MỘT MIẾNG và MỘT GÓI
Monday,
July 27, 2020
Người Việt có câu: “Một
miếng khi đói bằng một gói khi no.” Điều đó cho thấy sự ăn uống không chỉ cần
thiết và còn cấp bách, không thể trì hoãn. Thật vậy, với bản năng sinh tồn, người
ta phải làm và dám làm mọi thứ: “Đói ăn vụng, túng làm liều.” Tại Việt Nam đã
có những trường hợp đáng thương khi người ta phải lấy trộm hoặc giật lấy những
thứ đơn giản như mấy ổ bánh mì, thế nhưng pháp luật lại kết án họ nhiều năm tù,
còn những kẻ cướp công khai bạc tỷ thì lại lãnh án nhẹ hoặc tù treo. Thật là bất
minh và bất công!
Ai đã từng phải khổ, phải
cắn răng chịu cơn đói thì thấy rằng, lúc đó toàn thân phải gồng mình để chịu đựng,
vừa toát mồ hôi vừa run lên. Cái “miếng” lúc này đáng giá hơn cái “gói” lắm. Xã
hội văn minh, nhưng khắp nơi vẫn thấy nhiều người thiếu những thứ thiết yếu nhất!
Có chuyện kể – xảy ra thật
tại Indonesia – về một “Phiên Tòa Lương Tâm” như sau…
Tại phòng xử án, thẩm
phán trầm ngâm suy nghĩ trước lời cáo buộc của các công tố viên đối với một bà
cụ phạm tội ăn cắp khoai mì (sắn) và phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa
của bà cụ: Gia đình rất nghèo khổ, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu suy dinh dưỡng
vì đói khát. Nhưng ông chủ quản lý vườn khoai mì nói rằng bà ta phải bị xử
nghiêm minh như những người khác.
Vị thẩm phán thở dài:
“Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, vừa nhìn bà cụ đói khổ vừa nói:
“Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện pháp luật nên phải xử
nghiêm minh. Tôi tuyên phạt bà phải bồi thường một triệu Rupiah cho chủ vườn. Nếu
không có tiền bồi thường, bà phải ngồi tù hai năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước
mắt, vì bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo? Vị thẩm phán nói tiếp:
“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên phạt tất cả những công
dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố
văn minh, giàu có này mà lại để cho một bà cụ ăn cắp mà lo cho đứa cháu đói
khát và đứa con bệnh tật.” Nói xong, ông lấy mũ của mình đưa cho cô thư ký: “Cô
hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.”
Cuối cùng, bà cụ đã nhận
được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công
tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm còn trả giúp một triệu Rupiah tiền bồi
thường. Bà cụ run lên vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà. Tất cả
mọi người đều mãn nguyện và mỉm cười hạnh phúc.
Có lẽ đó là phiên tòa xử
nghiêm minh nhất và gây xúc động, bởi vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách
nhiệm với cuộc sống xung quanh mình. Cái nghèo của người khác cũng mang tính
liên đới, có phần lỗi của mỗi chúng ta. Trong phiên tòa kia, vị thẩm phán đã
không chỉ dùng LUẬT PHÁP mà còn dùng cả TRÁI TIM để phân xử.
Như chúng ta đã biết, ăn
uống là “đệ nhất khoái” trong tứ khoái của con người, và là bài học đầu tiên
người ta phải học trong cuộc đời: “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Thật là lạ
lùng bởi vì trong kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối,” việc ăn uống cũng được
coi là “mối thương” hàng đầu: “Thứ nhất: cho kẻ đói ăn, thứ hai: cho kẻ khát uống.”
Rõ ràng việc ăn uống là việc không thể trì hoãn. Khi không còn thiếu thốn, người
ta lại lo sao có thể “ăn no, mặc ấm,” rồi miệt mài cố gắng để có thể “ăn ngon,
mặc đẹp.” Cả đời cứ phải “vượt qua” như thế.
Sống là đấu tranh, vì bản
năng sinh tồn. Người ta có no cái bụng, không phải lo về những điều cơ bản nhất,
rồi mới có thể lo những thứ khác – liên quan cả xác lẫn hồn. Quả thật, người ta
rất thực tế: “Có thực mới vực được đạo.” Trong lúc đói, Thằng Bờm không cần bất
cứ thứ gì khác, dù đó là những thứ sang trọng hoặc quý giá, mà chỉ cần “nắm
xôi.” Thế thôi. Người Anh diễn tả đơn giản: “That’s all.” Vâng, chỉ có nắm xôi
mới có thể giải quyết nhu cầu cấp bách của cái bụng lúc đó. Và đó là tất cả.
Vì miếng ăn – để sinh tồn,
chiến tranh vẫn không ngừng xảy ra bằng nhiều cách. Biết được nhược điểm của
con người như vậy, có những người ác tâm đã lợi dụng người nghèo đói để bắt họ
làm theo mưu thâm kế độc của mình bằng cách cho họ ăn uống. Miếng ăn là quan trọng,
nó có thể làm cho người ta vinh dự hoặc nhục nhã.
Vật chất hay tiền bạc
cũng chỉ vì miếng ăn, có thể nói rằng quyền lợi cơ bản là... “miếng ăn.” Bất ngờ
thấy ai cho mình cái gì thì cũng rất có thể họ muốn nhờ vả mình chuyện gì đó,
chứ đâu dễ gì họ cho mình “ăn không.” Miếng ăn có điều kiện chứ không vô điều
kiện hoặc miễn phí. Theo lẽ thường, nếu có cho ai cái gì thì người ta chỉ cho
những thứ thừa, nghĩa là chỉ ở mức “bố thí” chứ chưa là “công bằng” chứ đừng
nói chi “bác ái.” Quả thật, “chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.”
(Mc 10:18; Lc 18:19) Kinh nghiệm sống đã và đang cho chúng ta biết rõ như vậy,
càng rõ hơn trong xã hội coi trọng vật chất ngày nay – một dạng chủ nghĩa duy vật
tinh vi.
Tất cả mọi người, không
trừ ai, đều được Thiên Chúa nhân lành mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang
khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu
mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55:1) Cứ đến “mua” mà không phải trả tiền.
Một dạng “mua bán” rất kỳ lạ, đó là “mua” bằng giá trị của niềm tin chân thành
và tình mến thiết tha.
Ngày nay, với sự lây nhiễm
virus sĩ diện hão, người ta “đánh giá” nhau bằng mức độ vật chất. Vì muốn chứng
tỏ mình mà người ta có thể bỏ ra bạc triệu hoặc bạc tỷ để mua những thứ người
ta “thích” (ra vẻ), dù ăn được hay không. Có những món ăn rất đắt, thuộc loại đắt
nhất hành tinh. Ví dụ: Nấm trắng Alba của Ý có giá 160.406 USD/1,5 kg (khoảng
3,4 tỷ VNĐ), trứng cá muối Almas ở vùng biển Caspian có giá 25.000 USD/hộp (khoảng
530 triệu VNĐ), hoặc dưa lưới Yabari có giá 22.872 USD/quả (khoảng 486 triệu
VNĐ), v.v... Các món đó chúng ta có mơ cũng không thể thấy. Cỡ “đại gia” hạng
bình thường ở Việt Nam cũng sẵn sàng uống những chai rượu có giá vài triệu đồng,
đám “cậu ấm, cô chiêu” ăn chơi mỗi đêm tốn vài ngàn USD. Người ta biện hộ rằng
làm như vậy để “chơi” cho biết, “chơi” cho thiên hạ “lé mắt” vậy thôi. Dù gì
thì cũng quá lãng phí quá. Chắc chắn chỉ có buôn ma túy hoặc cướp giật thì mới
dám “chơi chảnh” như vậy!
Từ xa xưa, Thiên Chúa đã
đặt vấn đề: “Sao lại PHÍ tiền bạc vào của không nuôi sống, TỐN công lao vất vả
vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?” (Is 55:2a) Lương thực chỉ nuôi sống phần
xác chứ không thể nuôi sống linh hồn, thế mà người ta vẫn dám bỏ ra số tiền lớn
để chỉ được thưởng thức cho khoái khẩu, cho ra vẻ ta đây. Điều đó cho thấy ăn uống
là điều thú vị lắm, không khéo hóa mê ăn uống thì lại là tội. Người ta chỉ lo
đói thể lý mà không sợ đói tinh thần, đặc biệt là đói linh hồn. Lạ thật, lạ vì
người ta tự mâu thuẫn. Vậy là không khôn rồi!
Là Đấng giàu lòng thương
xót và vốn dĩ nhân hậu, Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi: “Hãy chăm chú nghe Ta
thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị.” (Is 55:2b) Lời
mời gọi đó không chỉ là lời mời gọi bình thường, mà còn mang tính mệnh lệnh và
thực sự có lợi cho người được mời: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì
các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn
bề nhân nghĩa với Đa-vít.” (Is 55:3) Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa là mục tử
chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Tv 23:1)
Với ít nhiều kinh nghiệm
sống, ai cũng có thể cảm nhận được Thiên Chúa quan phòng như thế nào. Thật vậy,
Ngài rất hào phóng, luôn ban cho những điều tốt lành cả thể lý và tinh thần mà
lại hoàn toàn miễn phí. Chúng ta lãnh nhận liên tiếp và nhận rất nhiều mà vẫn
vô ơn, thế nhưng Ngài vẫn làm ngơ, bỏ qua, không hề chấp lách. Bởi vì bản chất
của Ngài là tốt lành, yêu thương, thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người
chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu
với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Thật lạ, Ngài không chỉ nhân hậu
với chúng ta, mà Ngài còn nhân hậu với mọi thụ tạo của Ngài, từ gã khổng lồ tới
con vi trùng.
Chúng ta có thể nhận thấy
qua kinh nghiệm cuộc sống. Có những lúc chúng ta chưa xin đã được – loại này
nhiều lắm, hoặc xin và được rồi, nhưng chúng ta lại “phủi tay,” kiểu “qua cầu
rút ván,” giống như chuyện “mười người phong hủi được sạch cả nhưng chỉ có một
người Samari trở lại tạ ơn Chúa.” (Lc 17:11-18) Mặc dù vậy, Ngài vẫn không bỏ
đói ai. Như vậy liệu có quá tệ chăng? Ước gì mỗi chúng ta biết kịp nhận thức
như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính
Ngài ĐÚNG BỮA CHO ĂN. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật MUÔN VÀN THOẢ
THUÊ.” (Tv 145:15-16) Thiên Chúa toàn năng, không gì là không thể, đặc biệt là
Ngài vô cùng đại lượng và nhân hậu, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công
minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa GẦN
GŨI tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv
145:17-18)
Trong đời thường, cái
nghèo luôn đi đôi với cái khổ và cái khó – nghèo khổ hoặc nghèo khó, nhưng cái
khổ chưa chắc là tại cái nghèo, vì có những người giàu mà vẫn khổ và khó. Cái
nghèo và cái khổ có thể là MỐI PHÚC đối với người này, nhưng lại có thể là MỐI
HỌA đối với kẻ khác. Có những người “đói ăn vụng, túng làm liều,” nhưng cũng có
những kẻ “nhàn rỗi sinh nông nổi,” và vì nông nổi nên mới ra nông nỗi. Khổ, khổ
thật! Thế nhưng người ta vẫn có đủ cách để tự biện hộ cho những hành vi sai
trái của mình. Quả thật, phải thực sự tin mến Chúa thì mới không bị chao
nghiêng trước nghịch cảnh. Để nhận biết mình ở mức độ nào trong hành trình tâm
linh, chắc hẳn mỗi chúng ta phải tự trả lời thật lòng với câu hỏi của Thánh
Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8:35) Và chỉ
có mình mới có thể xác định chứ không ai làm thay được.
Đúng là không dễ trả lời
chút nào. Nhưng đừng vội hoang mang, đây là bí quyết của Thánh Phaolô có thể
giúp chúng ta: “Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến
chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời
cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, KHÔNG CÓ GÌ tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa
chúng ta.” (Rm 8:37-39) Đó là cách lo liệu cho cái đói của linh hồn. Ai sống
kiên tâm được như vậy thì thật là đại phúc: “Phúc thay ai khát khao nên người
công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” (Mt 5:6)
Chúa Giêsu không muốn ai
bị đói – dù thể lý hoặc tinh thần, chỉ muốn chúng ta được sống và sống dồi dào.
(Ga 10:10) Trình thuật Mt 14:13-21 (Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14) kể lại
phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ nhất. Đó là “lòng trắc ẩn” của Chúa Giêsu
dành cho đám đông – những người say mê lắng nghe lời giáo huấn của Ngài. Họ no
nê cả thể lý và tâm linh.
Thời gian đó, khi biết
tin ông Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê ra lệnh chém đầu vì vua lỡ “hứa dại” với
con gái của mụ Hêrôđia, Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó và đi thuyền đến một chỗ
hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành nườm nượp
kéo nhau đi theo Ngài. Khi ra khỏi thuyền, Ngài trông thấy họ thì chạnh lòng
thương và chữa lành các bệnh nhân của họ. Tình yêu thương không thể trì hoãn.
Chiều buông, nắng nhạt.
Hoàng hôn vàng võ dần dần hóa thành đêm đen, cái bụng mọi người bắt đầu đánh
lô-tô. Đã đến lúc cần ăn tối. Có lẽ các môn đệ cũng thấy “bụng reo” rồi, thế
nên họ lại gần thưa với Sư Phụ: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy
cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Nhưng Ngài thản
nhiên bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Ôi chao,
thế thì “căng” thật! Có lẽ lúc này nhìn các ông “tội nghiệp” lắm. Họ nhìn nhau,
vừa gãi đầu vừa nói: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con
cá!” Mèn ơi, đó là đồ ăn thằng nhỏ mang đi phòng thân, mà có nhiêu đó thì thấm
gì với đám đông như kiến như cỏ thế kia? Chúa Giêsu biết việc gì cần làm ngay.
Chúa Giêsu ôn tồn: “Đem lại
đây cho Thầy!” Rồi Ngài truyền cho dân chúng “ngồi thành từng nhóm trên cỏ
xanh.” Sau đó, Ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời,
dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho môn đệ rồi Ngài bảo họ phân phát cho đám
đông. Cứu đói là một cách thể hiện lòng thương xót cụ thể.
Sau đó thế nào? Thánh sử
Mátthêu cho biết chi tiết: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa,
người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông,
không kể đàn bà và trẻ con.” Môt bài toán kỳ lạ: 5 + 2 không là 7 mà là rất nhiều,
vô số, tới mức dư thừa.
Chúa Giêsu thực hiện phép
lạ này để nuôi sống phần xác cho dân chúng, còn phép lạ vĩ đại nhất và quan trọng
nhất được Chúa Giêsu thực hiện để nuôi sống phần hồn chúng ta là Phép lạ Thánh
Thể. Bí tích Thánh Thể vừa là thần lương vừa là thần dược. Phép lạ vĩ đại này hằng
ngày vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, thế nhưng người ta lại thích đua nhau
đi tìm các “sự lạ” khác ở nơi này hoặc chỗ nọ. Thật là mâu thuẫn, vậy mà vẫn
nói rằng “tôi tin.” Đức Tin như vậy có cần “xét lại” chăng?
Hãy nghe Thánh Thomas
More (1478-1535, luật sư, triết gia và chính khách người Anh) chia sẻ kinh nghiệm
về Thánh Thể: “Nếu tôi xao lãng, việc hiệp lễ sẽ giúp tôi tịnh tâm trở lại. Nếu
hằng ngày có những dịp xảy đến xúi giục tôi xúc phạm đến Thiên Chúa, tôi sẽ tự
trang bị cho cuộc chiến mỗi ngày bằng việc lãnh nhận Thánh Thể. Nếu tôi đặc biệt
cần đến ánh sáng và sự khôn ngoan để thực thi các phận sự nặng nề của tôi, tôi
sẽ đến bên Đấng Cứu Độ, mong tìm được lời khuyên và ánh sáng của Người.”
Lạy Thiên
Chúa, xin tạ ơn Ngài luôn quan phòng và tiền định những điều tốt lành nhất để chúng
con được sống dồi dào trong sự sống của Ngài. Xin giúp chúng con luôn biết chia
sẻ chính tấm-bánh-cuộc-đời của chúng con cho mọi người, bất kể đó là ai. Xin
giúp chúng con biết thể hiện lòng thương xót đúng Ý Ngài. Chúng con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét