Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Sống trong môi trường ô nhiễm dễ bệnh tâm thần


Sống  trong  môi  trường  ô  nhiễm  dễ  bệnh  tâm  thần
Thứ sáu, 20/12/2019-VnExpress.net


Ô nhiễm không khí với bụi mịn PM2.5 làm tăng 10% nguy cơ trầm cảm. Ảnh: National Geographic

Thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và ý muốn tự tử.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học College London (UCL), công bố trên Tạp chí Environment Health Perspectives ngày 18/12. Các nhà khoa học tổng hợp dữ liệu từ năm 1974 đến năm 2017 tại 16 quốc gia và so sánh với các tiêu chuẩn về môi trường. Những yếu tố ngoại cảnh được xét đến bao gồm hút thuốc, công việc và cân nặng.

Kết quả cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh trầm cảm và ý muốn tự tử. Hàm lượng bụi mịn trong không khí cứ tăng thêm 10 mcg/m3 thì nguy cơ trầm cảm tăng lên 10% mỗi năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tăng 10 mcg bụi mịn trên một mét khối không khí sẽ làm tăng 2% nguy cơ tự tử.

Isobel Braithwaite, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích bụi mịn trong không khí có thể xâm nhập trực tiếp vào não và máu qua đường hô hấp, gây tổn thương tế bào thần kinh và thay đổi quá trình sản sinh hormone. Điều này làm gia tăng cảm xúc căng thẳng và ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của con người.

Tình trạng ô nhiễm không khí thường bắt nguồn từ khói bụi của xe cộ, nhà cửa và các nhà máy công nghiệp. Đánh giá toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu năm 2019 kết luận khói bụi có thể gây tổn hại đến hầu hết tế bào trong cơ thể. Nghiên cứu khác chỉ ra rằng ô nhiễm không khí liên quan đến chứng mất trí nhớ (Alzheimer) ở người trung niên và cao tuổi.

Hiện, 90% dân số toàn cầu sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí trên mức khuyến nghị của WHO. Tại Hà Nội, kể từ ngày 7 đến 16/12, chỉ số trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 vượt chuẩn từ 2 đến 3 lần.

Thục Linh (Theo Guardian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét