Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Đừng bao giờ để mất người vợ có 10 đặc điểm này



Đừng  bao  giờ  để  mất  người  vợ  có  10  đặc  điểm  này
(Thứ hai, 25/7/2016 -Vnexpress,net)



Dù đảm đang hay vụng về, thông minh hay trí tuệ trung bình, người phụ nữ có những điểm dưới đây xứng đáng để bạn chinh phục.

Nhiều nam giới đầu tư thời gian, công sức để "cưa" được bạn gái hay lấy nàng làm vợ nhưng sau đó lại lơ là, chẳng mấy quan tâm. Nếu "một nửa" của bạn đang sở hữu 10 điều dưới đây, đừng để cô ấy rời xa, theo Askmen:

Cô ấy chung thủy với bạn
Đây là một yêu cầu nền tảng trong quan hệ nam nữ. Chắc chắn không người đàn ông nào muốn mình bị "cắm sừng", vậy thì hãy luôn trân trọng người phụ nữ toàn tâm toàn ý chỉ yêu thương bạn.


Cô ấy thành thật khi ở bên bạn
Một trong những yếu tố cần thiết để cho mối quan hệ thành công lâu dài là hai người thực sự là chính mình khi ở bên nhau. Đôi khi, đó có thể là ở vẻ ngoài - nàng có thể thoải mái mặc đồ xoàng xĩnh, buộc tóc đuôi ngựa, để mặt mộc nhưng điều quan trọng hơn là cô ấy thành thật với bạn về mọi thứ khác, bao gồm cả cảm xúc. Giao tiếp cởi mở, chân thành là cần thiết, vì thế, hãy tìm một cô gái có thể sống đúng là chính mình khi ở bên bạn.

Cô ấy lắng nghe các vấn đề của bạn
Không phải yêu nhau là sẽ luôn có những buổi hẹn hào hứng và có "chuyện ấy" lãng mạn. Đôi khi bạn cũng có những lúc gặp trục trặc và cần "nửa kia" ở bên lắng nghe, cảm thông. Dù nàng có thể không đưa ra được cho bạn những giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vướng mắc, ít nhất cô ấy sẽ là chỗ dựa tinh thần cho bạn.

Cô ấy để bạn thể hiện điểm yếu của mình
Dù có những lúc mềm yếu, cảm thấy hoang mang, bạn cũng không cảm thấy xấu hổ hay phải giấu giếm trước nàng. Nàng sẽ không chỉ trích, cười nhạo bạn, kể cả khi bạn khóc. Nếu bạn cảm thấy luôn phải cố tỏ ra mạnh mẽ trước một cô gái hay cô ấy chê trách bạn kém "đàn ông" vì có lúc yếu đuối, đừng ở bên họ.

Cô ấy luôn bảo vệ bạn
Ai cũng có những lúc cảm thấy phát điên vì "nửa kia" nhưng bạn nên ở bên một người luôn nói về bạn với mọi người bằng sự tôn trọng. Nếu một cô gái luôn nói những điều tiêu cực sau lưng bạn, mối quan hệ của hai người khó bền vững. Cô ấy có thể góp ý, chê trách bạn ngay trước mặt nhưng sẽ luôn bảo vệ bạn trước những người khác. Đó mới thực sự là một người phụ nữ đáng trân trọng.

Cô ấy có chung các giá trị sống với bạn
Bạn và người yêu có thể không đồng ý với nhau về nhiều điều nhưng cần có cùng các niềm tin và coi trọng những giá trị nền tảng. Vì thế, đừng ngại hỏi và tìm hiểu kỹ khi mới hẹn hò để nhận ra đó có phải người phụ nữ có thể gắn bó cả đời với bạn.

Cô ấy muốn bạn là một phần trong thế giới của nàng
Khi bạn quyết định chia sẻ cuộc đời mình với một người, bạn nên giới thiệu họ với bạn bè, gia đình mình. Nếu bạn gái không bao giờ giới thiệu bạn với người thân, bạn bè cô ấy, đó là một dấu hiệu cảnh báo nàng không có ý định nghiêm túc với bạn.

Bạn thấy được sự hấp dẫn của cô ấy
Đây là một điều cơ bản: Một người vợ/bạn gái tuyệt vời sẽ là người bạn luôn tìm thấy sự hấp dẫn về sinh lý với họ. Hầu hết nam giới đều biết rằng hình ảnh những cô người mẫu, diễn viên phim sex đã được chỉnh sửa và không có thật, nhưng bạn vẫn muốn người phụ nữ của mình biết chăm sóc diện mạo và cảm thấy tự tin về ngoại hình, cho dù dáng vóc cô ấy thế nào. Bạn cũng hãy luôn thể hiện để nàng biết bạn cảm thấy cô ấy xinh đẹp và hấp dẫn thế nào.

Cô ấy tử tế với những người bạn yêu mến
Rõ ràng, bạn muốn ở gần một người phụ nữ tử tế với mình nhưng nếu cô ấy thô lỗ, đối xử tệ bạc với bố mẹ, bạn bè hay đồng nghiệp của bạn, đó chẳng phải là điều hay. Tôn trọng những người gắn bó với bạn là một dấu hiệu cho thấy cô ấy thực sự muốn là một phần quan trọng trong đời bạn, vì vậy hãy chú ý tới cách nói năng và cư xử của nàng với những người bạn coi trọng.

Cô ấy làm bạn cười vui
Có chung khiếu hài hước và thích vui đùa là một phần quan trọng trong một mối quan hệ vững chắc và giúp cả hai luôn nhìn về tương lai tươi sáng. Nếu bạn tìm được một cô gái luôn khiến bạn vui vẻ và quên đi mọi nhọc nhằn trong cuộc sống, đừng để vuột mất cô ấy.


Vương Linh

NHỎ BÉ (Chúa Nhật XXVII TN, năm C)


NHỎ  BÉ
(Chúa  Nhật  XXVII  TN, năm  C)
(Tue, 27/09/2016 -Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)



Người ta vẫn ví von: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Khinh suất điều nhỏ có thể bị hại lớn. Có những con người nhỏ bé, ở những nơi nhỏ hẹp, làm những điều nhỏ nhặt, nhưng lại có thể làm thay đổi diện mạo của thế giới. Chính những điều nhỏ mọn trong cuộc sống lại khả dĩ thể hiện tình yêu lớn lao nhất.

Nữ văn sĩ Hellen Keller (1880-1968, người Mỹ) nói: “I long to accomplish a great and noble task, but it is my chief duty to accomplish small tasks as if they were great and noble – Tôi khao khát làm được những điều vĩ đại và cao cả, nhưng trách nhiệm chính của tôi là làm được những điều nhỏ nhặt như thể chúng vĩ đại và cao cả”. Vâng, vấn đề là làm được những điều bình thường một cách phi thường. “Chuyện nhỏ” mà… không hề nhỏ. Đúng là không đơn giản chút nào!

Đoạn sách Kha-ba-cúc (*) hôm nay là lời phàn nàn thứ nhất của ngôn sứ Kha-ba-cúc về “sự công chính suy thoái”. Ông đã dám đặt vấn đề với Thiên Chúa: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: ‘Bạo tàn!’ mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ” (Kb 1:2-3). Có lẽ chúng ta cũng đã từng đặt vấn đề như vậy, nhất là những con người yêu chuộc công lý và hòa bình, họ không thể ngồi yên khi thấy sự ác hoành hành khắp nơi.

Ai cũng muốn sống trong một đất nước hòa bình thực sự. Muốn vậy thì phải thực thi công lý, bảo vệ sự thật. Có công lý thì mới khả dĩ có hòa bình.

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6), nhưng Ngài vẫn im lặng, đôi khi có người nghi ngờ về sự hiện hữu của Ngài. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Ngài im lặng vì Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thay đổi ngay hoàn cảnh của chúng ta vì Ngài muốn tâm hồn chúng ta thực sự biến đổi.

Trước câu hỏi của ngôn sứ Kha-ba-cúc, Thiên Chúa đã trả lời và nói rõ với ông: “Hãy VIẾT lại thị kiến và KHẮC vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Kb 2:2-4).

Thi sĩ Paul Claudel (1868-1955, người Pháp, kiêm nhà viết kịch và nhà ngoại giao) đã xác định: “Chúa Giêsu xuống thế không để diệt trừ khổ đau, cũng không giải nghĩa khổ đau, mà để chia sớt khổ đau”. Thật kỳ diệu biết bao! Và Thánh Teresa Lisieux phân tích chi tiết: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ban ơn cho chúng ta mà hoàn toàn không cần chúng ta đền đáp. Tất cả những gì của chúng ta, ngay cả cái yếu đuối, Ngài cũng yêu”.

Thế thì chúng ta không thể không yêu mến Ngài. Cảm nhận được điều quan yếu đó, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2). Thiên Chúa là Đấng nhân lành (Mc 10:18; Lc 18:19; Ga 10:11 & 14), Ngài thoải mái và tươi cười chứ không “nghiêm khắc” như chúng ta tưởng: “Thiên Chúa mến chuộng dân Ngài” (Tv 149:4a). Thế thì chắc chắn Ngài cũng rất vui khi ở giữa chúng ta. Ngài nghiêm túc chứ không khó tính.

Chúng ta “may mắn” được nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa như thế thì còn hạnh phúc nào bằng. Ca tụng Ngài và yêu mến Ngài là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, nhưng cũng là niềm hãnh diện của chúng ta. Vì thế, hãy đồng tâm nhất trí với nhau mà làm việc này: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7).

Ngày xưa, Thiên Chúa đã khuyến cáo dân Israel: “Các ngươi chớ CỨNG LÒNG như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi ĐÃ từng thách thức và DÁM thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9). Lời khuyến cáo này cũng đang và sẽ dành cho mỗi chúng ta ngày nay, đặc biệt là về đức tin.

Ơn Chúa luôn đầy tràn, phép lạ luôn xảy ra với chúng ta mọi nơi và mọi lúc, không cần phải tìm sự lạ ở đâu xa, nhưng đôi khi chúng ta vô tình hoặc cố ý làm ngơ mà thôi. Không khí là một phép lạ về sự sống mà có lẽ ít người nhận biết mà tạ ơn. Và bất cứ chúng ta làm được điều gì có vẻ “nên trò trống” thì cũng là do Thiên Chúa tác động, đúng như Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5b). Vì thế, chớ có ảo tưởng, cậy sức mình mà vênh vang tự đắc, rồi khinh người. Chúa “nghỉ chơi” một cái là “ngu suốt kiếp” luôn đấy!

Về các ơn ông Ti-mô-thê đã nhận được, Thánh Phaolô đã nhắc nhở ông: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:6-8).

Thánh Phaolô nói thêm: “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta” (2 Tm 1:13-14). Rõ ràng có làm được việc gì – dù to hay nhỏ, dù thành công hay thất bại, chúng ta cũng phải nhờ và chỉ nhờ Thiên Chúa mà thôi. Đó là hệ quả của niềm tin, của lòng tín thác.

Biết tin là có phúc, mặc dù không hề thấy tỏ tường (x. Lc 1:45; Ga 20:29). Quả thật, đức tin rất quan trọng trong đời sống tâm linh – kể cả đời thường.

Trình thuật Lc 17:5-10 cho biết hai vấn đề: [1] sức mạnh của lòng tin, và [2] cách phục vụ khiêm tốn. Vì tin tưởng mà phục vụ: làm (hoặc không làm) bất cứ điều gì cho người khác là làm (hoặc không làm) cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25:31-46), dù chỉ là cho người khác một chén nước lã (x. Mt 10:42; Mc 9:41). Tất cả đều được Thiên Chúa “chấm công” đầy đủ.

Có tin thì mới làm. Nghi ngờ thì không ai dám hành động. Ngày xưa, các Tông Đồ đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Một lời cầu nguyện thật đẹp và rất cần. Chúa Giêsu rất vui khi thấy các trò biết cầu nguyện như vậy, và còn hơn thế nữa, Ngài xác định: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.

Hạt đức tin nhỏ bé như lại có sức vươn cao, lớn mạnh. Những người vô danh tiểu tốt, thậm chí còn bị người đời khinh miệt, ghét bỏ, nhưng họ lại là những con người “khổng lồ” trong cách nhìn của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã từng xác định: “Người nhỏ nhất là người lớn nhất” (Lc 9:48). Đó là lời khuyến cáo đối với mỗi chúng ta, vì chúng ta có xu hướng nhìn người theo bề ngoài, ai không hợp ý mình thì gièm pha, chê bôi, triệt buộc,… Đừng quên rằng bất cứ một động thái nhỏ nào của chúng ta đều được “ghi chép”, “ghi âm” và “thu hình” từng chi tiết, rồi ngày mai Chúa sẽ tính sổ với chúng ta!

Về phong cách phục vụ, Chúa Giêsu phân tích: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?”. Bổn phận và trách nhiệm là việc phải làm, không được so đo, phân bì. Nhưng Thiên Chúa vẫn “chấm công” cho những người miệt mài phục vụ vì lợi ích của tha nhân, vì vinh danh Thiên Chúa, vì Nước Trời.

Cuối cùng, Chúa Giêsu khuyến cáo: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm thì hãy nói: chúng tôi là những ĐẦY TỚ VÔ DỤNG, chúng tôi đã chỉ làm việc BỔN PHẬN đấy thôi”. Đó là cung cách phục vụ theo đức khiêm nhường – mà khiêm nhường lại là nền tảng vững chắc của Tòa Nhà Nhân Đức.

Chân phước LM Charles Eugène de Foucauld (1858-1916, người Pháp), khi còn trẻ, một đứa cháu nói với ngài: “Cậu làm được những việc rất hay, nhưng cậu đã làm gì cho Chúa chưa?”. Một câu hỏi nhỏ nhưng hàm súc ý tưởng lớn. Và câu hỏi đó đã khiến chàng trai trẻ Charles giật mình, rồi anh đi xưng tội và xin vào dòng. Trong thời gian phục vụ tại Tuareg, thuộc vùng sa mạc Sahara ở Algeria, ngài đã bị ám sát chết. Cuộc sống thầm lặng và hèn mọn nhưng lại rất vĩ đại.

Câu hỏi của người cháu của LM Charles de Foucauld cũng là câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay: “Bạn đã làm gì cho Chúa chưa?”. Chúng ta có thể trả lời ngay? Và câu trả lời như thế nào? Thật là khó, nhưng đừng lo, vì chúng ta có thể hành động theo cách của Mẹ Thánh Teresa Calcutta: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhoi với tình yêu vĩ đại”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con chân nhận mình là kẻ bình thường nhất trong những người bình thường, hèn mọn nhất trong những người hèn mọn, nhờ vậy mà con có thể khiêm nhường thực sự, chứ không lẻo mép, ba hoa. Xin giúp con không buồn khi người khác chỉ trích con, và sẵn sàng bỏ qua cho họ. Xin dạy con làm những gì Ngài muốn con làm, mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Habakkuk là ngôn sứ thứ tám trong 12 ngôn sứ nhỏ, tên Habakkuk có nghĩa là “ôm chặt” hoặc “vật lộn”. Tên ông chỉ xuất hiện trong Kb 1:1 và 3:1. Ông là người khác thường trong các ngôn sứ, vì ông đã hỏi về công việc của Thiên Chúa (Kb 1:3a và 1:13b).

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Lợi ích bất ngờ từ quả bưởi

Lợi  ích  bất  ngờ  từ  quả  bưởi
25/09/2016 Thanh Niên


Nửa quả bưởi chứa khoảng 28% giá trị vitamin A mà cơ thể cần hằng ngày. Bưởi được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Cung cấp nước. Bưởi đứng đầu danh sách những loại trái cây chứa hàm lượng nước cao nên rất hữu ích cho toàn bộ hệ thống trong cơ thể, đặc biệt là cho quá trình hydrat hóa. Khi quá trình hydrat hóa diễn ra trôi chảy, mọi chức năng trong cơ thể sẽ hoạt động tối ưu.

Giảm cholesterol xấu. Ăn một quả bưởi mỗi ngày có thể giúp giảm lượng cholesterol LDL xấu xuống đến 15,5%, theo một nghiên cứu năm 2006 đăng trên tạp chí Agricultural and Food Chemistry. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học xem xét 57 bệnh nhân tuổi từ 39 - 72, có nồng độ cholesterol cao và đã trải qua phẫu thuật bệnh tim. Sau 1 tháng kiên trì thực hiện thói quen ăn 1 quả bưởi mỗi ngày, mức cholesterol ở số bệnh nhân này cải thiện rõ rệt.

Tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ phong phú vitamin A và C, bưởi rất tốt cho hệ miễn dịch. Bưởi không chỉ ngăn ngừa cảm lạnh mà còn giúp chống lại sự khó chịu trong thời gian bị cảm lạnh.

Tốt cho tim. Có một lý do khiến bưởi được xếp vào nhóm thực phẩm tốt cho tim, đó là nó có thể làm giảm nồng độ triglycerides. Đây là một loại chất béo xấu, thường làm tắc nghẽn động mạch. Nghiên cứu cho thấy ăn bưởi hằng ngày tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành.

Sửa chữa các ADN hư hại. Những người ăn trái cây họ cam quýt thường xuyên sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và tuyến tụy. Các tác giả nghiên cứu tại Nhật suy đoán rằng các hợp chất trong trái cây họ cam quýt giảm viêm và ngăn chặn các tế bào ung thư từ nhân. Chúng cũng có thể giúp sửa chữa các ADN bị hư hại (góp phần vào sự phát triển của các khối u). Ngoài ra, chất xơ trong quả bưởi cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng; và vitamin C hay beta-carotene (quy định màu hồng, đỏ của múi bưởi) có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản.

Tăng tốc độ giảm cân. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn hoặc uống 1 ly nước ép bưởi trước mỗi bữa ăn sẽ giảm cân nhiều hơn những người không dùng. Lý do, bưởi cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và nước, nhưng lại ít calo.


Hạ Yên

Trau dồi sáu con đường để có được đức tính khiêm tốn

Trau  dồi  sáu  con  đường  để  có  được  đức  tính  khiêm  tốn
(aleteia.org, 2016-06-03-cđtg)

“Khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh khác.”Thánh Âugutinô

Khiêm tốn 20160908Các thánh nói rất rõ ràng, khiêm tốn là nền tảng của tất cả mọi thăng tiến thiêng liêng. Nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không là thánh. Đơn giản là như thế. Nhưng biết đơn giản là vậy, nhưng thực hành lại không dễ. Sau đây là sáu phương pháp để trau dồi đức tính này.

Cầu nguyện để xin được khiêm tốn
Mọi đức tính hình thành được trong tâm hồn chúng ta là nhờ cầu nguyện sốt sắng. Nếu thật sự bạn muốn khiêm tốn thì mỗi ngày bạn phải cầu nguyện để xin ơn này. Xin Chúa giúp bạn thắng tự ái của mình. Cha xứ D’Ars dạy:

Mỗi ngày, chúng ta hết lòng xin ơn khiêm tốn, ơn để hiểu chính chúng ta, chúng ta chẳng là gì và sự khỏe mạnh về tinh thần và thể xác của chúng ta là đến từ Chúa mà thôi.

Chấp nhận sỉ nhục
Có thể đó là cách đau đớn nhất nhưng cũng là hiệu quả nhau để tập đức khiêm tốn, chấp nhận chịu những hoàn cảnh sỉ nhục và khó chịu. Linh mục Gabriel Thánh Maria Mađalêna giải thích: Rất nhiều linh hồn thích được khiêm tốn nhưng ít người muốn bị sỉ nhục. Rất nhiều người cầu nguyện sốt sắng xin Chúa cho họ khiêm tốn nhưng rất hiếm người mong muốn bị sỉ nhục. Dù vậy, không thể nào có khiêm tốn mà không bị sỉ nhục; vì, cũng như qua học hành chúng ta có được hiểu biết, thì qua con đường sỉ nhục, chúng ta mới có được khiêm tốn. Cho đến khi nào chúng ta mong muốn được khiêm tốn mà không sẵn sàng chấp nhận các phương tiện dẫn đến nó, thì chúng ta chưa thật sự đi đúng đường. Dù, trong một vài trường hợp, chúng ta hành động khiêm tốn, nhưng có thể đó là kết quả của một sự khiêm tốn giả tạo, bề ngoài hơn là một lòng khiêm tốn đích thực và sâu đậm. Khiêm tốn là sự thật; và vì, chúng ta không tự mình chiếm giữ một cái gì ngoài tội, nên chúng ta nhận sỉ nhục và khinh khi là đúng lý.

Vâng lời bề trên
Một trong những thể hiện hiển nhiên nhất của tính kiêu ngạo là không vâng lời. Nghịch lý là, không vâng lời và phản loạn là những đức tính lớn mà xã hội Phương Tây hiện đại cao rao nhất. Sự sa ngã của Satan là do tính kiêu ngạo của nó: “Tôi sẽ không phục vụ” (Non serviam).

Mặt khác, tính khiêm tốn luôn thể hiện bằng sự vâng lời bề trên, dù bề trên đó là ông chủ của mình hay chính quyền. Như Thánh Bênêđictô đã nói:

Mức độ khiêm tốn đầu tiên là vâng lời không chậm trễ.

Coi chừng chính mình
Các thánh nói cho chúng ta biết, nếu chúng ta coi chừng chính mình và chỉ đặt lòng tin vào chỉ một mình Chúa thì chúng ta sẽ không bao giờ phạm một tội nào. Thậm chí Cha Lorenzo còn nói:

Coi chừng mình là thiết yếu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Không có đức tính này, chúng ta không hy vọng thắng được các đam mê dù yếu nhất và lại càng khó mang về chiến thắng.

Nhận biết chúng ta chẳng là gì
Một phương pháp rất hiệu quả khác là vun trồng đức tính khiêm tốn, chiêm niệm tầm cao cả và huy hoàng của Chúa, cùng một lúc nhận biết sự hư không của chúng ta đối với Ngài. Cha xứ d’Ars khẳng định rằng:

Ai có thể chiêm ngưỡng sự bao la vô tận của Chúa mà không khiêm tốn trong cát bụi, rằng Chúa tạo dựng trời đất từ không có gì? Và Ngài có thể biến trời đất thành hư không qua chỉ một lời? Thiên Chúa cao cả; sự toàn năng của Ngài là vô tận. Ngài là sự toàn hảo và sự vĩnh cửu của Ngài là vô cùng. Sự công chính và quan phòng của Ngài thật lớn vô cùng. Ngài cai trị với bao là khôn ngoan và chú tâm với bao là chăm lo. Đứng trước mặt Ngài, chúng ta chẳng là gì!

Xem người khác cao hơn mình
Khi chúng ta kiêu ngạo, không tránh được chúng ta nghĩ mình hơn người khác. Chúng ta cầu nguyện như người pharisêu: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như người khác.” Sự tự thỏa mãn này thường vô cùng nguy hiểm cho tâm hồn chúng ta, và nó là một ghê tởm đối với Chúa. Các sách thánh và các thánh đều khẳng định chỉ có con đường chắc chắn là xem người khác hơn mình. “Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình “, Thánh Phaolô đã khẳng định (Pl 2, 3).

Thomas a Kempis tóm tắt lời huấn dạy này trong chương 7 của quyển sách “Bắt chước gương Chúa Giêsu”:

Bạn đừng cho mình hơn người khác; có thể dưới mắt Chúa bạn xấu hơn, ai biết cái gì trong con người. Đừng kiêu ngạo về những việc làm tốt của mình, vì phán xét của Chúa thì khác với phán xét của loài người, cái gì làm hài lòng con người thì thường không làm Chúa hài lòng. Nếu có một cái gì tốt nơi bạn, thì hãy nghĩ là nơi người khác còn có những cái tốt hơn để mình giữ lòng khiêm tốn. Bạn không liều gì khi thấp hơn tất cả các người khác, nhưng bạn sẽ rất có hại nếu bạn thích chỉ thấp hơn một người. Người khiêm tốn vui vì có bình an bền vững, giận dữ và ham muốn làm vẫn đục tâm hồn người kiêu ngạo.

Kết luận
Không nghi ngờ gì về vấn đề này: Khiêm tốn là nền tảng của mọi đời sống thiêng liêng. Không có đức tính này, chúng ta sẽ không bao giờ thăng tiến trên con đường thánh thiện. Dù vậy, khiêm tốn không phải là một khái niệm trừu tượng để chiêm ngưỡng. Đó là một đức tính cần phải học, phải trau dồi và thường là trong những hoàn cảnh đau đớn, bắt chước Chúa Giêsu Kitô “Đấng tự hạ mình, Đấng dùng hình thức nô lệ để nên giống loài người.”


Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

CÁI LƯỠI

CÁI  LƯỠI
(Sun, 25/09/2016 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh)




“Lạy Chúa, xin canh giữ MIỆNG con, và trông chừng LƯỠI con” (Tv 141:3).

Có hai người hàng xóm, họ được Chúa ban cho miệng lưỡi bình thường như nhau, không chút gì khuyết tật.

Một người chẳng mấy khi không to tiếng. Lúc thì la con mắng cái bằng giọng điệu oang oang và hằn học, lúc thì “xô xát” với chồng, lúc thì mở máy hát ỏm tỏi, bát kể trưa hay tối, khi mà mọi người cần tĩnh lặng, thư giãn tâm hồn sau những giờ lao động, vất vả ngược xuôi thời buổi kinh tế thị trường.

Một người ít khi nghe tiếng nói. Sáng đi sớm, tối về trễ. Cuộc sống khá lam lũ, nhưng đêm đêm lại quây quần gia đình vui vẻ, cùng nhau xem lại điều gì đúng hay sai, để cùng rút kinh nghiệm. Nghèo vật chất mà giàu tình thương. Cuộc đời lặng ấy vẫn toát ra hơi ấm thực sự.

Con người hữu hạn và mặc nhiều yếu đuối. Vì bất túc nên ai cũng miệt mài đi tìm hạnh phúc. Tốt cũng cái lưỡi, xấu cũng cái lưỡi. Vượt qua “cái tôi” tưởng chừng đơn giản mà lại quá nhiêu khê! Quả thật, “cái tôi là đáng ghét” (Pascal), và “chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình” (Napoléon).

Ai cũng biết “đời là khổ” mà vẫn cứ “vô tình” làm khổ nhau thêm mãi, khổ cả tinh thần và khổ cả thể lý vì những bất công xã hội, lườm nguýt, mỉa mai, chỉ trích, trù dập, lọc lừa,… Thắng không tự cao, thua không điên đảo, đó mới là phong cách cao thượng của đấng trượng phu và quân tử.

Trong một góc vắng của quán càphê, tôi ngồi mở từng trang lòng trong khi trầm mặc nhìn những giọt cà phê thánh thót rơi từng giọt, từng giọt,… và chợt thấy mình vẫn chưa sửa đổi được những gì tự nhận thấy không đúng.

Cả hai người hàng xóm kia đều có điều để tôi học hỏi: nên làm và nên tránh. Tôi yếu đuối quá nên cứ cố gắng đứng dậy, bước đi, rồi lại quỵ ngã. Lại gượng dậy, và lại ngã… chẳng khác gì đứa trẻ tập tễnh đi. Tôi không may mắn như người khác nên tôi hóa “khô” đi nhiều mặt, ít nói quá hóa lạnh lùng như nhiều người vẫn nhận xét. Tôi hóa “lạc lõng” giữa mọi người. Tôi biết vậy! Tôi có vô tình đánh mất tôi và vô tình xô người khác xa tôi? Tôi muốn gần mà người ta không ưa tôi, có phải là người khác đẩy tôi ra xa?

Một người dùng cái lưỡi để nói lời không hay, một người dùng cái lưỡi để chia vui sẻ buồn. Còn tôi, tôi lại không dùng đến cái lưỡi sao?

Khích bác, chê bai, nói hành, chửi thề,… Như thế thì quá dễ! Nhưng nói ngọt, nói nhẹ, nói lời động viên, nói lời yêu thương,… thì không dễ chút nào! Quả thật, nói là một nghệ thuật. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Tuy nhiên, hãy phân biệt điều này: “Ít nói không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích” (Thánh François de Sales, 1567-1622, Pháp). Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự (Sbn 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6). Thật vậy, chúng ta không thể giấu Ngài, mặc dù chúng ta có thể giấu người trần gian. Hãy nhận thức điều đó để giữ gìn lời nói, và thân thưa với Chúa: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:4). Cẩn tắc vô ưu, tiền nhân nói rất chí lý!

Lòng đầy thì trào ra miệng. Đầy cái tốt thì nói lời tốt, đầy cái xấu thì nói lời xấu. Đó là lẽ tất nhiên, không chi lạ! Nói về miệng lưỡi của ác nhân, Kinh Thánh so sánh: “Môi miệng chúng chẳng có gì thành thật, lòng dạ đầy chước độc mưu thâm. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ” (Tv 5:10). Họ ỷ mình, cậy thế, dựa quyền nên kiêu ngạo: “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi, với môi mép này, ai làm chủ được ta?” (Tv 12:5).

Người xấu thì “khoe tội ác, suốt ngày tính kế hại người, chuyên lừa đảo, lưỡi như dao sắc bén, ưa điều dữ hơn điều lành, chuộng điều gian dối hơn sự thật, thích nói toàn lời độc ác, miệng lưỡi điêu ngoa” (Tv 52:3-6). Hậu quả thế nào? Dĩ nhiên sẽ là hệ lụy tất yếu: “Chúa Trời sẽ tiêu diệt ngươi vĩnh viễn, lượm ngươi đi, đem vất khỏi lều, và bứng gốc khỏi nơi dương thế” (Tv 52:7).

Còn người tốt, các chính nhân? Tất nhiên họ chỉ nói điều hay lẽ phải, có lợi cho tha nhân: “Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực” (Tv 37:30). Họ luôn sợ làm phật ý người khác, thế nên họ luôn tâm niệm và cầu xin: “Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế” (Tv 39:4-5).

Rau nào sâu nấy, thầy nào tớ nấy, cha nào con nấy. Hệ lụy tất yếu. Chúa Giêsu đã nói rạch ròi với người Do Thái: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12:33-35). Tất nhiên Ngài cũng khuyến cáo mỗi chúng ta đấy!

Đầy thì mới tràn. Nghĩ sao thì nói vậy. Nhưng có nói nên lời là do cái lưỡi. Lại một hệ lụy khác, người ta gọi là Luật Nhân – Quả. Chúa Giêsu xác định: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ PHẢI TRẢ LỜI về MỌI ĐIỀU VÔ ÍCH mình đã nói. Vì nhờ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ được TRẮNG ÁN; và cũng tại LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN” (Mt 12:36-36).

Đáng sợ thật, đừng tưởng lời nói theo gió bay hoặc nghe tai này qua tai kia! Từ ngàn xưa, Kinh Thánh đã nói về hệ lụy của lời nói: “Người ăn nói tử tế sẽ được bao điều tốt đẹp, mỗi người sẽ lãnh hậu quả việc mình làm” (Cn 12:14).


TRẦM THIÊN THU



Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

10 điều khiến phụ nữ xấu xí trong mắt đàn ông


10  điều  khiến  phụ  nữ  xấu  xí  trong  mắt  đàn  ông
(Thứ bảy, 30/7/2016-VnExpress.net)


Tóc xịt keo cứng đơ hay mắt đánh màu lấp lánh... đều khiến đàn ông không muốn đến gần.
Phụ nữ dường như để ý đến mọi thứ "sai" ở những người phụ nữ khác. Họ có thể dễ dàng phát hiện một lỗi trang điểm, kiểu tóc tệ hay bộ trang phục không phù hợp. Nhưng nam giới thì sao? Câu trả lời là có. Dưới đây là 10 điều đàn ông ghét nhất ở phụ nữ, theo Familyshare:

Những kiểu tóc quá cầu kỳ
Một người phụ nữ với mái tóc cứng đơ hay bóng nhẫy vì chuốt keo và đính vô số các loại kẹp ghim bước vào phòng. Bạn nghĩ cô ấy sẽ thu hút sự chú ý của tất cả nam giới trong bữa tiệc? Đúng là cánh mày râu sẽ hướng mắt về phía ấy nhưng sẽ chẳng ai muốn đến gần cô gái đó. Hầu hết nam giới đều thích một mái tóc dài, mềm mượt hơn là kiểu tóc được tạo cầu kỳ từ nhiều lớp keo vuốt, xịt gôm.

Mặt dày cộp phấn
Lớp nền hoàn hảo thường được dùng để che đi các khuyết điểm, nếp nhăn, làm da sáng hơn. Tuy nhiên, nó chỉ nên được thoa một lớp mỏng và phù hợp với màu da của bạn. Nếu dùng quá nhiều trông bạn như trát một lớp sáp trên mặt. Khi thoa kem nền, phấn đúng cách, không ai có thể biết bạn đang giấu rất nhiều các nhược điểm trên mặt mình. Hãy nhớ, ít luôn tốt hơn nhiều. Đàn ông có thể không hiểu về mỹ phẩm nhưng mắt họ rất "dị ứng" với những lớp hóa trang dày cộp.

Lông mi dính vào nhau
Khi một cô gái sử dụng quá nhiều mascara, lông mi của cô ấy dính vào nhau và mỗi lần chớp, màu sẽ lem ra cả đôi mắt. Vẻ ngoài này chẳng hấp dẫn chút nào. Hãy sử dụng loại mascara tốt, khô nhanh và không bị vón cục. Sau khi thoa, dùng cây chuốt mi chải lại để loại bỏ phần mascara thừa trên lông mi. Đàn ông yêu những đôi mắt đẹp và ấn tượng, không bị lem nhem.

Quá nhiều đồ lấp lánh
Nếu bạn không phải là nghệ sĩ trang điểm chuyên nghiệp, đừng sử dụng những màu lấp lánh trên gương mặt. Nó khiến bạn trông giống đi biểu diễn hơn và thường khiến nam giới e ngại.

Răng vàng và thở hôi
Răng vàng và hơi thở hôi chẳng hấp dẫn ai cả. Đôi khi, bạn chẳng "đánh gục" được chàng trai nào chỉ đơn giản vì thói quen vệ sinh kém của mình. Hoặc có lẽ bạn nên giảm uống cà phê, trà đen hay rượu vang đỏ, ngưng hút thuốc lá. Dù là gì đi chăng nữa, cần giải quyết nguyên nhân khiến răng bạn vàng, miệng bạn hôi và dùng thêm kem đánh răng làm trắng, sử dụng chỉ nha khoa có thể làm nụ cười của bạn tươi sáng hơn.

Không chăm sóc cơ thể
Móng tay bẩn, nham nhở, lông chân dài, lông nách không được làm sạch... đều khiến đàn ông không muốn đến gần bạn. Những thứ này cũng chẳng thể giấu được dưới những lớp trang điểm hay quần áo đẹp.

Làn da quá khô hay quá dầu
Bạn có thể không tin nhưng nam giới chú ý tới điều này. Đừng hy vọng sẽ hấp dẫn được người đàn ông của mình với đôi môi nứt nẻ hay gương mặt bóng nhẫy.

Đánh phấn ở nơi công cộng
Đàn ông không cần biết những thủ thuật của bạn khi hóa trang khiến mình trở nên xinh đẹp, quyến rũ hơn. Hãy trang điểm ở nhà và đừng thực hiện việc này nơi công cộng.

Môi màu thẫm
Son môi là một công cụ tuyệt vời để biến đôi môi bạn thêm xinh đẹp và sắc nét. Nhưng hãy thận trọng bởi nếu dùng sai màu son hay chì kẻ viền môi, nó có thể trở thành kẻ thù của bạn. Khi đi ăn tối, hãy dùng son môi và chì kẻ môi gần giống với màu môi của bạn. Những mảng son tối màu dễ dính vào răng khi bạn nói chuyện hay ăn uống và nó gây cảm giác chẳng dễ chịu chút nào cho người đối diện. Ngoài ra, dùng son môi sáng màu trong khi kẻ viền tối sẽ khiến gương mặt bạn trông già hơn.

Xức quá nhiều nước hoa
Cái gì quá cũng không tốt. Hãy nhớ, mùi hương chỉ nên thoang thoảng. Thử nhỏ một vài giọt lên vùng cổ, sau tai và khuỷu tay. Đàn ông rất sợ đứng gần một người phụ nữ nồng nặc mùi nước hoa.

Vương Linh

CON NGƯỜI và LUÂN LÝ SỰ THẬT GIẢI THOÁT CHÚNG TA



CON  NGƯỜI  và  LUÂN  LÝ
 SỰ  THẬT  GIẢI  THOÁT  CHÚNG  TA
(Fri, 23/09/2016 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)




Theo bản tính con người biết rằng có quy luật nào đó mà con người phải sống theo. Con người cũng biết rằng con người muốn sống hạnh phúc vượt ra ngoài bóng tối của sự nghi ngờ. Khi con người sa ngã, chúng ta thường cảm thấy sự căng thẳng giữa luật tự nhiên và và nhu cầu nội tâm về sự hạnh phúc.

Trong thế giới ngày nay, có nhiều lý thuyết luân lý cố gắng trình bày vấn đề này bằng cách tách rời sự tự do với sự thật, tách rời các hành vi thật của con người với tình trạng luân lý, hoặc thậm chí bằng cách biện hộ cái ác thuộc bản chất vì “lương tâm” của mình bỏ qua điều đó, hoặc vì điều đó “phù hợp” với văn hóa phát triển của mình.

Các vấn đề này cho thấy hai phương diện rất thú vị và căn nguyên trong tính cách của con người: (1) con người không ngơi ngỉ, luôn lo lắng tìm câu trả lời tiếng gọi đó, mời chào họ, dù họ có nhận biết hành động sáng tạo của Thiên Chúa trong cuộc đời họ hay không; và (2) con người cũng cần nhận biết (ít nhất là mặc nhiên) rằng họ cũng biết cần thiết hoàn tất luật tự nhiên để biện minh cho vị trí của mình, chứng tỏ rõ ràng rằng mỗi con người đều biết trong sâu thẳm lòng mình về nhu cầu sống luân lý tốt, đó là vấn đề chính của bản chất con người.

Nhưng để đánh giá việc sống theo luật tự nhiên có nằm trong sự tự do của con người hay không, trước tiên chúng ta phải cân nhắc: tự do của con người để làm gì, và làm sao lương tâm của con người tác dụng để xác định điều gì họ sẽ tự do chọn lựa? Sự thật về luân lý chỉ tương đối hay là lương tâm là một thẩm phán đối với tiêu chuẩn vũ trụ? Nếu Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, chắc chắn luật tự nhiên được viết trong tâm hồn họ để chỉ cho chúng ta biết thực tế cơ bản: con người được tạo dựng để hưởng hạnh phúc, điều này có thể đạt được nếu con người sử dụng sự tự do của mình để sống theo sự thật.

Trong thế giới ngày nay, có nhiều lý thuyết thần học phân biệt hành động của con người với tình trạng luân lý, “tách rời tự do của con người với mối quan hệ thiết yếu và cấu thành đối với sự thật”.

Thánh GH Gioan Phaolô II viết: “Thật vậy, có điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra: con người không còn tin rằng chỉ trong sự thật thì con người mới có thể tìm được Ơn Cứu Độ. Sức mạnh cứu độ của sự thật được tranh luận, và sự tự do bị bật gốc khỏi tính khách quan và bị bỏ mặc để nó tự quyết định điều gì tốt hay xấu”.

Loại tâm tính này trái ngược với con người, vì Thiên Chúa đã tạo dựng họ theo tình yêu hoàn hảo và đúng trật tự. Ngài là Sự Thật, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc, con người được tạo nên để sống hạnh phúc nếu sống trong sự viên mãn theo mục đích của Ngài, chọn cách hành động theo trật tự đúng của luật tự nhiên. Rõ ràng các hành động nào đó không góp phần bù đắp vào luân lý của con người vì chúng là “tiền luân lý” (pre-moral) và không hợp với các giáo huấn của Đức Kitô hoặc Giáo Hội: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1 Ga 2:3-6). Cả linh hồn và thể lý, con người phải sống những gì mình tin, chứ không chỉ biết điều đó. Thật vậy, thân xác và linh hồn không thể tách rời: trong con người, trong ý muốn và trong hành động thận trọng, chúng cùng đứng hoặc cũng ngã.

Điều này rất phù hợp khi cân nhắc rằng có những hành động theo bản chất là trái ngược với con người, do đó nó là xấu về bản chất. Chẳng hạn, chỉ có Thiên Chúa làm chủ sự sống, và chỉ một mình Ngài được tôn thờ. Các Kitô hữu thời kỳ đầu biết rằng việc cúng tế tà thần là xấu về bản chất, và cũng có nhiều người từ chối nên họ chịu tử vì đạo. Họ từ chối giả vờ thờ cúng như vậy, nêu gương về bổn phận kiềm chế thể hiện hành động đối lập với Thiên Chúa và đức tin. Sự nhận thức về sự thật luân lý khách quan này, theo luật tự nhiên được viết trong tâm hồn mỗi người, là điều cốt lõi về cách con người sinh hoa kết quả bằng cách chọn điều tốt, do đó mà đạt được hạnh phúc tối hậu.

Những người từ chối nhận biết nhu cầu cơ bản về luân lý khách quan này và không dám từ bỏ mình, lúc đó họ trở nên chủ nhân của luân lý và sự thật của mình. Cách suy nghĩ phổ biến như vậy dẫn tới từ chối, đối lập với Kinh Thánh và các giáo huấn của Giáo Hội. Con người không thể là thần linh của mình, vì con người chỉ là thụ tạo, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Thánh Gioan nói: “Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5:6).

Đức tin đích thực của Kitô giáo “không chỉ là một số lời đề nghị chấp nhận với sự tán thành của lý trí” mà là “cách nhận biết Đức Kitô sống động, ghi nhớ các giới răn của Ngài, và sống sự thật”. Mối quan hệ mạnh mẽ này với Chúa Giêsu là cốt lõi luân lý đối với con người. Đức tin không linh hồn đơn độc xa lạ với các hành động của cơ thể: “Đức tin là một quyết định liên quan sự hiện hữu của con người. Đó là một cuộc gặp gỡ, một cuộc đồi thoại, một cuộc giao tiếp của tình yêu và sự sống giữa người tin (tín hữu) và Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (x. Ga 14:6).

Trong Đức Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, có sức mạnh để quyết định chọn điều tốt để phục hồi chúng ta. Bằng cách nhận thức sự thật, lương tâm của chúng ta có thể dẫn chúng ta tời hạnh phúc mà chúng ta khao khát đạt được sự viên mãn của con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Lúc đó, chúng ta có thể thực sự hành động với sự tự do, theo ý Chúa, để bạn sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ làm cho bạn tự do.


TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

7 nguyên nhân không ngờ khiến bạn bị bệnh khớp



7  nguyên  nhân  không  ngờ  khiến  bạn  bị  bệnh  khớp
(Thứ bảy, 30/7/2016-VnExpress.net)
Sống cô độc, ăn nhiều, tập thể dục sai cách, thiếu vitamin D, trầm cảm... là những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người bị bệnh khớp.


Các vị trí dễ bị thoái hóa khớp. Ảnh: camnanglamdep.

Trang Health Sina tổng hợp 7 nguyên nhân gây các chứng bệnh liên quan đến khớp, gồm:

Lười vận động
Dù đau khớp vẫn phải tập thể dục, điều này nghe có vẻ trái với suy nghĩa thông thường. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân khớp vẫn cần tuân thủ tập thể dục thường xuyên. Điều quan trọng là cần chọn hình thức tập phù hợp, các môn được khuyến khích như đạp xe, bơi hoặc có thể tham gia huấn luyện sức mạnh giúp các cơ bắp bảo vệ đầu gối.

Tập thể dục sai cách
Bệnh nhân bị viêm khớp gối không nên làm động tác ngồi xổm hay khom người. Không nên vận động quá nhiều, ví dụ người thích đi bộ nên giảm cường độ, nếu thích các hoạt động khác (như làm vườn) nên phân chia các tư thế khác nhau trong suốt cả ngày, đừng chỉ làm một tư thế suốt ngày.

Ăn nhiều, cơ thể mập mạp
Các chuyên gia sau khi phân tích thể trọng và tính di động của cơ thể đã phát hiện thể trọng càng nặng thì đầu gối chịu gánh nặng càng lớn, cơn đau càng nghiêm trọng. Người thể trọng quá lớn có khả năng bị tàn tật càng cao.

Sống cô độc
Người bệnh xương khớp thường nhận thức được rằng cuộc sống lành mạnh có lợi cho việc cải thiện bệnh tình, nhưng để thực hiện thì rất khó. Thường xuyên gặp gỡ các bệnh nhân đồng cảnh ngộ, chia sẻ khó khăn gặp phải sẽ giúp cải thiện những thói quen xấu, tăng cường hoạt động thể chất và sống lành mạnh hơn.

Ít ăn rau quả và trái cây
Ăn nhiều rau và trái cây giúp người bệnh khớp giảm nhẹ cơn đau. Ngoài ra, ăn uống lành mạnh và giữ cho cơ thể ở trạng thái hoạt động cũng giúp họ giảm cân. Người bị viêm xương khớp cần phải giảm cân, ăn trái cây tươi, rau củ và thịt nạc, hạn chế các loại thực phẩm đã chế biến sẵn.

Trầm cảm
Trầm cảm, mất ngủ có liên quan mật thiết đến đau xương khớp. Các triệu chứng lo âu trầm cảm, căng thẳng và lo lắng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể khi đối phó với bệnh. Vì vậy, nếu bệnh nhân viêm xương khớp nghĩ mình bị trầm cảm thì cần phải điều trị kịp thời.

Thiếu vitamin D
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ thiếu hụt vitamin D liên quan đến các cơn đau khớp. Bổ sung dinh dưỡng có chứa vitamin D sẽ giúp giảm đau viêm xương khớp. Người bệnh cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ vitamin D và canxi. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm máu đo lượng vitamin D trong cơ thể bệnh nhân để đưa ra các khuyến nghị thích hợp.


Trần Ngoan

LINH HỒN

LINH  HỒN
(Fri, 23/09/2016 -  Trần Mỹ Duyệt-thanhlinh.net)

Thưa Tiến sĩ,
Tôi năm nay 69 tuổi, có nhiều dịp chuyện trò với Cha xứ, nhiều thắc mắc về đạo đặt ra với Ngài hầu hết được giải đáp thỏa đáng; nhưng có thắc mắc về vấn đề này thì Ngài bảo chính tôi cũng đang tìm hiểu nhưng chưa có câu trả lời. Thưa Tiến sĩ,vấn đề là: người ta đã tạo ra con cừu Dolley bằng phương pháp sinh sản vô tính và theo những nhà khoa học, người ta cũng có thể tạo ra con người bằng phương pháp đó.Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không? Nếu câu hỏi này nằm ngoài chuyên đề của tiến sĩ, xin ts vui lòng hỏi các đấng chuyên về thần học giải đáp giùm.
Cảm ơn Ts rất nhiều.
Ch. Ng.
============
Cám ơn ông Ch. rất nhiều.

Đúng như ông đã viết, vấn nạn liên quan đến thần học; cách riêng, quan điểm thần học mà ông nêu lên lại quá mới mẻ và dính dấp đến những chuyên môn nặng ký của khoa học, chắc chắn không thuộc lãnh vực của tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là một đề tài có thể để chúng ta cùng nhau trao đổi, biết đâu nó sẽ giúp mình củng cố được niềm tin khi nhìn vào những kỳ công được Tạo Hóa sáng tạo. Theo Pascal: “Khoa học tinh thông làm cho con người gần Chúa. Khoa học nông cạn làm cho con người xa Chúa.”

Trong câu hỏi ông nêu lên: “Người ta đã tạo ra con cừu Dolly bằng phương pháp sinh sản vô tính và theo những nhà khoa học, người ta cũng có thể tạo ra con người bằng phương pháp đó.Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không?” Thắc mắc của ông đặt ra hai vấn đề: 1) Con người được tạo ra bằng phương pháp “vô tính” (cloning), 2) Con người “vô tính” ấy có linh hồn không?”

1. Con người vô tính: Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.” Căn cứ vào Đức Tin Tông Truyền, thì chủ tể vạn vật và là Đấng Tạo Hóa muôn loài trên trời dưới đất, “vô hình” (các thiên thần) và “hữu hình” (động, thực vật, và con người) là Thiên Chúa.  Xác tín này có nguồn gốc Thánh Kinh như sau:

“Thiên Chúa đã dựng nên dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại và bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa nói: ‘Chúng ta hãy tạo dựng con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.’ Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.” (Gen 1:25-27).

Như vậy Thánh Kinh cho chúng ta biết là việc tạo dựng nên con người là một hành động rất quan trọng, rất đặc biệt đối với Thiên Chúa. Trong khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa không “nói” với nhau, không hội ý với nhau, chỉ trừ khi tạo dựng nên con người. Vì con người sắp được tạo dựng mang hình ảnh của Ngài: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.”

Có thể hiểu rằng việc Thiên Chúa “nói” với nhau trước khi tạo dựng con người như là việc Ba Ngôi trao đổi với nhau về những ai mà Ngài sẽ tạo dựng, thời gian hiện hữu cũng như trở về cội nguồn của mỗi người. Không phải tự nhiên mà hôm nay chúng ta có một người mang tên “Ch” họ “Ng” xuất hiện với tuổi thọ 69, với tầm cao, với tạng người, với sức khỏe và trí thông minh… như hiện có. Nhưng căn cứ vào Thánh Kinh thì con người này đã có từ trong Thượng Trí ngay ở giây phút mà Ba Ngôi nói với nhau, còn sự xuất hiện của nó chỉ là trong thời gian. Tiên tri Jeremiah đã tả lại việc ông được sinh ra và việc ông được Thiên Chúa chỉ định làm tiên tri như sau: “Trước khi Ta hình thành ngươi trong dạ Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi sinh ra Ta đã thánh hiến ngươi; Ta đã chỉ định ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Jeremiah 1: 5). Dạ của ai? Dạ của Thiên Chúa hay dạ của bà mẹ? Thưa cả hai, vì “dạ” của Thiên Chúa là Thượng Trí của Ngài có từ đời đời, còn “dạ” người mẹ của Jeremiah là dạ đã cưu mang ông, dạ của thời gian ông bắt đầu hiện hữu. Cũng bằng một hình ảnh ấy, Isiah đã nói về việc có mặt của ông, cũng như tên gọi của ông là do chính Thiên Chúa đặt: “Thiên Chúa đã gọi tôi từ lúc mới sinh, từ trong thai mẫu, Ngài đã đặt tên cho tôi.” (Isaiah 49:1)

Tóm lại, việc con người có mặt trên trái đất này không đơn thuần chỉ là kết quả của hành động “giao hợp” giữa vợ chồng, hành động sinh lý giữa người đàn ông và người đàn bà. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho cha mẹ, và là kết qủa tình yêu mà cha mẹ trao cho nhau. Nó cũng không có thể cho là một “lầm lỡ” của cha mẹ, hoặc cũng có những trường hợp người mẹ bị hiếp dâm hay người cha nào đó không đủ bình tĩnh, trưởng thành kiểm soát hành động tính dục của mình. Nhưng những đứa trẻ ấy, những con người ấy vẫn là một tác phẩm tuyệt vời của bàn tay Tạo Hóa. Nó hoàn toàn khác với việc cloning con cừu Dolly.
Con cừu Dolly thực ra là kết qủa của một chuỗi dài và phức tạp được tạo sinh vô tính do Sir Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng tác viên của Viện Nghiên Cứu Roslin thuộc Đại Học Edinburgh, Scotland, hợp tác với công ty sinh hóa PPL Therapeutics. Nó được sinh ra ngày 5 tháng Bẩy 1996 và chết 5 tháng trước khi được 7 năm do triệu chứng phổi. Nếu mới nhìn vào việc một con cừu được sinh ra theo phương pháp cloning, chúng ta tưởng rằng đây là một việc làm đơn giản của các nhà khoa học, thí dụ, hòa 2 phân tử Hydro với 1 phân tử Oxy là sẽ có nước. Trên thực tế, nó đòi hỏi đến 3 bà mẹ để sinh ra nó. 
Thoạt đầu một con cừu cho nó một não sào (trứng), tiếp đến con thứ hai cho DNA, và con thứ ba mang phôi thai đã được cloning cho đến khi con Dolly chào đời. Một tiến trình đầy phức tạp mà kết qủa được xem như là sự thành công của con người, của khoa học.    
Theo tôi, Thiên Chúa toàn năng không cần phải nhờ con người làm những chuyện phức tạp, nhiều rủi ro, và nhân tạo như vậy để tạo nên một con người mang hình ảnh Ngài. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Bản Toát Yếu) do Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam phát hành đã cho biết con người được dựng nên bằng gì và mục đích sự xuất hiện của nó như sau: “Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa theo nghĩa họ có khả năng nhận biết và yêu mến một cách tự do Đấng Sáng Tạo nên mình.” (Số 66).

Như vậy, “Con người là một hữu thể vừa có yếu tố thể xác, lại vừa có yếu tố tinh thần. Trong con người, tinh thần và vật chất tạo thành một bản thể duy nhất. Tính duy nhất này rất sâu xa đến độ, nhờ nguyên lý tinh thần là linh hồn, mà thể xác, vốn là vật chất, trở thành một thể xác con người sống động, và được dự phần vào phẩm giá “là hình ảnh của Thiên Chúa.”  (Số 69).

Tóm lại, nếu con người có cloning được một hình hài mang thân xác con người, thì để cái hình hài ấy được trở thành một con người theo đúng nghĩa của nó, phần linh hồn, vẫn là phần quan trọng và chỉ thuộc về Thiên Chúa.


2. Linh hồn bất tử:
 Linh hồn là gì? Có những định nghĩa khác nhau về linh hồn, nhưng cũng trong Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, thì linh hồn được định nghĩa như sau:

“Linh hồn thiêng liêng không đến từ cha mẹ, nhưng được Thiên Chúa tạo dựng cách trực tiếp, và nó bất tử. Linh hồn không chết. Linh hồn sẽ tái hợp với thể xác trong ngày sống lại sau hết.” (Số 70)    

Việc linh hồn tháp nhập vào với thân xác để trở thành một con người sống động đã được Thánh Kinh ghi nhận: “Rồi Thiên Chúa lấy bùn đất làm thành con người, và Ngài thở hơi sống vào lỗ mũi nó, và con người trở thành một sinh linh.” (Gen 2: 7) Hơi thở sống của Thiên Chúa chính là thần khí, là linh hồn. Khi một người chết, ta gọi là “tắt thở” hoặc “linh hồn lìa khỏi xác!”

Vậy theo câu hỏi của ông, “Vậy thì cái con người được khoa học tạo ra đó có linh hồn không?” Theo tôi, hễ đã là một con người thì phải có linh hồn. Linh mục John J. Dietzen, một nhà bỉnh bút Công Giáo với hơn 50 năm kinh nghiệm hướng dẫn và trả lời các câu hỏi đã viết: “Tất cả những phần thuộc tinh thần hay vật chất của chúng ta, một cách truyền thống được coi như linh hồn và thân xác, là bản thể của con người tự nhiên của chúng ta, hoặc ở đời này hay trong cuộc sống mai sau. Nếu linh hồn không có những liên kết với thân xác, nó không còn là linh hồn của con người nữa. Bất cứ nó là gì, nếu sự tách biệt xảy ra, nó không phải là một con người.” (Both our spiritual and material parts, traditionally referred to as body and soul, are essential for our human nature, whether here or in the next life. If a soul does not have some relation to a body, it is not a human soul. Whatever it is, if such a separate existence were even possible, it would not be a human being.) (Catholic Q &A, p.468) 

Tuy nhiên vấn đề được đặt ra cho khoa học, là liệu con người có thể tự mình “làm ra” hoặc “chế ra” một con người khác mà không nhờ vào những gì đã có sẵn của Thương Đế đã tạo nên hay không? Cũng nên thêm rằng, gần đây nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã cần đến sự trợ giúp của khoa học trong việc thụ thai nhân tạo (sau khi đã tạo nên phôi thai trong ống nghiệm). Nhưng chung quy cũng là tạo nên từ nguồn sống mà Thiên Chúa đã sáng tạo, chứ không phải robot. Theo ý kiến của một linh mục bậc thầy, điều gì Thiên Chúa đã sáng tạo thì nên để mang dấu ấn của Ngài.

Tóm lại, với những gì chúng ta thấy, thì dù với những bước tiến phi thường hiện nay của khoa học, con người cũng chỉ chế hay làm ra những người máy (robot) mà thôi. Mà robot thì không phải là con người bởi vì nó thiếu rõ ràng hai yếu tố căn bản là thể xác và linh hồn.

Thưa ông Ch.,

Tôi vừa trao đổi với ông vài nhận thức giới hạn về con người vô sinh và linh hồn của những con người này. Vì không phải là nhà thần học, cũng không biết nhiều về khoa học, nên những chia sẻ của tôi rất giới hạn. Trong khi cùng nhau trao đổi, tôi nghĩ rằng chính ông nên tham khảo thêm với những nhà thần học khác để rộng đường tư tưởng.

Rất chân thành,

Trần Mỹ Duyệt