Ấn Độ vừa tạm biệt năm 2019 đầy thăng trầm với không khí căng thẳng vẫn bao trùm đất nước.
Tranh cãi nổ ra sau khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thông qua luật giúp nới lỏng việc cấp quyền công dân cho những người nhập cư không theo đạo Hồi tới từ các quốc gia láng giềng như Afghanistan, Bangladesh, Pakistan.
Nhiều người Ấn Độ lo ngại động thái này vi phạm hiến pháp thế tục của đất nước, đồng thời khiến cộng đồng Hồi giáo thiểu số tại đây bị phân biệt đối xử. Các cuộc biểu tình cũng như đụng độ giữa cộng đồng Hồi giáo và Hindu giáo chiếm đa số đã xảy ra.
Các nước Trung và Nam Á đón năm mới
Thời khắc giao thừa đã điểm tại Bangladesh, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Bhutan, trong khi Ấn Độ cũng sắp bước sang năm mới.
Putin kêu gọi đoàn kết trong thông điệp năm mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu thông điệp năm mới trên truyền hình. Ảnh: Reuters.
Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình tại vùng Viễn Đông Nga, nơi đón năm mới trước thủ đô Moskva vài giờ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thế giới đang trong thời kỳ "hỗn loạn và đầy tranh cãi", kêu gọi người dân "làm mọi thứ vì sự phát triển thành công của nước Nga".
"Những kế hoạch và mong muốn cá nhân của chúng ta không thể tách rời khỏi Nga, bởi hiện tại và tương lai của đất nước, cũng như tương lai của con cháu chúng ta phụ thuộc vào nỗ lực và đóng góp của mỗi người. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các thách thức mà xã hội và quốc gia phải đối mặt. Đoàn kết là chìa khóa để đạt được những mục tiêu to lớn nhất", Putin cho hay.
Người dân bắt đầu tới Quảng trường Thời đại ở New York
Còn khoảng 12 giờ mới đến giao thừa nhưng rất đông người đã đổ tới Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ để chờ đón năm mới.
Khung cảnh tấp nập tại Quảng trường Thời đại trước lễ hội năm mới. Ảnh: Reuters
Hàng nghìn cảnh sát được huy động để bảo vệ lễ hội cùng các đơn vị đặc nhiệm được vũ trang. Năm nay là lần đầu tiên cảnh sát sử dụng máy bay không người lái để giám sát sự kiện.
Màn đếm ngược ở New York thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi trực tiếp và hàng triệu khán giả xem qua truyền hình. Theo dự báo thời tiết, giao thừa ở New York năm nay có nhiều mây nhưng không mưa như năm ngoái và không rét buốt như hai năm trước.
Cảnh sát kiểm tra những người vào Quảng trường Thời đại. Ảnh: Reuters
Mọi người ngồi nghỉ chờ đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại. Ảnh: Reuters
Pháo hoa mừng năm mới ở Thái Lan
Pháo hoa lung linh trên sông Chao Phraya, thủ đô Bangkok. Ảnh: Reuters
Việt Nam chào đón 2020
Sau màn đếm ngược 10 giây, phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP HCM tưng bừng tiếng nhạc và bài hát Happy New Year truyền thống, đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Pháo hoa được bắn trên nền trời phía hầm Thủ Thiêm, bên kia sông Sài Gòn.
Một đôi nam nữ chụp lại khoảnh khắc bên nhau đêm giao thừa ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhiều thành phố khác cùng múi giờ như Jakarta, Bangkok, Pnom Penh cũng bước sang năm 2020. Phần còn lại của châu Á cũng sẽ sớm tạm biệt năm cũ.
Không khí năm mới tại các nước châu Á
Một cô gái tham gia bữa tiệc năm mới tại thành phố Quezon, Philippines. Ảnh: Reuters.
Pháo hoa mừng năm mới tại tháp đôi Petronas ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Reuters.
Một người đàn ông dự lễ hội năm mới ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Màn trình diễn pháo hoa ở Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: Reuters.
Ngày 31/12/2019
Người Indonesia đón năm mới trong mưa
Hàng chục nghìn người ra đường đón năm mới tại thủ đô Jakarta, Indonesia bị ướt sũng do những cơn mưa xối xả trong lúc chờ đợi thời khắc giao thừa.
Các lễ hội ở khu vực ven biển gần eo biển Sunda còn có nguy cơ phải đối mặt với đợt phun trào từ núi lửa Anak Krakatau. Chính quyền cảnh báo người dân và du khách tránh xa khu vực miệng núi 2 km sau khi nó phun cột tro bụi cao tới 2.000 m hôm nay.
Người Indonesia mặc áo mưa đón năm mới ở thủ đô Jakarta. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đón năm mới
Trung Quốc là nước tiếp theo chào đón năm 2020.
Sự kiện chào năm mới ở Khu Công nghiệp Shougang, một trong những địa điểm sẽ diễn ra Thế Vận hội Olympics Bắc Kinh 2022. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, khi các màn trình diễn ánh sáng bắt đầu tại Hong Kong, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra ở đặc khu. Sau nhiều tháng lên kế hoạch, Tổng cục Du lịch Hong Kong hôm nay tuyên bố cấm bắn pháo hoa trên quy mô lớn, thay vào đó sẽ sử dụng các hiệu ứng điện tử và kỹ thuật số.
Nhiều quốc gia trên khắp châu Á như Mông Cổ, Brunei, Indonesia cũng đã bước sang năm 2020.
Người dân Việt Nam xuống phố đón giao thừa
Người dân chen chúc tại khu vực Hồ Gươm ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Tại thủ đô Hà Nội, hàng nghìn người đổ tới khu vực Hồ Gươm chờ đợi giao thừa. Nhiều người nghẹt thở phải giơ tay xin ra ngoài. Trong khi đó ở TP HCM, lễ hội đếm ngược tại phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng bắt đầu từ hơn 22h với nhiều nghệ sỹ nổi tiếng tham gia chương trình.
Cảnh sát Italy tịch thu lượng lớn pháo hoa
Vài tuần trước thềm năm mới, cảnh sát Italy đã tịch thu 52 tấn pháo hoa trái phép tại thành phố Naples và những khu vực lân cận. Pháo hoa là nguyên nhân khiến hàng trăm người bị thương trên cả nước. Cảnh sát cho biết 11 người đã bị bắt do liên quan đến số pháo hoa này.
Pháo hoa mừng năm mới tại Seoul
Một đôi nam nữ hôn nhau khi cùng mọi người đón giao thừai ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Đếm ngược đón giao thừa tại Nhật Bản
Người dân thả bóng tại lễ hội đếm ngược chào năm mới ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Rất đông người tập trung đón năm 2020 tại giao lộ Shibuya, Tokyo. Ảnh: Reuters
Ngoài lễ hội đếm ngược, nhiều người Nhật Bản cũng đổ đến các đền chùa để cầu an vào khoảnh khắc giao thừa, chào đón năm mới đầu tiên của thời đại Reiwa (Lệnh Hoà).
"Chúng tôi có một thời đại mới và tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, dù 2019 cũng là một năm may mắn vì không có điều gì xấu xảy ra", Masashi Ogami, 38 tuổi, chủ một quầy rượu gạo tại đền Zojoji, Tokyo, nói.
Những quầy hàng khác tại đây bán mỳ chiên và táo cũng như bùa hộ mệnh có hình con chuột, con giáp của năm 2020. Trong năm đầu tiên của một thập kỷ mới, Tokyo sẽ đăng cai Thế vận hội Olympics 2020, một sự kiện được chờ đón ở cả thủ đô và trên toàn Nhật Bản.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên bước sang năm mới
Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên là những nước châu Á vừa bước sang năm mới 2020.
Triều Tiên mừng năm mới với lễ hội lớn tại trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng được phát trực tiếp trên truyền hình, gồm chương trình ca nhạc ngoài trời và màn biểu diễn ánh sáng. Đây là năm thứ hai liên tiếp sự kiện được tổ chức. Người dân tại Quảng trường Kim Nhật Thành đã vẫy tay và reo hò trong màn đếm ngược đón giao thừa.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến có bài phát biểu năm mới như thông lệ và có khả năng công bố những bước đi tiếp theo trong năm mới liên quan đến quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng.
London chuẩn bị đón năm mới
Cầu Westminster ở trung tâm London bị chặn lại trước màn bắn pháo hoa. Ảnh: Reuters.
Thủ đô London của Anh cũng đang chuẩn bị cho bữa tiệc đón năm mới. Cảnh sát yêu cầu những người không có vé không tới lễ hội tại sông Thames, kêu gọi họ xem đón giao thừa ở nhà hoặc tham gia các sự kiện khác trong thành phố. Hơn 100.000 vé xem pháo hoa bên sông đã được bán hết.
Hong Kong hủy bắn pháo hoa
Người biểu tình Hong Kong phá đồ trang trí Giáng sinh và năm mới bên ngoài một đồn cảnh sát ở đặc khu. Ảnh: Reuters.
Giới chức Hong Kong quyết định hủy bắn pháo hoa mừng năm mới lần đầu tiên sau một thập kỷ do lo ngại vấn đề an ninh. Thay vào đó, một "Bản giao hưởng Ánh sáng" sẽ được trình diễn tại các tòa nhà chọc trời trong đặc khu.
Hàng nghìn người biểu tình đã chặn một trong những con đường chính tại Hong Kong sau khi diễu hành qua các trung tâm thương mại, kêu gọi người dân không từ bỏ cuộc đấu tranh vì dân chủ sau khi bước sang năm 2020. Đám đông bỏ chạy khi cảnh sát tới dọn đường, nhưng sau đó tái chiếm các khu vực khác trong khu phố. Ít nhất một người đã bị bắt.
Giáo hoàng gửi thông điệp mừng năm mới
"Thật đẹp đẽ khi được chứng kiến thời khắc này, để phó thác cuộc sống của chúng ta cho Chúa, nói với Ngài về con người và những điều chúng ta quan tâm, nhìn lại một năm sắp kết thúc, chia sẻ với Ngài những kỳ vọng và nỗi niềm của chúng ta", Giáo hoàng Francis viết trên Twitter.
Tranh cãi về bắn pháo hoa ở Australia
Pháo hoa mừng năm mới tại Cầu Cảng Sydney và Nhà hát Opera. Ảnh: AFP.
Màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục tại thành phố Sydney kéo dài khoảng 12 phút. Bất chấp những tranh cãi về quyết định bắn pháo hoa do Australia đang bị cháy rừng tàn phá, sự kiện đã diễn ra suôn sẻ.
Trước khi màn bắn pháo hoa bắt đầu, các cột trụ tại Cầu Cảng Sydney chiếu những thông điệp kêu gọi quyên góp cho quỹ cứu trợ thảm họa của Hội Chữ Thập Đỏ. Tới nửa đêm, hơn 700.000 USD đã được quyên góp.
Tòa nhà chính phủ Nga trang hoàng đón năm mới
Không khí chuẩn bị năm mới tại Nhật
Người dân cầu nguyện tại đền Wakahachimangu, thành phố Fukuoka, Nhật Bản hôm nay. Ảnh: Reuters.
Người dân Nhật tới các đền chùa cầu nguyện để đánh dấu một năm đã qua và chuẩn bị đón năm mới đầu tiên dưới thời đại Lệnh Hòa, sau khi Nhật hoàng Naruhito làm lễ đăng quang hồi tháng 10.
"Chúng tôi đã bước sang thời đại mới, vì vậy tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, mặc dù 2019 cũng là một năm tốt, không có gì tồi tệ xảy ra", Masashi Ogami, một người bán rượu gạo tại đền Zojojij, Tokyo, cho biết. Các quầy hàng khác tại đền bán đồ ăn vặt, cũng như những bùa hộ mệnh hình con chuột, con giáp của năm 2020.
Sydney đón năm mới
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời ở Cầu cảng Sydney, Australia đánh dấu năm mới 2020, với hơn một triệu người tới chiêm ngưỡng. Hàng chục nghìn người dân cũng tập trung tại thành phố Melbourne để tận hưởng các bữa tiệc.
Cầu Cảng Sydney rực rỡ lúc giao thừa. Ảnh: Reuters.
Một người đón năm mới ở Sydney. Ảnh: AAP
Vùng Viễn Đông Nga đón giao thừa
Vùng Viễn Đông Nga và một số quần đảo Thái Bình Dương đã bước qua nửa đêm. Người dân Tuvalu, Nauru, Tarawa và Quần đảo Marshall đang đón chào thập kỷ mới. Nơi tiếp theo đón năm 2020 là khu vực phía đông Australia.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gửi lời chào năm mới đến người dân từ dinh thự Gorki ở ngoại ô Moskva. Ảnh: Reuters
Thông điệp năm mới của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu mừng năm mới. Ảnh: Twitter/Antonio Guterres.
Trong thông điệp năm mới đăng trên Twitter, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang bước sang năm 2020 với "sự không chắc chắn và không an toàn" bủa vây, đồng thời bày tỏ hy vọng vào sức mạnh của thế hệ trẻ trên toàn cầu.
"Từ ứng phó biến đổi khí hậu tới bình đẳng giới, công bằng xã hội và nhân quyền, thế hệ của các bạn đang đứng ở tiền tuyến và đóng vai trò chính. Tôi được truyền cảm hứng từ niềm đam mê và sự quyết tâm của các bạn", ông phát biểu.
Trưởng đặc khu Hong Kong kêu gọi khôi phục trật tự xã hội
Trong thông điệp trước giao thừa, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đề cập tới hơn 6 tháng biểu tình tại trung tâm tài chính châu Á, cho biết tình trạng bất ổn đã gây ra nỗi buồn, sự lo lắng, thất vọng và giận dữ.
"Hãy bắt đầu năm 2020 với quyết tâm mới, nhằm khôi phục lại trật tự và sự hòa hợp trong xã hội. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau bắt đầu lại. Người dân Hong Kong từng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Với khả năng hồi phục và sự thông tuệ, tôi tin chúng ta có thể một lần nữa vượt qua những thách thức hiện nay và tái thiết đặc khu", bà Lam nói trong đoạn video dài ba phút.
Người dân các nước chuẩn bị đón giao thừa
Các cô gái chụp ảnh ở một góc trang trí tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Các loại pháo hoa được bày bán tại một chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters
Các cô gái thuộc cộng đồng Gurung mặc trang phục truyền thống tham gia cuộc diễu hành Tamu Lhosar chào năm mới ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Ảnh: Reuters
Thú bông hình chuột thu hút nhiều khách hàng tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tập Cận Bình nhắc tới Hong Kong trước thềm năm mới
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia trước năm mới 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông "chân thành" hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Hong Kong và cư dân tại đây, nói thêm rằng tình hình đặc khu "là mối quan tâm của mọi người trong vài tháng qua".
"Nếu không có môi trường hài hòa và ổn định, làm sao Hong Kong có thể trở thành nơi mọi người vui vẻ sống và làm việc?", ông Tập cho hay, nói thêm rằng một Hong Kong thịnh vượng và ổn định là khát vọng không chỉ của cư dân đặc khu, mà còn của người dân ở Trung Quốc đại lục.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 31/12. Ảnh: Reuters
New Zealand bước sang năm mới
Đồng hồ đã điểm nửa đêm tại New Zealand, các bữa tiệc đang diễn ra tại Wellington và Auckland. Hàng nghìn người đã tập trung tại Tháp Sky cao 328 mét ở Auckland để thưởng thức màn pháo hoa và trình diễn đèn laser đầy màu sắc trên bầu trời. Theo đài TVNZ, Tháp Sky đã được thắp sáng bằng 3.500 hiệu ứng với hai tấn thiết bị cùng 14 km cáp.
Một màn trình diễn ánh sáng ở Cầu Cảng Auckland cũng diễn ra đồng thời với màn pháo hoa.
New Zealand tạm biệt năm cũ đầy biến động với vụ khủng bố ở hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch, khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, và vụ phun trào núi lửa ở đảo White cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Giao thừa ở Samoa
Samoa đã bước sang năm mới. Năm qua quốc đảo phía nam Thái Bình Dương này phải chiến đấu với dịch sởi, khiến chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hồi tháng 11. 81 người thiệt mạng do dịch, hầu hết là trẻ em, trong khi hơn 5.600 người khác mắc bệnh.
Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele trong bài phát biểu đầu năm cũng lên tiếng về biến đổi khí hậu khi quốc đảo là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. "Nó tác động đến mọi quốc gia, nhưng một số nơi mức độ ảnh hưởng rộng rãi hơn, như các quốc đảo nhỏ đang phát triển do đặc điểm riêng biệt và dễ bị tổn thương", ông cho hay.
Australia chờ đón giao thừa
Các thành phố phía đông của Australia, bao gồm Melbourne, Sydney và Canberra, sẽ là những nơi đón 2020 đầu tiên ở nước này.
Một số thành phố đã huỷ màn bắn pháo hoa mừng năm mới nhưng sự kiện này vẫn sẽ được tổ chức tại Sydney, bất chấp 100 đám cháy đang hoành hành tại bang New South Wales, khiến thành phố phải ban lệnh cấm đốt lửa.
Hơn 275.000 người đã ký bản kiến nghị kêu gọi hủy bắn pháo hoa tại tất cả các thành phố ở Australia và dùng số tiền này để quyên góp chữa cháy. Tuy nhiên, chính quyền nhấn mạnh họ đã chi tiền cứu hỏa, đồng thời sự kiện sẽ mang lại khoảng 130 triệu USD cho bang New South Wales, giúp tăng thêm nguồn quỹ cứu trợ.
Màn "Pháo hoa Gia đình" truyền thống đã diễn ra trên Cầu cảng Sydney để chào mừng năm mới. Các màn bắn pháo hoa nhỏ được tổ chức tại thành phố từ 21h dành cho trẻ em và các gia đình trước khi sự kiện chính khai màn.
Màn "Pháo hoa Gia đình" ở Cầu cảng Sydney tối 31/12. Ảnh: AFP
Hai cô gái selfie trong lúc chờ đón giao thừa ở thành phố Brisbane. Ảnh: AAP
Nơi đầu tiên đón năm mới 2020
Các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương đã trở thành những nơi bước sang năm mới 2020 đầu tiên trên thế giới vào 0h ngày 1/1 (17h ngày 31/12 giờ Hà Nội), do nằm ở múi giờ GMT +14.
Hoạt động mừng năm mới ở Samoa bao gồm bắn pháo hoa, biểu diễn múa lửa và các điệu nhảy truyền thống.
Quần đảo Chatham của New Zealand sẽ bước sang 2020 sau đó 15 phút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét