Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Nhận biết chóng mặt do rối loạn tiền đình

 

Thứ sáu, 24/3/2023, VnExpress.net

Nhận  biết  chóng  mặt  do  rối  loạn  tiền  đình

Chóng mặt kèm ù tai, rung giật nhãn cầu, nặng hơn khi cử động đầu, kèm nhức đầu và sợ ánh sáng… thường là các triệu chứng của rối loạn tiền đình.

Chóng mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn khi tuổi càng cao, có thể tạm thời hoặc kéo dài. Chóng mặt là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, chóng mặt xuất phát từ nguyên nhân rối loạn chức năng tiền đình do tổn thương trong não hoặc trong tai. Rối loạn tiền đình mạn tính khi có các cơn chóng mặt lặp lại hơn một tháng và phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Cơn chóng mặt tiền đình có thể nhận biết được thông qua các dấu hiệu như người bệnh có cảm giác lắc lư hoặc nghiêng nhưng không phải kiểu choáng váng và sắp ngất; chóng mặt kèm rung giật nhãn cầu; thường không xảy ra liên tục. Chóng mặt nặng hơn khi cử động đầu, có thể kèm nôn và buồn nôn. Cảm giác chóng mặt sẽ giảm dần sau vài ngày hoặc vài tuần.

Chóng mặt kèm ù tai hoặc kèm theo mất thính lực thường gặp ở bệnh Ménière. Ménière là một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên. Ù tai ở bệnh Ménière thường có âm thanh "gầm" hoặc "vút" cùng với cảm giác tăng áp lực trong tai. Trong Ménière, cơn chóng mặt tái phát có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

Chóng mặt nặng do rối loạn tiền đình thường nặng hơn khi ho, hắt hơi, gắng sức hoặc tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Người bệnh có thể nhìn mọi thứ bị nghiêng hoặc lộn ngược; thường xuất phát từ chức năng tiền đình trong tai có vấn đề. Người bệnh thường đứng không vững, bị ngả sang một bên, dễ té ngã.

 

                            Rối loạn tiền đình gây ra chứng chóng mặt. Ảnh: Freepik

Theo bác sĩ Hằng, các đợt chóng mặt lặp lại kéo dài dưới một phút thường là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV). Các cơn chóng mặt kéo dài nhiều ngày có thể xảy ra với viêm dây thần kinh tiền đình, viêm mê nhĩ, bệnh đa xơ cứng, nhiễm trùng hoặc nhồi máu thân não, tiểu não. Trường hợp chóng mặt kiểu choáng váng và ngất thường không xuất phát từ bệnh tiền đình.

Bác sĩ Hằng cho biết, dù những biểu hiện trên thường thấy ở cơn chóng mặt xuất phát từ bệnh rối loạn tiền đình, khó có thể dựa vào đó để đưa ra chẩn đoán chính xác. Bác sĩ cần khai thác bệnh sử cá nhân, gia đình, thói quen sinh hoạt và thực hiện thêm nhiều phương pháp khác nhau để tìm ra nguyên nhân chính xác. Đôi khi, chóng mặt còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý kết hợp cùng lúc. Khi bị chóng mặt 1-2 tuần không cải thiện, người bệnh nên đến chuyên khoa tai mũi họng để khám và đo chức năng tiền đình.

 

Bác sĩ Thúy Hằng kiểm tra nguyên nhân chóng mặt bằng hệ thống đo tiền đình ảnh động nhãn đồ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Châu Bùi

Nếu nguyên nhân chóng mặt không phải do hệ thống tiền đình, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh, tim mạch, nội tiết, ung bướu...

Nguyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét