Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Bất hoà trong gíao dục con cái


Bất  hòa  trong  giáo  dục  con  cái!
10 Tháng Ba 2020-Trần Mỹ Duyệt



Con chào chú. Chú cho con hỏi con làm và suy nghĩ như vậy là đúng hay sai, chúng con cướí nhau được 5 năm được hai bé lớn 3 tuổi bé được 8 tháng. Trước kia chúng con ở chung với nội ở Sài gòn nhưng vì sanh bé thứ 2 được ông bà ngoại giúp đỡ chúng con xây được nhà ở Đồng nai nhưng chồng con không muốn về nói là “thằng làm thuê thành phố còn sướng hơn thằng giàu nhà quê”, con nghe đến đây chẳng muốn tranh luận với anh nữa. Điều con muốn hỏi ở đây là chồng con không cho bé lớn về ở với con. Con sợ cháu bị hư thì sau này con khổ chứ ai vì bà nội thương cháu quá và rất chiều. Mười giờ khuya nó đòi cơm cũng bò dậy lấy cho nó ăn trong khi đến bữa không chịu ăn mà coi máy. Con nói không được, nói nó còn nhỏ. Chồng con đồng tình luôn, Anh cứ toàn đi ngược lại với cách dạy con của con nên con mới quyết định ra ở riêng để dạy con. Giờ con rất lúng túng không biết làm sao cho phải. Bắt con về hay để ở với bà nội với chồng.

Sầu Đông
    
Đáp:

Câu hỏi thoạt đầu tưởng như chỉ là sự bất đồng giữa hai vợ chồng về việc giáo dục con cái. Nhưng đi sâu vào chi tiết thì vấn đề không đơn giản, mà lại bao gồm nhiều liên hệ phiền phức khác, chẳng hạn:

-       Vợ chồng lúc này đã ở riêng, chồng ở nhà mẹ chồng, vợ ở nhà do bố mẹ giúp xây ở gần nhà.

-       Quan niệm về tương lại. Chồng cho rằng: “thằng làm thuê thành phố còn sướng hơn thằng giàu nhà quê.”

-       Cách nuôi dậy con cái. “Anh cứ toàn đi ngược lại với cách dạy con của con nên con mới quyết định ra ở riêng dể dạy con.”

-       Cách bà nội can thiệp vào việc giáo dục cháu: “Mười giờ khuya nó đòi cơm cũng bò dậy lấy cho nó ăn trong khi đến bữa không chịu ăn mà coi máy. Con nói không được, nói nó còn nhỏ.”

-       Tư tưởng đem hai con về với mẹ: “Bắt con về hay để ở với bà nội với chồng.”

Để có một lời khuyên hữu hiệu, theo tôi:

1.    Phải có lý do quan trọng đã dẫn đến việc vợ chồng mỗi người một nơi ngoài những bất đồng về việc giáo dục con cái?

2.    Căn nhà ở Đồng Nai được xây là do cháu muốn hay do sự đồng thuận giữa hai vợ chồng?

3.    Ngoài những xung khắc trong việc giáo dục con cái. Phải chăng cháu luôn có tư tưởng coi thường chồng mình vì cho là anh ta không có óc cầu tiến, thiếu chính kiến, ngại chịu khó, và lệ thuộc vào mẹ anh ta?

4.    Sự xung khắc giữa mẹ chồng, nàng dâu xem như còn trầm trọng hơn là chuyện bất đồng trong vấn đề dạy dỗ con cháu?

Và sau đây là ý kiến của tôi:

1-.Tuổi giáo dục tốt nhất của một đứa trẻ là tuổi lên 3. Tâm lý học hiện nay đã xác nhận điều này. Nó cũng phù hợp với quan niệm giáo dục của cha ông mình. “Dậy con từ thuở lên ba”. Về điểm này, sự quan tâm đến vấn đề giáo dục của cháu là đúng.

2-.Việc người bà – bà nội cũng như bà ngoại – chiều cháu là thường tình. Và sự khác biệt về quan điểm văn hóa, xã hội, tuổi tác luôn có những cái nhìn khác nhau về hành động này. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà nó là một quan điểm chung hầu như trong mọi nền văn hóa. Cháu cần nhìn vào tình thương và ý tốt của bà đối với các cháu.

4-.Tôi đồng ý với cháu trên nguyên tắc, nếu vợ chồng có những bất hòa nghiêm trọng, những xung khắc không hàn gắn được thì tốt hơn là nên sống độc lập, ai có bản lãnh và điều kiện hơn thì nuôi dậy con. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc, là lý thuyết. Thực tế còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác nữa.

5-.Sự khác biệt nếu có giữa hai vợ chồng là chuyện của người lớn, không nên làm liên lụy đến những đứa trẻ. Đứa trẻ tốt nhất vẫn là được lớn lên trong tình thương và sự dậy dỗ của cả cha lẫn mẹ. Theo tâm lý giáo dục, giá trị một lời nói của cha nặng bằng năm lần của mẹ.

Theo tinh thần câu hỏi, tôi nghĩ rằng cháu thuộc mẫu phụ nữ có cá tính mạnh, quyết đoán, và tư tưởng cấp tiến, theo thời. Có thể, với quan niệm và lối sống này, cháu cảm thấy khó phục nổi, yêu nổi, và hòa thuận nổi với mẹ chồng cũng như chính chồng của mình.

6-.Nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy, trong những xích mích, khủng hoảng về hôn nhân không có một bên lỗi hoàn toàn và một bên phải hoàn toàn? Tôi không nghĩ một người như cháu lại yêu và lấy một người chồng khiến cháu cảm thấy chán nản, thất vọng như bây giờ? Đây là điều cháu cần phải nhìn lại từ phía mình. Tại sao vợ chồng cháu lại đến nông nỗi này? Cháu nên nhớ: “Sau lưng người chồng thành công luôn có bóng dáng người vợ hiền đức”.

Cũng theo kinh nghiệm, tôi cho rằng người bà của các cháu chỉ là thương cháu và không biết cách chiều cháu thôi. Là người hiểu biết, cháu vẫn có cách giải thích và dẫn đến một cái nhìn chung về giáo dục. Ở điểm này, cháu xem như chủ quan trong sự hiểu biết của mình về giáo dục. Không phải người già là hoàn toàn sai và không hiểu biết đâu. Lý thuyết giáo dục, sách vở giáo dục được viết ra theo một quan niệm chung, còn áp dụng lại phải tùy mỗi trường hợp.

Tôi đồng ý với mẹ chồng cháu là các con cháu còn nhỏ nên để giáo dục cũng cần phải uốn nắn và nương theo cá tính của mỗi đứa.

Tóm lại, theo tôi, không phải là “Bắt con về hay để ở với bà nội với chồng.” Mà là cháu nên về với chồng cháu để các con có bố, có anh em. “Chồng xây nhà, vợ xây tổ ấm.” Từ từ, bình tĩnh cháu sẽ chinh phục được cả mẹ chồng và chồng cháu. Và kết quả là nhờ cái “đức hạnh” của cháu mà gia đình được an vui, con cái được lớn lên và giáo dục tử tế.

Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét