Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

Phương pháp ngược giúp bạn đạt mục tiêu

 

Chủ nhật, 19/3/2023, VnExpress.net

Phương  pháp  ngược  giúp  bạn  đạt  mục  tiêu

Nghiên cứu cho thấy 50% mục tiêu năm mới thất bại ngay ba tháng đầu năm. Chuyên gia khuyên khi cảm thấy bế tắc, tập trung vào những điều bạn ghét có thể hữu ích.

Mục tiêu năm nay của bạn như thế nào? Có lẽ đây là chủ đề nhức nhối. Đôi khi các quyết tâm thường thất bại ngay trong những tháng đầu tiên của năm. Một nghiên cứu cho thấy có đến 50% quyết tâm năm mới đã thất bại sau ba tháng. Có thể bạn cũng rơi vào tình huống này.

Tác giả, diễn giả Arthur Brooks gợi ý một cách để cứu thời gian còn lại của năm: Tạo ra một danh sách bài trừ các quyết tâm. Đây là danh sách những việc bạn không muốn làm trong năm nay. Điều này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng thực sự là một cách cải thiện cuộc sống, dựa trên một khái niệm triết học cổ là "thông qua phủ định".

Điều này có vẻ khó hiểu với nhiều người. Nhưng cốt lõi của "thông qua phủ định" là khi không biết con đường nào đúng để tiến về phía trước, bạn có thể thành công bằng cách tập trung vào những gì biết là sai.

 


Ảnh minh họa: Jan Buchczik

 

Chúng ta luôn vô tình sử dụng cách này mọi lúc mà không nhận ra. Ví dụ sau một kỳ nghỉ, bạn có thể liệt kê những khó chịu dễ hơn hẳn những mặt dễ chịu, ngay cả khi chuyến đi này khá ổn. Điều đó không nhất thiết nói lên bạn là một người tiêu cực. Các nhà tâm lý gọi đây là "thiên kiến tiêu cực", có ở trong tất cả chúng ta bất kỳ tình huống nào. Sự thiên kiến này có lẽ được phát triển như một phản xạ tự bảo vệ.

Xu hướng tiêu cực nghe có vẻ mất mát, nhưng nó hữu ích nếu chúng ta khai thác đúng thông qua phủ định. Như nhà toán học Nassim Nicholas Taleb lập luận trong cuốn sách năm 2012 của ông, thông qua tiêu cực mang đến cho chúng ta kiến thức loại trừ, có nghĩa là bạn biết điều gì sai một cách chắc chắn hơn bất cứ điều gì khác.

Lấy kỳ nghỉ cuối tuần ở bãi biển làm ví dụ. Khi về nhà bạn sẽ có một danh sách những điều mình đã trải qua và có thể dễ dàng kể tên những điều không thích và không muốn lặp lại. Kiến thức loại trừ dựa trên thực tế đảm bảo dẫn đến sự tiến bộ, ngược lại kiến thức cộng thường chỉ là phỏng đoán.

Để sử dụng cách phủ định giúp cải thiện cuộc sống, hãy bắt đầu bằng cách lập danh sách việc không nên làm đi cùng danh sách việc nên làm. Viết ra những điều bạn làm theo thói quen hoặc nghĩa vụ, mặc dù chúng làm giảm tinh thần của bạn. Có lẽ bạn sẽ quyết tâm tránh xa một vài người bạn độc hại. Có thể bạn sẽ xóa các tài khoản mạng xã hội vì nó chiếm thời gian và khiến bạn thấy cô đơn.

Chiến lược này có tác dụng trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Rất nhiều người nghỉ hưu xin lời khuyên của Arthur Brooks và ông luôn bắt đầu thông qua phủ định. Ông yêu cầu họ liệt kê những điều trong cuộc sống xã hội và nghề nghiệp khiến họ không thích nhất. Đối với nhiều người là cảm giác lúc nào cũng vội vàng. Họ không thể dành thời gian trò chuyện, ăn trưa hay tập thể dục vì còn công việc đang chờ phía trước.

Các kế hoạch tốt nhất bắt đầu với danh sách những việc không nên làm, điều này dẫn đến sự thông thoáng trong lịch trình của bạn, làm tăng mức độ hạnh phúc mà không cảm thấy nhàm chán.

Tương tự khi nói chuyện với sinh viên hoặc những người vừa kết thúc mối quan hệ không tốt đẹp, nhiều người hỏi làm thế nào để tránh sai lầm dẫn đến sự tan vỡ. Câu trả lời vẫn là thông qua phủ định.

Sau khi kết thúc mối quan hệ, hãy liệt kê tất cả khía cạnh trong chuyện tình cảm của bạn có vấn đề và nên tránh trong tương lai nếu có thể. Hãy thật cụ thể, chẳng hạn "không được nuôi thú cưng cùng nhau". Nhớ xem lại danh sách này khi bắt đầu hẹn hò lại. Như vậy dòng hóa chất thần kinh của tình yêu mới không lấn át thành kiến tiêu cực trong não bạn.

Thông qua phủ định cũng hữu ích để làm sống lại một mối tình đang diễn ra không mấy suôn sẻ. Nếu bạn đang trong tình huống này, hãy ngồi lại với nhau và tự hỏi: "Chúng ta đang làm gì khiến chúng ta không vui?". Sau đó cùng nhau giải quyết loại bỏ những lý do này, xây lại mối quan hệ mới tốt đẹp hơn trong lớp vỏ cũ.

Thông qua phủ định có thể giải quyết rất nhiều vấn đề thực tế. Quan trọng hơn, nó có khả năng mang lại sự hiểu biết về bản thân mà chúng ta không thể đạt được bằng bất kỳ cách nào khác.

Bảo Nhiên (Theo Atlantic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét