Sat, 04/03/2023 -Lm Nguyễn
Văn Danh
ĐỔI MỚI TÂM HỒN
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật
Tuần II Mùa Chay Năm A
Lời Chúa: St 12, 1-4a; 2
Tm 1, 8b-10; Mt 17, 1-9
Mùa Chay Thánh là thời
gian thuận tiện để mỗi người Kitô hữu canh tân đời sống, đổi mới tâm hồn, và sống
ơn gọi nên thánh. Do đó, Phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay mời gọi mỗi người hãy thay
đổi chính mình qua việc ăn chay, cầu nguyện, và làm việc bác ái. Đặc biệt, mỗi
người chúng ta được mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa, ngõ hầu chúng ta
được biến đổi và được sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Hơn nữa,
chúng ta được tái khám phá niềm vui Ơn Chúa Cứu Độ. Lời Chúa hôm nay cho chúng
ta thấy những “tâm hồn được đổi mới” nhờ gặp gỡ Thiên Chúa.
Tin mừng thánh Mát-thêu
(Mt 17,1-9) tường thuật lại câu chuyện Biến Hình của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su
đem ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi để tỏ vinh quang của Ngài
cho các ông: mặt Người chói lọi như mặt trời và áo Người trở nên trắng tinh như
ánh sáng. Chính trong giờ phút biến hình, ông Mô-sê và ông Ê-li-a cũng hiện ra
và đàm đạo với Người. Vì quá đỗi hạnh phúc, ông Phê-rô muốn ở lại trong vinh
quang đó, nên ông xin dựng ba cái lều: cho Chúa Giê-su, ông Mô-sê, và ông
Ê-li-a. Khi đó, các môn đệ cũng nghe được tiếng Chúa Cha nói về Chúa Con: “Đây
là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”
(Mt 17,5). Chúa Cha đã mặc khải căn tính Thần linh và tương quan mật thiết giữa
Chúa Cha và Chúa Con cho các môn đệ. Các môn đệ đã vô cùng sợ hãi, nhưng chính
Chúa Giê-su đã an ủi họ: "Trỗi dậy đi, đừng sợ" (Mt 17, 7).
Thật vậy, biến cố Chúa
Giê-su Biến Hình là một khoảnh khắc linh thiêng không gì có thể diễn tả được.
Hơn nữa, nó có sức biến đổi tâm hồn các môn đệ vì trong cuộc biến đổi hình dạng
đó, các môn đệ đã được nhìn thấy vinh quang của Con Một Thiên Chúa. Lời của
Chúa Cha cũng gia tăng thêm niềm tin và sức mạnh cho các môn đệ để các ông có
thể vượt qua được những khó khăn thử thách trong sứ vụ và nhất là hành trình
lên Giê-ru-sa-lem.
Sách Sáng Thế (St
12:1-4a) cũng cho chúng ta thấy cuộc “biến hình” của Áp-ram nhờ vào lòng tin
tuyệt đối vào Thiên Chúa. Ông lắng nghe lời mời gọi của Chúa: từ bỏ quê hương,
họ hàng và nhà cửa để đi đến miền đất xa xôi, nơi mà Chúa hứa sẽ chúc phúc cho
ông và làm cho dòng dõi ông thành một dân tộc vĩ đại. Hành trình đức tin của
Áp-ram đã đưa ông và dân tộc ông đến một sự đổi mới. Ông đã trở thành tổ phụ của
nhiều dân tộc. Do đó, hành trình đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham là động lực cho
chúng ta sống đức tin và kiên trung trên con đường nên thánh. Chúng ta hãy tin
tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và hãy để Thiên Chúa biến đổi tâm hồn của
chúng ta. Chúng ta đáp trả lại lời mời gọi của Chúa bằng cách hy sinh từ bỏ những
thói hư tật xấu. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên nhủ chúng ta “đừng
sợ trở thành những vị thánh của thiên niên kỷ mới!” [1]. Đây là một lời mời gọi
nên thánh và là một lời khích lệ cho những ai khao khát sống cuộc đời thánh thiện.
Mỗi người chúng ta được mời gọi sống hoàn thiên hơn mỗi ngày bằng cách để ân sủng
và Thần Khí Chúa dẫn dắt.
Ân sủng của Chúa chính là
sức mạnh cho chúng ta trên con đường nên thánh. Trong thư thứ hai gửi cho
Ti-mô-thê (2 Tm 1, 8b-10), Thánh Phao-lô đã viết: “dựa vào sức mạnh của Thiên
Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Người đã cứu độ
và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ
chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người.” Đúng thế, nhờ ơn
ban của Thiên Chúa trong Ðức Giê-su Ki-tô, chúng ta được ơn kêu gọi nên thánh,
được Chúa cứu chuộc và được đổi mới. Chúng ta nhận được ân sủng và có được cuộc
sống thánh thiện, không phải do công trạng của chúng ta, nhưng do Tình yêu vô bờ
bến của Thiên Chúa. Đức thánh cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa chay năm nay cũng
mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn mình để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và để
cho ân sủng đó biến đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Trong tâm tình Mùa Chay,
chúng ta được mời gọi gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân nhiều hơn qua việc
suy niệm lời Chúa và sống bác ái mỗi ngày. Những phương thế này giúp chúng ta
“hoán cải, đổi mới và sống vị tha.” Như lời của Thánh Gioan Thánh Giá nhắc nhở
chúng ta, “trong giờ phút cuối của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên
Tình yêu”. [2] Vì thế, chúng ta hãy chia sẻ niềm vui Tin mừng và Tình yêu của
Chúa cho người khác, để cuộc đời của họ cũng được Thiên Chúa canh tân và biến đổi.
Cuộc Biến Hình của Chúa Giê-su
mời gọi mỗi người chúng ta cùng lên núi với Ngài để được Chúa biến đổi. Theo
gương tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta hãy tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành
cho cuộc đời chúng ta. Theo lời Thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi đón nhận ơn
Chúa để “canh tân đời sống và biến đổi tâm hồn” ngõ hầu được nên thánh thiện.
Chúng ta cùng lên núi với Chúa để “tĩnh tâm” và suy nghĩ về mối tương quan của
chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần trung thực tự vấn lương tâm: Cuộc sống
của chúng ta có đẹp lòng Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng thay đổi bản thân
theo lời mời gọi của Tin mừng không? Chúng ta có đang sống bác ái và phục vụ
tha nhân không? Chúng ta có tha thứ cho những người đã làm phiền lòng chúng ta
không? Chúng ta có đang sống đức tin qua việc yêu mến và phó thác vào sự quan
phòng của Thiên Chúa không?
Lạy Chúa, xin biến đổi
tâm hồn chúng con theo lượng từ bi Chúa. Xin Chúa ở với chúng con và hướng dẫn
chúng con trong Chân lý và Tình yêu của Ngài. Xin cho chúng con tin tưởng vào
Lòng thương xót của Chúa để chúng con tìm thấy niềm vui và sự bình an trong tâm
hồn. Xin cho thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc sống của chúng con, hôm nay
và mãi mãi. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn
Danh, M.S.A.
Chú thích:
[1] Bài giảng của Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thánh lễ tôn phong Chân Phước Faustina Kowalska
lên Bậc Hiển Thánh, vào ngày 30 tháng 4 năm 2000.
[2] Thánh Gioan Thánh
Giá, Bộ sưu tập Những câu nói về Ánh sáng và Tình yêu, Châm ngôn 13.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét