Năm Tý nói về Chuột
Thứ
ba - 21/01/2020-tinvui.org
Trong hạnh tích thánh
Martin de Porres, vị thánh lai da đen quê ở thành Lima trong nước Pêru, bên
Châu mỹ La tinh, tường thuật: Thánh nhân là một Trợ sĩ trong Dòng Đaminh, có
tinh thần bác ái siêu việt, không những thương yêu người nghèo khổ mà tình bác
ái còn lan đến cả thú vật hoang dã. Một dạo, không biết chuột ở đâu kéo từng
đàn đến Tu viện Rất Thánh Văn Côi (Santo Rosario), nơi thầy phục vụ, chúng
khoét rương, cạp tủ, gặm phá đồ đạc, cắn nát sách vở, áo quần… Các thầy được lệnh
phải ra công giệt chuột. Thầy Trợ sĩ Mactinô nghe được lệnh ấy, thầy thấy
thương đàn chuột, chỉ vì phá hại nên bị giệt, thầy tìm phương thế làm sao cho
lũ chuột ấy được an toàn. Đang suy nghĩ cách cứu đàn chuột, thì may quá, có một
chú chuột nhắt chay lạc vào phòng thầy. Thầy gọi nó lại, sai nó đi tìm con chuột
đầu đàn.
Con chuột đầu đàn đến, thầy
nói với nó:
– Sao các con lại phá
phách thế? Đã đến ngày nguy khốn cho các con, vì các thầy đang sắm cạm bẫy, bả
độc để tiêu giệt các con. Hãy kéo nhau đến khu đồi hoang cạnh tu viện mà sống,
ta sẽ nuôi sống các con, nếu các con không làm hại tu viện nữa.
Lũ chuột vâng lời thầy.
Chuột lớn, chuột nhỏ lũ lượt bò men theo chân tường, ra khỏi tu viện, đến nơi
thầy Mactinô đã chỉ. Ngay hôm sau, thầy Mactinô ra đồi hoang ấy, phát bỏ cây dại,
cuốc đất trồng hoa màu: củ mì, củ khoai, cây ngô, cây lúa… để mùa nào thức ấy,
lũ chuột có đầy đủ thức ăn. Từ đó, lũ chuột ấy không những giữ lời hứa không
làm hại tu viện mà cũng không đi phá phách hoa mầu của dân cư vùng đó nữa. Thấy
thầy Mactinô sai khiến được bầy chuột cách lạ lùng, các thầy gọi đùa Martino là
“bang trưởng chuột”.
Trong nét văn hóa cũng
như trong tâm thức người Việt, chuột thường gắn liền với nhiều điều tiêu cực vì
gây nhiều thiệt hại cho con người, đặc biệt là nông dân. Một vài cụ thể :
Chuột chạy cùng sào, có
nghĩa chuột chạy đến đầu mút cây sào là hết đường. Đối với con người, đây là bước
đường cùng, là bế tắc, khốn cùng, không có lối thoát. Để phê phán những kẻ đi
làm ơn hạng người có thể quay mặt làm hại mình, gọi là làm ơn mắc oán, như hình
ảnh chuột cứu mèo: Chuột cắn dây buộc mèo. Để giễu cợt kẻ hợm đời, trưởng giả học
làm sang, làm ra bộ khó tính, ca dao có câu: Chuột chê xó bếp chẳng ăn, chó chê
nhà dột sang nằm bụi tre. Và để cười những kẻ đua đòi, đài các rởm không tự biết
thân phận mình, có câu: Chuột chù đeo đạc (mõ). Ca dao cũng có câu: Chim chích
mà đậu cành sồi, chuột chù trong cống đòi soi gương Tàu. Phê phán những kẻ bất
tài nhưng hay khoe khoang, khoác lác, có câu: Chuột chù lại có xạ hương. Họ
hàng nhà chuột có đến hàng chục loài, trong đó có chuột chù đặc biệt hôi hám
nên người ta thường nói: Hôi như chuột chù.
Người xưa còn dựng nên
câu đối thoại thật vui và dí dỏm để ám chỉ những kẻ chỉ biết chê người mà không
tự xét mình: Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm? Chê
những kẻ ngu dốt mà lại hay tỏ ra thành thạo, lên mặt dạy đời, có câu: Chuột
chù nếm dấm. Chê những kẻ muốn che giấu bản chất xấu xa, không tốt của mình bằng
vỏ bọc ngoài giả tạo, có câu: Chuột đội vỏ trứng. Phê phán những kẻ táo bạo, liều
lĩnh, làm những công việc phiêu lưu mạo hiểm, có câu: Chuột gặm chân mèo. Để chỉ
những hạng người chậm chạp, lù đù, không lanh lợi, người đời mai mỉa: Chuột chù
phải khói. Phê phán những hạng người không biết tự lượng sức mình mà làm những
việc quá khả năng, dân gian có câu: Mèo nhỏ bắt chuột to. Ở đời có lắm chuyện rủi
ro, có lúc rơi vào hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, trường hợp này người đời thường
nói: Chuột sa cũi mèo.
Để chỉ hạng người có bộ dạng
gian xảo, chỉ chờ chực làm những việc xấu xa, hại người, dân gian có câu: Mắt
dơi mày chuột. Để chỉ những kẻ đạo đức giả, tục ngữ có câu: Mèo già khóc chuột
; hoặc để chỉ hạng người hay nói những chuyện đâu đâu, không ăn nhập vào vấn đề,
người đời thường bảo: Nói dơi nói chuột. Với những kẻ tiểu nhân, sống cố tình
che giấu những điều ám muội, đến khi nguy hiểm mới lộ ra bộ mặt hèn hạ của
mình, được người đời ví với hình ảnh: Cháy nhà ra mặt chuột. Để chỉ hạng người
mới bắt đầu làm công việc gì thì phô trương những điều to tát, quy mô nhưng kết
cục thì kém cỏi, chẳng được tích sự gì, tục ngữ có câu: Đầu voi đuôi chuột.
Dù ghét họ hàng nhà chuột,
đôi khi người lao động dưới thời phong kiến luôn bị bọn cường hào ác bá áp bức,
bóc lột lại kéo chuột về phía mình để đối chọi với mèo giả nhân, giả nghĩa đại
diện bọn thống trị: Con mèo trèo mà cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
; chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo. Mèo và chuột rất
kỵ nhau, mèo đã cất công leo lên tận ngọn cau hẳn không phải để thăm chú chuột.
Sự việc ra sao chắc ai cũng biết, thế nhưng dù yếu đuối thấp cổ bé miệng, nhưng
chân lý lại không thuộc kẻ cậy sức mạnh mà chiến thắng thuộc về người yếu, như
film hoạt hình Tom and Jerry. Đến đây, mới thấy chuột vẫn được dùng nói đến những
điều tích cực. Chưa hết, người đời còn mượn hình ảnh chú chuột để nói lên một
chút gì đó lãng mạn yêu thương của cặp đôi trong đêm khuya: Chuột kêu chút chít
trong rương, anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay. Cũng như, gặp những người xưa
nay vốn sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu, bỗng dưng gặp vận may, được cuộc
sống đổi đời, sung sướng, ấm no và hạnh phúc, dân gian thường nói: Chuột sa
chĩnh gạo ; chuột sa bồ nếp ; chuột sa lọ mỡ.
Còn trong Kinh Thánh thì
sao? Cựu Ước cũng dùng hình ảnh chuột để nói đến những điều tiêu cực. Sách Lê
vi nói rõ về con chuột: con chuột đồng có nhai lại, nhưng không có móng chẻ
hai, nên hãy coi nó là vật không sạch (Lv 11, 5). Điều này Sách Đệ nhị luật
cũng nhắc lại: Nhưng các ngươi sẽ không ăn các giống này trong các loài nhai lại
và có móng xẻ hai: lạc đà, thỏ, chuột đồng, vì tuy chúng thuộc loài nhai lại
nhưng lại không có móng xẻ hai (Đnl 14, 7). Một cách cụ thể về các loài chuột,
sách Lê vi liệt kê tiếp một cách rõ ràng: Trong số các vật nhỏ nhoi trên mặt đất,
các ngươi phải coi những vật này là ô uế: chuột chũi, chuột nhắt, chuột chù…(Lv
11, 29).
Cuối thời tiên tri Êli,
người Philitinh giao chiến với Israel. Bị thua nặng nên Israel đã cử người đến
Silô thỉnh Hòm Bia Giao Ước, đem ra mặt trận, có ý xin Chúa cho thắng trận.
Không ngờ, một lần nữa, lại bị thất bại nặng nề hơn lần trước. Người Philitinh
cướp được cả Hòm Bia Thánh, đem về Átđốt, đặt trong miếu thần Đagôn, làm thần
Đagôn bị đổ nát, dân chúng miền Átđốt bị tai họa: Trong các trang trại nơi đồng
ruộng khắp xứ, các thứ chuột sinh ra lúc nhúc, chết chóc hỗn loạn trong thị xã”
(1 Sm 5, 6). “Còn những người không bị chết cũng bị bệnh dịch hạch, tiếng la lối
trong các thành thị vọng thấu trời (1 Sm 5, 12). Để tránh cho dân chúng khỏi mắc
bệnh, người Philitinh phải dời Hòm Bia Thánh sang thành khác, nhưng đến đâu thì
chuột xuất hiện đến đó, đi hết thành nọ đến thành kia, nên tai họa do chuột gây
ra lan rộng khắp nơi. Cuối cùng họ phải mời các tư tế và cả thầy bói đến, để
bàn nhau trả Hòm Bia Thánh cho dân Itraen. Sau khi bàn cãi, họ đã đồng ý đem trả
Hòm Bia Thánh lại cho người Itraen, có kèm theo của lễ đền tội là phải theo số
các quan tỉnh dân Philitinh mà chế năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng
vàng, vì hết thảy các ngươi, cả quan trưởng đều bị một tai hoạ ghê sợ như nhau.
Phải chế các khối u như các hạch xoài các ngươi mắc phải, các con chuột phải chế
giống như chuột đang phá phách xứ sở, để tôn vinh Thiên Chúa Israel. May ra Người
sẽ nhẹ tay với các ngươi… (1 Sm 6, 4).
Người Philitinh đem trả
Hòm Bia Thánh, họ đặt Hòm Bia Thánh lên xe cùng với cái tráp đựng các con chuột
bằng vàng và hình tượng các khối u của họ (1 Sm 6, 11). Năm khối u bằng vàng do
cư dân năm thành Philitinh phải cúng. Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng,
tính theo số tất cả năm vương hầu thuộc các thành người Philitinh, từ thành
kiên cố cho đến thành bỏ ngỏ. (1 Sm 6, 18). Kinh thánh cũng tường thuật, người
Philitinh muốn tránh khỏi chuột phá hoại, họ đã di chuyển Hòm Bia Thánh chạy từ
thành nọ đến thành kia, qua tới năm thành, mỗi thành có một vương hầu cai quản,
vì thế mỗi vương hầu ấy phải lãnh trách nhiệm dâng cúng một con chuột vàng làm
lễ chuộc tội.
Vị ngôn sứ Isaia cũng đề
cập đến chuột: Ngày đó, con người sẽ ném cho chuột chù, cho dơi những tà thần bằng
bạc, tà thần bằng vàng của họ mà họ đã làm ra để thờ (Is 2, 20); Những ai tự phụ
rằng mình thánh thiện thanh sạch, sau cửa núp trong vườn ăn vụng đồ gớm ghiếc:
nào thịt heo nào thịt thú dơ bẩn nào thịt chuột nên chúng chết cùng nhau (Is
66, 17).
Có lẽ, điểm tích cực được
thấy trong Thánh vịnh 103 (104) vì đã tán tụng những kỳ công Chúa làm trong việc
tạo thiên lập địa: núi đá chon von, suối tuôn thác đổ, rừng xanh bát ngát, đại
dương mênh mông, rồi chim trời, thú rừng, cá biển… tất cả đều được Chúa quan
phòng chăm sóc:
Công trình Ngài, lạy
Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật
khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên
lan tràn mặt đất.
Trong những loài vật lan
tràn trên mặt đất ấy, dĩ nhiên có cả loài chuột, chúng cũng biết tìm phương tiện
để bon chen sống còn:
Núi chon von giống dê rừng
tìm đến,
Hốc đá sâu loài chuột
bóng ẩn mình (Tv 103, 18).
Đến thời Tân Ước, dù
không đề cập trực tiếp đến chuột, nhưng những gì Cựu Ước đề cập thì không còn
buộc phải giữ. Điều này đã thấy trình thuật ở sách Công vụ Tông đồ, trong một
thị kiến của Thánh Phêrô: “Lạy Chúa không thể được, vì không bao giờ con ăn những
gì ô uế và không thanh sạch’. Lại có tiếng phán bảo ông lần thứ hai: ‘Những gì
Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế’” (x. Cv 10,
9-16). Và, trong thư thánh Phao lô gửi Timothe: “Bởi chưng mọi điều Thiên Chúa
dựng nên đều tốt lành, không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng, vì được
tác thánh nhờ Lời Thiên Chúa và sự nguyện cầu” (1 Tm 4, 4-5).
Và như thế có thể nói
vui, người miền Tây luôn sống tốt Lời Chúa khi nhậu thịt chuột đồng 7 món:
1. Chuột luộc ướp lá chanh: Thịt chuột luộc, ép với lá chanh. Sau khi luộc vớt thịt
ra, lấy 2 cái kẹp bằng tre, ép cho ra hết nước, rồi chặt thành từng miếng nhỏ vừa
ăn, bày ra đĩa, rắc lá chanh thái chỉ và hành ngò lên trên, ăn ngon như thịt
gà…
2. Chuột xào: Thịt chuột chặt thành miếng cỡ bằng 3 ngón tay, cho
vào chảo xào chín với nước sốt. Đậu phộng giã nhỏ, rau thơm, hành, ngò, lá răm
thái nhỏ, rắc lên trên, món này ăn với bún hết xẩy.
3. Chuột chiên dòn, rắc ngò gai, ngò ôm, ớt thái mỏng trộn với chanh trên
dĩa thịt, chấm với nước mắm pha lạt, dầm với củ kiệu, cà rốt thái mỏng. Ngoài
ra còn có các món:
4. Thịt Chuột
nấu đông
5. Thịt Chuột giả cầy
6. Thịt Chuột
xào chua ngọt
7. Thịt Chuột sốt
cà chua.
Thế nhưng, tại sao chuột
lại được chọn đứng đầu 12 con giáp? Câu trả lời có nhiều cách giải thích trong
dân gian, điển hình là Hồng Tôn, người đời Tống (Trung Quốc) trong “Dương cốc mạn
lục” có giải thích: 12 địa chỉ được chia thành âm tính và dương tính. Số lẻ
trong cầm tinh là dương, số chẵn là âm. Trong tất cả 12 con vật trong con giáp,
những con vật có số ngón chân là số lẻ thuộc dương tính, số ngón chân là số chẵn
thuộc âm tính. Cọp, rồng, khỉ, chó đều có 5 ngón chân, ngựa có 1 ngón đều là
dương tính. Trâu, dê, gà, lợn đều có 4 ngón thuộc âm tính, rắn thì không có
chân nhưng lưỡi chia thành 2 là số chẵn cũng thuộc âm tính. Riêng chuột thì ngoại
lệ, chân trước 4 ngón, chân sau 5 ngón, như vậy nó tiền âm, hậu dương, nằm giữa
âm và dương là lúc bắt đầu của một ngày mới. Đúng với đặc điểm của giờ Tý là nằm
giữa lúc âm dương nên chuột đi với giờ Tý. Và bên cạnh đó: Hoàng đế Hiên Viên
muốn chọn 12 con vật để trực nhật quản lý thời gian, nên quyết định tổ chức một
cuộc chạy thi của các con vật để sắp xếp theo thứ tự thắng thua. Bắt đầu cuộc
đua, trâu chạy nhanh nhất còn chuột thì nhảy lên lưng trâu, khi gần đến đích
chuột phóng ngay xuống phía trước, thế là chuột đến đích sớm hơn trâu, được xếp
thứ nhất, trâu thứ nhì.
Năm Canh Tý điểm danh,
xin chúc từng người như chuột sa chĩnh gạo; chuột sa bồ nếp; chuột sa lọ mỡ;
luôn sống sung túc dồi dào, hiệp nhất như đàn chuột con đàn cháu đống; luôn trở
nên những người hữu ích như chuột 7 món…
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét