Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

DẠI MÀ KHÔN


DẠI  MÀ  KHÔN
Monday, July 20, 2020



Chắc hẳn ai cũng đã khốn nhiều lần mới có thể nên khôn, vả lại chúng ta chỉ là những phàm nhân yếu đuối. Biết vậy không phải để thất vọng mà để nỗ lực nhiều hơn và tín thác vào Thiên Chúa tuyệt đối. Có thể đã có những lúc chúng ta “khôn nhà, dại chợ” thật đấy, nhưng nhờ vậy mà biết mình bị lừa, và rồi mới khôn ra.
Đời thường còn cần khôn ngoan huống chi tâm linh, đặc biệt hơn bởi vì khôn ngoan còn là một nhân đức. Kinh Thánh xác định: “Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc.” (Cn 3:18) Khôn ngoan còn là loại “trang sức” tuyệt vời: “Sự khôn ngoan làm cho gương mặt con người ngời sáng, và nét cứng cỏi nên dịu dàng.” (Gv 8:1) Làm sao có thể sống khôn ngoan? Kinh Thánh cho biết bí quyết: “Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khỏe dồi dào.” (Hc 1:14:18) Sự khôn ngoan thật độc đáo quá chừng!
Phàm điều gì cũng có tính liên đới: khôn ngoan, khiêm nhường và kiêu ngạo. Lạ lùng là cả 3 nhân đức này, theo Việt ngữ, đều bắt đầu bằng mẫu tự K, nhưng đối lập với 2 K – khờ khạo và 2 D – dại dột. Ai khiêm nhường sẽ có khôn ngoan thật, ai kiêu ngạo sẽ có khôn ngoan ảo. Ba mẫu tự K với hai hướng trái ngược nhau. Mẫu tự K cũng kỳ diệu lắm. Ước gì mỗi chúng ta luôn biết tự nhủ và có thể quyết tâm hứa với Chúa: “Dầu hèn mọn và bị người khinh dể, huấn lệnh Ngài, con cũng chẳng quên.” (Tv 119:141) Thế thì tuyệt!
Tuy nhiên, khôn ngoan không liên quan giỏi giang, thông minh hoặc ngu dốt. Người giỏi và thông minh chưa chắc khôn ngoan, và người ngu dốt không hẳn thiếu khôn ngoan. Thánh Faustina (1905-1938) kém cỏi chữ nghĩa nhưng được Chúa Giêsu mặc khải bí quyết nên thánh là “tín thác vào Đức Kitô.” Đúng như Chúa Giêsu đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11:25; Lc 10:21) Thật vậy, Thánh Teresa Lisieux (Teresa Hài Đồng Giêsu, 1873-1897) học hành chẳng bao nhiêu nhưng lại có “luận án độc đáo” nên được Giáo Hội tôn phong là tiến sĩ, đó là bí quyết nên thánh đơn giản theo “con đường thơ ấu,” tức là nên như trẻ thơ. Và Chị được chọn làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, bệnh nhân AIDS (SIDA), phi công, người bán hoa, và bệnh nhân. Chỉ ở trong 4 bức tường dòng kín, chẳng đi đâu, thế mà Chị vẫn thông tuệ.
Thánh Anthony Cả phân biệt: “Có những người được gọi là thông minh chỉ vì từ ngữ ấy bị lạm dụng. Người thông minh không phải là người nghiên cứu ngôn từ và tác phẩm của các bậc thông thái thời xưa, nhưng là người có tâm hồn sáng suốt, biết đoán định điều tốt điều xấu; với lòng tri ân Thiên Chúa, họ xa tránh những điều xấu nguy hại cho linh hồn, đồng thời ân cần lưu tâm và thực hiện điều tốt sinh ích cho trần thế.”
Cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều có nhiều loại kho tàng, nhưng chắc hẳn khôn ngoan là kho tàng quý giá nhất. Quả thật, sự khôn ngoan rất cần thiết, nhất là đối với những người đang lữ hành giữa trần gian đầy mưu ma chước quỷ này. Vì thế, Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em phải KHÔN như rắn và ĐƠN SƠ như bồ câu.” (Mt 10:16) Khôn hay Dại cũng còn tùy “tầm nhìn” của mọi người. Người Công giáo có câu vè thế này: “Khôn thế gian làm quan Địa Ngục, dại thế gian làm quan Thiên Đàng.” Cách quan niệm cũng có tầm quan trọng nhất định – Thiên Đàng và Hỏa Ngục ở sát ngay bên, không hề xa xôi...
Sự khôn ngoan luôn được đề cao, dù người đó thuộc bất cứ dân tộc nào. Nhưng khôn ngoan cũng có năm lối, bảy đường. Ở Việt Nam có Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ thản nhiên: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người tìm chốn lao xao.” Ôi chao, mấy ai có được “cái dại” như cụ! Tây phương có văn hào Victor Hugo (Pháp) với cách nhận định: “Sự thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan.” Còn Văn sĩ Robert A. Heinlein (Mỹ) so sánh: “Lòng tốt thiếu sự khôn khéo thì chẳng khác gì cái ác.” Kịch tác gia Menander (Hy Lạp) nói chắc: “Tóc bạc không sinh ra sự khôn ngoan.” Đừng tưởng già mà khôn. Đó là loại triết-lý-sống mà đôi khi cần “ngược” chứ không “xuôi.”
Thời Cựu Ước, Đức Chúa đã hiện ra báo mộng cho vua Salômôn tại Ghíp-ôn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” (1 V 3:5) Đúng là hơn cả tuyệt vời, được Chúa “bật đèn xanh” như vậy thì còn gì bằng. Thế nhưng ông không dám xin gì để thỏa mãn chính mình.
Ông khiêm nhường thân thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay. Và bây giờ, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1 V 3:6-9)
Vua Salômôn thực sự khôn ngoan khi xin ơn khôn ngoan mà không nói rõ là khôn ngoan, chỉ xin “biết lắng nghe” và “biết phân biệt phải trái.” Khéo ghê đi! Biết hai điều đó thì khôn ngoan quá chừng rồi. Và Kinh Thánh cho biết: “Chúa hài lòng vì vua Salômôn đã xin điều đó.” (1 V 3:10) Rõ ràng đức khôn ngoan vô cùng quan trọng.
Vì hài lòng nên Ngài nói với nhà vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.” (1 V 3:11-12) Ông không chỉ là người khôn ngoan nhất thế gian, mà có thể nói rằng ông cũng là người hạnh phúc nhất đời này. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết cầu xin điều có lợi cho người khác để làm hài lòng Thiên Chúa, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được một phần khôn ngoan mà Vua Salômôn đã nhận được từ Thiên Chúa.
Lại cũng rất khôn ngoan khi Thánh Vịnh gia thân thưa: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài.” (Tv 119:57) Tấm gương này đáng soi lắm. Nghĩa là chúng ta phải “coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu.” (Tv 119:72) Đó cũng là một dạng dấn thân, quên mình để theo Chúa, đó là khôn ngoan. Nhưng điều đó không dễ thực hiện nếu chúng ta không “tự khó với chính mình.” Đồng thời, còn phải cố gắng để có thể quyết tâm như Thánh Gioan Tẩy Giả: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3:30) Đó là lúc đứng trên đỉnh cao khôn ngoan rồi.
Khôn ngoan chứ không khôn ranh hoặc khôn lỏi. Nghĩa là phải tự khó với chính mình nhưng không khó với người khác, và khiêm nhường cầu xin: “Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. Xin chạnh lòng thương cho con được sống, vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê.” (Tv 119:76-77) Thực sự quyết tâm như vậy rồi mới có thể xác định: “Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y. Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước, lòng ghét mọi đường nẻo gian tà. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay, nên hồn con tuân giữ. Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường.” (Tv 119:127-130) Điệp ngữ “vì thế” thật tuyệt vời biết bao!
Là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã tự hạ đến tột cùng, thế nên Ngài cũng chỉ thích những người thật lòng khiêm nhường. Trong bài thánh ca Magnificat – Ngợi Khen, Đức Mẹ đã xác định: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:52) Mãi từ ngàn xưa, Cựu Ước cũng đã xác định: “Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay.” (Hc 10:14) Và vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cũng nói rõ về Thiên Chúa: “Người có quyền hạ bệ kẻ quen thói kiêu căng hống hách.” (Đn 4:34)

Ý Chúa huyền nhiệm, quan phòng kỳ diệu, tiền định lạ lùng, chúng ta không thể hiểu thấu. Nhưng về ý định cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm 8:28-29) Thật tuyệt vời vì chúng ta được Ngài yêu quý và thương xót, được giải thoát khỏi ách tội lỗi nhờ Bửu Huyết Đức Kitô, được phục hồi cương vị làm con, rồi còn được là “tiểu đệ” hoặc “tiểu muội” của Sư Huynh Giêsu nữa. Phàm ngôn không thể nào diễn tả đủ mức niềm hạnh phúc mà chúng ta đang được tận hưởng nhờ sự cao cả của Thiên Chúa.
Đưa ra một chuỗi hệ lụy liên kết với nhau rất lô-gích, Thánh Phaolô cho biết: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang.” (Rm 8:30) Được “hưởng phúc vinh quang” tức là được vào Nước Trời, vào Thiên Đàng, nơi chỉ có những con người thực sự khôn ngoan mà thôi. Như người ta thường nói là “sống khôn, chết thiêng” vậy.
Tuy nhiên, muốn vào Nước Trời hay không là quyền tự do của chúng ta, Chúa không hề ép buộc ai, vì Ngài đã ban cho chúng ta quyền tự do, và Ngài luôn tôn trọng quyền đó nơi mỗi chúng ta. Thực sự rất đáng quan ngại về sự tự do đó. Nhưng vì thương xót chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta, thế nên Ngài vẫn cảnh báo hoặc động viên, vì Ngài muốn tất cả chúng ta được vào Nước Trời, chứ không muốn ai phải hư mất. Có lẽ vì tôn trọng tự do của chúng ta mà Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn và cứ lặp đi lặp lại cách nói này: “Ai có tai thì nghe.” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35)
Quả thật, rất cần phải tỉnh thức, tức là phải sống khôn ngoan, biết phân định để có thể chọn lựa điều đúng và có thể trở nên công dân Nước Trời mai sau. Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều dụ ngôn để mô tả Nước Trời, đây là ba dụ ngôn ngắn gọn trong số đó:
KHO BÁU: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” (Mt 13:44) Dụ ngôn này không khó hiểu, nhưng có cái khó khác. Vấn đề là “bán tất cả những gì mình có” được hay không thuộc quyền tự do của mỗi người. Khó ở chỗ là quyết định “bán” hay không.
NGỌC QUÝ: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13:45-46) Dụ ngôn này cũng không khó hiểu, giống như dụ ngôn “kho báu,” nhưng lại cũng khó vì chúng ta có quyền tự do và có dám “bán tất cả những gì mình có” hay không.
Hầu hết chúng ta không là triệu phú hoặc tỷ phú (theo ngoại tệ, chứ nội tệ thì “tệ” lắm, ngày nay triệu phú có khắp nơi, từ quê ra tỉnh), nhưng tài sản của ai cũng lớn lắm, không dễ dứt bỏ. Tài sản đó là “cái tôi” tồi tệ của mình – tự ái, kiêu ngạo, sĩ diện, hợm hĩnh... nhất là tội lỗi, bởi vì phạm tội có “thú đau thương” độc đáo lắm, như ăn vụng thì ngon miệng vậy. Trái cấm bao giờ cũng ngọt và ngon lắm. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói chắc nịch: “Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó.” (Mt 6:21; Lc 12:34)
CHIẾC LƯỚI: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13:47-50)
Dụ ngôn thứ ba này “mạnh” hơn hai dụ ngôn trên, cũng rõ ràng hơn và “dữ dằn” hơn. Dụ ngôn này tương tự dụ ngôn “Cỏ Lùng.” (Mt 13:24-30) Không ai lại để cá xấu lẫn với cá tốt, chắc chắn họ sẽ loại bỏ cá xấu. Loại rác rưởi thì chỉ bỏ vô nơi có lửa, cứ mặc sức vừa “sưởi” vừa khóc lóc nghiến răng cho… “thỏa chí,” như kiểu người ta nói đùa là “làm việc đền tội cho SƯỚNG.” Ở Hỏa Ngục thì “sướng” nhất rồi. Tha hồ than thở suốt đời mà chẳng ai dỗ dành, chẳng ai làm phiền, hết đường thoát thân, Chúa cũng không cứu nổi, vì đó là quyền tự do và tự chọn. Đúng là khủng khiếp thật!
Ai cũng sợ Hỏa Ngục vì biết nó quá mức khủng khiếp, và đó là nơi có thật hơn cả sự thật. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải Hỏa ngục cho vài vị thánh được thị kiến. Chuyện thật chứ không đùa. Chưa đủ lòng mến để có thể ăn năn tội cách trọn thì chí ít cũng vì sợ mà ăn năn tội cách chẳng trọn. Chúa vẫn chấp nhận vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, không muốn ai phải xa cách Ngài mãi mãi.
Khi nói xong ba dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Tất cả đều nói “hiểu.” Ngài kết luận: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13:52) Chúng ta đã nghe nói và biết nhiều về Nước Trời, càng nhiều tuổi càng nghe nhiều, phần quyết định thuộc về mỗi người. Ước gì chúng ta đủ can đảm để “bán những gì mình có” để chắc chắn có được tấm “Visa Nước Trời” thì mới thực sự an tâm, cố gắng lữ hành trần gian mà chờ “chuyến bay” khi đến lượt mình.
Ở đời, chưa chắc ai hơn ai trong chuyện Khôn – Dại. Có truyện kể liên quan Kẻ Khùng và Người Ngu thế này…
Hằng ngày, tài xế xe tải giao hàng cho bệnh viện tâm thần. Hôm đó, anh đậu xe bên cạnh một cống nước. Khi rời bệnh viện, anh thấy có một bánh xe bị xì hơi. Anh kích xe tải lên, tháo bánh xì hơi để thay vào đó một bánh xe dự phòng. Lúc gắn bánh xe mới vào, đột nhiên anh làm rơi cả tám chiếc bù lon xuống cống nước, không thể nào vớt những chiếc bù lon ra khỏi ống cống được, anh bắt đầu hoảng hốt vì không biết phải làm sao. Ngay lúc đó, một bệnh nhân đi ngang qua và hỏi: “Sao bác tài có vẻ hốt hoảng vậy?”

Anh tài xế nghĩ thầm: “Tỉnh như mình mà còn không ăn ai, huống gì cái gã điên này.” Muốn gã điên đi cho khuất mắt, tài xế vừa nói vừa thất vọng nhìn gã tâm thần: “Cả tám con ốc rơi xuống cống hết trơn rồi.” Gã bệnh nhân cười và nói: “Chỉ mỗi cái việc đơn giản như vậy mà cũng không có cách nào làm được. Chắc chắn anh sinh ra chỉ làm được cái nghề tài xế xe tải là may lắm rồi.”
Tài xế vừa bực mình vừa ngạc nhiên khi nghe lời nhận xét như vậy từ một gã tâm thần. Rồi gã thản nhiên: “Đây là cái anh có thể làm: Tháo cân đối 4 cái bù lon từ bánh xe cùng bên ra và gắn cân đối vào cái bánh xe này. Rồi lái xe xuống tiệm sửa xe gần nhất và thay những cái bù lon còn thiếu vô. Đơn giản quá mà, phải không?”
Anh tài xế kinh ngạc và cảm kích với giải pháp tuyệt chiêu như vậy. Tài xế hỏi bệnh nhân: “Anh quá giỏi và thông minh như vậy sao lại có mặt ở cái bệnh viện tâm thần này vậy?” Gã tâm thần nhếch mép thản nhiên: “Tôi ở đây bởi vì tôi khùng chứ không phải tôi ngu, anh bạn ạ!”

Lạy Thiên Chúa, nguồn mạch mọi sự thánh thiện, xin giúp con rút được bài học khôn ngoan thực sự từ những sai lầm của con để con có thể biến đổi đúng Thánh Ý Ngài; xin ban cho con sự thông minh tâm linh để biết phân định và tuân giữ luật Ngài đến hơi thở cuối cùng. Xin giúp con biết dại ở đời để nên khôn trước Tôn Nhan Ngài, để con “được hưởng tình thương và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài.” (Tv 119:41) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét