Nhìn thấy qúa khứ qua đôi mắt của Thiên Chúa.
Sat,
11/07/2020 - Lại Thế Lãng dịch
Trong ngày Sa-bát, Chúa
Giêsu và các môn đệ của Ngài đi ngang qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ đều đói
bụng, vì vậy họ bứt những bông lúa để ăn cho đỡ đói. Môt vài người Pharisêu thấy
vậy đã rất tức giận! Không lẽ Chúa Giêsu không biết rằng những người đi theo
Ngài đã phạm vào một trong những giới răn của Thiên Chúa, giữ ngày Sa-bát là
ngày thánh hay sao? Nhưng Chúa Giêsu đã không tranh cãi với họ - thật ra Ngài
đã nói lời làm mọi người phải kinh ngạc “Con Người làm chủ luôn cả ngày
sa-bát.” (Mc 2:28). Chính Thiên Chúa đã thiết lập ngày Sa-bát – và chỉ có Thiên
Chúa mới có quyền xét đoán về việc tôn trọng ngày đó. Trong việc tự gọi mình là
Con Người, Chúa Giêsu đã mạc khải rằng Ngài là một với Chúa Cha và ngang bằng với
Chúa Cha ngay trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài.
Chúa Giêsu cũng mạc khải
một vài điều khác về bản thân Ngài: quyền bính của Ngài trên thời gian. Là Con
của Thiên Chúa vĩnh cửu, Chúa Giêsu là Chúa không chỉ trên ngày Sa-bát nhưng
trên tất cả thời gian. Cũng như Đức Chúa Cha tạo dựng và cho phép mỗi một khoảnh
khắc trôi qua, Chúa Giêsu có quyền bính trên từng phút, từng giờ và từng ngày.
Điều đó có nghĩa là Chúa
Giêsu cũng là Chúa của thời gian của chúng ta. Ngài là Chúa của qúa khứ chúng
ta; Ngài đi với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi
chúng ta không biết Ngài đang ở đó. Ngài là Chúa của cuộc sống chúng ta hôm nay;
Ngài giữ chặt chúng ta và mọi thứ thân yêu của chúng ta, an toàn trong tay ngài.
Và Ngài là Chúa của tương lai chúng ta, vì vậy chúng ta không có lý do gì để sợ
hãi.
Toàn bộ cuộc sống của
chúng ta – tất cả cuộc sống từ đầu đến cuối – là một tặng phẩm từ Thiên Chúa.
Nhưng thường chúng ta không xem qúa khứ, hiện tại và tương lai với nhãn quan rằng
Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta. Điều đó có vẻ là một thách đố; cuối cùng, những
cuộc hành trình của chúng ta là phức tạp và thường lộn xộn. Nhưng với ân sủng của
Thiên Chúa, chúng ta có thể bắt đầu nhìn vào toàn bộ đời sống của chúng ta theo
cách Thiên Chúa làm. Hãy bắt đầu với qúa khứ của chúng ta.
Nhớ lại qúa khứ
Bạn có thích xem lại những
tấm hình cũ? Có thể bạn thấy mình là người mẹ hay người cha trẻ với những đứa
con nhỏ đứng bên cạnh, bây giờ đã trưởng thành với những đứa con nhỏ của chúng.
Có lẽ bạn thấy người mẹ, người cha hay người phối ngãu đã qua đời và cảm thấy
buồn ray rứt. Có thể bạn cười khúc khích với quần áo bạn mặc theo phong cách của
thời đó. Nhìn vào những tấm hình và những cuốn băng ghi hình cũ chắc chắn gợi lại
một loạt những cảm xúc.
Điều đó cũng đúng khi
chúng ta nhìn lại cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể cảm thấy biết ơn về
những thời gian tốt lành, buồn phiền về những mất mát hay hối tiếc về những lỗi
lầm. Chúng ta muốn chúng ta có thể đi ngược lại thời gian để sống một phần của
cuộc sống một lần nữa. Hay chúng ta có thể cảm thấy luyến tiếc và ao ước theo
cách mà sự việc đã xầy ra. Nhưng bất cứ điều gì chúng ta cảm thấy, qúa khứ vẫn
là qúa khứ. Chúng ta không thể sống trở lại hoặc xóa bỏ bất cứ điều gì đã xẩy
ra.
Tuy nhiên, đôi khi qúa khứ
đem đến những ký ức đau buồn và chúng ta có thể để cho những biến cố đã qua này
ám ảnh và che lấp những ý nghĩ của chúng ta đối với hiện tại và tương lai.
Chúng ta có thể tập trung vào những tội lỗi đã phạm từ lâu, trước khi chúng ta
có mối quan hệ với Chúa. Có thể chúng ta vẫn còn cảm thấy có lỗi hay hổ thẹn về
những tội lỗi này, ngay cả khi chúng ta đã đi xưng tội.
Hoặc có lẽ chúng ta sống
với sự hối tiếc. Chúng ta có thể tự hỏi, Nếu như tôi đã ở nhà thường xuyên hơn
với con cái lúc chúng còn nhỏ? Nếu như tôi đã không cưới người phối ngẫu của
tôi qúa dễ dãi? Có lẽ chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa để cho chúng ta hay
người thân yêu của chúng ta phải chịu đau khổ. Chúng ta có thể tự hỏi liệu
Thiên Chúa có ở với chúng ta trong những thời gian này? Thiên Chúa muốn chiếu rọi
ánh sáng của Ngài vào tất cả mọi biến cố trong qúa khứ của chúng ta để chúng ta
có thể nhận ra sự hiện hữu của Ngài với chúng ta, trong những thời gian tốt
lành cũng như lúc khó khăn.
Cho phép Thiên Chúa nói chuyện trong qúa khứ
Thiên Chúa muốn chúng ta hiểu qúa khứ của
chúng ta như thế nào? Nếu chúng ta đem niềm vui và nỗi buồn của chúng ta, thành
công và thất bại của chúng ta đến trước
mặt Chúa, Ngài có thể giúp chúng ta nhìn thấy qúa khứ của chúng ta bằng đôi mắt
của Ngài. Hãy tưởng tượng Ngài sẽ nói gì với chúng ta:
“Ta đã ở với con mỗi khoảnh
khắc của sự tồn tại của con. Ta đã đi với con ngay cả khi con không thể nhìn thấy
Ta đang hiện diện ở đó”.
Từ khi còn ở trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã để mắt
đến chúng ta. Qua sự chăm sóc chúng ta nhận được như là một đứa trẻ, Ngài đã
yêu thương chúng ta. Ngay cả khi cha mẹ chúng ta không yêu thương chúng ta như
bổn phận của họ, Thiên Chúa đã che chở chúng ta và tuôn đổ tình yêu của Ngài.
Ngài hiện hữu trong mọi hoàn cảnh – tốt và xấu – và bền bỉ trong công việc. Qua
việc chúng ta được rửa tội, các kiểu đơn giản của cuộc sống gia đình, những người
thầy hay những thành viên gia đình tràn đầy đức tin, Thiên Chúa đã đưa chúng ta
đến với Ngài. Ngài luôn ở đó vui mừng với những lần chúng ta được ban ơn lành
và cùng khóc với chúng ta khi chúng ta đau khổ.
Sự thật này có thể là khó hòa hợp với thực tế
của cuộc sống. Nó có thể mãi mãi vẫn là một bí ẩn tại sao chúng ta hay người
thương yêu của chúng ta phải chịu một tình huống đau đớn. Nhưng Thánh Kinh nói
với chúng ta “Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi, …ngươi có đi trong lửa,
cũng chẳng hề hấn gì, ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.” (Is 43:2). Thiên
Chúa đã giữ chúng ta gần gũi với trái tim Ngài, ngay cả khi chúng ta cảm thấy
như là chúng ta đang đi trên lửa. Và Ngài đang hành động để đem ơn lành đến
tình huống đó, ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy.
“Ta có lòng thương xót.
Ta đã gửi Thánh Tử của Ta, Chúa Giêsu để cho các con thấy lòng thương xót của
Ta. Ta đã tha thứ và quên đi những tội lỗi và lầm lỡ trong qúa khứ của các con”
Hãy nghĩ về cách Chúa Giêsu đối xử với người
phụ nữ Samaria (Ga 4: 4-42) với Matthêu người thu thuế (Mt 9: 9-13) và với người
phụ nữ với bình dầu thơm (Lc 7: 36-50). Chúa Giêsu biết rõ họ là những người tội
lỗi nhưng Ngài đã không để cho qúa khứ của họ trở thành một chướng ngại giữa họ
với Ngài. Ngài đã tha thứ cho họ và với niềm vui, Ngài đã chào đón họ đi theo
Ngài. Hãy nhớ những lời Ngài nói với người Pharisêu “Tôi không đến để kêu gọi
người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2: 17). Trong đó bao gồm cả
chúng ta.
Vì vậy nếu chúng ta đã phạm
tội trong qúa khứ và chưa đi xưng tội, đừng ngần ngại chạy đến với Chúa. Ngài
nóng lòng muốn tha thứ cho chúng ta. Như người cha trong ngụ ngôn người con
hoang đàng (Lc 15: 11- 32) Ngài trông chờ để chào đón chúng ta trở lại trong
cánh tay Ngài qua bí tích tuyệt đẹp này. Ngài muốn rửa sạch chúng ta để chúng
ta có thể nhìn thấy qúa khứ của mình, không phải là lý do để lên án nhưng là một
chứng ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không chỉ tha
thứ tội lỗi chúng ta nhưng Ngài còn quên hết tội lỗi đó “Tội của ngươi Ta không
còn nhớ nữa” (Is 43: 25). Nếu Thiên Chúa không còn nhớ tội lỗi của chúng ta thì
chúng ta cũng không nên nhớ. Chúa Giêsu bị treo trên thập giá để chúng ta không
phải mang gánh nặng của sự hổ thẹn vì tội lỗi mà thậm chí Cha Ngài cũng không
còn nhớ nữa. Vì vậy hãy xin Ngài ban cho ân sủng để trao mọi tội lỗi vào cánh
tay yêu thương của Ngài.
Ân sủng của Thiên Chúa
còn mở rộng đến những lỗi lầm của chúng ta – những thiếu sót này không phải là
tội lỗi nhưng cũng làm chúng ta hối tiếc. Đôi khi thật khó để chấp nhận rằng bởi
vì chúng ta là con người, chúng ta sẽ phạm vài lỗi lầm, chỉ vài, mà bây giờ mới
nhìn thấy. Chúng ta có lẽ đã làm điều tốt nhất có thể vào lúc đó. Hãy nhớ rằng
Thiên Chúa chuộc những lỗi lầm và những quyết định đáng thương của chúng ta. Bởi
vì ân sủng của Ngài, Ngài có thể sử dụng những ân sủng ấy cho những điều tốt đẹp
cho chúng ta “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến
Người” (Rm 8: 28).
“Trong suốt qúa khứ của
các con, Ta đã cho các con thấy lòng nhân từ, sự trung tín và quyền năng của
Ta. Hãy nhớ lại những lần này và nhớ lại những ơn lành của Ta. Hãy để điều này
lấp đầy các con với sự tin cậy và hy vọng”.
Chúng ta có thể thường rất
dễ dàng tập trung vào những sự kiện tiêu cực trong qúa khứ mà quên đi nhiều ơn
lành Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Nhưng Thánh Kinh đòi hỏi, ngay cả truyền lệnh
“Hãy nhớ lại những việc kỳ diệu Ngài đã làm”. Điều này sẽ giúp chúng ta thấy được
cách Thiên Chúa đã hoạt động trong cuộc sống của chúng ta qua những lúc khó
khăn cũng như những thời gian dễ dàng. Nó cũng giúp chúng ta phát triển lòng biết
ơn đối với tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta.
Nếu chúng ta gặp khó khăn
để nhớ lại sự tốt lành và lòng trung thành của Thiên Chúa hãy thử điều này: viết
xuống mười sự kiện trong cuộc sống của chúng ta trong đó chúng ta thấy được ơn
lành của Thiên Chúa hay biết rằng Ngài đã ở với chúng ta. Tiếp tục thêm vào
danh sách khi có những tình huống khác đến trong tâm trí. Cách tập luyện như thế
này sẽ giúp chúng ta nhìn thấy qúa khứ của mình qua đôi mắt của Thiên Chúa và
nuôi dưỡng mong muốn của chúng ta để tiếp tục thấy được Thiên Chúa đang hoạt động
trong cuộc sống của chúng ta//
Mặt đối mặt với
Chúa
Hãy tưởng tượng một ngày
nào đó chúng ta mặt đối mặt với Thiên Chúa ở trên thiên đàng. Ngay lập tức,
Ngài cho chúng ta thấy toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Chỉ có điều là nó không
giống với cách chúng ta nhớ về nó. Thay vì tập trung vào tội lỗi của chúng ta,
Thiên Chúa làm nổi bật tất cả những lần chúng ta đã hy sinh cho ai đó, tất cả
những lúc chúng ta quay về với Ngài trong cầu nguyện và hối cải. Ngài nhìn cách
chúng ta tha thứ cho một sự tổn thương hay là an ủi một người bạn. Và Ngài nói
với chúng ta “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành” (Mt 25 : 23).
Chúng ta không cần phải đợi
đến lúc chúng ta lên thiên đàng để xem xét qúa khứ của chúng ta theo cách Thiên
Chúa xem xét. Hãy xin Ngài ban cho ân sủng này ngay hôm nay. Hãy xin Ngài giải
thoát chúng ta khỏi bất cứ gánh nặng nào của tội lỗi hay hối tiếc chúng ta vẫn
mang theo từ qúa khứ. Hãy xin Ngài ban cho chúng ta cảm thức của lòng biết ơn
sâu xa cho tất cả những cách Ngài đã chăm sóc chúng ta và hoạt động trong suốt
cuộc đời của chúng ta. Và để cho quan điểm này uốn nắn hiện tại và tương lai của
chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét