Cuộc Hành trình của ba nhà Thông thái
the Word among us- Lại Thế Lãng dịch- Fri,
13/12/2019
Trong ngày Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng năm nay, chúng ta đã
nghe tiên tri Isaia hứa hẹn một thời gian trong tương lai khi “tất cả mọi dân
tộc” sẽ tham gia vào một đám rước lớn lên núi Sion để thờ phượng Chúa trong Đền
thờ Ngài. Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái vẫn bám vào hy vọng rằng một
ngày “núi nhà Chúa” sẽ vượt đỉnh các non cao: Do Thái sẽ trở
nên vinh quang đến nỗi tất cả các dân tộc sẽ lũ lượt đua nhau tới, (2: 2)
Bây giờ chúng ta hãy xem mùa Giáng sinh kết thúc như thế nào?
Vào ngày thứ mười hai sau lễ Giáng sinh và là ngày cuối cùng của mùa Giáng
sinh, chúng ta sẽ cử hành lễ Hiển Linh. Và khi chúng ta cử hành lễ này là chúng
ta cử hành việc ứng nghiệm lời tiên tri của Isaia. Chúng ta nhớ lại ngày các
nhà thông thái đại diện cho “các dân tộc” đã thực sự lên đường đến nhà Chúa.
Tuy nhiên ngôi nhà không phải là một đền đài đồ sộ mà đơn giản
chỉ là một ngôi nhà của một người thợ mộc và vợ ông. Và ngôi nhà đó không ở trên
núi Sion mà ở trong một thị trấn nông thôn nhỏ bé ở Bêlem thuộc xứ
Giuđê. Và chỉ có một số ít chứ không phải một số lượng lớn người đến tôn vinh
vị vua mới sinh ra. Cuối cùng cũng không phải là một hoàng tử giầu có, ăn mặc
sang trọng và có đầy tớ hầu hạ mà chỉ là một hài nhi với cha mẹ mình.
Tất cả chỉ là bình thường. Nhưng những gì ba nhà thông thái nhìn
thấy lại làm cho họ tràn ngập niềm vui (Matthêu 2: 10). Chuyến hành trình mùa
Vọng của các ông đã đi đến một kết thúc ngỡ ngàng nhưng đầy hoan lạc. Cuộc gặp
gỡ của họ với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc sống của họ.
Tại sao có cuộc hành trình?
Điều gì đã khiến ba nhà thông thái lên đường? Người ta vẫn
thường nghĩ rằng ngôi sao lạ hoặc vài dấu hiệu khác ở trên trời đi đôi với sự
ra đời của vị vua mới – nhất là một vị vua đặc biệt quan
trọng. Vì vậy khi ba nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao lạ trên đất Do Thái họ
cho đó là dấu hiệu “Đức Vua dân Do-thái mới sinh” và họ
đã đến để bái lạy Người. (Matthêu 2:2).
Những nhà thông thái này có thể đã nghĩ rằng Hêrôđê Đại đế “vua
của dân Do Thái” đã có một người con khác và muốn cho người con này trở thành
người thừa kế chính thức của ông. Vua Hêrôđê có ít nhất mười lăm người con và
ông thường hay thay đổi ý định về người sẽ kế vị ông ta. Vì vậy, trong một cử chỉ
lịch sự và cũng có thể là vì một chút hiếu kỳ, họ đã quyết định làm một chuyến
đi ngoại giao đến chào mừng hài nhi và tặng những món qùa tương xứng với địa vị
cao sang của hài nhi.
Hãy tưởng tượng các nhà thông thái cảm thấy như thế nào khi họ
tới Giêrusalem. Thay vì thấy một triều đình vui mừng về người thừa kế mới của
vua Hêrôđê thì họ lại thấy nhà vua không có người con nào mới sinh và nhà
vua còn tỏ ra bối rối và cảm tháy bị khuấy nhiễu về sự có mặt của họ
(Matthêu 2: 3). Họ cũng thấy rằng cả triều đình đều có
vẻ lo lắng, bất an. Sự có mặt của họ và tin tức về một vị vua mới làm cho
Hêrôđê lo âu khiến ông ta phải triệu tập một phiên họp đặc biệt các thượng
tế và kinh sư để tìm xem hài nhi đó là ai.
Rồi lại một ngạc nhiên khác: Hêrôđê yêu cầu các nhà thông thái
đi trước để tìm hài nhi và khi tìm được thì quay trở lại báo cho ông ta
biết “để tôi cũng đến bái lạy Người” (2: 8). Đó là một lời
thỉnh cầu không mấy hợp lỳ vì Hêrôđê có thể gửi người của mình đi,
nhất là khi ông đã biết hài nhi được sinh ra ở Bêlem (2: 5). Ba nhà thông thái
có thể cảm thấy Hêrôđê đang âm mưu điều gì đó. Họ còn có thể nghi ngờ
rằng đây là một mưu đồ quanh co khác. Vì vậy họ từ giã ra đi, cảnh giác
với Hêrôđê nhưng cũng nóng lòng muốn tìm biết người cai trị mới sinh ra, người
sẽ “chăn dắt Ít-ra-en” (2: 6). Và sự kiên trì của họ đã được
đền đáp.
Gặp gỡ Chúa Giêsu
Vì Bêlem chỉ cách Giêrusalem có sáu dặm, ba nhà thông thái chỉ
mất mấy giờ cho cuộc hành trình của họ. Cho nên những ký ức của họ sau cuộc gặp
gỡ quái lạ với Hêrôđê hãy còn rõ mồn một trong tấm trí khi họ tới trước cửa nhà
của Giuse và Maria. Nhưng tất cả những sự cảnh giác và mệt mỏi của họ đã nhường
chỗ cho niềm vui khi Maria- có lẽ đang rất bối rối- mời họ vào thăm con trai bà
(Matthêu 2: 11)
Chúng ta có thể nào hình dung ra cảnh tượng này? Một bà mẹ trẻ
của một thị trấn nhỏ mở cửa để gặp những người quí phái từ nơi xa xôi đến để
hỏi về một vị vua. Có cái gì đó vừa lúng túng lại vừa tuyệt với.
Hãy tượng tượng về cuộc trò chuyện sau đó. Đầu tiên là ba nhà
thông thái giải thích về những gì họ đang làm – một cuộc hành trình dài từ nhà
họ ở rất xa – Cuộc chào đón đầy lo lắng của Hêrôđê, lời thỉnh cầu lạ lùng của
Hêrôđê muốn họ làm gián điệp cho ông ta. Sau đó đến Maria kể về cuộc viếng thăm
của thiên thần, phép lạ về việc Êlisabet có thai, phép lạ về việc mang thai của
Maria, những sự kiện kỳ diệu chung quanh việc Chúa Giêsu ra đời. Có lẽ Giuse
cũng kể về chuyện một thiên sứ hiện ra với ông và thuyết phục ông lấy Maria làm
vợ.
Việc nhìn thấy hài nhi và câu chuyện của Maria đã có tác
động sâu sắc đến ba nhà thông thái. Họ qúa cảm động đến nỗi “sấp
mình thờ lạy Người” (Matthêu 2: 11). Và như vậy, những người thông
thái ngoại đạo này đã trở thành những người đầu tiên thờ lạy Chúa Giêsu.
Những gì họ thấy và nghe được trong ngôi nhà này hẳn đã mở mắt
họ về sự thật Thiên Chúa là ai và còn ngạc nhiên hơn về cách bất ngờ Thiên Chúa
đang đến để cứu dân Ngài. Cũng giống như Dacaria và Maria trong sự kính nể về
việc Thiên Chúa chọn những người khiêm tốn và thấp kém như chính
họ để mang đến ơn cứu độ. Ba nhà thông thái đã ngạc
nhiên khi tìm thấy Đấng cứu độ dân Do Thái trong một hoàn cảnh khiêm
tốn đến như thế. Dù vậy họ đã sấp mình thờ lậy Chúa Giêsu. Họ đã thực sự gặp
được vị vua mới sinh ra, vua dân Do Thái và cuộc sống của họ đã không còn như
trước nữa.
Hãy đến và xem
Trong một cảm giác rất thật, ba nhà thông thái là đại diện cho
tất cả chúng ta. Chúng ta là một “dân tộc” mà Isaia đã nói tiên tri, sẽ tuôn đổ
về với Chúa. Trong mùa Vọng, Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta
gặp gỡ Chúa Giêsu, cúi đầu thờ lậy Ngài và dâng lên Ngài kho báu của tâm
hồn. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến ngôi nhà khiêm tốn của Ngài ở
Bêlem, nơi chúng ta sẽ thấy được sự khiêm nhường và vinh quang của Ngài. Và ở
nơi đó, cũng như ba nhà thông thái, chúng ta có thể tôn vinh Ngài và sẵn
lòng dâng cuộc sống của chúng ta cho Ngài với lòng biết ơn.
Hãy chấp nhận lời mời gọi này! Vì như vậy chúng ta sẽ thấy một
hài nhi được Thiên Chúa sinh ra. Chúng ta sẽ thấy một vị vua đích thực mà sự
cai trị được đặt trên nền tảng của tình yêu và lòng thương xót, của sự khiêm
nhường và phục vụ. Chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa toàn năng đã đến thế
gian này để cứu lấy những gì đã mất. Ngài đã đến để cứu rỗi chúng ta.
Và Maria sẽ nói gì khi chúng ta cùng với ba nhà thông
thái đến nhà Bà? Maria sẽ nói với chúng ta về một câu chuyện tình yêu thánh
thiêng, một tình yêu mãnh liệt đến nỗi tự nguyện tìm đến thập giá vì
chúng ta. Maria sẽ cho chúng ta biết rằng tình yêu này không phải chỉ là lý
thuyết hay là một học thuyết mà là tình yêu cá nhân mà Thiên Chúa muốn mỗi
người chúng ta cùng trải nghiệm. Maria sẽ nói với chúng ta rằng, giống như
Maria, con đường đức tin của chúng ta có thể gặp khó khăn nhưng nó xứng đáng
với mỗi hy sinh chúng ta làm, mỗi thử thách chúng ta chịu đựng. Và Maria sẽ nói
với chúng ta rằng Chúa Giêsu thật xứng đáng để chúng ta tôn thờ và ngợi khen.
Hãy đến và thờ phượng
Giáng sinh sẽ làm chúng ta ngạc nhiên như với ba nhà thông thái.
Giáng sinh sẽ thay đổi chúng ta giống như cuộc gặp gở của Dacaria đã thay đổi
ông. Và cũng giống như Maria đã vui mừng khi gặp Êlisabet, Giáng sinh sẽ làm
cho chúng ta tràn ngập niềm vui.
Giống như họ, chúng ta đã ở trong hành trình mùa Vọng mấy tuần
qua. Giáng sinh sẽ đến rất nhanh. Chúng ta có thể dừng lại và suy niệm về những
gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt mùa Vọng. Ngài
có củng cố đức tin cho chúng ta khi chúng ta ngồi trong tĩnh lặng hướng về
Ngài? Ngài có cho chúng ta thấy sự trung tín của Ngài khi chúng ta đọc
Kinh Thánh mùa Vọng? Ngài có đánh động tâm hồn để chúng ta thờ phượng
Ngài sốt sắng hơn trong cầu nguyện và trong Thánh lễ? Nếu chúng ta không
chắc chắn cũng đừng lo. Sẽ không bao giớ là qúa muộn để lại tìm
đến với Ngài.
Vì vậy hãy tìm kiếm Chúa Gisêsu cùng với ba nhà thông thái.
Ngài muốn chúng ta tìm đến Ngài trên hành trình đức tin của chúng ta. Ngài chờ
đợi chúng ta trong Thánh lễ, trong tòa giải tội, trong cầu nguyện, trong Kinh
Thánh, ngay cả trong những công việc thường nhật như nấu ăn, giặt giũ, dọn
dẹp nhà cửa. . .
Hãy để cuộc hành trình đưa chúng ta đến thờ phượng Chúa như ba
nhà thông thái. Hãy tưởng tượng kho báu của chúng ta không phải là vàng, trầm
hương hay mộc dược nhưng là tình yêu, niềm tin, sự yếu đuối và lòng cậy trông.
Hãy đặt mình trước máng cỏ và xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thấy được Thiên
Chúa, Đấng đã đến cứu chúng ta.
Khi chúng ta làm những việc này chúng ta sẽ cảm thấy lòng biết
ơn, tình yêu và sư ngợi khen gia tăng trong tâm hồn chúng ta. Và chúng ta sẽ
sung sướng dâng những kho báu này lên Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta.
Đó chính là việc thờ
phượng. Chúng ta hãy đến tôn thờ Ngài./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét