Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

PHÔI NGƯỜI LÀ MỘT NHÂN VỊ



PHÔI  NGƯỜI  LÀ  MỘT  NHÂN  VỊ [*]

Fr. Kevin D. O'Rourke, O.P.
From www.ncbcenter.org Copyright © 2006, National Catholic Bioethics Quarterly. Reposted with permission.
Trà Mi chuyển ngữ
Lm Trần Mạnh Hùng hiệu đính


Phôi người có phải là một nhân vị? Câu trả lời cho câu hỏi này thuộc về lĩnh vực khoa sinh học và triết học, nhưng đối với các mục đích thực tế, câu trả lời cũng có tác động đến quyền con người. Nếu phôi người không phải là một nhân vị/con người, thì dường như nó sẽ không có bất cứ quyền lợi nào. Trong trường hợp đó, không cần phải lo sợ sự phản đối, phôi người có thể được dùng trong các nghiên cứu hay thí nghiệm có thể dẫn đến hủy hoại phôi. Nếu phôi người là một nhân vị, thì nó có những quyền gì? Phôi (embryos), mặc dù là tự hướng, không tồn tại như một sinh vật tự chủ. Phôi là đối tượng chăm sóc của người khác. Các cá nhân có trách nhiệm gì trong việc chăm sóc phôi thai của con người? Cộng đồng có trách nhiệm gì trong việc giúp phôi thai tồn tại và phát triển? Nếu phôi người không phải là một nhân vị/con người ở những giai đoạn đầu tiên của sự hiện hữu, thì điều đó có nghĩa ta cần phải xác định thời điểm phôi được phú cho tính người; ở giai đoạn của sự phát triển của phội, chúng ta phải xác nhận quyền cá nhân? Để có thể cân nhắc kỹ lưỡng câu hỏi, chúng ta sẽ dựa trên những chứng cứ về sự phát triển con người dựa trên những khám phá của ngành sinh học, cũng như khái niệm về con người, vì khái niệm này đã được sử dụng qua nhiều thời đại. Do đó, chúng ta sẽ xem xét:

I. Ý NGHĨA CỦA THUẬT NGỮ NHÂN VỊ;

II. PHÔI NGƯỜI CÓ THÍCH HỢP NẰM TRONG PHẠM TRÙ HAY XẾP LOẠI THUỘC VỀ CON NGƯỜI HAY KHÔNG; VÀ

III. XEM XÉT TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC NHẮC TỚI.

Tuy nhiên trước hết, chúng ta cần phải xem xét các khái niệm về tiềm năng, bởi đó là cơ sở cho những cân nhắc của chúng ta.

Dẫn nhập

Trong cấu trúc triết học mà chúng ta sẽ đề cập đến trong phần diễn giải này, mọi thực tại đều được chia thành hiện thể và tiềm năng (Act and Potency). Thứ thuộc về hành động (hiện thể - act) hiện hữu trong hiện tại. Mọi vật hiện hữu trong hành động như là bản thể hay sự kiện gắn liền với thực thể (substances). Thomists (những nhà triết gia theo quan điểm của Thánh Thomas Aquinas) có đề cập đến thực thể ở dạng hành vi thứ nhất hoặc hành vi thứ hai. Điều này nghĩa là một thực thể tồn tại/hiện hữu (hành vi đầu tiên) và thực hiện hành động phù hợp với bản chất của nó (hành vi thứ hai). Điều thuộc về tiềm năng không có thực trong hành động hiện tại, nhưng bên trong nó có khả năng được biểu hiện thành hành động, để trở thành điều mà nó chưa có trong hiện tại.1 Có nhiều dạng thức hữu thể khác nhau trong tiềm năng. Tiềm năng thụ động có nghĩa là một nhân tố có thể được biểu hiện thành hành động bởi một hữu thể trong hành động. Ví dụ, một người đàn ông có nước da xanh xao, nhợt nhạt, có tiềm năng sở hữu nước da rám nắng bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.  Trước khi bị rám nắng, da ông ta không bị sạm, nhưng lại có khả năng đạt được đặc tính này. Tiềm năng chủ động ngụ ý rằng một hữu thể trong hành động có khả năng trở thành một hữu thể khác, hoặc có khả năng hoạt động theo phương thức khác nhờ chính năng lực của nó. Tác nhân biến đổi từ chỗ không hoạt động thành hoạt động. Kinh nghiệm cho thấy các hữu thể hoạt động phù hợp với bản chất của chúng. (Operatio sequitur esse – that beings act in accord with their nature). Một tiềm năng chủ động có thể xa hoặc gần, phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của hữu thể với tiềm năng. Một bụi hoa hồng có khả năng đâm chồi và ra hoa; vào mùa đông khả năng này là xa, còn vào mùa xuân thì lại gần. Một hạt ngô/bắp có tiềm năng phát triển thành một cây bắp/ngô lớn với điều kiện môi trường phù hợp, chứ không phải là một cây sồi. Khi nó vẫn là một hạt ngô, trông nó không hề giống cây ngô nhưng lại có khả năng phát triển thành cây ngô lớn.

Khái niệm về tiềm năng chủ động có ý nghĩa quan trọng trong thảo luận về phôi người với vai trò là một nhân vị. Chắc chắn, một phôi không có ngoại hình cũng như hành động giống một thực thể mà chúng ta thường gọi là người. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, nó có tiềm năng chủ động phát triển thành người trưởng thành, thực thể mà chúng ta vẫn coi là người.

I. THẾ NÀO LÀ MỘT NHÂN VỊ?

Theo quan điểm thần học và triết học Công Giáo, định nghĩa về nhân vị/ con người có nguồn gốc từ Boethius, một nhà triết học/thần học sống ở thế kỷ thứ 5. Boethius định nghĩa người là “một bản thể cá nhân có lý tính”.2  Hai thuật ngữ chủ chốt là cá thể (individual) và có lý trí (rational). Khi nhận xét về định nghĩa này, Thomas Aquinas chỉ ra rằng định nghĩa này phù hợp với con người, bởi con người có lý trí, nghĩa là, con người “kiểm soát hành động của riêng mình và không chỉ hành động theo các sự vật khác mà còn hành động theo sáng kiến của riêng mình”. Ông coi thuật ngữ “người” như là một cái tên đặc biệt dùng để phân biệt các bản thể có lý trí với các thực thể khác, và rõ ràng việc sử dụng thuật ngữ này dựa trên những đặc điểm nội tại, chứ không dựa trên quyết định lấy luật pháp hay sự đồng thuận xã hội làm cơ sở. Aquinas sử dụng thuật ngữ “sự hiện diện dù bé nhỏ của trí óc cũng đủ để quy định nhân vị tính”. Hơn nữa, theo ông, “cái tên người không thuộc về phần lý tính của tâm hồn hay toàn bộ tâm hồn mà thuộc về toàn bộ bản chất người”, với thân xác và tâm hồn như là một thể thống nhất. Như chúng ta sẽ thấy, quan niệm về sáng kiến và lý tính mà Aquinas đưa ra cũng được đưa vào quan niệm về người, do nó được đa số các nhà triết học và đạo đức sinh học hiện đại sử dụng.

Aquinas cũng sử dụng định nghĩa về người nói trên khi giải thích về Tam vị nhất thể (Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi - Trinity), nhưng ông nói rằng “từ đó không được sử dụng với cùng một ý nghĩa Thiên Chúa như là thụ tạo, mà với ý nghĩa cao hơn qua đó chúng ta đặt tên tạo vật”. Ba Ngôi Thiên Chúa tất nhiên, không phải là đề tài nghiên cứu của chúng ta. Khi Aquinas sử dụng từ người để chỉ đến con người, ông nhấn mạnh rằng người là thụ tạo bao gồm vật chất và hình dạng; đó là cơ thể/thân xác và tâm hồn. Người đơn giản là một cái tên cụ thể dành cho thực thể người, theo sau dạng thức của thực thể người. Khi dạng có lý tính xuất hiện thì thực thể bị nghi vấn chính là người. Bên cạnh đó, Aquinas cho rằng vật chất và hình dạng của bất cứ sinh vật sống nào cũng đều phải tương xứng hoặc phù hợp với nhau. Quan điểm này chính là giả thuyết hình chất luận. Do đó, “sức mạnh tâm hồn cùng với các khả năng sinh học cần phải tương xứng với nhau”. Điều này có nghĩa là hình dạng phải có khả năng thực hiện chức năng trong bản chất mà nó thể hiện. Hình dạng của một con hươu cao cổ sẽ không thể thực hiện chức năng trong cơ thể của một con sư tử. Cũng như hình dạng của một bông hoa cúc không thể khiến mọi người nghĩ rằng nó mang cơ thể của con gà. Hai khái niệm về hoạt động có lý tính và khái niệm về vật chất – hình dạng tương xứng với nhau có ý nghĩa quan trọng, khi chúng ta xem xét phôi ở giai đoạn thụ tinh. Nhu cầu phải đạt được sự phù hợp giữa vật chất và hình dạng dẫn đến rất nhiều giả thuyết chọn lựa quá trình tiến hóa thành người bị trì hoãn ngay cả trong thời kỳ hiện đại.

Quan niệm hiện đại về nhân vị tính/ bản vị (personhood)

Từ thời đại Thomas Aquinas cho đến ngày nay là một bước biến đổi khá lớn. Nhưng chúng ta sẽ không tìm hiểu quá nhiều về lịch sử phát triển quan niệm về con người, mà chúng ta tập trung vào nghĩa bao hàm và nghĩa biểu hiện của nó trong văn hóa ngày nay. Tư tưởng ngày nay về quan niệm con người được thành lập dựa trên các bài viết của John Locke. Locke không quan tâm đến cấu trúc bản thể học của con người, cũng giống như Thomas Aquinas. Thay vào đó ông tập trung vào các hoạt động liên quan đến việc làm người. Ông định nghĩa con người là một vật tư duy có ý thức (dù nó được tạo thành từ chất nào, thuộc về tinh thần hay vật chất, đơn giản hay phức tạp) nhạy cảm hoặc có ý thức về niềm vui và đau khổ, có thể cảm nhận hạnh phúc và bất hạnh, do đó có thể tự lo lắng cho mình cho đến chừng mực mà ý thức có thể phát triển”.

Theo sau Locke, nhiều nhà triết học ngày nay, nhất là những người quan tâm đến đạo đức sinh học, cũng tập trung đặc biệt đến các hoạt động hoặc thuộc tính thể hiện nhân vị tính. Họ không quan tâm đến thể nền hay bản chất bản thể học của đối tượng có ý thức. Một người quan sát nói rằng: “Hầu hết các tác giả ngày nay coi ý thức (consciousness) là điều kiện tiên quyết của nhân vị tính”. Nhưng ngoài ý thức, một số nhà đạo đức sinh học cũng chỉ ra các khả năng hoặc thuộc tính khác gắn liền với nhân vị tính. Stephen Tooley liệt kê 17 khả năng khác nhau của nhân vị tính, ngoài ý thức, được các triết gia và các nhà đạo đức sinh học khác đưa ra. Hầu hết những khả năng này thể hiện nền tảng lâu dài của ý thức, nhưng vì chúng không liên quan đến nền tảng bản thể học của hoạt động con người, nên các tác giả nói trên không nghiên cứu bản thể và tiềm năng một cách rõ ràng. Joseph Fletcher, một tác giả người Mỹ nổi tiếng với cuốn Đạo đức tình huống (Situation Ethics), đã đề cập đến chức năng vỏ não, tự nhận thức và trạng thái phởn phơ [euphoria] (như ở trẻ em chậm phát triển), và mối quan hệ của con người như là các tác nhân hợp thành nhân vị tính. Đối với các mục đích của chúng ta, cần phải nhấn mạnh rằng những khả năng nói trên mang tính bẩm sinh, không phụ thuộc vào tác động bên ngoài, chủ thể phát triển khả năng qua thời gian. Mặc dù không được quy định trong luật phát nhưng ý nghĩa của nhân vị tính vẫn được chỉ rõ và được bảo vệ trước luật pháp như là quyền con người.

Vì vậy, theo mô hình Locke liên kết nhân vị tính với ý thức, có thể một đối tượng sẽ trở thành hữu thể người mà không phải là một nhân vị, nếu hữu thể người không bao giờ đạt được hoặc mất đi khả năng ý thức. Một trong những tuyên ngôn nổi tiếng liên quan đến xác tín này đã được đề xuất bởi một nhà thực dụng người Mỹ khác, đó là Tristam Engelhardt. Ông kiên quyết rằng: Không phải mọi hữu thể người đều là người (Not all humans are persons – không phải mọi người đều là bản vị/ngôi vị). Bào thai, trẻ sơ sinh, những đối tượng chậm phát triển trí tuệ nghiêm trọng, và đối tượng bị hôn mê vô phương cứu chữa, là những ví dụ cho hữu thể người nhưng không phải con người. Những thực thể đó là thành viên của loài người, nhưng họ không có chỗ đứng trong cộng đồng đạo đức. Người ta nói đến con người là nhằm nhận biết những thực thể mà chúng ta có thể biện hộ, khiển trách hay tán dương. Chính vì lý do này, sẽ là vô lý khi nói đến việc tôn trọng quyền tự chủ của bào thai, trẻ sơ sinh hay những người trưởng thành chậm phát triển trí tuệ bởi họ chưa bao giờ có lý trí.

Không phải chỉ mình Englehardt đưa ra quan điểm này, mà còn rất nhiều người khác nghiên cứu trong lĩnh vực đạo đức sinh học cũng chia sẻ quan điểm như thế. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến luận điểm trên khi đề cập đến việc chăm sóc bệnh nhân trong tình trạng sống thực vật vĩnh viễn (Permanent Vegetative State - PVS): Đối mặt với những bệnh nhân trong tình trạng lâm sàng tương tự [in similar clinical conditions] (PVS), một số người đã nghi ngờ tính bền bỉ của  “phẩm chất” con người, như thể là tình trạng sống thực vật lệ thuộc, dùng để mô tả tượng trưng một tình trạng lâm sàng, có thể hoặc nên được áp dụng với những người đau yếu như thế. Trên thực tế điều này làm mất đi giá trị và phẩm giá con người. Một người đàn ông dù bị ốm nặng hay bại liệt khi thực hiện các chức năng cao nhất vẫn luôn luôn là một người đàn ông, anh ta không bao giờ trở thành “thực vật” hay “động vật” cả.

Các nhà đạo đức sinh học theo truyền thống Công Giáo khi viết, họ không loại trừ nhân vị/cá vị tính [personhood] từ những con người đã mất “ý thức” vĩnh viễn hoặc chưa bao giờ có ý thức. Rất nhiều người theo truyền thống Công Giáo hiện sử dụng một cụm từ được chấp thuận rộng rãi hơn do nhà đạo đức sinh học người Úc Nicolas Tonti-Phillipini đặt ra. Họ coi những bệnh nhân không có ý thức vĩnh viễn là những bệnh nhân không phản ứng sau hôn mê (Post Coma Non-responsive Patients - PCNR).

Nói tóm lại, dường như có một hố sâu ngăn cách đáng kể về ý nghĩa của từ “nhân vị - person” được sử dụng trong truyền thống Công Giáo so với các nhà đạo đức sinh học đương thời. Liệu có cách nào để bắc một nhịp cầu, hầu khỏa lấp cái hố sâu ngăn cách này không? Câu trả lời là có. Đạo đức sinh học hiện đại đưa ra quan niệm không thay đổi về nhân vị tính. Ngược lại, quan niệm của Thomist lại là năng động; nó tạo nên một thực thể đang phát triển, một cơ thể biến đổi và lớn lên dưới tác động của chính hình dạng của nó. Nếu ai đó muốn lấy tiêu chuẩn ý thức để quy định nhân vị tính, thì người trưởng thành với các kỹ năng thành thục sẽ không phải là người lúc đang ngủ. Thế nhưng các nhà đạo đức sinh học đương thời lại thừa nhận rằng các thuộc tính gắn với nhân vị tính đạt được qua thời gian; cá nhân đạt được ý thức cũng đồng thời là cá nhân không sở hữu ý thức vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, và rằng “những năng lực cốt yếu của nhân vị tính không cần phải được thực hiện cho con người để trở thành hiện hữu”. Do đó, tính liên tục có thể quan sát được nơi một người có ý thức ở điểm là: người trưởng thành đã từng là một đứa trẻ, em bé sơ sinh, thậm chí là bào thai có khả năng hay tiềm năng chủ động phát triển ý thức. Sau khi đã đạt sự đồng thuận về thuật ngữ nhân vị tính trên một vài phương diện, bây giờ ta hãy chuyển sang những cân nhắc về phôi người.

II. PHÔI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN THÀNH NGƯỜI

Kiến thức về quá trình phát triển phôi người đã được gia tăng trong suốt 50 năm vừa qua. Đối với thế hệ của chúng ta, vốn kiến thức này tăng lên theo hàm mũ [exponentially], chủ yếu nhờ vào các thiết bị điện tử hiện đại cũng như khả năng tiến hành quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chúng ta sẽ không diễn giải mục đích bằng cách trình bày thông tin sinh học chi tiết mà là những kết luận được chấp thuận về phôi học. Trên thực tế một vài cách hiểu khác hẳn nhau về ý nghĩa của quá trình phát triển sinh học về con người vẫn thường được trình bày. Nhưng các nhà phôi học lại nhất trí về các sự kiện khoa học trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển người. Những phát hiện sinh học dưới đây cũng đạt được sự đồng thuận của các nhà nổi tiếng về phôi học người:

Thứ nhất, quá trình phát triển người bắt đầu khi tinh trùng kết hợp với trứng. Sự sống bắt đầu từ thời điểm thụ tinh khi một tế bào, gọi là hợp tử, được hình thành nhờ sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

Thứ hai, hợp tử không phải là một nhân người tí hon, (không phải là hình tạo trước của con người) nhưng lại phát triển theo chiều hướng biểu sinh. Cấu trúc và cơ quan của bào thai tương lai, trẻ sơ sinh, thiếu niên và người trưởng thành hiện diện tiềm tàng trong tế bào hợp tử.

Thứ ba, hợp tử có đầy đủ tất cả các mã số di truyền (hệ gen người) là cơ sở cho quá trình phát triển người trong tương lai. Về tiềm năng, hợp tử có chứa mọi thứ cần thiết cho sự phát triển của bào thai thành người trưởng thành có ý thức. Hệ gen chính là bản thiết kế và cũng là tác nhân hiệu quả gây ra quá trình phát triển người.

Từ quan điểm hình chất luận [hylomorphism]3, chất liệu của hợp tử tương xứng với mô thức [form] (tâm linh con người). Chất thể của phôi, là hệ gen, bao gồm 46 nhiễm sắc thể và vô số gen, phải được kích hoạt nhờ mô thức có khả năng làm sinh động chất thể phù hợp với tiềm năng của nó. Chúng ta gọi mô thức này là linh hồn con người. Do đó, hợp tử ở thời điểm thụ tinh không phải là con người tiềm năng, mà là hữu thể người với tiềm năng chủ động. [the zygote at the time of fertilization is not a potential human being; rather it is a human being with active potential.]

Khởi đầu của con người với tiềm năng chủ động cho quá trình phát triển trong tương lai xuất hiện vào thời điểm thụ tinh. Không có một sự kiện đánh dấu nào khác trong quá trình phát triển hợp tử chỉ cho thấy rằng “hợp tử tiếp nhận khả năng để phát triển sinh học qua các giai đoạn thai nghén và trở thành một con người trưởng thành.”

Các quan điểm khác biệt với lập luận nói trên cũng không nghi ngờ sự thực hợp tử là một thực thể sống, nhưng lại đặt ra câu hỏi liệu nó có phải là con người hiện hữu ở những giai đoạn đầu tiên hay không. Có một sự đồng ý chung cho rằng vào thời điểm trứng thụ tinh [tinh trùng và trứng phối vơí nhau], hợp tử là một thực thể sống. Nhưng có phải thực thế sống này là một cá nhân/cá thể hay không? Có một số lên tiếng phản đối việc xác định rằng tính người hay nhân vị tính, hay tạo hồn, xảy ra vào thời điểm thụ tinh, giữa tinh trùng và trứng, dựa trên ba nhân tố chính. Đó là:

1. Hầu hết các hợp tử đã được hình thành không thể làm tổ nơi vách của tử cung [nói cách khác, mặc dù trứng đã thụ tinh, nhưng vẫn không thể làm tổ được]. Tỉ lệ tử vong của các hợp tử trước khi làm tổ [implantation] ước tính vào khoảng 20% đến 60%; một số người ước tính có thể cao hơn, đến 80%. Trực giác cho thấy việc khẳng định rằng Chúa tạo ra linh hồn người cho mỗi hợp tử rồi cho phép nó chết nhanh chóng sau đó, thật là phi lý.

2. Đa thai có thể xảy ra sau khi tế bào hợp tử hình thành. Ví dụ như trong trường hợp sinh đôi bởi một hợp tử, thì chỉ có một người hay hai người hiện diện khi hợp tử được hình thành? Nếu như chỉ có một, điều gì xảy ra cho người đó khi người thứ hai xuất hiện? Nếu như hai người cùng xuất hiện, họ có cùng sống trong một cơ thể hay không? Những người đưa ra luận cứ này thì có xu hướng thiên về nhân hoá tiệm tiến – delay hominization,4 cho đến thời điểm khi mà việc đa thai không thể xảy ra, đồng thời sử dụng thuật ngữ “tiền phôi” để chỉ hợp tử trong những ngày đầu tiên khi được hình thành.

3. Chất thể phải phù hợp với hình thể - The matter must be commensurate with the form. Để chứng chứng minh rằng chất thể và mô thức tương xứng với nhau, cần có sự hiển thị bề ngoài của các cơ quan mà nó biểu thị ý thức của con người. Dải nguyên thủy – The primal streak (mầm sống đầu tiên), khởi nguồn của hệ thần kinh trung ương (Central Nervous System), ít nhất phải xuất hiện ở những giai đoạn ban đầu để báo trước sự tương hợp giữa cơ thể người và hình dạng người, chính là linh hồn thiêng liêng.

Sự phản đối đã được giải đáp

Những lập luận phản kháng nhằm kiếm cách lui dần việc khởi đầu sự sống con người cho đến sau thời điểm các phát sinh thoạt tiên rốt cuộc đã được giải đáp thỏa đáng bởi các học gỉa khác. Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ trả lời ngắn gọn đối với các lập luận ấy, trích dẫn nguồn cho các phản biện dài hơn.

1. Liên quan đến số lượng hợp tử được tạo ra ngang qua đó khẳng định sự hiện hữu của linh hồn con người mà không thông tri với cơ thể trong một khoảng thời gian dài, chúng ta phải thừa nhận một tình thế khó xử. Rõ ràng, nhiều hợp tử không sống sót, đó không phải là người kể từ thời điểm tinh trùng kết hợp với trứng. Thông thường sự kết hợp không thành công do bởi thiếu vắng số lượng nhiễm sắc thể cần thiết. Khi sự kết hợp có kết qủa tạo nên một hợp tử người nhưng lại không thể làm tổ hay bám được vào vách tử cung, điều này thật khó giải thích. Đấng Tạo Hóa dường như cung cấp vô số “hạt giống” nhưng chúng lại không bao giờ sinh hoa kết trái. Hơn nữa, liệu chúng ta có nói rằng khi hơn một nửa số trẻ em bị chết khi sinh ra, há chẳng phải chúng đã không bao giờ từng là người sống? 

2. Trong khi chúng ta chưa hiểu rõ nguyên nhân đa thai, việc sử dụng nó để phản đối về thời gian phát triển nhân tính hóa [humanization] vẫn chưa có nhiều chứng cứ vững chắc. Đa thai, ví dụ như sinh đôi cùng một hợp tử, thường xảy ra khi một tế bào toàn năng (totipotent cell) trong phôi dâu tách ra và phát triển thành một thực thể người khác, quá trình này tương tự như sinh sản vô tính. Trước khi việc song sinh diễn ra chỉ có một con người hiện diện và con người này tiếp tục hiện hữu sau khi một con người mới phát triển nhờ sinh sản đơn tính.6 Hơn nữa, việc sinh đôi cùng một hợp tử cũng có thể diễn ra sau khi thời điểm làm tổ và sau quá trình hình thành dải nguyên thủy [mầm sống đầu tiên – primitive streak]. Do đó, thuật ngữ “mầm phôi – pre-embryo” trở nên không thích hợp, nó được coi là “thiếu chính xác và sai lầm xét về khoa học”.

3. Trên thực tế, chất thể (matter) phải phù hợp với dạng thể (mô thức – form) để sinh thể phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã cho thấy tỏ tường rằng chất thể cần thiết cho quá trình phát triển con người là hệ gen trong tế bào hợp tử. Hệ gen chính là nguyên nhân chủ yếu (bản thiết kế hay chương trình – the blueprint or program) cho quá trình phát triển của hợp tử trong tương lai, đồng thời cũng là nguyên nhân hiệu quả của sự phát triển đó. Vì vậy, các giả thuyết ủng hộ tiến trình nhân hóa tiệm tiến (delayed hominization)7, thường lấy quan điểm của Thomas Aquinas làm bằng chứng, trở nên không hợp lý. “Hợp tử có phân tử riêng của nó để khởi động và bắt đầu quá trình sản xuất enzymes 8 cũng như protein [chất đạm] của nó trong sinh sản hữu tính”.

III. Ý NGHĨA

1. Mặc dù rất có thể là linh hồn được phú cho dạng thể người (human form), vào thời điểm trứng thụ tinh, tuy nhiên, Giáo hội vẫn chưa xác định điều này.

Công đồng Vaticanô đệ nhị tuyên bố: “Sự sống một khi đã được hình thành cần phải được bảo vệ tối đa; nạo phá thai và tội giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm”. Nhưng sau Công đồng Vaticanô đệ nhị, Thánh bộ Tín Lý và Đức Tin, sau khi lên tiếng chỉ trích tội phá thai đã nhấn mạnh rằng: “Tuyên ngôn này hiển nhiển không bàn đến thời điểm khi linh hồn được phú nhập”.9 Tuy nhiên trong một tài liệu hoàn hảo hơn vào năm 1987, Thánh bộ đi xa hơn một bước nữa, nhưng vẫn chưa đưa ra được tuyên bố chính xác về thời điểm khi nào thì hồn nhập vào thể xác. Thánh bộ nói rõ: “những kết luận do khoa học đưa ra liên quan đến phôi người cung cấp chỉ dẫn giá trị cho việc nhận thức bằng lý trí về sự hiện diện của cá thể ngay từ giây phút/thời điểm đầu tiên xuất hiện sự sống của con người: làm sao có thể không chấp nhận một sinh vật người sống mà lại không phải là con người?

Huấn quyền vẫn chưa cam kết rõ ràng với lời khẳng định mang bản chất triết học này”.

Trong Thông Điệp Tin Mừng Sự Sống (Gospel of Life), Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kiên quyết khẳng định các tuyên bố trên, nhưng một lần nữa không xác định chính xác thời điểm khi nào thì phú hồn diễn ra (ensoulment). Liệu Giáo hội có thể xác định thời điểm khởi đầu sự sống con người, dựa trên nền tảng các chứng cứ triết học hay không? Những sự thật tâm linh (spiritual truths) khác cũng được định nghĩa dựa trên nền tảng chứng cứ triết học, ví dụ, họ cho rằng: lý tính và linh hồn của trí tuệ là dạng thể/ hình thế của cơ thể con người – the rational intellectual soul is the form of human body. Về phần cá nhân tôi, mặc dù tôi xác tín rằng những sự hiểu biết về triết học đủ để có thể đưa ra xác quyết việc phú hồn diễn ra ngay giây phút trứng thụ tinh, nhưng tôi thấu hiểu sự e dè – mang tính cẩn trọng của Giáo hội. Kiến thức sinh học không ngừng phát triển và biến đổi. Mặc dù hiện nay chúng ta được biết khá nhiều về sự sinh ra của con người, và tất cả những kiến thức này đều quy hướng cho ta thấy là dạng thức lý trí hiện diện từ thời điểm thụ tinh, nhưng đồng thời vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa được biết về hoạt động của linh hồn con người và tiến trình phát sinh con người.

2. Con người dù không có khả năng thực hiện mọi hành động gắn với người vẫn là con người. Họ có dáng người, linh hồn người, ít nhất là trong hành động đầu tiên.10 Hình thể này có lẽ không thể kích hoạt mọi khả năng nơi con người do bất lực thể chất; điều này có nghĩa là nó không thể thực hiện hành động thứ hai gắn với một số chức năng người. Nhưng nó vẫn có tiềm năng thụ động, sức mạnh ảo, nhằm thực hiện những hành động nói trên. Tước đoạt luân lý nhân vị tính từ những con người chậm phát triển về tâm sinh lý hoặc gìa nua, yếu đuối, bệnh tật là hành động bất công nghiêm trọng.

3. Thai nhi tự bản chất có quyền được sống – đó là quyền cơ bản nhất trong mọi quyền. Bằng cách nào để bảo vệ và cổ vũ tốt nhất quyền này vẫn là một vấn đề nan giải. Cần phải xác minh rõ ràng rằng, khởi đầu sự sống của con người không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề thuộc khoa học. Chắc chắn giáo dục phổ thông là cần thiết đối với vấn đề khởi điểm sự sống con người. Nói cách khác, nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chinh phục trái tim và ý kiến của con người nhờ giáo dục và thuyết phục để họ hiểu được khi nào thì sự sống con người bắt đầu cũng như sự sai trái của việc nạo phá thai. Chúng ta có nên đấu tranh để thông qua pháp luật nhằm phản đối nạo phá thai trước khi có được sự đồng tâm nhất trí nơi xã hội hay không? Đây là một vấn đề nan giải.

Tại Hoa Kỳ, người dân thường trích dẫn quan điểm của John Courtney Murray, từ sự hiểu biết của họ về sự khác biệt giữa đạo đức và luật pháp, giữa luân lý cộng đồng (public morality) và đạo đức cá nhân (private morality); và từ hiểu biết về tự do tôn giáo, các tín đồ Công Giáo trên nguyên tắc cơ bản từ chối các phương thức áp dụng luật pháp như là công cụ cưỡng chế để ép buộc toàn bộ các nguyên tắc đạo đức trên cộng đồng trong khi bản thân cộng đồng không chấp thuận rộng rãi.

Trong khi chúng ta tìm cách cảnh báo mọi người về tội ác nạo phá thai, tôi nghĩ cần phải ghi nhớ lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài viết:

Những quyết định đi ngược lại sự sống đôi khi nảy sinh từ những tình huống khó khăn hoặc thậm chí từ các bi kịch về những đau khổ tột cùng, sự cô đơn, hoàn toàn không có triển vọng kinh tế, tuyệt vọng và lo lắng cho tương lai. Những tình cảnh như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan ở mức đáng kể, cũng như hậu qủa tội ác kèm theo của những người đã quyết định những điều này, mà tự thân nó là điều xấu.

Nói cách khác, khi chúng ta cam kết nỗ lực bảo vệ quyền của những trẻ em sơ sinh chưa chào đời, chúng ta cần nhận thức được rằng, phụ nữ tìm đến biện pháp nạo phá thai thường là những người cần được giúp đỡ; kết tội không phải là một phương thức mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chúng ta phải tránh trở thành những người nhẫn tâm, tự cho mình là công chính khi muốn cải thiện những tệ đoan xã hội.

4. Kiên quyết với quan điểm sự sống con người bắt đầu từ khi thụ tinh và xã hội có trách nhiệm bảo vệ trẻ em sơ sinh chưa chào đời, điều này không đồng nghĩa với việc sự sống con người là điều thiện hảo tuyệt đối. Sự sống con người, dù là của đứa bé chưa ra đời, cũng cần phải được duy trì cho đến khi không thể kéo dài hơn nữa về mặt thể lý. Truyền thống Công Giáo liên quan đến việc duy trì sự sống đã được triển khai khá đầy đủ; nếu các biện pháp duy trì và bảo tồn sự sống không mang lại lợi ích và có hy vọng giúp cho bệnh nhân được bình phục, hoặc áp đặt gánh nặng quá mức, người mang bệnh chí tử hay người ủy nhiệm của bệnh nhân có thể được phép ngừng áp dụng các biện pháp trị liệu y khoa đó, ngay cả khi hậu qủa của các quyết định sẽ dẫn đến tử vong. Áp dụng các nguyên tắc này trong trường hợp trẻ sơ sinh hay trẻ chưa ra đời trên thực tế là đề xuất khó khăn, nhưng một sự thật của lời giáo huấn của chúng ta không nên qúa nhấn mạnh nhằm để bảo vệ những sự thật khác.

Kết luận

Phôi có phải là một nhân vị không? Dường như không thể có lời nói hai nghĩa ở đây, nói kiểu nước đôi; câu trả lời cho câu hỏi trên là xác định. Thuyết phục những người cùng thế hệ với chúng ta chấp nhận sự thực này không phải là công việc dễ dàng. Sự xuất hiện của hợp tử cũng như việc nó thiếu phát triển thể chất trong những giai đoạn hiện hữu đầu tiên là những lập luận chính được đưa ra để phủ nhận sự thực nói trên. Nhưng chúng ta cũng đã có những bước tiến khả quan. Tôi nhớ lại khi phong trào Ủng hộ sự sống diễn ra ở Hoa Kỳ vào giữa những năm 1970, nhiều người coi bào thai là sự hình thành bất thường trong cơ thể phụ nữ, giống như ruột thừa vậy. Hiện nay đã có sự đồng thuận chung rằng trẻ em sơ sinh, chưa chào đời, đang còn ở trong tử cung, sau một hoặc hai tháng, đã có sự sống riêng của nó. Thuyết phục cộng đồng chấp nhận sự sống bắt đầu từ khi thụ tinh là sự ủy thác và là sứ mạng của chúng ta, là sự biết ơn của chúng ta đối với nhân loại.

[*] . Chuyển ngữ từ bài viết của Fr. Kevin D. O’Rourke, “The Embryo as Person?” Published in National Catholic Bioethics Quarterly (2006): 241-251. Reposted with permission http://embryoconnection.org/pdf/Orourke-F48.pdf  (Accessed 12 June 2015).

Tác giả:  Lm. Trần Mạnh Hùng, STD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét