wear, người làm việc trong chiến dịch kết nối đức tin cho cựu Tổng thống Barack Obama, đã chỉ trích các nỗ lực của đảng Dân chủ trong việc bắt tay với các cử tri có đức tin, đặc biệt trong cuộc bầu cử năm 2016. Năm 2008, ứng cử viên Barack Obama khi đó đã công bố một Hội đồng Cố vấn Công Giáo Quốc gia vào tháng 4 nhưng năm 2016, chiến dịch của Hillary Clinton đã không tổ chức một nhóm lãnh đạo Công Giáo. Ông Wear cho biết ông thấy có dấu hiệu cho thấy chiến dịch Biden đang coi trọng hơn việc kết nối đức tin này.

Ông Wear nói rằng “Điều quan trọng nhất cần phải có là lời mời rõ ràng gửi đến các cử tri tôn giáo, cho họ hay Joe Biden muốn lá phiếu của họ. Điều này cần phải rõ ràng. Phó tổng thống không cần thường xuyên tổ chức các biến cố đức tin, nhưng điều mà chúng ta mong có là một hoặc hai biến cố chủ chốt trong đó đức tin chiếm vị trí trung tâm”...

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của Ông Trump đã hồi sinh chiến dịch Người Công Giáo Bầu cho Trump, một chiến dịch khởi đầu hơi trục trặc vào đầu năm nay. Chiến dịch đã cho công bố một cuốn video hồi tháng Năm, gồm những cuộc đàm thoại với một số thành viên của nhóm, bao gồm cả chuyên gia chính trị Mary Matalin và các nhà hoạt động bảo thủ Matt và Mercedes Schlapp, sau khi một vụ phát động trực tiếp bị hủy bỏ hồi tháng 3 vì đại dịch. Biến cố này, giả thiết được tổ chức tại Wisconsin, đã bị ít nhất một giám mục Công Giáo chỉ trích; vị này không muốn Giáo Hội định chế liên lụy đến cuộc tụ tập.

Một thành viên khác của Người Công Giáo Bầu cho Trump, người có tham dự biến cố trên YouTube, nói rằng bà ủng hộ việc tái cử của tổng thống vì quan điểm của ông về phá thai, một vấn đề theo bà “cho thấy trái tim và tâm hồn của một ứng cử viên và là một lộ trình dẫn đến các chủ trương khác của họ”.

Kristan Hawkins, người lãnh đạo phong trào Sinh viên Phò sinh, viết trong một email gửi tạp chí America “Giống mọi cử tri, người Công Giáo có nhiều quan tâm về một số vấn đề và đặc biệt các vấn đề có ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, trước tiên mọi người cần được chào đời. Không có điều này, tất cả các cuộc trò chuyện khác đều vô nghĩa đối với những người bị vứt bỏ trước khi họ có cơ hội sống”.

Một số nhóm chính trị Công Giáo và nhân vật truyền thông không liên hệ chính thức với chiến dịch này cũng đã lên tiếng ủng hộ tổng thống. Tổ chức Catholic Vote có trụ sở tại Michigan đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và thư từ trực tiếp để đưa ra quan điểm cho rằng ông Trump tốt đối với các cử tri Công Giáo, nhấn mạnh việc chống đối phá thai của ông. Raymond Arroyo, một người dẫn chương trình trò chuyện của kênh truyền hình Công Giáo có ảnh hưởng là EWTN, đã phỏng vấn ông Trump vào tháng 6, đùa dỡn với ông Trump và khen ngợi quy mô đám đông biểu tình ủng hộ ông. Ông Arroyo cũng là người đóng góp cho Fox News, nơi ông thường xuyên đặt nghi vấn về việc ông Biden thích đáng trở thành tổng thống.

Theo phân tích gần đây của Frank Newport, một nhà khoa học chính trị tại Gallup, người Công Giáo chiếm khoảng 23 phần trăm cử tri. Nhưng ông Newport lưu ý rằng việc chỉ là thành viên của cùng một đức tin có thể không mang lại lợi thế cho ông Biden, vì “thiếu bằng chứng cho thấy người Công Giáo, bằng bất cứ cách nào, bỏ phiếu như một khối hoặc tôn giáo của họ làm họ khác với mọi cử tri khác”. Người Công Giáo phản ảnh gần y hệt sự phân cực rõ nét tìm thấy nơi dân số Hoa Kỳ nói chung. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Công Giáo ít nhiều chia rẽ khi nói đến hai ứng cử viên, mặc dù như năm 2016, sự chia rẽ rõ ràng là giữa người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, những người vốn chủ yếu ủng hộ ông Biden, và người Công Giáo da trắng với đa số có kế hoạch ủng hộ tổng thống.

Lịch sử riêng của ông Trump với các nhà lãnh đạo Công Giáo hơi phức tạp. Trong nhiều năm qua, ông đã có một vài chuyến viếng thăm Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, người đầu mùa xuân này đã ca ngợi sự lãnh đạo của tổng thống trong một cuộc điện đàm kiểu tranh cử giữa một số nhà lãnh đạo trường Công Giáo và Nhà Trắng, và sau đó một lần nữa trong cuộc xuất hiện trên Fox News.

Nhưng tổng thống cũng đã nhận được sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo Công Giáo, kể cả của Đức Giáo Hoàng, người đã mặc nhiên chỉ trích quan điểm cứng rắn của ông Trump về vấn đề nhập cư. Trong cao điểm các cuộc biểu tình đòi công lý chủng tộc vào đầu mùa hè này, tổng thống đã bị tổng giám mục Washington, D.C., Wilton Gregory, lên án từ vì đã chính trị hóa đức tin tôn giáo.

Tổng thống cũng đã ca ngợi sự ủng hộ của một vị tổng giám mục gây tranh cãi người Ý, người đã kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức; điều này đã khiến một số nhà bình luận Công Giáo đặt nghi vấn về việc liệu tổng thống có hiểu thấu các cử tri Công Giáo hay không.

David Gibson, người lãnh đạo Trung tâm Tôn giáo và Văn hóa của Đại học Fordham, nói với The Tablet hồi tháng trước “Ông Trump đang ở trên địa thế nguy hiểm với người Công Giáo da trắng. Những người Công Giáo ủng hộ ông có thể không yêu mến Đức Phanxicô, nhưng nếu họ thấy tổng thống [có vẻ như đang tấn công] Đức Giáo Hoàng thì chắc họ không vui”.

Một số nhóm Công Giáo tin rằng ông Biden có thể tìm được đường len lỏi vào các cử tri Công Giáo đang ngày càng e dè đối với phong cách của ông Trump, hy vọng rằng các cử tri này sẽ xem xét tính toàn bộ của giáo huấn xã hội Công Giáo khi đưa ra quyết định sẽ ủng hộ ứng cử viên nào.

Simone Campbell, một Nữ Tu Phục vụ Xã hội, đang điều hành Mạng lưới Vận động Công bằng Xã hội. Bà nói rằng bà thường xuyên nhận được các điện thư của những người Công Giáo “lo âu” trước ý tưởng bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai nhưng lại cảm thấy bị ông Trump làm cho mất hứng.

Nữ tu Campbell nói rằng “đây là đạo đức học nhất quán về sự sống”. Nhóm của bà có kế hoạch công bố bảng điểm cho hai ứng cử viên vào cuối mùa hè này, chấm điểm họ về các vấn đề mà theo bà cũng quan trọng không kém đối với cả chính nghĩa phò sinh lẫn phá thai, như biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe và quyền của người lao động.

Nữ tu Campbell nói rằng “Donald Trump đã làm mọi cách để hạ nhục và làm tổn thương người nhập cư, và làm tổn thương trẻ em nhân danh Thiên Chúa. Ông đã làm mọi điều có thể quan niệm được để làm giảm tiền lương và phẩm giá của người lao động”; bà nói thêm: mối quan tâm đối với người dễ bị tổn thương “có trong máu của Joe Biden”.

Tuy nhiên, một vấn đề chắc chắn sẽ ám ảnh ông Biden khi ông tìm kiếm phiếu bầu Công Giáo là phá thai. Năm ngoái, một linh mục ở Nam Carolina nói rằng ngài đã không cho ông Biden rước lễ vì ông ủng hộ quyền phá thai; điều này có lẽ báo hiệu việc trở lại với “cuộc chiến rước lễ” năm 2004, khi John Kerry, một ứng cử viên tổng thống Công Giáo của Đảng Dân chủ, phải đối đầu vụ đề kháng tương tự từ một số nhà lãnh đạo Giáo Hội. (Năm ngoái, Đức Hồng Y Dolan nói ngài sẽ không bác bỏ việc Ông Biden rước lễ).

Trong khi vốn đã ủng hộ việc phá thai hợp pháp hóa, thì gần đây cựu phó tổng thống còn thay đổi quan điểm đối với Tu Chính Án Hyde nữa, một chính sách trước đây vốn được cả hai đảng ủng hộ nhằm ngăn cản việc lấy tiền dân đóng thuế tài trợ cho các vụ phá thai. Ông bảo nay ông chống lại chính sách đó.

Chiến dịch tranh cử của Ông Trump thường xuyên nêu bật việc ông phản đối phá thai như là lý do tại sao ông xứng đáng nhận được sự ủng hộ của người Công Giáo và người Thệ Phản Phúc âm. Người đứng đầu gây tranh cãi của phong trào Linh mục Phò Sự sống, Cha Frank Pavone, đã ủng hộ ông Trump năm 2016 và một lần nữa trong thời gian này. Ngài đã từng làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Ông Trump, nhưng gần đây đã từ chức, vì các linh mục thường không được khuyến khích hoạt động chính trị đảng phái. Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 27 tháng 7, ngài nói, “tôi kêu gọi mọi đồng bào của tôi, những người ủng hộ các nguyên tắc phò sinh và bảo thủ gạt sang một bên, bao nhiêu có thể, mọi sinh hoạt khác và biến thành ưu tiên hàng đầu của họ, như tôi sẽ làm, việc tái bầu Tổng thống Trump, việc dành cho ông một Hạ viện và một Thượng viện Cộng hòa, và việc bầu những người Cộng hòa ở cấp tiểu bang và địa phương”.

Một số đảng viên Dân chủ đang thúc giục đảng của họ làm dịu lập trường của mình về phá thai để gửi tín hiệu cho cử tri phò sinh rằng họ là một khối cử tri quan trọng. Nhóm Dân chủ Phò sinh của Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới các viên chức của Đảng Dân chủ vào ngày 24 tháng 7, yêu cầu họ “đưa ra các chính sách nhằm bảo vệ cả phụ nữ lẫn trẻ em” khi họ soạn thảo cương lĩnh của họ, với hy vọng một số cử tri phò sinh bị ông Trump làm phiền có thể thoải mái hơn khi bỏ phiếu cho ông Biden.

Đối với việc tạo ra những biến cố tranh cử để chứng tỏ tầm quan trọng của đức tin, như chiến lược gia Dân chủ, ông Wear, vốn gợi ý như là điều rất quan trọng đối với chiến dịch Biden, nhiều khả thể từ nay đến ngày 3 tháng 11 vẫn còn đó, nhưng ít nhất một khả thể đã trở thành nạn nhân của đại dịch đang tiếp diễn.

Thực thế, hôm thứ Hai, Đại học Notre Dame tuyên bố họ sẽ không tổ chức cuộc tranh luận tổng thống đã được lên kế hoạch vào ngày 29 tháng 9, với lý do lo ngại về an toàn do coronavirus gây ra. Điều này khiến ông Biden không có dịp nói về đức tin của mình tại một trong những khuôn viên đại học Công Giáo nổi tiếng nhất quốc gia.

Nguyên bản: How Trump and Biden are courting Catholic voters (
https://www.americamagazine.org/politics-society/2020/07/28/trump-biden-catholic-vote? )

Aug 2, 2020 - Chúa nhật 18 thường niên năm A


Aug  2,  2020 - Chúa  nhật  18  thường  niên  năm  A
"Họ  chẳng  cần  phải  đi, các  con  hãy  cho  họ  ăn".





Các Bạn thân mến,

Đúng rồi, năm chiếc bánh và hai con cá thì thấm gì cho bao nhiêu ngàn người ăn! Thế mà Đức Giesu lại bảo: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Thật là kinh hoàng đến không tưởng! Thế mà vâng lời Thầy, các môn đệ phân phát cho dân chúng và thấy bánh và cá cứ được nhân lên, nhân lên mãi, không phải bằng cấp số nhân, mà là cấp số cuả tình thương, nhanh và nhiều vô số kể!

Tin Mừng cho biết khi thánh Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê bỏ tù thì Đức Giêsu đã lánh sang miền Galilê. Giờ đây, khi nghe tin thánh Gioan bị vua Hêrôđê chém đầu,  thì Đức Giêsu lại lánh khỏi nơi ấy, lên thuyền đi đến một chỗ hoang vắng riêng biêt, vì chưa đến giờ của Ngài nên Ngài muốn tránh những gì có thể gây rắc rối cho sứ vụ của Ngài, cũng có thể để thầy trò có những giờ phút nghỉ ngơi ở riêng bên nhau, tránh sự quấy rầy của dân chúng.

Nhưng dân chúng đã thường xuyên đi theo Ngài, đã được nghe Lời của Ngài, được Ngài chữa mọi bệnh tật, nên họ luôn muốn nghe ngóng, tìm kiếm để không bỏ lỡ cơ hội được gặp Ngài. Lần này thì họ vất vả hơn, vì đã đi theo Ngài cả một ngày đường mà không có gì ăn uống. Trước cảnh ấy, Đức Giesu chạnh lòng thương đòan người đông đảo lẽo đẽo đi theo Ngài. Trong khi Ngài đã cố tình tránh đám đông để tìm đến nơi hoang vắng riêng biệt mà nghỉ ngơi. Dù vậy Ngài đã không phụ lòng họ, đã chữa lành bệnh tật và còn chỉ với hai con cá và năm cái bánh, Ngài đã cho họ ăn no nê trước khi họ phải di một đọan đường xa để trở về nhà.

Ðó là nội dung của đoạn Tin Mừng hôm nay. Còn cho biết một điều quan trọng hơn, là dù chỉ là một cá nhân nhỏ bé, cũng vẫn quan trọng, vẫn đáng kể. Và nếu chúng ta chia sẻ điều mình có với Đức Giêsu thì Ngài có thể làm cho điều ấy sinh hoa kết trái vựơt quá mộng tưởng lớn lao nhất của chúng ta.

Nếu chúng ta dâng cho Ngài tài năng và tặng vật của mình để tuỳ Ngài sử dụng thì Ngài có thể dùng chúng ta làm nên những phép lạ lớn lao hữu ích cho nhiều người.

Phép lạ Thánh Mattheu thuật lại hôm nay là một trong những phép lạ lớn lao, nói lên được nhiều điều:

 1.    Lòng thương xót của Chúa:

-" Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ."

-     Đó là một điều lạ lùng, vì Ngài không bực mình bởi bị phiền hà, mà còn động lòng thương xót!

-     Ngài đã muốn tránh mọi người, đi tìm nơi yên tĩnh thì lại đụng đầu với một đám đông nóng lòng chờ đợi những điều Ngài ban cho họ.

-    Điều đó chứng tỏ lòng thương xót bao la của Chúa, ngay cả những lúc Ngài muốn nghỉ ngơi, Ngài cũng vẫn quan tâm đến nhu cầu của con người.

-    Noi gương Ngài, chúng ta cũng không nên qúa bận rộn lo lắng những chuyện thế gian đến nỗi không còn chút thời gian nào cho người thân, người khác, việc khác, và cũng đừng nên coi anh em là những người gây phiền hà rắc rối cho mình.

-      Cũng không nên qúa chú trọng đến hình thức, nghi lễ, mà cầu kỳ…

-      Nếu không, chúng ta sẽ mất rất nhiều bạn tốt, và thêm nhiều người bất mãn, ngăn chặn công việc hay chống lại chúng ta…mà mất cơ hội cho Chúa.

 2.    Mọi ân ban đều từ Thiên Chúa:

-     Trong câu truyện này chúng ta thấy Đức Giesu đã làm chứng rằng tất cả mọi ân huệ đều đến từ Thiên Chúa.

-      Tổ tiên người Do Thái đã được ăn mana trong sa mạc, nên họ ý thức rõ rằng Thiên Chúa ban bánh hằng ngày cho họ. Nên thường luôn luôn tạ ơn về những bữa ăn, cách đơn giản.

-      Trong Tin Mừng cũng thấy trước khi làm bất kỳ việc gì: cầu nguyện, chữa bệnh tật, hay ăn uống... Đức Giesu đều ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa Cha.

-      Noi gương Ngài, chúng ta cũng hãy luôn biết cảm tạ Thiên Chúa trong mọi chuyện, đặc biệt trước các bữa ăn, và dạy cho con trẻ cũng biết làm và giữ thói quen biết ơn cần thiết này.

-      Dụ ngôn này một lần nữa Đức Giesu bầy tỏ rằng đây là ân ban của Thiên Chúa mà Ngài đem đến cho đám đông người được ăn no nê, vui vẻ thỏa mãn, với chỉ hai con cá và năm cái bánh.

-      Hiển nhiên ngày nay cũng còn rất nhiều người đói cơm đói bánh đang chờ đợi để được ăn.

-     Và còn nhiều thứ bánh mà ai cũng cần, đó là loại bánh tinh thần, bánh tình cảm, bánh công lý, bánh yêu thương, bánh cảm thông tha thứ, bánh phục vụ...

-     Vậy ai sẽ ban những thứ bánh đó cho họ? Ai sẽ trao những thứ bánh đó cho họ?

-     Chắc chắn thế gian không thể có những thứ bánh ấy. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn mọi thứ bánh con người cần.

-     Vậy chúng ta hãy làm trung gian cho Thiên Chúa, để những người đói khát có thể được no nê, với quyết tâm sẽ trao bánh tinh thần, là những gì cụ thể cho người sống bên cạnh, như một nụ cười, một lời khen thành thật, một sự giúp đỡ tận tình, một manh áo, một tấm bánh và còn những gì họ cần, những gì mình có thể…

-    Đừng ngại khi chúng ta phải hy sinh nhiều, dám bẻ đôi, bẻ ba, bẻ bốn những gì  chúng ta có, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ tiếp tục gíup chúng ta bẻ nhiều, bẻ mài mà không bao giờ hao hụt, không bao giờ hết những gì chúng ta có, để chung quanh chúng ta sẽ không còn người đói khát, nhưng tất cả sẽ được no đầy của ăn vật chất, của ăn thiêng liêng, tinh thần, tình cảm, là sự bình an, vui tươi, hạnh phúc và niềm hy vọng được Chúa ở cùng.

3.    Vị trí của các môn đệ:

-     Phép lạ này còn nói lên rất rõ ràng vị trí, vai trò và cả sự quan tâm của các môn đệ trong công việc của Đấng Cứu Thế.

-     Các môn đệ đã biết nghĩ đến nhu cầu của đám đông đang cần được ăn uống, nhưng các ông lại bất lực trước nhu cầu lớn lao đó, nên đề nghị Đức Giêsu giải tán họ để ai nấy tự lo lương thực cho mình.

-     Nhưng không, Đức Giesu đã làm cho cá và bánh hóa nhiều, và Ngài đã trao lại cá, bánh ấy cho các môn đệ, để các ông phân phát cho đám đông ăn.

-     Rõ ràng Đức Giesu đã dùng các môn đệ làm trung gian, để những tấm bánh từ tay Ngài đã bẻ ra, được trao đi, nhân ra nhiều khi nó được chia sẻ từ người này sang người khác…

-     Ngày nay, Ngài vẫn muốn như vậy, vẫn cần những người nhiệt tình và quảng đại, dám trao cho Ngài những gì mình đang có, rồi trao đi những gì họ đã được nhận từ Ngài.

-     Đây là điều làm chúng ta phải mãi mãi đối diện với sự thật trung tâm ấy của Thiên Chúa, của Giáo Hội.

-     Thật vậy, Thiên Chúa cần những con người để Ngài có thể hoạt động qua họ, nói qua họ, dạy qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài đến với thế gian.

-     Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy Thiên Chúa được bầy tỏ rất nhiều qua đời sống của con người, các chứng nhân, đặc biệt là gương các vị Thánh.

-     Không chỉ bày tỏ cho con người về giáo huấn, lời nói, hành động, quyền năng, mà còn cả các mầu nhiệm của Thiên Chúa nữa.

-     Đúng thế, chính những hành động, cách sống của những người Thiên Chúa dùng làm trung gian ấy mới giúp chúng ta hiểu biết dễ dàng về những gì Ngài muốn bầy tỏ cho nhân loại.

-     Qua đó chúng ta cũng có thể hiểu được sự hy sinh, sự kính yêu Thiên Chúa cũng như lý giải được các việc làm mà người đời thường cho là dại dột, ngốc nghếch khi các thánh, các vĩ nhân lúc còn sống đã dâng mọi sự cho Thiên Chúa rồi chỉ biết làm việc cho Ngài, không còn màng gì đến cá nhân mình nữa.

-     Vì thế Thiên Chúa đã không ngừng kêu mời mọi người, riêng các Kito hữu, hãy làm những việc đó cho Ngài.

-     Vì công tác truyền đạt cho người khác là một công tác trọng đại, cần thiết, yêu cầu chúng ta dâng tất cả những gì mình có cho Thiên Chúa, nhưng Ngài không đòi hỏi tài năng, tiền bạc, phẩm chất và số lượng…vì như trong câu chuyện hôm nay, các môn đệ chỉ đưa cho Ngài hai con cá và năm cái bánh, nhưng Ngài đã biến số nhỏ nhoi đó thành khổng lồ để có thể cho nhiều ngàn người ăn no nê.

-     Việc làm của Ngài như bảo chúng ta rằng: "Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo hèn. Hãy mang đến cho Ta điều gì ngươi có, dù nó ít ỏi. Ta sẽ xử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta.”

-     Bởi trong tay Thiên Chúa, ít cũng có thể thành nhiều, và không cũng có thể thành có.

 4.   Những mẩu bánh dư:       

-      Thánh Mattheu gi lại rõ ràng:"Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai gỉo đầy."

-      Hẳn không phải tự nhiên mà thánh Mattheu ghi rõ người ta thu lại những bánh còn dư thừa.

-      Mà muốn nói rõ, trong phép lạ đám đông dân chúng được ăn no nê, một cách dư dật, nhưng họ không được phép phung phí.

-      Tấm lòng Thiên Chúa rộng lượng, nhưng xử dụng bừa bãi, phung phí là điều không phải.

-      Bởi bây giờ, chúng ta có thể có dư thừa cái này cái kia, nhưng ngày mai tình trạng ấy có thể không còn.

-      Hơn nữa, dù là một mẩu bánh, một miếng cá vụn, cũng là đồ ăn do chính bàn tay Chúa làm ra cho chúng ta được no nê. Chúng ta không được phép coi thường.

-      Đây là một bài học khó thực hiện đối với con người của xã hội hiện đại hôm nay, đặc biệt với những người giầu có, những người có công ăn việc làm ổn định, những người được sống trong một xã hội đầy đủ lương thực thực phẩm như ở các nước tân tiến, như nước Mỹ.

-     Tuy nhiên ở mọi nơi mọi chỗ, cũng như chính nước Mỹ giầu mạnh vẫn còn rất nhiều người phải đi xin ăn nơi các cơ quan xã hội, nơi các cơ sở thương mại hoặc nơi hè phố. Có người còn cúi xuống thùng rác vệ đường, tìm bới đồ ăn, ăn ngay tại chỗ, hay để tìm giải quyết những cơn đói khác …

-     Thế nên những người "homeless" thì có lẽ ở đâu cũng có, càng những nơi giầu có văn minh thịnh vượng thì lại càng nhiều phải không các bạn?

-     Chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa cho Nước của Ngài mau trị đến, để có thể giải quyết tất cả nhé!


Lạy Chúa, chúng con đang sống giữa một thế giới không chỉ chạy theo tiện nghi, lương thực thực phẩm cao cấp, mới lạ, mà còn muốn làm thỏa mãn những nhu cầu đói khát về tinh thần, tình cảm của con người, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều người đói rách, bị trà đạp, bị bỏ rơi, bị lạc đường…

 Xin cho chúng con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ, giản dị; biết qúi trọng niềm tin, phẩm gía của từng người và của chính mình, cũng như biết xử dụng lương thực Chúa ban cách xứng đáng.

Cùng xin cho chúng con cảm nhận được cái đói khát đang giày vò nhiều người, để biết làm theo lời Ngài:"Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn.” Amen.

Thân mến,

duyenky