Bài tản mạn năm Tý nói chuyện Chuột
Nguyễn Ngọc Duy Hân- Fri, 17/01/2020
Bạn có thích con sóc không? Hình ảnh những chú
sóc dễ thương chạy tung tăng trong các công viên, tay cầm hạt dẻ là hình ảnh
rất nên thơ. Thế nhưng người ta nói nếu bỏ cái lông xù ở đuôi đi, con sóc chẳng
khác gì con chuột xấu xí hôi hám. Ngược lại nếu hóa trang con chuột với cái
đuôi nhiều lông, thì nó sẽ trở thành con sóc xinh xắn, như vậy thì lầm chết
phải không quý vị? Đón chào năm Canh Tý 2020 sắp tới, xin mời bạn cùng tôi tản
mạn một chút về loài chuột, cùng nhớ lại những câu ca dao, tác phẩm, thơ nhạc
có liên hệ tới loài gặm nhấm này nhé, và thử xem mình có hiểu lầm điều gì với
loài động vật này không.
Các nhà nghiên cứu cho
thấy loài chuột xuất hiện trên trái đất đã 50 triệu năm, trong khi con người
chỉ mới được 2 triệu năm. Chúng len lỏi sống cạnh người nhưng chẳng bao giờ
được cho là gia súc.
Trung bình đôi chuột
cống sau một năm có thể sinh ra một đàn con, cháu, chắt đến 800 đứa, sau 3 năm
có thể trở thành 20 triệu con nếu không bị diệt, chết bớt. Cũng may chuột chỉ
sống lâu nhất là 18 tháng. Thỉnh thoảng cũng có chuyện lạ chuột tự sát tập thể
dù tuổi thọ chưa bao nhiêu, chắc là thấy nạn nhân mãn, ý quên "Tý
Mãn" nhiều quá nên giải quyết bằng cách tự chết bớt chăng! Chẳng hạn vào
đầu tháng 5, 1995 ở vùng Tân Cương, chuột kéo đến các ao hồ, từng đôi một cắn
đuôi nhau tự trầm mình tìm cái chết. Chỉ sau vài ngày, các hồ ao trong vùng xác
chuột nổi kín mặt nước.
Chuột sinh sôi nảy nở
rất nhanh chóng, chuột cái có thể thụ thai khi chỉ mới 5 tuần, bị kết án đa dâm
vì… mắn đẻ. Loài chuột túi nhỏ Kaluta ở Úc xứng đáng nhận danh hiệu "chết
vì yêu" trong thế giới động vật, vì chúng giao phối một lần tới 14 tiếng
rồi con đực qua bên kia thế giới luôn. Biết "yêu là chết" mà vẫn đâm
đầu tìm cái thú đau thương này, nghe cũng quen quen phải không quý vị!??.
Một con chuột trong một
năm có thể ăn hết 20 ký lương thực. Chuột mẹ có khi ăn thịt chuột con nếu cảm
thấy cần. Khi đó chuột mẹ sẽ chọn ra đứa con yếu nhất hoặc bị dị tật để ăn
thịt, nhằm tăng cơ hội sống cho các anh chị chuột khỏe mạnh còn lại. Ngược lại
có giống thì chuột mẹ lại bị chuột con gậm, cắn tới chết. Rõ khổ, loài người
cũng có những đứa con bất hiếu đánh đập, làm hại cha mẹ từ tinh thần tới thể
xác. Loại con cái này "sống làm chi cho chật trời!"
Trong mười hai con giáp, Tý đứng hàng đầu. Thời
xưa ông bà ta chưa có đồng hồ, nên tính giờ Tý là thời gian khoảng từ 23 giờ
khuya đến 2 giờ sáng, cũng là thời gian giống chuột hoạt động rất mạnh để cắn
phá và kiếm ăn, mà cũng là "giờ Tí canh ba" rất thuận tiện để vợ
chồng làm chuyện di truyền nòi giống.
Có nhiều huyền thoại về
loài chuột thể hiện qua các tôn giáo. Tương truyền, linh hồn của nữ thần Karni
Mata trong đạo Hindu sau khi chết được chuyển thế tái sinh qua loài chuột, nên
một số nơi ở Ấn Độ, chuột được xem như thần thánh. Đền Karni Mata ở tây bắc Ấn
Độ là ngôi đền thờ có khoảng 20 ngàn con chuột sống trong đó và được tôn thờ.
Nếu bạn lỡ đạp chết con nào thì phải phạt rất nặng.
Để tìm hiểu tinh thần
Phật học, một nông dân đặt câu hỏi nếu mình làm ruộng rồi lúa bị chuột cắn phá,
không dùng thuốc diệt chuột thì không có gạo ăn, mà giết chuột thì phạm tội sát
sanh, thế thì phải làm sao? Câu trả lời là sống trong cuộc đời phải biết tương
đối, tránh tội lớn phải chấp nhận tội nhỏ, không thể hoàn toàn được. Khi con
người mà giết hại lẫn nhau mới thật là tàn ác, phải tránh tuyệt đối. Nói tới
người giết người, tàn hại lẫn nhau thì không thể không nói tới Cộng sản. Đồng
bào, cha mẹ mà chúng cướp, giết không gớm tay thật ghê sợ. Dân oan ta thán khắp
nơi mà chúng nào có quan tâm, chỉ "ke" cho túi tiền của mình.
Kinh Thánh Công giáo
cũng có nhắc loài Tý này, khi ông Môi-sen dặn dân chúng không được ăn thịt
chuột, vì đó là loài ô uế. Thật vậy, chuột là biểu hiện của bệnh tật, trộm cắp,
cắn phá, lén lút, lừa dối, sống nhờ rác rưởi.
Trong ca dao tục ngữ,
các giống vật luôn được dùng làm ví dụ, nhắc tới. Dòng dõi nhà Tý cũng xuất
hiện nhiều trong vườn thơ bình dân. Để chỉ những kẻ đạo đức giả ông bà ta có
câu: “Mèo già khóc chuột”. Hoặc để trách người hay nói, khoe khoang thì cha ông
dùng câu: “Nói dơi nói chuột”. Với những kẻ cố tình che giấu chuyện ám muội,
sau này mới lộ ra bộ mặt gian ác của mình, thì sẽ bị chép miệng chế diễu: Thấy
chưa,“Cháy nhà ra mặt chuột!”. Nếu tướng tá gian tà, ông bà mình chê “Mắt dơi
mày chuột”. Người bạn trẻ Hong Kong đang tranh đấu cho Tự Do Nhân Quyền nổi
tiếng hiện tại cũng bị báo Việt Cộng diễu là đồ “mặt dơi mỏ chuột”, nhưng Hoàng
Chí Phong (Joshua Wong) dù không to con đẹp trai lại là một nhân tài góp phần
làm thay đổi bộ mặt thế giới và làm Trung Cộng hoảng sợ.
Để chỉ hạng người mới
bắt đầu công việc thì phô trương nhưng chẳng chịu làm tới nơi tới chốn, kết cục
không ra gì thì tục ngữ có câu: "Đầu voi đuôi chuột". "Lủi như
chuột", "Ướt như chuột lột", "Len lét như chuột ngày"
"Chuột cậy mình nhỏ, dễ chui dễ luồn" là những câu dân gian hay nhắc
tới. Khi nói về mẹ chồng đối với nàng dâu, ca dao cũng có câu: "Như mèo
với chuột có thương nhau bao giờ". Dân nhậu thì sẽ rất thấm thía câu:
"Cần chi cá lóc cá rô, thịt chuột thịt rắn nhậu vô hơn nhiều!" Cũng
có câu đố: "Vừa bằng quả mướp, ăn cướp cả làng", bạn có giải đáp được
là con gì không? "Ném chuột sợ bể đồ" hoặc "Kìa xem con chuột
thối thây, người mà vô lễ chết ngay cho rồi" cũng rất hay được nhắc tới
trong văn chương bình dân. Còn câu "Chuột bầy làm chẳng nên hang", là
để nói về việc thiếu lãnh đạo thì dù có đông người cũng chẳng làm nên trò trống
gì. Chẳng lẽ câu này lại phù hợp với thực trạng ngày nay: Đất nước Việt Nam
thiếu người tài ba đứng ra lãnh đạo nên việc chống lại cộng sản hoành hành gây
hại cho quê hương vẫn chưa có kết quả bao nhiêu!
Cũng có nhiều so sánh dí
dõm và tượng hình về loài chuột mà người dân dùng nhiều. Chẳng hạn trái dưa leo
ăn sống dòn và ngon, cũng được gọi là dưa chuột. Khu nhà nghèo bị gọi là khu ổ
chuột, chắc vì tối tăm dơ dáy nên có nhiều chuột. Khi bắp thịt bị thắt lại, thì
gọi là bị "chuột rút". Đang bơi mà bị chuột rút thì rất nguy hiểm, có
khi dẫn tới chết đuối. Hồi còn bé chắc thế nào bạn cũng chơi qua trò chơi
"Mèo bắt chuột". Cơ bắp tròn, khi gồng tay lên thì rắn chắc cứng hơn
được gọi là gồng chuột. Hồi còn bé con tôi rất thích rờ bắp tay của bố khi anh
gồng "sô" cho chuột phồng lên. Mới đó mà đã tới lúc cháu có con,
chuẩn bị gồng bắp tay cho con của mình rờ rồi, và chúng tôi đã lên chức ông bà
nội, bắp tay ông xã bây giờ có gồng lên chắc cũng chỉ được con chuột bé tí!
Chuyện gian díu không
chính thức của đôi nam nữ bị gọi là chuyện "mèo chuột". Mèo bắt
chuột, chuột sợ mèo, các cụ muốn dạy con cháu rằng khi mèo và chuột rửng mỡ ăn
nằm với nhau thì phải rất cẩn thận, sẽ không bền vững đâu: "Mẹ em để em trong
bồ - Anh nghĩ chuột nhắt, anh vồ đứt đuôi".
Ngoài xuất hiện trong
văn chương, về nghệ thuật thì ông Tý cũng gắn liền với nhiều họa phẩm nổi
tiếng. Bức tranh Đông Hồ “Đám Cưới Chuột”, “Mèo Vờn Chuột” là những tác phẩm
nghệ thuật dân gian nhiều ý nghĩa có liên hệ tới gia đình họ Thử này chắc ai
cũng đã xem qua. Loại tranh vẽ này không chỉ mang nặng bản sắc dân tộc, mà còn
có sự tỉ mỉ sâu sắc diễn tả nhiều bài học kinh nghiệm. Tên của một giống chuột
to con, xấu xí là chuột Cống, trùng tên với người thi đỗ khoa bảng thời xưa là
ông Cống, bạn có biết tại sao không? Trăm năm trong cõi người ta, cái gì hổng
biết thì tra google, tôi đã hỏi bác Google nhưng chưa tìm thấy câu trả lời về
"vụ việc" này. Chắc chuột cống là ý nói tới loài chuột sống ở ống
cống. Còn chữ cống kia là chỉ những người thi đậu do chữ Hán mà ra. Thi Hương
Cống từ thời Minh Mạng đã được đổi thành thi Cử Nhân, chắc là có vị quan nào
không thích chữ Cống nên đã đề nghị vua đổi?
Tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm xưa nhất còn
giữ được trong văn học nước ta là Trinh Thử. Đó là một truyện thơ dài 850 câu
của Hồ Huyền Quy, ca tụng đức tính của Chuột Bạch góa chồng đi kiếm mồi nuôi
con.
Trong hịch bắt chuột của
cụ Đồ Chiểu, cụ đã miêu tả:
"Lông mọc xồm
xoàm, tục kêu xà lắt
Tánh hay ăn vặt; lòng
chẳng kiêng dè
Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều
bề
Đường qua lại đào soi
lắm ngách
Nghe hơi động vội vàng
lĩnh mất" ...
Trong chuyện Kiều của
thi hào Nguyễn Du có nhắc tới nhiều thú vật, nhưng tìm mãi không thấy chữ chuột
hoặc tý trong tác phẩm. Cuối cùng may quá tìm được điển thích nối đuôi con điêu
trong câu: "Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu, Hay hèn lẽ cũng nối
điêu..." Thì ra "Điêu" là một loài chuột ở rừng núi miền lạnh,
đuôi to, lông xù dài đến một tấc, màu vàng hoặc đen tía.
Riêng nhà thơ cổ Nguyễn
Khuyến thì lại viết bài Cơ Thử tỏ lòng thương hại khi chuột bị đói:
"Bọn mi nương xó
tường ta,
Bấy lâu êm ả trong nhà
không sao.
Phải khi gạo kém thóc
cao,
Bọn mi lục đục cắn
nhau bao lần".
Trong thơ ngụ ngôn của
La Fontaine, ông đã nhân cách hóa để diễu cợt cái kiểu họp hành, phát biểu vu
vơ rồi giải tán mà không đem lại hiệu quả gì bằng hình ảnh một Hội đồng chuột:
…"Té ra cuộc luận
bàn thật hão
Có lạ gì bàn láo xưa
nay
Chẳng là việc chuột thế
này
Việc dân việc nước
cũng hay bàn xằng"
(Nguyễn Văn Vĩnh dịch).
Vậy các hội đoàn khi hội họp hãy cẩn thận kẻo bị mang cùng tên với hội đồng
chuột này nhé.
Truyện của Tô Hoài, John
Steinbec, Albert Camus cũng đều có nhắc đến loài chuột.
Dân tộc Kammu miền bắc
Thái Lan vẫn kể câu chuyện thần thoại chuột rúc để báo hiệu về cơn đại hồng
thủy sắp sửa diễn ra. Ông bà ta cũng rất tin vào điềm may khi nghe tiếng chuột.
Riêng trong gia đình tôi cũng có một chuyện đã xảy ra không biết phải giải
thích ra sao. Số là bố chồng tôi vì sợ Cộng sản nên phải trốn từ Quảng Ngãi vào
miền Nam, cha của ông tức ông nội vẫn còn ở Quảng Ngãi. Thời ấy làm gì có điện
thoại, Facebook, thư từ, đi lại rất khó khăn tốn kém nhưng bỗng một ngày ông
nội nói với hàng xóm: "Đêm qua có tiếng chuột rúc báo tin, con trai tôi sẽ
về thăm". Quả thật hôm đó bố chồng tôi khăn gói quả mướp từ Vũng Tài về
quê thăm cha, không báo trước gì cả.
Trên thế giới nổi tiếng
là chú chuột Mickey và cô bạn gái Minnie. Thống kê cho thấy gần 150 bộ phim về
Mickey đã ra đời, kèm theo không biết bao nhiêu là truyện bằng tranh, thú nhồi
bông... Mickey còn là biểu tượng của các công viên Disney Land, Disney World
với các trò chơi cho trẻ em trên thế giới. Thú thật tới tuổi này tôi vẫn còn mê
đi Disney World. Cựu Tổng thống Mỹ Jim Carter đã phải nhận xét: “Chuột Mickey
là một đại sứ thiện chí, một nhà kiến tạo hòa bình, có thể vượt qua mọi rào cản
ngôn ngữ”.
Gần đây hơn, từ năm
1940, nhân vật chuột Jerry xuất hiện trong bộ phim hoạt họa "Tom &
Jerry", con nít và cả người lớn đều thích thú theo dõi.
Trong âm nhạc Việt ít
thấy bài hát nào có nhắc tới chuột, ngoài bài "Giờ Tí canh ba" của
Song Ngọc, nhưng có một nhạc sĩ khá nổi tiếng có tên Nguyễn Văn Tý, tác giả bài
Dư Âm "Đêm qua mơ dáng em ôm đàn..." vang tiếng một thời. Bà con ta
khi có con trai hay đặt nickname ở nhà là Cu Tí, dù không sanh vào năm Tý.
Nhưng chữ Tí ở đây là bé tí, không phải chuột con, đừng tưởng lầm nhé!
Loài vật nào cũng thế
giới riêng, khám phá về sinh hoạt chúng đem lại nhiều điều kỳ thú và có thể có
những kinh nghiệm cho loài người. Chuột cũng biết ghen đấy các bạn ạ. Với mình
thì con chuột nào cũng hôi như con chuột nào, nhưng giống chuột có tiết ra một
mùi riêng rồi nhờ đó mà nhận ra nhau. Khi chuột chồng đi vắng, nếu chuột vợ ở
nhà "mèo chuột" với chàng khác thì chuột chồng phát hiện ra ngay nhờ
đánh hơi được mùi lạ. Chàng sẽ nổi cơn ghen xông vào cắn xé chuột cái ngoại
tình ngay. Nhưng sau đó có lẽ cái mùi lạ bay mất, nên chàng lại tha thứ và
"yêu" vợ trở lại. Tôi luôn ước mong mọi người tha thứ, bỏ qua cho
nhau, nhưng nếu ngoại tình quá 2 lần thì nên dứt khoát bỏ hẳn, không nên chấp
nhận nữa, dù mùi hương của tình địch đã bay xa. Xét ra chuột cũng biết yêu âm
nhạc, mê chàng nghệ sĩ. Khi tán tỉnh bạn tình, chuột đực cũng phát ra những âm
điệu du dương như những bản tình ca cho đến khi cô nàng "phải lòng".
Rồi theo tạp chí Cardiothoracic Surgery, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã làm thí
nghiệm với những con chuột bị làm phẫu thuật ghép tim. Mạng sống của chúng có
thể kéo dài hơn nếu chúng được nghe nhạc opera hoặc Mozart - không phải rap,
rock.
Sống trong bầy, chuột
luôn nhận ra nhau và không có chuyện "loạn luân". Nhưng điều này
không đúng với loài chuột hamster chúng ta nuôi trong nhà. Hồi ấy chìu các con,
chúng tôi cũng ra Pet Shop mua về một cặp hamster. Chúng đẻ mau như... chuột,
chúng tôi phải đem cho bớt. Cô bạn bỏ hamster mẹ và con chung chuồng với nhau,
liền sau đó hamster mẹ lại có bầu, đẻ ra một đàn vừa là con vừa là cháu!
Ngoài loài gấu ngủ suốt
mùa đông, cũng có giống chuột biết trốn vào hang ngủ rất lâu mới thức dậy
"quậy". Dòng họ Thử lại biết lo xa, chúng cẩn thận đào hang cất giấu
lương thực để dành ăn dần. Chúng cũng rất tự ái, giữ tiết lễ, có thể tự sát
hằng loạt nếu hang ổ bị xâm phạm. Nước Việt ta đang có nguy cơ làm nô lệ kiểu
mới cho Tàu Cộng, mà sao nhiều người vẫn "vui mừng làm người cúi
xin", nghĩ có đáng buồn, có thua loài chuột này không?!
Một hiện tượng kỳ lạ và hiếm gặp là chuyện “vua
chuột”, khi nhiều con chuột không biết bằng cách nào đã cột đuôi dính với nhau
hàng chục con, hay là chúng đang thực hiện việc "đoàn kết" nắm tay, ý
quên nắm đuôi gây sức mạnh!? Quả thật về thể lý cái đuôi chuột có một sức mạnh
đáng nể. Nói về thể lực, chuột có thể chạy đoạn đường dài tới 15 km, bạn chạy
được bao xa? Chuột còn có tài đu bám ngửa bụng lên trời hoặc có thể leo theo
đường thẳng đứng trên mặt tường hoặc bò ngang theo mặt trần nhà. Chuột cống lớn
có thể nhẩy vọt lên cao đến 1,5 mét, nếu cho đi thi Olympic thì chắc sẽ đoạt
huy chương vàng. Ấy là chưa kể tài bơi lội như rái cá của chuột. Chuột phải
luôn luôn gậm nhấm để mài mòn răng, nếu không răng sẽ dài ra không thể ngậm
miệng lại được (chúng không có nha sĩ để takecare vụ này!)
Có rất nhiều loại chuột
trên thế giới, vài loại đặc biệt xin được giới thiệu tại đây. Chẳng hạn huột
chù Etruscan được cho là một trong các loài động vật có vú nhỏ nhất thế giới.
Trung bình nó nặng chưa đến hai gram và dài khoảng 4cm. Ngược lại loài chuột
khổng lồ có thể nặng gần 100 ký như Capybara - thuộc loài chuột lang nước. Ở
Papua New Guinea, kích thước của một chú chuột Bosavi có thể vượt quá 80 cm
chiều dài (bao gồm cả đuôi) và nặng khoảng 1,5 kg. Liên hệ tới chuột có giống
chuột túi rất to tức là con Kangaroo - biểu tượng của dân Úc. Lại có loại chuột
cỏ khá giống chuột túi nhưng nhỏ thôi, sống rất biệt lập và di chuyển bằng cách
nhảy lò cò giống như chuột túi Úc. Có loại chuột dừa chuyên sống và ăn dừa, nên
thịt nó thơm ngon đặc biệt. Người ta còn nuôi chuột bằng sâm, cho ra món
"Sâm Thử" rất quý và bổ.
Nhìn chung, chuột gây ra
không ít tác hại thật đáng sợ đáng ghét. Từ năm 1347 đến 1351, tại châu Âu
chuột đã mang theo loài bọ chét chứa vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra bệnh dịch
hạch, gieo rắc “cái chết đen” lên lục địa, thời gian đó đã có khoảng 25 triệu
người phải bỏ mạng. Bệnh dịch hạch hiện vẫn còn nhất là ở các nước kém phát
triển.
Tại Thụy Điển báo đã
đăng chuyện con chuột to con lớn xác định ăn thịt cả mèo (Quý ông nên cẩn thận,
đừng cậy vào sức dài vai rộng nhé!). Tại Nam Phi có ghi nhận chuyện chuột
Gambia cắn xé làm em bé 3 tháng phải thiệt mạng. Bác ruột của tôi bên Việt Nam
sau 1975 bị mất một chân cũng vì chuột. Bác bị bệnh tiểu đường nên vết thương
khó lành. Tối hôm đó ngủ quên bác bị chuột gặm chân chảy máu, lớp vì tiểu
đường, lớp vì y tế thời đó quá tệ nên cuối cùng bác bị cưa chân lên tới đầu
gối.
Chuột gây hại nhiều hơn
lợi, nên diệt chuột là chuyện cần làm. Thời xưa thuốc DDT nổi tiếng giết chuột
tài tình, từ đó mới có câu hát sửa lời “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua
chai thuốc chuột uống cho rồi đời”! Thế nhưng ngày nay xã hội Việt Nam cái gì
cũng giả, nên có người mua thuốc tự tử bị nhằm thuốc giả không chết được, còn
mua thuốc bổ để uống thì lại nhằm thuốc dỏm khiến bị toi mạng! Hồi ấy ngoài chợ
cũng hay có quảng cáo bán thuốc Sơn Đông, biểu diễn võ thuật. Để rao bán thuốc
diệt chuột, họ rao hát rất vần điệu:
"Thuốc chuột đây!
Thuốc chuột đây!
Chuột ăn chuột chết
Rết ăn, rết
què"...
Dù có nhiều cách diệt
chuột, nhưng phần thắng chưa hoàn toàn thuộc về con người. Ông bà ta xưa kia
đôi khi cảm thấy bất lực, nên đành tin dị đoan, cất giấu gì ở đâu phải nói rất
nhỏ, sợ chuột nghe thấy. Để chúng khỏi nổi giận trả thù, các cụ còn gọi chúng là
"Ông Tý" nữa. Nhiều chiếc ghe nhỏ phải có bàn thờ ông Tý để xin ông
đừng cắn nát ghe.
Tuy vậy, chúng ta cũng
nên hỉ xả chút để nhìn vào mặt lợi ích, mặt tích cực của loài chuột. Các nhà
khoa học đã khám phá ra con người và chuột nhắt có đến 90% tương đồng về gen,
vì thế chuột thường được làm vật thí nghiệm để giúp về sức khoẻ. Trong y học,
con chuột "knockout" đầu tiên đã đươc tạo ra bởi Mario Capecchi,
Martin Evans và Oliver Smithies khoảng1987-1989 đã được nhận giải thưởng Nobel.
Rất nhiều chuột knockout đã được sử dụng để nghiên cứu các bệnh ung thư, tiểu
đường, bệnh run rẩy Parkinson, béo phì, viêm khớp, u uất trầm cảm... Một con
chuột được cấy bệnh viêm khớp vào để thử nghiệm có giá gần 200 đô Mỹ; một con
chuột mù giá 250 đô. Còn muốn có một con chuột tách gen làm thí nghiệm, giá có
thể cả 100 ngàn đô vì phải tốn bao thời gian, tìm hiểu nghiên cứu mới thành
công được. Nhà nghiên cứu tại Ðại học Massachusetts, Hoa Kỳ cũng đã thành công
tạo ra một con chuột mang một cái tai người trên lưng. Kỹ thuật này đã giúp
ngành y khoa tái tạo lại các phần cơ thể người bị mất vì tai nạn hay kiếm
khuyết bẩm sinh.
Trong thuốc Nam người ta
bày cách bỏ chuột vào nồi đậy kín rồi thiêu, lấy tro uống để trị hết bệnh
suyễn, hoặc lấy tro hòa với vaselin bôi lên trị bỏng, cháy da, bạn có dám thử
không?
Về phía Tây Phương, có
người nuôi dạy chuột để thi chạy đua hay tranh giải sắc đẹp của Tý Cô Nương.
Muốn trở thành Hoa Hậu Top Model, chuột được nuôi theo cách ăn uống đặc biệt
với thực đơn "sang chảnh" như bánh bich qui, lúa mạch, bánh mì, sữa,
rau trái, thịt sống.... Phong trào chơi chuột bắt đầu khoảng năm 1993. Tại Mỹ
trên đại lộ Hollywood, không ai ngạc nhiên trước cảnh các bà đầm dắt chuột chơi
phố ngắm cảnh thay vì dắt chó. Tôi thì vẫn quê mùa bảo thủ, có điều kiện thì
giúp người nghèo, trẻ em ốm đói trước đã rồi hãy bỏ nhiều tiền nuôi các giống
thú cưng. Riêng tại Anh, hằng năm có khoảng 40 cuộc thi đủ loại về chuột, được
tổ chức tại London và Yorkshire. Một câu lạc bộ dành cho những người yêu chuột
cũng đã hình thành vào 1892, có tên "National Mouse Club" đến nay đã
có tới 150 hội viên là những nhà nuôi chuột thương mại và các ông bà già về hưu
"quởn" không biết làm gì cho bớt boring, buồn tẻ.
Khi vừa mới đẻ, chuột
con chưa thể mở mắt và không hề thấy đường. Đến lúc trưởng thành chuột vẫn bị
mù màu vì chỉ thấy 2 màu đen-trắng. Thật ra chúng đâu cần nhận ra màu sắc vì
nói chung chuột chỉ có 2 loại: Loại thường màu đen và loại chuột bạch màu
trắng. Thế nhưng gần đây có các nhà khoa học đã ghép tế bào để có loại chuột lông
xanh lá cây, xanh từ trong ruột xanh ra chứ không phải nhuộm màu như chúng ta
nhuộm tóc đâu nhé. Bù lại thị giác hạn chế, tai chuột lại rất thính có thể nghe
được siêu âm có tần số cao mà tai người không nghe được. Thế nên chuột được
huấn luyện để dọ thám tin tức và rà mìn nhờ thân hình nhỏ bé, khứu giác bén
nhạy, cử động lanh lẹ và nhất là có óc thông minh. Chúng biết kết hợp với nhau
để tha nguyên trái trứng gà to về hang mà không bị bể, thực hành "team
work" rất đoàn kết, lớp lang. Đừng chê chuột chù húp nước mắm hoài nhé,
chúng cũng có lợi ích và khôn ngoan đó. Ngoài ra, chuột đồng là món ăn, món
nhậu rất ngon. Những ngày bị tù cải tạo sau 1975, các quân cán chính Việt Nam
Cộng Hòa nhiều người đã sống được nhờ ăn thịt những con chuột đồng trong khi đi
lao động, nếu không sẽ chết đói hoặc bệnh vì thiếu protein. Nhớ lại những ngày
sau 1975 thật là thê thảm, cái gì cũng thiếu phải sắp hàng chờ đợi cả ngày.
Trước đó gia đình tôi cũng thuộc loại công chức và giáo chức, không thừa nhưng
cũng không lo thiếu. Việt Cộng vào miền Nam thì ăn độn dài dài, có khi chén cơm
dính cục cứt chuột cũng không dám bỏ, phải can đảm dùng đũa hất đi rồi ăn tiếp
nếu không thì đói. Món kẹo mè đen hay ăn vào dịp Tết còn được gọi là kẹo Thèo
Lèo Cứt Chuột, cái tên nghe chẳng thẩm mỹ chút nào. Nếu nằm mơ thấy chuột, bạn
nên đánh đề số 2, 20, 55, còn nếu nằm mơ thấy mình bị chuột cắn bạn nên đánh số
14 hoặc 41.
Trong lịch sử, năm Canh
Tý thứ 40 là một năm quan trọng, khi hai bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa làm
rạng danh phụ nữ Việt Nam.
Bây giờ tôi xin điểm qua
vài nhân vật nổi tiếng cầm tinh con chuột nhé. Đầu tiên phải nhắc tới
Shakespeare sinh năm Giáp Tý 1564, là kịch tác gia vĩ đại người Anh với những
kiệt tác như “Roméo et Juliette”, “Hamlet”, “Othello”, “Le Roi Lear” v.v… Kế
tới là Galiléo, một nhà vật lý và thiên văn lừng danh, cũng sinh năm Giáp Tý
(1564). Tuổi Bính Tý có Jack London là nhà văn Mỹ. Jack London sinh năm 1876
tại San Francisco, nhiều tác phẩm của ông đã được làm thành phim nổi tiếng khắp
thế giới. Alphonse Daudet là đại văn hào Pháp sinh năm Canh Tý (1840). Ông được
nổi tiếng nhờ dùng ngôn ngữ chuẩn mực, giản dị và trong sáng. Tập “Lettres de
mon Moulin” lừng danh khắp thế giới. Saint Exupéry cũng sinh năm Canh Tý, nhưng
nhỏ hơn Daudet 60 tuổi. Ông sanh vào năm 1900 chẳn chòi, là nhà văn lỗi lạc của
Pháp và cũng là phi công mất tích trong một phi vụ ngày 31-7-1944. Những tác
phẩm để đời là «Vol de Nuit» «Terre des hommes» «Pilot de guerre» v.v… Các nhân
vật đặc biệt Leo Tolstoy, cựu tổng thống Mỹ George Bush, thái tử Anh Charles
cũng sanh vào năm Tý.
Về phía Việt Nam ta,
tuổi Mậu Tý có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) là thi sĩ cận đại đứng vào
bậc "thầy" trong làng thơ văn. Rồi phải kể tới Nguyễn Trường Tộ sinh
năm Mậu Tý 1828 tại Nghệ An. Ông nổi tiếng về các bài điều trần cứu nước và
kiến Quốc. Nhà thơ Hàn Mặc Tử sinh năm Nhâm Tý 1912 chết vì bệnh phong cùi là
thi sĩ nổi tiếng của làng văn chương Việt. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng
sinh vào năm Tý, tháng Tý, giờ Tý.
Những tuổi hợp với người
tuổi Tý là tuổi Thìn (con Rồng) và tuổi Thân (con Khỉ). Tuổi xung khắc với tuổi
Tý là tuổi Mẹo (con Mèo – dĩ nhiên!), tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Dậu (con Gà).
Nói dông dài nãy giờ,
tôi xin được bàn đến chữ “con chuột” rất quen thuộc trong thời đại điện tử này
trước khi chấm dứt. Trong máy vi tính, bác Còm (còm-pu-tờ) thường có con chuột
là bộ phận cần để điều khiển chức năng, dịch từ tiếng Anh là Mouse, tiếng Pháp
Souris. Gọi là "chuột" vì hình dáng và kích thước mouse giống như con
chuột thật, với sợ dây điện nối vào máy điện toán giống như cái đuôi. Tuy thế
điều này không đúng nữa vì ngày nay đã có "cordless mouse" không cần
dây rợ gì, thậm chí không cần chuột nữa. Bấm vào mouse được dịch ra tiếng Việt
là "nhấp chuột". Riêng chữ “mouse” trong Anh văn cũng mang một nghĩa
xấu. Mouse bắt nguồn từ gốc chữ Latin là “mus”, tiếng Hy lạp là “mys”, tiếng
Phạn là “mush”, đều có nghĩa là “ăn cắp”, có lẽ vì chuột luôn gặm nhấm, ăn cắp
mùa màng, thức ăn của loài người. Nói về nhấp chuột trong computer, thì phải
nhắc thêm phát minh ra con chuột Vir Touch (VTS) dành cho người khiếm thị do
Irael sản xuất có khả năng hoạt động như mắt người, giúp người mù xem được hình
ảnh trên máy computer bằng xúc giác. Tuy nhiên giá còn cao khoảng $5000 đô Mỹ
nên dù có mặt trên thị trường từ tháng 9, 2004, cũng chưa bán được bao nhiêu.
Lại còn có loại chuột dành cho người cụt hai tay sử dụng. Thiết bị này được
người Nga chế tạo, to hơn chuột thường được đặt dưới sàn nhà, với nút bấm được
điều kiện bằng chân. Ngoài ra còn đủ các loại chuột dành cho người bị ra mồ hôi
tay, chuột dành cho người bị run tay kinh niên, tha hồ nhấp chuột không bị trở
ngại vật lý.
Tản mạn về chuột thật chuột giả nãy giờ chắc
cũng đủ làm bạn mệt rồi, thôi thì năm cũ con Heo đã qua, mong bạn cùng tôi kiểm
điểm lại một năm qua rồi để thấy mình đã làm được gì, ước vọng thực thi được
bao nhiêu? Nếu thành tựu thì xin chúc mừng và mong bạn tiếp tục thăng tiến hơn
trong năm mới. Nếu xui xẻo chưa được nhiều thành quả thì chúc bạn can trường
hơn, có mục tiêu cụ thể hơn để quyết tâm thực hiện trong năm mới này.
Tôi cũng xin "thành
thật khai báo", năm nay là năm tuổi của tôi, sắp tròn 60 tuổi. Nếu ông bà
có gọi ra đi năm nay thì phân ưu sẽ được ghi là "hưởng thọ" thay vì
"hưởng dương". Năm tuổi thì thường là xui, tôi không tin bói toán lắm
nhưng nếu năm Canh Tý tới mọi người vẫn thụ động, vẫn nhiều người "vô
cảm", quê hương đất nước vẫn còn trong ách Cộng Nô, Tàu Cộng ngày càng xâm
lấn thì quả là còn xui thật. Cầu cho có tiếng chuột rúc thật to, thật linh động
để làm phấn chấn tinh thần mọi người, để tình thương và sự thật được chiến
thắng. Mong giấc ngủ mọi người an lành nhiều mộng đẹp, nhưng đừng ngủ nhiều quá
như giống chuột ngủ hết mùa đông, công chuyện ngưng trệ không làm. Trước khi
ngủ thì phải nhớ hỏi, đừng đánh rớt mất dấu hỏi "ngủ" thành....ngu!
Mong bạn an nhàn nhưng cũng đừng quởn quá kẻo "rảnh rỗi sinh tội
lỗi"; Sẽ rất tốt nếu bạn thông thạo các phương tiện thông tin, lướt
Facebook, lên "livestream", điểm "Youtube" thường xuyên
nhưng cũng cần có chừng mực. Lên non mới biết non cao, lên "phây" mới
biết phây bao ưu phiền! Mong bạn và người thân, vi hữu vì yêu thương sống chết
có nhau, đừng sống chết với nhau, tranh cãi chửi bới ì sèo không phân biệt
thiệt giả, đúng sai.
Ánh nắng ngày Tết đang
le lói chiếu nhè nhẹ trên trái đất, tôi cũng mạn phép chúc bạn một mùa Xuân mới
đến trong an hòa, hạnh phúc. Chúc bạn ngoài biết nấu ăn ngon trong bếp, lại
biết thêm cách nêm nếm xào nấu ngôn ngữ trước khi sử dụng để "đắc nhân
tâm" và không làm người khác buồn lòng. Chúc bạn nhạy cảm như lá cây mắc
cở (hoa trinh nữ) để luôn biết thương cảm trước những cảnh đau lòng và nhất là
cùng làm một điều gì - dù nhỏ nhất cho quê hương.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét