Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Thu hẹp khoảng cách



Thu  hẹp  khoảng  cách
Thứ Năm, 14 Tháng Năm, 2020-ĐGM GB Bùi Tuần



1.

Những ngày vừa qua, và cho đến lúc này, tôi thực sự đau buồn.

Với 93 tuổi, sức khỏe như bỏ rơi tôi.

Cuộc sống xã hội có vẻ như bỏ lại những người già yếu.

Cuộc sống tôn giáo cũng đẩy tuổi trẻ đi lên, xem ra như muốn bỏ lại những người già yếu vào một cảnh được hưởng thương hại mà thôi. Cảm nhận của tôi là chủ quan, nhưng chủ quan đó vẫn gây mệt mỏi nặng nề, nhất là khi tôi nhận được những phê phán gay gắt về tôi.

2.

Tôi cảm thấy xa cách. Tôi không oan trách ai, không đòi hỏi gì, nhưng tự nhiên đau buồn.

Thêm vào đó, lại xảy ra cảnh cách ly do dịch bệnh Corona.

3.

Chính lúc tôi cảm thấy những khoảng cách gây nên đau buồn, thì Chúa Giêsu cho tôi nhớ lại lời Ngài đã phán xưa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)

Với lòng tin tưởng, tôi đến với Chúa Giêsu. Thực sự, Chúa đã giữ lời hứa. Tôi cảm thấy trong tôi những khoảng cách được thu hẹp lại. Nhờ vậy tôi cảm thấy được an ủi.

Tôi xin được phép chia sẻ những gì đã và đang xảy ra trong tôi về những an ủi đó.


4.

An ủi thứ nhất là tôi cảm thấy Chúa gần gũi tôi.

Do lòng thương xót của Chúa, Chúa cho tôi cảm thấy chính Chúa đến với tôi, Chúa ở lại trong tôi, Chúa cho tôi được kết hợp mật thiết với Chúa. Như cành nho với thân nho. Chúa chia sẻ cho tôi chính sự sống của Ngài. Chúa tha thứ. Chúa chữa lành.

Chúa chỉ đòi tôi phải tin vào tình yêu thương xót của Chúa.

5.

Mà nếu thiếu niềm tin đó, thì hãy cầu xin. Tôi đã tha thiết cầu xin ơn biết tin vào lòng thương xót của Chúa. Cầu xin vững bền, cầu xin khiêm tốn. Cầu xin cùng với Ðức Mẹ.

Kết quả là khoảng cách giữa Chúa và tôi được thu hẹp lại, được như xóa bỏ. Nhưng cảm nghiệm đó vẫn trong niềm tin.

6.

An ủi thứ hai là tôi cảm thấy tôi gần gũi với những kẻ khổ đau.

Trước đây, tôi thường dửng dưng với những kẻ khổ đau. Hoặc có quan tâm đến họ, thì cũng chỉ là mức độ nào đó thôi.

Nhưng khi tôi được Chúa thương chia sẻ cho tình yêu xót thương của Chúa, tôi tự nhiên thấy mình biết xót thương kẻ khác, cách riêng là những kẻ khổ đau.

Tôi đau cái đau của họ, cái đau của họ như nhập vào tôi, coi tôi như là chỗ tựa nương của họ, khoảng cách được thu hẹp lại. Tôi không còn muốn tránh né cái đau của họ. Tôi có cảm tưởng là Chúa muốn tôi coi người đau khổ là địa chỉ Chúa hẹn gặp tôi.

7.

Thú thực là nhiều khi tôi vẫn phải phấn đấu với chính mình. Bởi vì tính tự nhiên đâu có sẵn sàng chịu chia sẻ khổ đau của người khác, nhất là sẵn sàng chịu đau khổ thay cho người khác. Nhưng với ơn Chúa, dần dần tôi coi sự mình chia sẻ đau khổ với người khác là một ơn thăng tiến chính mình.

Ðược gần gũi với những người đau khổ, nhiều khi tôi cảm thấy mình hạnh phúc, vì nhận được từ họ nhiều điều tốt lành mà Chúa dùng họ để dạy dỗ tôi. Họ cho tôi rất nhiều, nhất là sự tha thứ.

8.

An ủi thứ ba là tôi cảm thấy được gần gũi với những tấm lòng tốt của các tôn giáo khác và của xã hội.

Khi tôi được Chúa Giêsu cho vơi đi những gánh nặng cuộc đời, do lòng thương xót của Chúa, như lời Người đã hứa, thì tôi nghĩ chắc chắn nhiều người khác cũng được như tôi. Bởi vì Chúa phán: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi”.

Chúa nói: “Tất cả”, chứ không trừ ai. Và như vậy, thì chắc chắn là có rất nhiều người trong các tôn giáo khác và trong xã hội, cũng đã được kêu gọi đến với Chúa, và thực sự họ đã đến với Chúa bằng những cách thích hợp với lương tâm ngay lành của họ.

9.

Kết quả là những tấm lòng tốt đó đã gặp được Chúa. Có thể gọi họ là những vị thánh ngoại đạo. Họ không có tên trong sổ của các cộng đoàn Công giáo. Nhưng họ lại được Chúa đón nhận vào Nước Chúa là nước tình yêu thương xót.

10.

Riêng tôi, tôi may mắn được gặp nhiều tấm lòng tốt ngoại đạo tại Việt Nam yêu dấu này.

Họ rất tin kính Thiên Chúa. Họ rất có lòng thương những người khổ đau. Họ rất cởi mở với người Công giáo. Họ hay xót thương và tha thứ.

11.

Tới đây, tôi nhìn thấy tương lai của tôi. Tình hình sẽ rất phức tạp. Nhưng cho dù phức tạp đến đâu, tôi cũng cứ vâng lời Chúa, mà thu hẹp lại những khoảng cách.

Tình yêu đâu có khoảng cách

Xót thương đâu có khoảng cách

12.

Trên thánh giá, có lúc Chúa Giêsu đã kêu: “Cha ơi, sao cha nỡ bỏ rơi con” (Mc 15, 36). Có nghĩa là có khoảng cách đớn đau trong Chúa Giêsu. Nhưng một lúc sau, Chúa Giêsu lại nói: “Cha ơi, con xin phó mình con trong tay Cha” (Lc 23,46). Có nghĩa là không còn khoảng cách. Những gì xảy ra cho Chúa Giêsu cũng đang xảy ra cho tôi. Tôi đừng quên mình vẫn trong thử thách. Xin mọi người cầu nguyện và nâng đỡ tôi là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn. Nhất là xin tha thứ cho tôi về mọi lỗi lầm của tôi.

Thế là đau buồn đang đổi sang niềm hy vọng.

Tạ ơn Chúa.

ĐGM GB Bùi Tuần,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét