Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

TẠI SAO GIÁO HỘI DÙNG HƯƠNG TRONG THÁNH LỄ?


TẠI  SAO  GIÁO  HỘI  DÙNG   HƯƠNG  TRONG  THÁNH  LỄ?
Catholic Media Network - 10 July, 2017


Mục đích của việc sử dụng hương trong Thánh lễ có rất nhiều ý nghĩa, hương đã được sử dụng trong việc thờ phượng cả hàng ngàn năm nay. Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc nhớ chúng ta rằng, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. “Cho dù lời cầu nguyện được diễn tả bằng lời nói hay cử chỉ, thì đó là tất cả hành động của người cầu nguyện” (CCC 2562).Tại sao Giáo Hội dùng hương trong thánh lễ?

Với lý do này mà các hình thức thờ phượng chung của Giáo hội mang nhiều yếu tố bên ngoài. Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy chúng ta rằng, “Việc cử hành Phụng vụ được kết bằng những dấu chỉ và biểu tượng. Ý nghĩa của những dấu chỉ và biểu tượng này được bắt nguồn trong công trình tạo dựng và trong các nền văn hóa nhân loại, được xác định trong các biến cố của Cựu Ước và được hoàn tất trọn vẹn trong Con Người của Đức Ki-tô và trong các hoạt động của Người”. (Trong cuộc sống nhân loại, các dấu hiệu và biểu tượng chiếm một vị trí quan trọng. Là hiện thân của một tinh thần, con người thể hiện và nhận thức những thực tại tinh thần thông qua các dấu hiệu và biểu tượng vật lý. Sống trong xã hội, con người cần những dấu hiệu và biểu tượng để giao tiếp với người khác, thông qua ngôn ngữ, cử chỉ và hành động. Tương tự như vậy giữa mối tương quan của con người với Thiên Chúa) (x. CCC 1146).

Hơn nữa, việc sử dụng hương còn để giúp chúng ta tập trung trung vào Thánh lễ cách sốt sắng hơn hầu chúng ta có thể nâng tâm hồn mình lên Thiên Chúa. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội đã sử dụng hương như một dấu hiệu quan trọng bề ngoài.

“Hương” còn là một phần quan trọng cho việc thờ cúng của nhiều tôn giáo cổ đại, bao gồm việc thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái. Trong Lều tạm, cũng như sau đó trong Đền thờ, Thiên Chúa đã ra lệnh cho xây dựng một“Bàn tế lễ”. Thiên Chúa đã truyền cho A-a-ron, Thầy Thượng phẩm rằng, “Ngươi sẽ làm hương án đốt hương thường xuyên trước nhan Đức Chúa suốt mọi đời các ngươi” (x.Xh 30,8).

Chúng ta còn thấy “hương” được nhắc đến nơi sách Thánh vịnh trong Cựu Ước: “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (x.Tv 141,2).

Tiếp nối truyền thống Do-thái giáo, Ki-tô giáo đã nhanh chóng tiếp nhận việc sử dụng hương vào Phụng vụ, chúng ta thấy rõ ràng nhất nơi sách Khải Huyền khi thánh Gio-an mô tả: “Từ tay Thiên thần, khói hương quyện theo lời cầu nguyện của dân thánh, bay lên trước nhan Thiên Chúa” (x. Kh 8,4).

Do đó, dưới ánh sáng của những đoạn Kinh Thánh trên, ý nghĩa chính của việc sử dụng hương là để tượng trưng cho lời cầu nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn thấy hương, chúng ta được nhắc nhở rằng, linh mục đang dâng tất cả mọi lời cầu nguyện của chúng ta lên trước nhan Thiên Chúa hầu Ngài dủ lòng thương xót chúng ta.

Đặc biệt, “Hương” còn nhắc nhớ đến thực tại thiên đàng của Thánh lễ, kết nối cử hành của chúng ta với Phụng vụ trên trời được miêu tả trong sách Khải Huyền, và nhắc nhở chúng ta rằng Thánh lễ là nơi gặp gỡ giữa trời và đất.

Như vậy, tuy đôi khi việc sử dụng hương có vẻ lạ, nhưng lại có nguồn gốc tinh thần sâu sắc và đã trở thành một phần của việc thờ phượng hàng ngàn năm nay.

Giuse Đỗ QC chuyển ngữ

  Tác giả bài viết:  Philip Kosloski

 Nguồn tin: Catholicsay.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét