Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Jul 26, 2020 - Chúa nhật 17 thường niên năm A



Jul 26, 2020 - Chúa  nhật  17  thường  niên  năm  A
Xin  được  khôn  ngoan!



Các Bạn thân mến,

Từ thuở nào, nhân loại đã rất trân quí, ước ao sở hưũ những viên ngọc quí hả các Bạn? - Tất nhiên chẳng ai có thể xác định, chỉ biết rằng con người thơì nào cũng mơ tưởng có được vật báu, kho tàng quí giá, thành công... Biết rõ như thế nên hôm nay Đức Giesu cho chúng ta nghe một ví sánh thật cụ thể, để chúng ta có thể vượt qua những trói buộc mà ngước lên cao!

Còn nhớ năm tháng sau khi thảm họa kép sóng thần và động đất tấn công Nhật Bản những năm đầu thập kỷ, nhân viên và dân chúng đã trao cho nhà chức trách hơn 5.700 két sắt, hàng ngàn chiếc túi xách, bóp ví…trôi dạt vào bờ, dọc bờ biển, hoặc tìm thấy trong đống đổ nát…

Trong những vật chứa ấy, có hằng chục, hằng trăm triệu Mỹ kim tiền mặt, rất nhiều vàng bạc, đá quí, đồ cổ, sổ tiết kiệm, giấy tờ sở hữu tài sản nhà cửa, đất đai, và các vật khác…

Cảnh sát Nhật cho hay, phần lớn tài sản, của cải có ghi rõ tên và địa chỉ
đã được trao lại đầy đủ cho chủ nhân.

Lúc cao điểm, có quá nhiều két sắt được nộp cho cảnh sát nên họ không đủ phòng để cất giữ. Sau đó mỗi tuần vẫn có người tới nộp đồ thất lạc, và chắc chắn còn nhiều loại tài sản đã mất sau hai biến cố ấy.

Trong chiến dịch truy quét tội phạm, buôn hàng cấm ở các nơi, các thời,  cảnh sát cũng luôn phát hiện nhiều tiền bạc, của cải trái phép được giấu kín trong hàng hóa, chôn giấu kín dưới đất, trong vườn, sàn nhà…

Hiển nhiên các chiến dịch ấy không chỉ ở số tiền được tìm thấy, mà ở chỗ đã phá vỡ được mạng lưới tội phạm, nhằm triệt phá những nhóm trộm cướp ác ôn, rửa tiền từ các vụ buôn bán hàng lậu và tội phạm có tổ chức.

Vỉệc chôn giấu tiền bạc phi pháp để trốn tránh pháp luật hay chôn giấu của cải chính đáng như, vàng bạc, vật quí giá ẩn sâu dưới lòng đất để che giấu mọi người, rất phổ biến trong dân chúng từ xưa đến nay.

Nhưng không như người ta kỳ vọng Thần đất sẽ bảo toàn cho họ. Mà chỉ một trận động đất, Thần đất cũng phải buông tài sản ôm giấu sâu kín trong lòng! Một cơn sóng thần thì mọi thứ đều trôi dạt! Gió mà nổi giận thì thứ gì không cánh cũng bay! Một lần chính quyền càn quét, thì betong két sắt cũng lộ mặt!... Đúng là phù du sẽ mãi mãi là phù du!

Thế nên Đức Giesu dạy chúng ta đừng dại khờ thu gom tích trữ của phù du qua những dụ ngôn hơi lạ để ví sánh về Nước Trời: Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng; như một thương gia đi tìm ngọc đẹp hoặc như mẻ lưới đầy cá… Ai ý thức được sự qúi gía của nó cùng cố công tìm kiếm thì mới gặp. Ai bỏ tiền mua chuộc thì mới được.

Đây là một dụ ngôn quen thuộc với dân Do Thái cũng như người Á Đông chúng ta, thường chôn giấu tài sản kín đáo dưới lòng đất. Nơi mà họ coi như ngân hàng không lãi, nhưng có thể giữ gìn của cải trong chiến tranh, hoạn nạn. Để dù có phải điêu tàn, tản mác, chạy trốn lâu năm thì khi trở về, cũng có thể tìm lại được những vật qúi báu ấy. Luật La Mã và Do thái thời bấy giờ còn cho phép ai tìm thấy tài sản trên đất của mình thì có quyền sở hữu. Nên nhiều người bỏ công sức để hy vọng tìm được vật báu của ai đó, cũng như có người chuyên làm nghề đi tìm kiếm kho báu dưới lòng đất.

Ðiều này dẫn đến chủ điểm Đức Giêsu nêu ra trong Tin Mừng hôm nay: muốn làm công dân Nước Trời, ai cũng phải dấn thân đi tìm, phải coi đó là ưu tiên số một của cuộc đời. Chứ không thể theo đuổi việc ấy như khi làm công việc ngoài giờ, công việc tiêu khiển…

Hơn nữa, phần thưởng cho người buôn ngọc, người tìm kho báu, chỉ là của cải thế gian nay còn mai mất. Khi người buôn ngọc chết đi, viên ngọc không còn giá trị với anh. Khi nông gia chết, của báu cũng thành vô dụng với anh. Nhưng Kitô hữu chết đi, thì nước trời vẫn tồn tại cùng họ, và còn toả sáng hơn, sáng mãi mãi…

Bởi lúc chết, chỉ một điều đáng kể là chúng ta đã trở nên như thế nào, thành cái gì trong tiến trình cố gắng tìm viên ngọc, tậu kho báu? Đấy là điều quan trọng Đức Giesu muốn nói: không gì trên thế gian có thể chiếm vai trò ưu tiên hơn nước Chúa và sự đeo đuổi của chúng ta để đạt được Nước ấy.

Vậy chúng ta đã tìm Nước ấy chưa? Đã yêu thương nhau chưa? Đã tha thứ cho nhau chưa? Đã giúp đỡ kẻ túng thiếu chưa? Đã an ủi kẻ đau khổ chưa? Đã dấn thân và trung tín với Chúa và với nhau chưa?...

Muốn vậy, chúng ta phải biết khôn ngoan, hy sinh, can đảm bỏ đi những chướng ngại để đổi lấy phần thưởng vĩnh cửu trên Nước Trời.

1. Sự khôn ngoan:

-  Dụ ngôn không nói rõ người kia gặp kho báu trong trường hợp nào, có lẽ ông gặp trong khi làm công việc thuê mướn hằng ngày cho chủ ruộng?

-  Nghĩa là ông không có quyền sở hữu đất ruộng này, nên ông vội vã chôn giấu lại để không ai biết, rồi nhanh chóng gom góp tài sản của mình mà mua thủa ruộng ấy hầu công khai chiếm hữu kho báu. Đó là điều đáng nói.

-  Do may mắn ông tìm thấy kho báu. Như việc khám phá ra Nước Trời là một ơn cho không của Thiên Chúa.

-  Có thể suy diễn rằng ông đang làm công việc thường nhật một cách cần mẫn, và chắc chắn, ông cũng đã phải đào sâu trong lòng đất mới gặp kho báu.

-  Còn thương gia kia, biết gía trị cao qúi của những viên ngọc đẹp nên chú ý tìm kiếm. Khi tìm được, ông cũng bán cả gia tài để mua lại viên ngọc đẹp ấy.

-  Hai người đều biết khám phá, vui mừng vì được điều mong ước nên quyết tâm đánh đổi những gì kém giá trị của mình, lấy cái giá trị lớn hơn.

-  Ý thức đứng đắn dẫn họ đến thái độ, hành động rất khôn ngoan.

-  Dụ ngôn nêu rõ vai trò chỉ đạo là sự khôn ngoan, biết chọn lựa, biết thẩm định giá trị đồ vật; Nước Trời cũng giống vậy, là kho báu, là ngọc đẹp qúi gía nhất, đáng cho mọi người dám bỏ tất cả để theo đuổi mua lấy.

-  Xét cho cùng, chỉ sự khôn ngoan, chính sự khôn ngoan mới dạy người ta đầy đủ mọi điều để thành công.

-  Khôn ngoan là nền tảng, là nguồn gốc, là sự chỉ đạo, đặc biệt trong đường thiêng liêng.

-   Salomon hết sức khôn ngoan, khi lên ngôi kế vị vua cha Davit, biết mình còn trẻ, thiếu khả năng trước trách nhiệm rất nặng nề. Ý thức vương quyền của ông là do Thiên Chúa ban, để phục vụ dân Ngài. Nên khi Thiên Chúa hỏi ông muốn xin bất cứ điều gì, Ngài cũng sẵn sàng ban.

-  Salomon chỉ xin một điều duy nhất, là được khôn ngoan.

-  Thiên Chúa rất hài lòng về lời xin, nên đáp lại ông, vì Ngài biết đó là điều tốt nhất, có ích nhất cho Salomon.

-  Thực tế Thiên Chúa còn ban nhiều ơn khác kèm theo để ông xứng dáng là vị vua khôn ngoan mà không vua quan nào sánh bằng.

-  Thật vậy, tất cả mọi thứ ở trần gian như tiền bạc của cải, quyền hành chức tước, tình tài, sắc đẹp… chỉ mang lại những gì thuộc vật chất, sung sướng, hạnh phúc chỉ giới hạn, không thể no đủ bền vững.

-  Chỉ Nước Trời mới cho hạnh phúc vẹn toàn, cả thể xác, lẫn tinh thần, cả tự nhiên lẫn siêu nhiên, no đủ, thỏa mãn, vinh hiển mãi mãi.

-  Nên Đức Giesu ví Nước Trời như kho báu vĩ đại vô gía, như viên ngọc tuyệt sắc không tì vết… mà bất cứ người khôn ngoan nào cũng muốn chiếm lấy.

-  Tuy nhiên không đơn giản dễ dàng, bởi cuộc sống trần gian qúa nhiễu nhương, lắm khó khăn, nhiều trở ngại…khiến chúng ta nản lòng, không đủ can đảm vượt qua, chẳng dám hy sinh của riêng.

-  Nhưng Đức Giesu đã báo trước để chúng ta chuẩn bị chu đáo và đừng quên Nước Trời như kho tàng vĩ đại, như viên ngọc tuyệt sắc; phải nỗ lực hy sinh thời gian, sức lực, tài sản…để chiếm lấy.

2. Đánh đổi những gì?

-  Đức Giesu nói:"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng", thì không phải Nước Trời chỉ quí giá như kho tàng châu báu, nhưng quan trọng hơn là ví sánh giống như thái độ của người khám phá ra giá trị kho báu.

-  "Giống như chuyện một thương gia": cũng vậy, không chỉ nhằm so sánh Nước Trời với viên ngọc đẹp, mà nhấn mạnh tới hành động của thương gia.

 - "Giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ loại cá": cũng thế, Nước Trời không phải giống như lưới cá, nhưng được so sánh với toàn bộ công việc thả lưới bắt cá tốt.

-   Nên Kito hữu cần tìm kiếm sự khôn ngoan, cần tìm hiểu Thiên Chúa và lối sống Ngài muốn nơi chúng ta, để biết phải hy sinh những gì cho phù hợp với đường lối của Ngài. Cần chọn kho báu nào, ngọc qúi nào, là sức sống của Thiên Chúa trong chúng ta.

-   Cần biết thay đổi những gì, dù rất nhỏ và phải đánh đổi ra sao dù là tất cả.

-   Đấy là hỉ-nộ-ái-ố-tham-sân-si của bản ngã mà không vì kính Chúa yêu người!

-   Nếu tất cả đều có Chúa ở cùng, mọi thứ sẽ an toàn tốt đẹp, tránh, thắng được cám dỗ, đam mê, trở ngại.

-   Dùng thời gian, sức lực vào việc kính Chúa yêu người, là kho tàng qúi gía nhất đời của chúng ta.

-   Đó là khôn ngoan, biết đánh đổi, hy sinh những cản trở để tìm kiếm điều qúi trọng nhất.

-   Đời sống theo Chúa và phụng vụ đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều từ bỏ, nhiều đánh đổi để vác thập gía mình theo Đức Giesu; biết bán đi những rườm già, dư thừa, cả yêu qúi, gắn bó nhất như địa vị, quyền thế, tài năng, tiền bạc, gia đình, tình yêu, sự nghiệp, mục tiêu, tham vọng, thói quen, ý riêng, nếp sống, sở hữu, sở thích, tự do khi cần, … để đổi lấy Nước Trời.

-   Như Đức Giesu dạy trong Kinh Lay Cha, Nước Trời không viển vông, nhưng cụ thể ngay trên mặt đất, nếu nơi ấy ý Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời.

-   Như thế ở trong Nước Trời, vào Nước Trời là chấp nhận theo ý Thiên Chúa ngay tại thời điểm đó.

-   Không còn, không có cách nào khác hơn để được sự bình an cho tâm lòng trong cõi đời này và vinh quang ở đời sau.

 Lạy Chúa, xin cho chúng con biết suy ngẫm về tình thương của Ngài đối với chúng con, bởi chúng con đã nhận rất nhiều ơn lành hồn xác do sự rộng lượng của Ngài, đặc biệt ơn qúy trọng nhất mà Chúa ban là Nước Trời.

Dù như dụ ngôn mẻ lưới gom nhiều cá lớn, nhỏ, tốt, xấu lẫn lộn, nhưng tin vào lòng nhân hậu Ngài mà chúng con sẽ được chọn lựa.

Nên trong mọi sự, mọi điều, xin cho chúng con được ơn khôn ngoan, biết gía trị thật của mọi vật, mọi sự để dấn thân như người tìm kho báu, người buôn ngọc qúi, hầu chúng con đổi được Nước Trời. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Thân mến,

 duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét