Cuộc vật lộn của tôi với chứng trầm cảm.
Kathleen Hervochon – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Chồng tôi, George và tôi
đã vui mừng khôn xiết khi biết mình đang mong chờ đứa con thứ ba. Mặc dù lần
mang thai này bị đe dọa bởi nhiễm độc máu và có thể sinh non, đứa con gái quý
giá thứ ba của chúng tôi là Megan đã chào đời vào đúng hạn kỳ. Chúng tôi đã nhận
ra sự tốt lành của Thiên Chúa khi bé chào đời khỏe mạnh và nóng lòng được chia
sẻ tình yêu của chúng tôi với bé.
Bất ngờ trong những tuần
sau đó, tôi rất khó ngủ và thấy mình trở nên cáu kỉnh và trầm cảm. Tôi đã hỏi ý
kiến bác sĩ sản khoa của mình với hy vọng rằng cô ấy sẽ đưa ra lời đảm bảo an
ủi rằng những ngày đen tối này sẽ sớm biến mất. Trước sự sốc và kinh hoàng của
tôi, cô ấy đã giới thiệu tôi đến một chuyên gia về bệnh tâm thần. Mười phút sau
khi thăm khám, bác sĩ tâm thần chẩn đoán tôi bị trầm cảm nặng sau khi sinh và sắp
xếp đưa tôi vào khoa tâm thần của một bệnh viện gần đó.
Chồng tôi chở tôi đến thẳng
bệnh viện và sau đó về nhà để đón đứa con mới chào đời của tôi. Megan có thể ở
lại với tôi nhưng vì tôi được tiêm thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm nên
tôi phải ngừng cho bé bú.
Tôi cảm thấy như bị mắc
vào một cơn ác mộng. Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Khi tôi và Megan trở về
nhà hai tuần sau đó, tôi vẫn cảm thấy mình hoàn toàn mất năng lực và vô dụng.
Tôi đã rất xấu hổ.
Cầu nguyện và Đau đớn. Những
người bạn thân yêu đã tập hợp lại xung quanh gia đình tôi với những bữa ăn nấu
sẵn, giúp giữ cháu bé, hỗ trợ cảm xúc và cầu nguyện liên tục. Chúng tôi thuê một
người phụ nữ đến mỗi ngày từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều để chăm sóc các con
gái của chúng tôi và giúp đỡ tôi trong ngày. Người giúp đỡ tôi là một người bạn
tốt. Cô ấy dẫn tôi đi ra ngoài vào mỗi buổi sáng để tham dự Thánh lễ mặc dù tôi
muốn được che chở và “an toàn” ở nhà. Cô ấy cũng nài nỉ rằng tôi cần tập thể dục
và hướng dẫn tôi đi bộ đến tận gốc cây sồi già to lớn nằm chênh vênh bên mép đường.
Khi tôi đến nơi này mỗi
ngày, tôi sẽ dựa lưng vào thân cây, ngẩng đầu lên để nhìn qua những cành cây to
lớn vươn ra và đọc kinh Lậy Cha. Sau đó tôi đi bộ một dặm để trở về nhà. Tôi gọi
cây sồi khổng lồ này là "Cây kinh Lậy Cha". Với mỗi lần đến đó, tôi cố
gắng dâng lời cầu nguyện chân thành, thật tâm nhất mà tôi từng thốt ra.
Mặc dù có thuốc và với
hàng giờ tư vấn, tôi vẫn cảm thấy ít nhẹ nhõm. Cảm giác hụt hẫng và vô dụng của
tôi tiếp tục nhân lên. Nhiều tuần tuyệt vọng biến thành hàng tháng; hàng tháng
biến thành hai năm. Tôi được giới thiệu từ bác sĩ này sang bác sĩ khác khi mỗi
đợt điều trị thất bại. Tôi đã trải qua mười hai lần điều trị bằng liệu pháp sốc
điện và đã trải qua tổng cộng tám tháng làm bệnh nhân tâm thần ở ba bệnh viện
khác nhau. Bạn bè vẫn ủng hộ nhưng đã trở nên mệt mỏi và gia đình tôi đã tan
nát.
Khuôn mặt của Chúa Kitô.
Trong thời gian vô cùng hỗn đợnn này, tôi đã tuyệt vọng tìm kiếm sự an ủi và
xoa dịu từ lời Chúa. Tôi đã thuộc lòng những câu trích dẫn trong Kinh thánh
"Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ."
(Tv 16:8). "Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa
niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được
tràn trề hy vọng." (Rm 15:13). Những câu này lặp đi lặp lại trong tâm trí
tôi. Đã nhiều lần tôi kêu lên hỏi Chúa "Bây giờ Ngài đang ở đâu khi con cần
Ngài nhất?"
Tôi đang vật lộn với hoàn
cảnh của mình và sự thờ ơ rõ ràng của Thiên Chúa thì một hình ảnh dần dần hình
thành trong tâm trí tôi. Tôi không nhìn thấy hình ảnh này bên ngoài bản thân
mình. Nó được trưng bày trên một sân khấu nội tâm, ngang tầm mắt khi tôi tĩnh lặng.
Dần dần tôi xác định thị kiến như là sự đóng đinh của Chúa Kitô. Tôi trở nên
căng thẳng trong sự đau khổ của Ngài. Tôi đã thấm thía nỗi thống khổ của Ngài.
Sau đó, từng chút một các
nét trên khuôn mặt của Chúa Kitô bắt đầu thay đổi. Từ từ, tôi nhận ra khuôn mặt
của tôi chuyển sang khuôn mặt của Ngài. Ấn tượng về khuôn mặt của tôi xen kẽ với
khuôn mặt của Chúa Kitô giống như sự xuất hiện của một bức ảnh ba chiều. Rất bối
rối trước những gì tôi nhìn thấy, tôi đã hét lên phản kháng Chúa. Tôi nổi loạn ở
tận đáy của nỗi đau mà Ngài dường như đang yêu cầu tôi chịu đựng. Nhưng trong
khoảng thời gian vài tuần, tôi đã hiểu một cách miễn cưỡng về hình ảnh này. Tôi
bắt đầu hiểu được "sự đau khổ được chia sẻ." Chúa Giêsu đang nói với
tôi rằng Ngài biết và cảm nhận được nỗi đau của tôi.
Sự đau khổ của tôi không
giảm đi mà còn tăng thêm bởi sự giao tiếp sâu sắc này. Tôi không tiết lộ điều
đó cho ai vì sợ rằng tôi sẽ bị cho là bị ảo giác.
"Tôi Sống Bằng Niềm
Tin." Mặc dù trải nghiệm này, chứng trầm cảm của tôi vẫn tiếp tục không ngừng.
Tôi bắt đầu tìm thấy sự an ủi trong ý nghĩ kết thúc sự điên rồ của mình bằng
cách tự kết liễu cuộc đời. Vào lúc hai giờ sáng một buổi sáng tháng chín, với một
đống thuốc đã kê trước đó và một bình nước, tôi bắt đầu đi về phía cửa để tiến
sâu vào khu rừng phía sau nhà tôi. Tôi lý luận rằng vào thời điểm gia đình tôi
thức dậy và tìm thấy tôi thì ý định của tôi đã được thực hiện.
Trước khi mở cửa, tôi đã
cầu nguyện "Lạy Chúa, con cho Chúa một cơ hội để ngăn con lại”. Cuốn Kinh
thánh của tôi nằm ở trên bàn cạnh cửa và tôi cảm thấy bị thúc đẩy để mở nó ra.
Mắt tôi rơi vào bức thư của thánh Phalô gửi tín hữu Galat ở chương 2 câu 19-20:
“Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập
giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện
nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến
tôi và hiến mạng vì tôi.”
Tôi đã choáng váng. Những
từ này đã xác nhận thị kiến của tôi. Trong thâm tâm tôi thực sự được neo chặt
vào Chúa Kirô - nhưng tôi phải sống một đời sống đức tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng
đã chết trên thập giá và Đấng thấu suốt nỗi đau của tôi. Tôi không thể cả gan
làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô nghĩa (Gl 2:21).
Tôi trở lại giường và
chìm vào giấc ngủ say. Sáng hôm sau, tôi chia sẻ với chồng tôi cách bàn tay của
Thiên Chúa đã dẫn tôi đến một đoạn Kinh thánh cách kỳ diệu khiến tôi không thể
hủy hoại mạng sống của mình. Tôi đã nói với George rằng lời Chúa đã nói với tôi
trực tiếp như thế nào trong giờ phút tuyệt vọng đó cũng sống động và tích cực
như lời của Thánh Phaolô khi ông viết nó. Cả hai chúng tôi đều kinh ngạc khi nhận
ra rằng lời Chúa không trở nên trống rỗng với Ngài mà là thực hiện ý muốn của
Ngài.
Căn bệnh trầm cảm của tôi
vẫn đeo bám tôi trong năm năm nữa và có những ngày tôi cảm thấy đỡ hơn những
ngày khác. Nhưng trong suốt những năm đó, tôi vẫn tin chắc rằng tự tử không phải
là một lựa chọn. Bởi vì Chúa dẫn tôi đến với thư của thánh Phaolô gửi tín hữu
Galát vào một thời điểm rất quan trọng, tôi có thể dễ dàng tin vào tình yêu và
sự can thiệp thiêng liêng của Ngài. Chúa Giêsu đã cho tôi một thị kiến để cho
tôi thấy rằng sự đau khổ của tôi có liên hệ với Ngài và để đảm bảo với tôi rằng
giống như Ngài, tôi sẽ sống lại. Ngài đã trung thành với lời của mình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét