Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

GIÁO LÝ TỔNG QUAN

 

GIÁO  LÝ  TỔNG  QUAN

Fri, 07/01/2022 -  Lm Phạm Quốc Hưng, CSsR.

Lời ngỏ: Đây là tài liệu chúng tôi đã biên soạn từ năm 1998 để ghi nhớ mãi căn bản đức tin, và dùng trong việc huấn luyện cho các tập sinh, các giáo lý viên, các cuộc huấn luyện của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Phong Trào Cursillo và các Cộng Đoàn, Giáo Xứ. Nay, nhân Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, xin gửi đến độc giả gần xa với ước mong mọi người ngày càng trân quý hồng ân đức tin qua Bí Tích Rửa Tội, nỗ lực sống đức tin và tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống hiện tại và tràn đầy hy vọng đạt đến vĩnh phúc Thiên Đàng mai sau. Jan. 7th 2022

A. NHỮNG ÐIỂM ÐẠI CƯƠNG

1. Mục đích giáo lý:

Câu hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ là: “Các ngươi tìm gì?” Và các ông đã trả lời: “Thưa Thầy, Thầy lưu lại ở đâu?” (Ga 1:36)

Chúa Giêsu tiếp tục đặt câu hỏi này cho mỗi người chúng ta, và mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời Người như các môn đệ năm xưa. Tôi tìm kiếm gì trong cuộc đời này? Là người, ai cũng đi tìm hạnh phúc. Tôi đi tìm hạnh phúc đích thực ấy ở đâu? Làm thế nào để đạt được hạnh phúc thật?

Mục đích của việc học giáo lý hay học hiểu về đức tin chính là nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc đích thực cho cuộc đời nơi chính Thiên Chúa. Việc này phải chiếm ưu tiên trong cuộc đời.

Khóa Giáo Lý Tổng Quan này nhằm giúp các học viên có một kiến thức căn bản và tổng quát về giáo lý, một cái nhìn đứng đắn và toàn diện về đức tin Công giáo, cũng như những nguyên tắc căn bản trong việc học hỏi và giảng dạy giáo lý. Ðặc biệt, khóa học giúp các học viên nhận biết tính cách quy-Kitô trong đức tin Công giáo và biết cách chia sẻ với mọi người về Chúa Kitô.

Những lời đáng nhớ của Thánh Augustinô: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên hồn con cho Chúa, và hồn con còn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi được nghỉ an trong Chúa.” “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và biết chính mình con. Biết Chúa để yêu Chúa, biết mình để bỏ mình.” “Tội là yêu mình đến quên Chúa; sám hối là yêu Chúa đến quên mình.” “Bước vào cuộc tình với Chúa là bước vào mối tình cao cả nhất. Kiếm tìm Thiên Chúa là cuộc mạo hiểm hào hứng nhất. Gặp gỡ Thiên Chúa là thành đạt cao cả nhất của con người.”

2. Khái niệm về giáo lý:

Giáo lý: giáo là tôn giáo, là đạo; lý là lý thuyết hay lý lẽ. Giáo lý có thể được gọi cách nôm na là lẽ đạo: Tại sao tôi “đi đạo”? Ðạo dạy tôi sự gì? Giáo lý là phương tiện chuyển thông Lời Chúa cho con người và giúp con người đáp trả lời mời gọi đầy yêu thương của Thiên Chúa qua việc lớn lên và trưởng thành trong đời sống đức tin.

Lời Chúa không phải chỉ là Thánh Kinh, nhưng chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa Ngôi Hai. Giáo Lý Công Giáo không đặt nền tảng trên bất cứ cuốn sách nào, nhưng đặt nền tảng trên một Con Người là chính Chúa Giêsu-Kitô, Thiên Chúa làm Người.

Trong cuốn Chúa Giêsu Thành Nazareth, Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhận xét: “Chúa Giêsu chính là Khuôn Mặt Nhân Loại của Thiên Chúa. Sau hơn 2000 năm đến thế gian, đói khát, chiến tranh, loạn lạc vẫn còn tung hoành đây đó; vậy Chúa Giêsu đã mang lại điều gì cho nhân loại? Ngài đã đem lại cho họ Thiên Chúa”.

Vì vậy, giáo lý là phương tiện chuyển thông chính Thiên Chúa, Sự Sống và Sự Hiện Diện của Thiên Chúa, ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa cho con người, giúp con người bước vào sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần qua Hội Thánh.

3. Mấy câu giáo lý căn bản và quan trọng nhất:

a. Hỏi ta sống ở đời này để làm gì? Thưa ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Ðức Chúa Trời là Cha chúng ta và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời.

b. Hỏi ta phải thờ phượng, kính mến Ðức Chúa Trời và thương yêu anh em cách nào? Thưa ta phải thờ phượng, kính mến Ðức Chúa Trời và thương yêu anh em như đạo Người đã dạy.

c. Hỏi Ðạo Ðức Chúa Trời là đạo nào? Thưa là đạo chính Ðức Chúa Trời đã tỏ ra cho loài người và Ðức Chúa Giêsu đã hoàn thành cùng ủy thác cho Hội Thánh truyền lại cho ta. Ðó là đạo Công giáo.

d.Ðạo Công giáo dạy ta những gì? Thưa đạo Công giáo dạy ta biết Ðức Chúa Trời là ai, Người thương yêu ta như thế nào, và ta phải làm gì để đáp lại lòng thương yêu ấy.

4. Tương quan giữa giáo lý và thần học:

Giáo lý và thần học đều học về Thiên Chúa. Giáo lý có thể được gọi là thần học sơ cấp, căn bản. Và thần học có thể được xem là giáo lý cao cấp, quảng diễn. Trong giáo lý, người ta dùng phương pháp quy nạp; trong thần học, người ta dùng phương pháp diễn dịch.

Học giáo lý và thần học để trở nên người của Thiên Chúa chứ không phải để trở nên nhà thần học. Cũng vậy, học Thánh Kinh để trở nên người của Thánh Kinh chứ không phải để trở nên học giả Thánh Kinh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường đóng vai trò là giáo lý viên hơn là nhà thần học.

5. Nội dung giáo lý:

Giáo lý Công Giáo gồm 4 phần chính: TIN-CHỊU-GIỮ-XIN

a) Tuyên xưng đức tin: Những chân lý phải tin gồm tóm trong Kinh Tin Kính và Kinh Tin.

b) Cử hành đức tin: Gồm phụng vụ thánh của Hội thánh và 7 phép bí tích.

c) Sống đức tin: Gồm tóm trong 10 điều răn Chúa, các điều luật Hội thánh, 8 mối phúc thật, 14 mối thương người, cải tội bảy mối có bảy đức. Tất cả đều quy về đức ái: mến Chúa yêu người.

d) Ðời sống cầu nguyện: Kinh Lạy Cha như bản toát yếu về đời sống cầu nguyện.

Tất cả 4 phần trên đây đều quy về Chúa Kitô:

- Chúa Kitô là đối tượng của niềm tin mà chúng ta tuyên xưng.

- Chúa Kitô hiện diện và gặp gỡ ta cách thiết thân trong các bí tích.

- Chúa Kitô là khuôn mẫu dạy ta hành động.

- Chúa Kitô là Thày dạy ta cầu nguyện.

Sống đức tin hay sống đạo là sống nhờ Chúa Kitô, sống với Chúa Kitô, sống trong Chúa Kitô, và sống vì Chúa Kitô--Ðấng là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống.

“Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, song là Ðức Kitô Giêsu, (Ngài là) Chúa, còn chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Ðức Giêsu” (2Cor. 4:5).

“Qủa tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô Giêsu, và là (Ðức Kitô Giêsu) bị đóng đinh thập giá” (1Cor. 2:2).

“Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal. 2:20)

 6. Nguồn mạch giáo lý:

a) Thánh Kinh: Bộ sách được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, được viết bởi những người tin, viết cho những người tin, và viết để xây dựng niềm tin. Người Công giáo phải đọc Thánh Kinh trong sự vâng phục hiệp thông với Hội Thánh.

b) Thánh Truyền: là sự chuyển đạt sống động sứ điệp Chúa Kitô qua lời rao giảng, làm chứng, các cơ chế và phụng tự của Các Tông Ðồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hội Thánh dành cho Thánh Truyền sự quý mến như dành cho Thánh Kinh, vì cả hai làm thành kho tàng đức tin của Hội Thánh.

c) Ðời sống Giáo hội: Ðược trình bày nơi lịch sử Hội Thánh, đời sống các thánh, giáo huấn của Hội Thánh và các thánh

d) Phụng vụ thánh: trong việc cử hành các Bí Tích, Nghi Lễ và các Kinh Nguyện của Hội Thánh.

7. Những đặc điểm của đức tin toàn diện:

đức tin vững chắc: hiểu biết và xác tín những điều mình tin.

- đức tin dấn thân: nỗ lực thực hiện điều mình tin trong tâm tư, lời nói, việc làm

- đức tin phục vụ: hướng tới tha nhân với tình thương truyền giáo

- đức tin cộng đồng: tin như Hội Thánh tin và sống trong sự vâng phục hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô

8. Ba mầu nhiệm chính:

- Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi

- Mầu nhiệm Ngôi Hai làm người là Chúa Giêsu Kitô (Nhập Thể)

- Mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu tử nạn và phục sinh để cứu chuộc chúng ta (Thập Giá).

9. Ba mức độ trong công cuộc giáo dục đức tin:

a) Nhận thức: học hiểu đức tin

b) Biến đổi đời sống: nỗ lực sống theo các đòi hỏi của đức tin

c) Dẫn vào cuộc sống mới-đời sống hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô tronglòng Hội Thánh nhờ Thánh Thần, và trở nên một “Kitô khác”.

10. Những tiêu chuẩn (Chỉ Dẫn Giáo Lý 37-46):

10.1 Nội dung giáo lý phải liên hệ với những hình thức sinh hoạt khác nhau trong đời sống Giáo hội.

10.2 Giáo lý phải nhắm đến việc trình bày toàn bộ nội dung đức tin.

10.3 Nội dung giáo lý phải hình thành một thực thể cấu kết và sống thực.

10.4 Giáo lý phải quy-Kitô.

10.5 Giáo lý phải thể hiện tính cách của mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi.

10.6 Giáo lý phải nhắm đến con người và mưu cầu phần rỗi của họ.

10.7 Giáo lý phải giữ một mực thang cho các chân lý được trình bày.

10.8 Tính cách lịch sử của mầu nhiệm cứu độ phải được tôn trọng.

10.9 Giáo lý phải bắt nguồn từ Lời Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, đời sống Giáo hội và phụng vụ, dưới sự hướng dẫn của Quyền Giáo huấn của Hội thánh.

10.10 Nguyên tắc tổng quát của những phương pháp trình bày giáo lý phải được chọn tùy theo cảnh huống của cộng đoàn Hội thánh hoặc cá nhân những người học hỏi giáo lý.

11. Mực thang các chân lý được trình bày trong giáo lý:

Những chân lý đức tin này có thể được phân thành 4 nhóm căn bản:

a. Mầu nhiệm Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần--Ðấng Tạo Thành vạn vật.

b. Mầu nhiệm Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Ðấng đã sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ Maria, chịu nạn chịu chết, sống lại và lên trời để cứu chuộc chúng ta.

c. Mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, Ðấng đang hiện diện trong Hội thánh để thánh hóa và hướng dẫn Giáo hội cho đến khi Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc và Quan Aùn chúng ta đến trong vinh quang.

d. Mầu nhiệm Hội thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó Ðức Trinh Nữ Maria chiếm một chỗ ưu việt nhất.

12. Bầu khí lớp giáo lý:

- Bầu khí vui tươi: Giáo lý hướng về Chúa Kitô là Tin Mừng mà Giáo hội và giáo lý viên rao giảng. Niềm vui vì được biết Chúa Kitô phải được thể hiện trong từng đề tài học hỏi và được cảm nhận trước hết bởi giáo lý viên và lan tỏa ra cho những người tham dự.

- Bầu khí cầu nguyện: Ý thức sống động về sự hiện diện của Chúa Kitô trong cộng đoàn Kitô và trong Lời Hằng Sống phải tạo nên bầu khí cầu nguyện trong lớp giáo lý. Luật cầu nguyện là luật đức tin.

13. Các điều nên tránh:

a. giáo lý từ chương: học mà không hiểu

b. giáo lý vụ luân lý: đặt nặng việc giữ luật mà không nhấn mạnh đến nguyên do, không nhắm đến tinh thần luật và tương quan yêu thương với Chúa.

c. giáo lý cấp tốc: học cho mau xong, để lãnh các bí tích như để hoàn tất một thủ tục phải theo.

d. giáo lý xu thời: giải thích đức tin và luân lý cho hợp cảm quan của người nghe để được họ chấp nhận mà không tôn trọng sự thật và tránh né các đòi hỏi của Tin Mừng.

e. giáo lý lệch lạc: giáo lý bị trình bày thiếu sót, bị ảnh hưởng của các tà thuyết, không theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, thiếu xác tín, tạo nghi vấn.

14. Vai trò giáo lý viên:

Không phương pháp nào dù đã được kinh nghiệm chứng minh là tốt đến đâu nào đi nữa có thể chuẩn chước cho giáo lý viên nhiệm vụ phải đích thân cân nhắc và phán đoán theo cảnh huống cụ thể để thích ứng theo đó.

Những phẩm chất nhân bản và siêu nhiên trỗi vượt của giáo lý viên là bảo chứng quý báu cho việc thành công hơn là các phương pháp đã được chọn lựa.

Công việc của giáo lý viên phải được xem là quan trọng hơn sự chọn lựa sách giáo khoa hay các công cụ giảng dạy.

Dù vậy, giáo lý viên phải biết rằng sự dấn thân của người học giáo lý là hoa quả của ân sủng và tự do chứ không lệ thuộc vào giáo lý viên. Hoạt động giáo lý vì vậy phải gắn liền với sự cầu nguyện.

B. MẠC KHẢI--ÂN SỦNG--ÐỨC TIN

1. Mạc khải: Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta

Ðạo Công Giáo được gọi là Ðạo Chúa vì do chính Thiên Chúa dạy con người qua việc mạc khải cho họ biết về chính Người, như tác giả Thư Gửi Tín Hữu xác định như sau: “Ðã lắm phen cùng nhiều kiểu xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri; vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Ðấng thừa hưởng cả vạn vật, và đã cho dự vào việc tác thành các thế giới: một Ðấng là phản ảnh các vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người, và cầm giữ cả vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài; sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi, Ngài đã lên ngự bên hữu Ðấng oai nghi chốn cửu trùng, trổi hơn thiên thần vạn bội, bởi khác với họ, Ngài đã thừa hưởng một Danh khôn ví” (Heb 1:1-4).

Tương quan giữa tri thức tự nhiên và siêu nhiên về Thiên Chúa được Thánh Công Ðồng trình bày như sau: “Con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể từ các tạo vật nhận biết cách chắc chắn có Thiên Chúa như nguyên lý và cứu cánh mọi sự” (Rom.1:20). Công Ðồng còn dạy: chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, tự nó không vượt quá lý trí tự nhiên của con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể được biết cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm” (Dei Verbum 6).

Sau khi đã phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các tiên tri, “nay là thời sau cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con” (Heb. 1:1-2). Thực vậy, Ngài đã sai Con Ngài là Ngôi Lời vĩnh cửu, Ðấng sáng soi mọi người, đến sống giữa loài người và nói cho họ nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (Jn 1:1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể “là người đã được sai đến với loài người”, “nói tiếng nói của Thiên Chúa” (Jn 3:34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Người thực hiện (Jn 5:36; 17:4). Vì thế, chính Người, Ðấng mà ai thấy tức là thấy Chúa Cha (Jn 14:9), đã đến bổ túc và hoàn tất mạc khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến, bằng chứng tích của Thiên Chúa, Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi phục sinh chúng ta để được sống đời đời.

Vậy nhiệm cuộc Kitô giáo sẽ không bao giờ mai một, vì là giao ước mới và vĩnh viễn. Chúng ta không phải chờ đợi một mạc khải công nào khác nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta hiện đến trong vinh quang (1Tim 6:14; Tit 2:13) (Dei Verbum 4).

Ở đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô vừa là Ðấng mạc khải cho chúng ta về Thiên Chúa, vừa là chính sự mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vì vậy, tất cả lòng tin của chúng ta phải đặt nền tảng và đặt trọng tâm nơi Chúa Kitô. Ðó là lý do Tác Giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái mời gọi chúng ta “mắt hướng nhìn về Ðức Giêsu là Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (12:2).

2. Ðức tin: sự đáp trả của con người trước mạc khải

Thánh Công Ðồng Vaticano II dạy rằng đức tin chính là sự đáp trả thích đáng của con người trước sự mạc khải của Thiên Chúa như sau: “Phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (Rom 16:26, 1:5; 2Cor 10:5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người phó toàn thân cho Thiên Chúa một cách tự do “dâng lên Thiên Chúa mạc khải sự qui phục hoàn toàn của lý trí và ý chí” (CÐ Vat I), đồng thời sẵn lòng chấp nhận mạc khải Ngài ban cho. Ðể được niềm tin này, cần có ân sủng Chúa đi trước để giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho “mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý” (CÐ Orange II). Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài (Dei Verbum 5).

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (SGLHTCG) định nghĩa: “Trước hết, tin là sự gắn bó bản thân của con người với Thiên Chúa; đồng thời và một cách bất khả phân ly, tin là tự do ưng thuận tất cả chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải. Xét như đó là sự gắn bó bản thân với Thiên Chúa và thuận theo chân lý Ngài đã mạc khải, đức tin Kitô giáo khác với niềm tin của chúng ta nơi một con người. Hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa và tuyệt đối tin những gì Ngài nói, là nên và tốt. Trái lại, đặt một niềm tin như thế vào một tạo vật sẽ là sai lầm và vô lối (# 150).

SGLHTCG còn nói thêm rằng niềm tin kính Thiên Chúa cũng là tin kính Chúa Giêsu Kitô vì Người là Ðấng đẹp lòng Chúa Cha mọi bề, chính Thiên Chúa bảo ta phải tin vào Người. Hơn nữa, chúng ta tin kính Chúa Giêsu vì bản thân Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Ðấng sẽ xem thấy Chúa Cha (Jn 6:46) và là Ðấng duy nhất có thể biết và mạc khải Chúa Cha cho chúng ta (# 151).

Chúng ta không thể tin kính Chúa Giêsu mà không thông dự vào Thần khí của Người. Chính Chúa Thánh Thần mạc khải cho người ta biết Chúa Kitô là ai (1Cor 2:10-11,12:3). Chúng ta cũng phải tin kính Chúa Thánh Thần vì Người là Thiên Chúa (# 152).

Giáo hội không ngừng tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con, và Thánh Thần (# 232)

Ðức tin vì vậy vừa là một ân sủng, một quà tặng của Thiên Chúa ban tặng cho con người và vừa là một hành vi nhân linh, bao gồm sự tự do và hiểu biết của con người (#153 & 154). “Trong đức tin, trí tuệ và ý chí của con người hợp tác với ân sủng của Chúa. ‘Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Chúa dưới sự chỉ huy của ý chí được ân sủng của Chúa lay động’ (Th. Tôma A.)” (# 155)

Trong cuốn Gospel-Catechesis-Chatechism, ÐHY Joseph Ratzinger viết: “Ðức tin không được bảo tồn cách tự động. Nó không phải là một ‘việc đã hoàn tất’ mà chúng ta có thể coi là tất nhiên. Ðời sống đức tin phải được canh tân liên lỉ. Và vì đức tin là một hành động bao gồm mọi chiều kích của sự hiện hữu của chúng ta, nó cũng đòi hỏi sự suy tư được canh tân và sự làm chứng. Vậy nên những điểm chính yếu trong đức tin--Thiên Chúa, Ðức Kitô, Chúa Thánh Thần, ân sủng và tội lỗi, các bí tích và Giáo hội, sự chết và sự sống đời đời--không bao giờ lỗi thời. Chúng là những chủ đề có ảnh hưởng sâu xa nhất đối với chúng ta. Chúng phải là trọng tâm thường xuyên trong việc giảng dạy và của các suy tư thần học”.

Ngài viết thêm: “Ðức tin là một sự định hướng toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta. Nó là một lựa chọn căn bản ảnh hưởng mọi khía cạnh của sự hiện hữu của ta. Nó cũng không thể thành hiện thực trừ khi tất cả năng lực của sự hiện hữu của ta nhắm vào việc bảo tồn nó. Ðức tin không chỉ là của trí tuệ, hay chỉ là của ý chí, hoặc chỉ là của sinh hoạt cảm xúc--nó là tất cả những thứ này gồm lại. Nó là một hành động của toàn thể bản ngã, của toàn thể con người trong sự hiệp nhất tụ lại. Theo hướng này, Thánh Kinh diễn tả đức tin là một hành động của ‘tấm lòng’ (Rom 10:9).”

“Ðức tin là một hành động hết sức thiết thân (supremely personal act). Song chính vì nó hết sức thiết thân, nó vượt lên trên bản ngã và những giới hạn của cá nhân. Thánh Augustine nhận xét rằng không gì quá nhỏ bé nơi ta như bản ngã của ta. Nhưng nơi đâu con người nhập cuộc với trót bản thể của mình, nó vượt lên chính mình; một hành động với trót bản thể của mình đồng thời luôn là một sự mở lòng cho tha nhân. Hơn nữa, chúng ta không thể thực hiện hành động này mà không đụng đến tận đáy thẳm sâu nhất của ta, Thiên Chúa hằng sống Ðấng hiện diện trong những chỗ sâu thẳm nhất của sự hiện hữu của ta như nền tảng củng cố nó” (Tr.23-25).

C. MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU-KITÔ

1. Chúa Kitô là một mầu nhiệm:

Một trong những phương thức dùng trong Kitô học là giải thích các danh xưng được dùng để gọi Chúa Giêsu Kitô. Trong Thánh kinh và trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa Kitô đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau như Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, Con Người, Con Vua Ðavid, Con Ðức Maria, Con Ông Giuse, Ngôi Lời, Ðấng Messiah, Emmanuel, Chúa Chiên Lành, Hoàng Tử Bình An, Cố Vấn Kỳ Diệu, Chiên Thiên Chúa, Thượng Tế, Cửa Chuồng Chiên, Cây Nho, Ðầu Hội Thánh, Trưởng Tử Mọi Thụ Sinh, Vua Vũ Trụ, Thày Các Tông Ðồ, Hình Ảnh của Thiên Chúa Vô Hình, Tôi Tớ Ðau Khổ của Giavê, Bạn Trăm Năm của Linh Hồn, v.v... Mỗi danh xưng diễn tả một thực tại thẳm sâu về chính Chúa hay về các mối liên hệ giữa Người với Thiên Chúa, với nhân loại, với Giáo Hội, với các tông đồ, với từng tín hữu, với một số người nào đó, hay với cả vũ trụ.

Không phải những danh xưng cao quý này đem lại sự cao trọng cho Chúa Giêsu, nhưng chính Người đã làm cho những danh xưng này trở nên cao trọng. Vì Người là Thiên Chúa làm người để cứu chuộc con người và nâng con người lên cùng Thiên Chúa. Sự phong phú của những danh xưng dùng cho Chúa Kitô cho thấy Người là một mầu nhiệm, một thực tại vô cùng sung mãn, một đối tượng vô cùng để ta chiêm ngắm và say yêu.

Mầu nhiệm không có nghĩa là một thực tại ta không thể hiểu biết được, nhưng là một thực tại mà Thiên Chúa vì yêu thương đã tỏ lộ cho ta biết nhưng ta sẽ không bao giờ hiểu biết được hoàn toàn, nhưng ta càng hiểu được lại càng say mê và khao khát tìm hiểu thêm.

2. Chúa Kitô trong Kinh Tin Kính dùng trong Phụng Vụ:

Một phương thức khác dùng trong Kitô học là giải thích mầu nhiệm Chúa Kitô theo Kinh Tin Kính.

“Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, con một Thiên Chúa, sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Aùnh Sáng bởi Aùnh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và chịu mai táng đời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”

3. Chúa Giêsu-Kitô trong Thánh Kinh:

Tất cả Thánh Kinh, đặc biệt là Tân Ước , đều quy về Chúa Kitô, về con người với các hoạt động và giáo huấn của Người. Tuy nhiên, có một số đoạn diễn tả trực tiếp và rõ ràng hơn về bản thể của Người. Những đoạn này thường được trưng dẫn từ Phúc âm theo thánh Gioan và các thư thánh Phaolô và đáng được chúng ta lưu ý cách đặc biệt.

“Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa, Ngài đã có từ lúc khởi nguyên nơi Thiên Chúa. Mọi sự nhờ Ngài mà thành sự và không Ngài thì không gì đã thành sự. Ðiều đã thành sự nơi Ngài là sự Sống, và sự sống là sự sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm không triệt được sự sáng” (Jn 1:1-5)

“Ngài là sự sáng đích thật, sáng soi mọi người, Ngài đến trong thế gian. Ngài đã có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà được có, mà thế gian đã không biết Ngài. Ngài đã đến nơi nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài. Còn những ai tiếp nhận Ngài, thì Ngài đã cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài.” (Jn 1:9-12).

“Và Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của con một từ nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật” (Jn 1:14).

“Vì do từ sự sung mãn của Ngài mà ta hết thảy đã chịu lấy, ơn này thay hơn nọ. Vì luật đã được ban nhờ Môsê, ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Yêsu Kitô mà có. Thiên Chúa không ai thấy bao giờ; Con Một, Ðấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri” (Jn 1:16-18).

“Này là Chiên của Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của thế gian” (Jn 1:29).

“Chúng tôi đã gặp Ðức Mêsia-tức là Ðức Kitô” (Jn 1:41).

“Nathanael đáp lại Ngài: ‘Rabbi, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Vua Israel’” (Jn1:49).

“Vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời” (Jn 3:16).

“Kẻ tin vào Ngài thì không bị án xử, còn kẻ không tin thì đã bị án xử rồi, bởi vì không tin vào Danh Con Một của Thiên Chúa” (Jn 3:18).

“Bánh Sự Sống chính là Ta! Ai đến với Ta sẽ không hề đói, và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Jn 6:35).

“Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì. Lời Ta đã nói với các ngươi là Thần khí và là sự sống” (Jn 6:63).

“Sự sáng thế gian chính là Ta! Ai theo Ta sẽ không phải đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).

“Chính Ta làm chứng cho Ta và Cha, Ðấng đã sai Ta, cũng làm chứng về Ta” (Jn 8:18).

“Vậy nếu Con có cho các ngươi được tự do thì các ngươi mới đích thực là tự do!” (Jn 8:35).

“Cửa ràn chiên, chính là Ta...Cửa vào, chính là Ta! Ai ngang qua Ta mà vào, sẽ ra, và sẽ gặp được lương thực” (Jn 10:7,9).

“Người chăn chiên tốt, chính là Ta! Người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên” (Jn 10:11).

“Người chăn chiên tốt, chính là Ta! Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta, như Cha đã biết Ta, và Ta đã biết Cha và Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên” (Jn 10:14-15).

“Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Jn 10:27).

“Ta và Cha là một” (Jn 10:30).

“Phục sinh và sự sống, chính là Ta! Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ sống mà tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ” (Jn 11:25).

“Ðàng và sự thật, sự sống, chính là Ta! Không ai đến được với Cha mà lại không nhờ Ta” (Jn 14:6).

“Ai thấy Ta là đã thấy Cha” (Jn 14: 9).

“Ai mến Ta thì sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến với nó, và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó. Ai không mến Ta thì không giữ lờiTa. Mà lời các ngươi nghe đây không phải là của Ta, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Ta” (Jn 14:23-24).

“Cây nho đích thực, chính là Ta, các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì” (Jn 15:5).

“Ông nói đó: Tôi là Vua. Chính vì lẽ này mà tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà tôi đã đến trong thế gian: ấy là để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc vế sự thật thì nghe tiếng tôi” (Jn 18:37).

“Và hẳn không không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát” (Acts 4:12).

“...xin Thiên Chúa của Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô và là Cha vinh hiển ban cho anh em Thần khí khôn ngoan và mạc khải, làm cho anh em được am tường về Người, được nhỡn quang tâm thần rạng sáng, khiến anh em biết là gì hi vọng tức là ơn Người kêu gọi; là gì lường phong phú vinh quang nơi cơ nghiệp Ngài dành cho các thánh; và là gì quyền năng vĩ đại tuyệt vời, Người thi thố ra trong ta, những kẻ tin, chiếu theo phép mầu củauy quyền mãnh lực của Người. Quyền năng ấy Người đã ra uy trong Ðức Kitô: Người đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, và đã cho ngự bên hữu Người trong, chốn hoằng thiên, trên mọi cấp trật: thiên phủ, uy linh, và quyền năng thiên chủ, và bất cứ danh phận nào được nêu tên, không những trong thời này, mà cả trong thời sẽ đến. Muôn sự, Người đã đặt cả dưới chân Ngài, và đã ban Ngài, đứng trên vạn vật, làm Ðầu Hội thánh, đích thực là Thân mình Ngài, sự viên mãn của Ðấng viên thành vạn sự trong Ngài” (Eph. 1:17-23).

“Anh em hãy có nơi mình tâm tư như đã có trong Ðức Kitô Yêsu:

Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Ngài đã hủy mình ra không, và lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã hạ xuống thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá! Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài! và ban cho Ngài một Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, hầu trước Danh hiệu của Ðức Yêsu, mọi gối đều phải quì xuống bái lạy, chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất, và mọi miệng lưỡi phải tung hô: Yêsu Kitô là Chúa, mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha” (Phil 2:5-11).

“Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình là trưởng tử giữa mọi thụ sinh, vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành, chốn trời cao và nơi dương thế, vật hữu hình, vật vô hình, dù là thiên tòa hay thiên chủ, dù là thiên phủ, hay là uy linh: mọi sự đã được tạo thành nhờ Ngài và cho Ngài! Và Ngài có ưu thắng trên mọi sự, và mọi sự đều tồn tại trong Ngài. Và ngài là đầu của Thân mình, tức là Hội thánh. Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân, ngõ hầu trong muôn sự Ngài là đệ nhất vô song! Vì chưng Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả Viên mãn đậu lại trong Ngài, và đã giảng hòa cả vạn vật nhờ Ngài và cho Ngài, đã ban lại bình an nhờ bửu huyết đổ ra nơi thập giá của Ngài, cho mọi vật dù ở dưới đất hay ở trên trời!” (Col.1:15-20).

“Ðã lắm phen cùng nhiều kiểu xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri; vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với Ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Ðấng thừa hưởng cả vạn vật, và đã cho dự vào việc tác thành các thế giới: một Ðấng phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người, và cầm giữ cả vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài; sau khi đã thi hành việc thanh tẩy tội lỗi, Ngài đã lên ngự bên hữu Ðấng oai nghi chốn cửu trùng, trổi hơn thiên thần vạn bội, bởi khác với họ, Ngài đã thừa hưởng một Danh khôn ví” (Heb1:1-4).

“Quả thế, Thượng Tế ta có không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của Ta, song là Ðấng đã giải dầu thử thách, muôn sự đều tương tợ, trừ phi là tội lỗi. Vậy ta hãy dạn dĩ tiến lại gần ngai ân sủng, hòng được đáp cứu đúng thời” (Heb 4:15-16)

4. Tâm tình của Thánh Tông Ðồ Phaolô đối với Chúa Giêsu Kitô:

“Vì đối với tôi, sống chính là Ðức Kitô, và chết là một mối lợi lớn” (Phil1:21).

“Nhưng những điều kể được là lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Ðức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Yêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự công chính riêng của tôi, sự công chính nại vào lề luật, song sự công chính nhờ lòng tin vào Ðức Kitô, sự công chính do tự Thiên Chúa ban xuống cho lòng tin; để được biết về Ngài và quyền năng sống lại của Ngài, cùng được thông phần vào các sự thống khổ của Ngài: được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết” (Phil 3:7-11).

“Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã thành toàn, nhưng tôi đang ruổi theo để

mà chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã bị Ðức Kitô Yêsu chiếm đoạt rồi” (Phil 3:12).

“Phaolô, nô lệ của Ðức Kitô Yêsu, được kêu gọi làm tông đồ, được tách riêng để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rom 1:1).

“...nếu ta chết làm một với Ðức Kitô, thì ta tin rằng: ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rom. 6:8).

“Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, bỉ cực, bách bớ, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo ư? như đã viết: ‘Vì Người chúng tôi bị sát phạt suốt ngày, chúng tôi bị kể như chiên lò sát’. Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng, nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. Vì tôi thầm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô Yêsu Chúa chúng ta!” (Rom 8:35-39).

“Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

“Quả tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Ðức Kitô Yêsu, và là (Ðức Kitô Yêsu) bị đóng đanh thập giá” (1Cor. 2:2).

“Anh em hãy noi gương tôi, cũng như tôi đối với Ðức Kitô” (1Cor 11:1).

“Chúng tôi không rao giảng chính mình, song là Ðức Kitô Yêsu, (Ngài là) Chúa, còn chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Ðức Yêsu” (2Cor 4:5).

“Vì lòng mến của Ðức Kitô thúc bách chúng tôi, bởi đã được xác tín rằng: Một Ðấng đã chết vì mọi người, vậy thì mọi người đều đã chết! Và Ngài đã chết vì mọi người, để ai sống thì đừng sống cho chính mình nữa, nhưng là cho Ðấng đã chết và sống lại vì họ” (2Cor 5:14-15).

“Cho nên ai ở trong Ðức kitô, kẻ ấy là tạo thành mới: Cũ đã qua đi, và này mới đã thành sự” (2Cor 5:17).

5. Tôi đi theo Chúa Kitô:

“Có quá nhiều tôn giáo, và mỗi tôn giáo có những đường lối khác nhau để đi theo Thiên Chúa. Tôi đi theo Chúa Kitô: Chúa Giêsu là Thiên Chúa của tôi. Chúa Giêsu là Phu Quân của tôi. Chúa Giêsu là Sự Sống của tôi. Chúa Giêsu là Tình Yêu duy nhất của tôi. Chúa Giêsu là Tất Cả trong Tất Cả của tôi. Chúa Giêsu là Mọi Sự của tôi. Vì vậy tôi không hề sợ hãi” (Mẹ Teresa Calcutta).

D. MẦU NHIỆM HỘI THÁNH

1. Hội thánh là một mầu nhiệm:

Vì được Chúa Kitô thiết lập, vì sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Kitô và Hội thánh, và vì Hội thánh vừa là hữu hình vừa là vô hình, nên Hội thánh Công giáo quả thực là một mầu nhiệm của sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa (GLGHCG #770-772).

2. Những từ ngữ dùng để diễn tả Hội thánh:

2.1 Bí tích phổ quát của ơn cứu độ (GLGHCG #774-776)

2.2 Dân Thiên Chúa: một dân tộc tư tế, ngôn sứ và vương giả (GLGHCG #781-786).

2.3 Thân Thể của Chúa Kitô (GLGHCG #787-795):

a. Hội thánh là sự hiệp thông với Chúa Giêsu

b. Một Thân Thể duy nhất

c. Chúa Kitô là Ðầu của Thân Thể này

2.4 Hiền Thê của Chúa Kitô (GLGHCG #796)

2.5 Ðền thờ Chúa Thánh Thần (GLGHCG #797)

3. Bốn đặc tính của Hội thánh Chúa Kitô (GLGHCG #811-870)

3.1 Hội thánh thì duy nhất, vì Giáo hội chỉ có một Chúa, tuyên xưng một phép Rửa duy nhất, được sinh ra bởi một phép Rửa Tội duy nhất, làm thành một Thân Thể duy nhất, được sức sống bởi một Thần Khí duy nhất, hướng về một niềm hy vọng duy nhất là sau cùng tất cả nọi chia rẽ sẽ được vượt qua (GLGHCG #866).

3.2 Hội thánh thì thánh thiện: Thiên Chúa là tác giả của Hội thánh là Ðấng rất thánh; Chúa Kitô, Hôn Phu của Hội thánh, đã tự nộp mình để thánh hóa Hội thánh, Chúa Thánh Thần làm cho Hội thánh sống động. Và mặc dù Hội thánh gồm những người tội lỗi, Hội thánh là “Người-Không-Tội-Lỗi gồm các tội nhân”. Sự thánh thiện của Hội thánh vẫn sáng ngời nơi các thánh nam nữ; nơi Mẹ Maria, Giáo Hội là toàn thánh (GLGHCG #867).

3.3 Hội thánh là công giáo: Hội thánh loan truyền sự toàn diện của đức tin; Hội thánh mang trong mình và ban phát đầy đủ các phương tiện của ơn cứu độ; Hội thánh được sai đến tất cả các dân tộc; Hội thánh đi tới mọi người; Hội thánh bao gồm mọi thời đại; “do bản tính của mình, Hội thánh là thừa sai” (GLGHCG #868).

3.4 Hội thánh là tông truyền: Hội thánh được xây trên những nền móng vững bền là “mười hai tông đồ của Chiên Con” (Rev 21:14). Hội thánh không thể nào bị phá hủy. Hội thánh được giữ đứng vững trong chân lý một cách bất khả ngộ: Chúa Kitô cai quản Hội thánh nhờ Phêrô và các tông đồ khác, các ngài vẫn hiện diện nơi các người kế vị mình là đức giáo hoàng và giám mục đoàn (GLGHCG #869).

4. Hội thánh có cấu trúc phẩm trật (GLGHCG #871-944):

4.1 Giám mục đòan và thủ lãnh của mình là đức giáo hoàng với nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản Hội thánh với sự cộng tác của các linh mục và phó tế.

4.2 Các giáo dân tham dự vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô qua việc họ được lãnh nhận bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Vai trò của họ thật thiết yếu trong lãnh vực trần thế và đời sống hôn nhân gia đình.

4.3 Những tu sĩ nam nữ, những người sống đời thánh hiến qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm là vâng lời, trong sạch. khó nghèo, cũng thuộc về sinh hoạt và sự thánh thiện của Hội thánh tuy không liên quan đến cấu trúc phẩm trật của Hội thánh.

5. Sự hiệp thông giữa các thánh (GLGHCG #946-962):

“Chúng ta tin có sự hiệp thông của tất cả các tín hữu của Chúa Kitô, những người còn lữ hành trên trái đất, những người đã qua đời đang hoàn tất sự thanh luyện của mình và các vị hiển phúc trên trời, tất cả mọi người hiệp thành một Hội thánh duy nhất, và chúng ta tin rằng trong sự hiệp thông này, tình yêu từ bi của Thiên Chúa và của các thánh luôn luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta” (GLGHCG #962).

6. Mẹ Maria: Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Hội thánh (GLGHCG #963-975):

6.1 Vai trò của Mẹ Maria đối với Hội thánh gắn liền với sự hiệp nhất của Mẹ với Chúa Kitô và phát xuất từ đó.

6.2 Mẹ Maria là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng.

6.3 Lòng thảo kính của Hội thánh đối với Mẹ Maria là điều nội tại của việc phụng tự Kitô giáo.

6.4 Mẹ Maria là hình ảnh cánh chung của Hội thánh

7. Yêu mến Hội thánh:

Hội thánh vừa là Mẹ vừa là Thày của chúng ta. Vì thế, chúng ta có bổn phận yêu mến, vâng lời và bênh vực Hội thánh. Tình thảo mến thiết tha dành cho Hội thánh, đặc biệt nơi lòng yêu mến đối với đức thánh cha, là đặc tính của tất cả các thánh và các tín hữu chân chính qua mọi thời đại.

Trong thông điệp Ecclesiam Suam (Những Con Ðường của Hội Thánh-1964), đức thánh cha Phaolô VI nhắc lại lời đức Piô XII trong thông điệp Mystici Corporis (Thân Thể Nhiệm Mầu-1943) như sau: “Chúng ta phải tập nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội thánh. Chính Chúa Kitô sống trong Hội thánh là Ðấng giảng dạy, cai quản và thánh hóa Hội thánh. Cũng chính Chúa Kitô là Ðấng tỏ mình cách khác nhau nơi các thành viên trong tổ chức của Người” (#35).

Ðức Phaolô viết tiếp: “Thực thế, ý thức về mầu nhiệm Hội thánh là kết quả của một đức tin trưởng thành và sống động. Từ một đức tin như thế sẽ nảy sinh một ‘cảm nghĩ với Hội thánh’, cảm nghĩ này đong đầy người Kitô hữu đã được dưỡng dục trong Trường Lời Chúa. Người ấy đã được bổ dỡng bởi Aân Sủng của các Bí tích và của những linh hứng khôn tả của Ðấng An Uûi, đã được đào luyện trong việc thực hành các nhân đức của Phúc Aâm, đã được thấm nhuần với đời sống văn hóa và cộng đoàn của Hội thánh, và được hạnh phúc sâu xa khi nhận thấy mình được trao tặng Chức Tư Tế Vương Giả thuộc về Dân Thiên Chúa. Mầu nhiệm Hội thánh không chỉ là một kiến thức thần học; nó là một điều để sống, một điều mà tâm hồn trung tín có thể có được một thứ cảm nghiệm rất tự nhiên, ngay cả trước khi có một ý tưởng rõ ràng về Hội thánh (#36-37).

Tác giả Ðường Hy Vọng có những lời chia xẻ thật sâu sắc và thân tình sau về hạnh phúc của ta khi được sống trong Hội thánh và những bổn phận của ta đối với Hội thánh:

“Tôi tin có Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Một niềm tin, một hạnh phúc, một quyết tâm (#250).

Ðừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội thánh, vì đó là nhiệm thể Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô; không giết Chúa Kitô được nữa, người ta phá Hội thánh (#251).

Yêu mến Hội thánh, vâng lời Hội thánh, trung thành với Hội thánh, cầu nguyện cho Hội thánh (#253).

Con hãy sẵn sàng hy sinh cho Hội thánh và hy sinh do Hội thánh (#265).

“Ai nghe các con là nghe Thày, ai khinh các con là khinh Thày”. Suốt đời con ghi lòng tạc dạ: luôn luôn kính trọng người của Hội thánh, chỉ thị của Hội thánh, phụng vụ của Hội thánh; Chúa sẽ chúc lành cho con (#266).

Trong Hội thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội thánh, “Không ai có Thánh Thần mà chống lại Ðức Kitô” (# 267).

Có gì hạnh phúc bằng tin tưởng mình đang ở trong Hội thánh, ở đó những khắc khoải của tinh thần được giải quyết và quả tim đầy tràn hy vọng (#281).

Chị thánh Têrêsa Hài Ðồng ước ao “Trong trái tim Hội thánh--người Mẹ nhân lành--tôi sẽ là Tình ái, nhiên hậu tôi sẽ là tất cả và nhiên hậu, mơ ước thiết tha của đời tôi sẽ thành sự thực cả trăm phần trăm”.

Suốt đời tôi luôn ghi nhớ với lòng tri ân yêu mến Msgr. James Turro, giáo sư Thánh kinh ở chủng viện của tôi khi trước, vì ngài đã giúp tôi thêm lòng yêu mến Hội thánh. Ngài nói: “Hãy nhìn Hội thánh trong quá khứ với niềm hãnh diện tự hào, trong hiện tại với lòng yêu mến, và trong tương lai với hy vọng tràn đầy”.

E. SỐNG ÐỨC TIN: LUÂN LÝ PHÚC ÂM

1. Khái niệm về luân lý:

1.1 Luân lý là yếu tố xác định chân trị của con người:

- Của cải, tài năng, sức khỏe, nhan sắc, học thức, bằng cấp, danh tiếng, địa vị không phải là yếu tố xác định giá trị chân thực của con người.

- Một người được nhận là người tốt nghĩa là một người có một đời sống luân lý tốt, một người nhân đức; và người xấu là người có đời sống luân lý xấu, một người mang nhiều tính hư nết xấu.

- Người ta chỉ có thể nói đến các giá trị luân lý đạo đức cho con người, vì một hành động chỉ mang tính cách luân lý khi nó là một hành vi nhân linh (a human act); nghĩa là một hành động được thực hiện với sự hiểu biết, lý trí và ý chí tự do.

- Chiều kích luân lý đi vào mọi sinh hoạt của xã hội con người: kinh tế, chính trị, xí nghiệp, truyền thông, hôn nhân, gia đình, y tế, giáo dục, sinh học.

- Một đời sống luân lý tốt đem lại hạnh phúc thật cho con người. Ðó là một đời sống nhân bản hoàn toàn (fully human), một cuộc sống “rất người”.

1.2 Luân lý như một khoa nghiên cứu về các hành động của con người dựa trên các tiêu chuẩn về “mẫu người nhân đạo” hay “mẫu người lý tưởng”, một khoa học bàn về thiện ác, công tội, tốt xấu, lành dữ trong các hành vi của con người.

1.3 Luân lý của một người gắn liền với nhân sinh quan của người đó.

1.4 Luân lý là chiều kích không thể thiếu được trong mỗi tôn giáo.

2. Mệnh lệnh luân lý: “làm lành lánh dữ”

2.1 Tự bản chất con người, ai cũng nhận thấy phải “làm lành lánh dữ”, ai cũng theo đuổi một điều thiện nào đó.

2.2 Không ai có thể làm điều dữ vì cho đó là điều dữ, nhưng họ làm thế vì cái “mã thiện” hay cái “cớ thiện” của nó.

2.3 Mọi nỗ lực trong một nền luân lý đứng đắn phải nhắm đến việc giúp con người nhận biết và theo đuổi những cái tốt thật và ghê tởm xa lánh sự dữ dưới mọi hình thức.

3. Các yếu tố bao quanh một hành vi luân lý:

3.1 Bản chất và ý nghĩa nội tại của một hành động luân lý (the instrinsic meanning of the moral act in itself)

3.2 Sự hiểu biết, tự do, ý hướng của tác nhân (condition of the agent)

3.3 Các bối cảnh của hành động (situatuons in which the moral is done):

- Ai làm (với tính cách gì)?

- Xảy ra khi nào?

- Ở đâu?

- Bằng cách nào?

- Tại sao?

4. Một số nguyên tắc:

4.1 Tính cách luân lý của một hành vi nhân linh tùy thuộc chính yếu vào ý hướng luân lý của tác nhân và bản chất nội tại của hành vi ấy.

4.2 Một bối cảnh có thể biến một việc tốt thành một việc xấu.

4.3 Các bối cảnh xấu có thể làm giảm giá trị của một việc tốt hay phá hủy hẳn sự thiện hảo của việc ấy.

4.4 Không một bối cảnh nào có thể biến một việc xấu thành một việc tốt được.

4.5 Các bối cảnh có thể thêm một giá trị đặc biệt cho một việc tốt hay làm gia tăng sự độc dữ của một việc xấu.

5. Một số quan niệm sai lầm về luân lý:

5.1 Chủ thuyết pháp lý (legalism): chỉ dựa vào nhân luật, pháp luật

5.2 Chủ thuyết tương đối (relativism): phủ nhận sự dữ nội tại của một hành vi

5.3 Chủ thuyết “chạy theo đám đông”: Hầu như ai cũng làm nên tôi được phép làm! Ðo giá trị một việc hay một người theo sự tán thành của số đông.

5.4 Chủ thuyết cá nhân: Xấu tốt của một việc tùy quan niệm, “tùy lương tâm” mỗi người.

5.5 Chủ thuyết tùy hoàn cảnh: một hình thức của chủ thuyết tương đối

5.6 Chủ thuyết thực dụng: Nếu việc ấy có hiệu lực, tất nhiên đó là việc tốt

5.7 Chủ thuyết tiện dụng: Nếu việc ấy có lợi, việc đó là việc tốt.

5.8 Chủ thuyết “cứu cánh biện minh cho phương tiện”

Tất cả các quan niệm trên đây đều sai lầm và phiến diện vì không bao gồm đầy đủ các yếu tố làm nên một hành vi luân lý.

6. Luân lý Phúc âm:

6.1 Luân lý Phúc âm là một nền luân lý phát sinh từ niềm tin vào Chúa Kitô và dựa trên các nguyên tắc của Phúc âm. Nói cách khác, luân lý Phúc âm là một nền luân lý lấy Chúa Giêsu là điểm quy chiếu, làm tiêu chuẩn, và nền tảng cho mọi hành vi của mình.

6.2 Luân lý Phúc âm chính là cách thức sống niềm tin của người tín hữu Chúa Kitô. Nó là thành phần cốt yếu không thể thiếu được trong mọi quá trình giáo dục đức tin.

6.3 Luân lý Phúc âm dựa trên các sự thật đức tin, các sự thật vĩnh hằng về bản chất và phẩm giá con người, về liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, về liên hệ giữa con người với nhau, về định mệnh đời đời của con người.

6.4 Luân lý Phúc âm được thể hiện cụ thể qua việc tuân giữ 10 điều răn Chúa và nhìn nhận Phúc thật 8 mối.

6.5 Luân lý Phúc âm chỉ có thể thực hiện với sự trợ giúp vạn năng của ân sủng Thiên Chúa ban cho con người nơi Chúa Kitô và các hoạt động của Chúa Thánh Thần

nơi tâm hồn người tín hữu.

6.6 Ðức ái chiếm chỗ ưu việt trong luân lý Phúc âm.

6.7 Ðức ái được hoàn hảo qua việc nhận biết, chấp nhận và thực hiện thánh ý Chúa trong cuộc sống của người Kitô hữu.

6.8 Luân lý Phúc âm được giải thích qua các giáo huấn của Hội thánh.

7. Sự thật về con người dưới ánh sáng Lời Chúa:

“Sự thật mà con người cần biết hơn cả về sự thật về chính họ” (ÐTC Gioan-Phaolô II).

Chúa Giêsu không những mạc khải cho con người biết Thiên Chúa là ai còn mạc khải cho họ biết về đầy đủ về chính họ và mời gọi họ sống theo ơn gọi và phẩm giá cao cả của họ. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, ta được biết:

7.1 Con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa; nghĩa là có trí khôn và lòng muốn (lý trí và ý chí tự do), có khả năng yêu thương. ÐTC Gioan Phaolô II viết trong tông huấn Familiaris Consortio: “Con người được dựng nên nhờ Tình Yêu và cho Tình Yêu...Ơn gọi bẩm sinh và căn bản của con người là ơn gọi yêu thương”. Mẹ Teresa Calcutta hay nói: “Chúng ta được dựng nên cho những việc cao trọng hơn: để yêu và được yêu”.

7.2 Tội nguyên tổ đã khiến cho bản chất con người bị tổn thương trầm trọng: lý trí bị lu mờ, ý chí bị suy yếu, dục vọng lấn át tự do nội tâm. Các tội riêng của ta làm ta thêm u mê hèn yếu. Nói đến con người trong bối cảnh hôm nay là nói đến con người với bản chất đã bị tổn thương vì tội tổ.

7.3 Con người đã được cứu chuộc bằng sự nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu và được phúc làm nghĩa tử Thiên Chúa qua việc đón nhận ơn tái sinh từ bí tích Rửa tội.

7.4 Con người được Thiên Chúa hứa ban cuộc sống vĩnh hằng của Thiên đàng trong sự hiệp thông trong sự sống và tình yêu vô cùng sung mãn của Chúa Ba Ngôi nếu họ cộng tác với ơn Chúa để hoàn tất chương trình và thánh ý Chúa nơi họ.

7.5 Con người sẽ bị án phạt hỏa ngục đời đời nếu không sống đúng ơn gọi làm người của chính mình, nếu không sống “cho ra người”, nếu họ không sống theo ơn gọi yêu thương. Những lời sau của ÐTC Gioan-Phaolô II trong Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng đáng ta lưu ý: “Trong mức độ nào đó, con người đã lạc hướng, các nhà giảng thuyết lạc hướng, các người dạy giáo lý lạc hướng, các nhà giáo dục lạc hướng. Chính vì thế họ không còn can đảm nói lên sự ‘đe dọa’ của hỏa ngục, và những người nghe theo họ cũng không còn sợ hỏa ngục”.

8. Lương tâm:

8.1 Lương tâm được hiểu là tiếng nói trong nội tâm mỗi người chỉ dẫn về điều lành điều dữ. Tiếng nói này đòi hỏi như ra lệnh phải tránh điều ác, làm điều thiện theo một luật như được ghi sẵn trong tâm hồn chứ không phải do chính mình lập ra.

8.2 Phẩm giá của con người tùy thuộc việc nghe theo tiếng lương tâm bởi vì đó là lề luật tối hậu đối với từng người; theo đó họ sẽ bị xét xử.

8.3 Lương tâm là nơi sâu kín nhất trong đó con người gặp Chúa một mình và ở đó con người nhận thấy luật sinh hoạt là luật được thực hiện trong giới răn mến Chúa yêu người.

8.4 Vì mọi người đều có lương tâm nên các tín hữu và mọi người khác có thể gặp gỡ và hiểu nhau trong khi tìm chân lý.

8.5 Lương tâm ngay thẳng giúp ta hành động theo qui tắc khách quan chứ không tự ý mù quáng.

8.6 Sự sai lầm không làm lương tâm hết giá trị: nếu vì ngay thẳng nghĩ rằng hành động như thế hợp ý Chúa vẫn được Chúa chấp nhận.

8.7 Chỉ khi nào cố ý từ bỏ chân lý và ý muốn của Chúa, hay là khi lương tâm lu mờ vì tội lỗi, lúc ấy giá trị của nó mới bị tổn thương.

9. Ðào luyện lương tâm:

Ðể có một lương tâm tốt, người tín hữu phải:

9.1 Thành tâm nỗ lực học biết các chân lý qua việc đọc, suy niệm và sống Lời Chúa và học hỏi Giáo huấn Hội thánh với lòng tin yêu vâng phục.

9.2 Xa lánh tất cả tội lỗi và cả các dịp tội, nhất là các tội trọng bằng mọi giá.

9.3 Năng thành thật xét lương tâm và mau mắn khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi sau khi sa ngã, thống hối xưng tội, cương quyết đền bù và sửa đổi.

9.4 Gia tăng việc hy sinh hãm mình, rèn luyện ý chí để có thể tự chủ, tự chế, tự thắng.

9.5 Nỗ lực làm tất cả những việc thiện có thể trong khả năng và hoàn cảnh của mình.

9.6 Năng cầu nguyện để nhận biết và thực thi thánh ý Chúa và giữ lòng hăng hái tiến đức.

9.7 Bàn hỏi với những người khôn ngoan thánh thiện.

9.8 Ðừng a dua theo dư luận quần chúng.

9.9 Trước các quyết định quan trọng phải nhớ đến chung cánh đời đời của mình.

9.10 Năng lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích hòa giải và bí tích Thánh Thể để thanh luyện tâm hồn và có đủ ơn Chúa để sống đức tin.

10. Ðôi hàng về vài vấn đề về luân lý hôm nay:

10.1 Luân lý tính dục (sexual morality):

- hành vi giao hợp vợ chồng là một hành vi vô cùng thánh thiện và cao cả và chỉ được thực hiện trong hôn nhân. Mọi hành vi giao hợp tính dục ngoài hôn nhân đều là những hành vi tội lỗi nặng nề.

- Hai ý nghĩa truyền sinh và kết hợp (life-giving and love-giving) của hành vi giao hợp vợ chồng trong hôn nhân không được tách rời. Việc triệt sản, ngừa thai (nhân tạo), hay thụ thai nhân tạo luôn bị Giáo hội kết án là vô luân tự bản chất vì đã không tôn trọng ý nghĩa nguyên vẹn của việc tính giao và hạ thấp phẩm giá con người như một đồ vật.

- Các hành động thủ dâm và đồng tính luyến ái luôn là những hành động tội lỗi vì đã lạm dụng tính dục ngoài hôn nhân.

- Cố tình thưởng thức, sản xuất và phổ biến các phim ảnh, sách báo khiêu dâm luôn là tội nặng nề.

10.2 Phá thai là trọng tội giết người. Nó ghê tởm hơn cả tội giết một người bên ngoài lòng mẹ vì đó là việc giết chết một con người vô tội và nhỏ bé không sức chống trả. Hơn nữa, nó đã hủy hoại tình mẫu tử, một tình cảm cao quý bậc nhất giữa con người với nhau, vì phần lớn tội ác này được thực hiện với sự ưng thuận của người mẹ thai nhi. Vì thế, Giáo hội ra vạ tuyệt thông cho những người phá thai.

10.3 Trợ tử và an tử (Assisted-suicide and euthanasia) luôn đồng nghĩa với tội giết người (murder).

10.4 Học thuyết xã hội của Hội thánh luôn dựa trên các nguyên tắc về phẩm giá con người và lợi ích chung của xã hội:

- Chủ nhân phải trả lương xứng đáng cho công nhân và phải lưu tâm đến các điều kiện an toàn của họ.

- Các quốc gia tiên tiến phải góp phần vào việc phát triển của các nước nghèo.

- Quyền tư hữu cả việc tư hữu các tư liệu sản xuấøt được Giáo hội nhìn nhận, nhưng sở chủ phải xử dụng trong cái nhìn tương quan với tha nhân, với lợi ích chung của xã hội, và nghĩa vụ phải chia sẻ các phúc lộc của mình cho nbững người túng cực.

- Các giềng mối trong xã hội phải được xây dựng trên sự thành tín, công bình và hướng đến bác ái hoàn hảo.

10.5 Việc bảo vệ môi sinh cũng có chiều kích luân lý đáng để ta lưu tâm.

F. TỦ SÁCH GIÁO LÝ VIÊN

I. NHỮNG SÁCH CĂN BẢN:

1. Thánh kinh:

“Giáo hội luôn tôn kính Thánh kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (Hiến chế Dei Verbum 21).

“Thánh Công Ðồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy năng đọc Thánh kinh để học biết ‘khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô’ (Phil 3:8). ‘Vì không biết Thánh kinh là không biết Chúa Kitô’ (Th. Jerome). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh kinh nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’ (Th. Ambrose)” (Hiến chế Dei Verbum 25).

2. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo:

“Làm sao không hết lòng cảm tạ Chúa trong ngày hôm nay khi chúng ta có thể cống hiến cho toàn thể Giáo hội cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo này, một bản văn quy chiếu cho việc dạy giáo lý, được đổi mới tận nguồn mạch tinh tuyền của đức tin... Vậy tôi xin các vị chủ chăn của Giáo hội và các tín hữu hãy đón nhận cuốn sách giáo lý này trong tinh thần hiệp thông, và hãy ân cần sử dụng sách này trong khi chu toàn sứ mạng loan báo niềm tin và kêu gọi người ta tới cuộc sống Phúc âm ” (ÐTC Gioan-Phaolô II trong tông hiến Fidei Depositum 11-10-1992).

3. Thánh Công Ðồng Chung Vaticano II:

“...Công đồng Vaticano II là một món quà quý báu cho Giáo hội, cho những ai tham dự, cũng như cho toàn thể gia đình nhân loại, và cho mỗi cá nhân chúng ta.”

“...Thật khó lòng bổ túc thêm được điều gì mới vào nội dung của Công đồng. Chúng ta phải luôn trở về với Công đồng như là nguồn tham khảo, là cơ sở nghiên cứu và dẫn chứng. Ðó là một bổn phận và là một yêu cầu đối với Giáo hội cũng như đối với thế giới. Tinh thần và nội dung của Công đồng phải được diễn giải đúng đắn, tránh những lối suy diễn có dụng ý và một chiều.”

“...Công đồng như hàm chứa tính chất của một lễ Hiện Xuống.”

“Công cuộc ‘Tân-Phúc-âm-hóa’ đích thực bắt nguồn từ Vaticano II. Công đồng hiển nhiên đã đánh dấu điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, cũng như trong lịch sử Giáo hội vậy” (ÐTC Gioan-Phaolô II trong Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng).

4. Bộ Giáo Luật:

“Trên thực tế, Bộ Giáo Luật rất cần thiết cho Giáo hội. Xét vì được thiết lập như một đoàn thể xã hội hữu hình, Giáo hội cần có những quy luật để làm cho cơ cấu phẩm trật và hữu quan được rõ rệt; để việc thi hành các chức phận mà Thiên Chúa đã trao phó, cách riêng chức phận quyền hành thánh và cử hành bí tích, được tổ chức có trật tự; để các mối tương quan giữa các tín hữu được điều chế theo công bình dựa trên bác ái, nhờ việc quy định và bảo đảm quyền lợi của mỗi người; sau hết, để các chương trình chung nhằm sống đời Kitô giáo cách hoàn hảo hơn được nâng đỡ, củng cố và cổ võ bởi Giáo luật” (ÐTC Gioan-Phaolô II trong tông hiến Sacrae Disciplinae Leges ngày 25-01-1983).

5. Các văn kiện chính thức của các đức giáo hoàng và của Tòa thánh:

Các văn kiện này bao gồm giáo huấn chính thức của Giáo hội. Vì vậy chúng có một giá trị đặc biệt và cần được học hỏi kỹ lưỡng để dùng làm tài liệu quy chiếu. Chúng có tên gọi khác nhau như tông hiến, tông thư, thông điệp, tông huấn, tự sắc của các đức thánh cha hay các thông cáo, tuyên ngôn, chỉ dẫn hay sắc lệnh của các thánh bộ trực thuộc Tòa thánh.

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “..con hãy tìm hiểu các văn kiện, các thông điệp của các giáo hoàng; con sẽ ngạc nhiên và khám phá ra các ngài đã đề cập đến tất cả các vấn đề, với những tư tưởng tuyệt hảo, cách mạng, với đường lối canh tân, của một tinh thần Kytô giáo rất tiến bộ, rút trong Thánh kinh, ơn Chúa và thời hiệu. Nếu chúng ta chỉ thực hiện hai phần trăm, như đức piô XII nói, Hội thánh và thế giới đã biến đổi khác hẳn” (ÐHV # 269).

Một số văn kiện cần được các tín hữu học hỏi cách đặc biệt trong thời đại hôm nay là Humanae Vitae (Sự Sống Con Người), Catechesi Tradendae (Giáo Lý trong Thời Ðại Chúng Ta), Familiaris Consortio (Về Gia Ðình), Redemptor Hominis (Ðấng Cứu Chuộc Nhân Loại), Dominum et Vivificantem (Về Chúa Thánh Thần trong Ðời Sống của Hội thánh và Thế Giới), Dives in Misericordia (Lòng Thương Xót của Chúa), Redemptoris Missio (Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế), Veritatis Splendor (Hào Quang Chân Lý), Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống), Centesimus Annus (Kỷ Niệm Bách Chu Niên Thông Ðiệp Tân Sự), Christifideles Laici (Người Tín Hữu Giáo Dân), Mulieris Dignitatem (Phẩm Giá Phụ Nữ).

B. NHỮNG SÁCH TU ÐỨC GIÁ TRỊ:

1. Gương Chúa Giêsu (còn gọi là Sách Gương Phúc): Ðây là cuốn sách được các tín hữu đọc nhiều nhất sau 4 Phúc âm và đáng được chọn làm sách gối đầu giường. Nếu phải chọn một cuốn sách tu đức duy nhất sau Thánh Kinh, tôi sẽ không ngần ngại chọn Gương Chúa Giêsu. Cuốn sách này đã đi vào lịch sử Giáo hội vì đã góp phần đào tạo nhiều vị thánh thời danh như Ignatius, Francis, Teresa. Trong bản dịch Việt ngữ, dịch giả đã có những nhận xét xác đáng như sau: “...Gương Chúa Giêsu hàm chứa một giáo lý đầy đủ, minh bạch và những phương pháp thực hành thích dụng cho mọi tầng lớp và mọi thời đại...ngoài sức hướng dẫn sẵn có, vì căn cứ trên những lời bất hủ của chính Ðấng tự xưng là ‘Ðường và Chân lý’, Gương Chúa Giêsu còn có một sức hấp dẫn dồi dào, mãnh liệt và bền bỉ, một sức hấp dẫn hình như trào ra bởi chính ngọn lửa sốt mến của tác giả và nhuần thấm vào từng trang từng chữ trong sách. Nó đã và còn đang có sức thiêu đốt và lôi kéo bất cứ những ai tin tưởng bước theo những lời chỉ dẫn của sách này. Ngoài ra, nếu xét về phương diện xử thế, Gương Chúa Giêsu còn là tất cả một khoa triết học thực hành...”

2. Ðường Hy Vọng của đức TGM Nguyễn Văn Thuận: Với tôi, Ðường Hy Vọng là cuốn sách tu đức giá trị nhất trong số những sách tu đức của tác giả Việt nam. Tác giả sẽ giúp bạn cảm thấy hăng hái và vui tươi hơn trong việc sống đạo và nên thánh trong thế giới hôm nay, qua những chia xẻ thật thân tình, những tư tưởng thật sâu sắc, và một lối văn thật dí dỏm, đơn sơ và dễ hiểu.

3. Một Tâm Hồn của thánh Teresa Hài Ðồng Giêsu (bản dịch của Kim Thiếu): Cuốn sách này sẽ giúp bạn cảm nhận những tâm tình thánh thiện tốt lành của chị thánh Teresa, vị thánh tiến sĩ trẻ nhất của Giáo hội, người đã được thánh giáo hoàng Piô X gọi là “vị thánh vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”. Năng đọc và suy niệm cuốn sách quý giá này, chắc chắn bạn sẽ đón nhận được thật nhiều “bông hồng từ trời” của thánh nữ để bước theo chị trên con đường thiêng liêng thơ ấu, con đường thánh nhân đã đi trước và trở nên tấm gương và bậc thày về đức mến yêu, khiêm nhường, đơn sơ và phó thác.

4. Dẫn Ðàng Mến Chúa của thánh An-phong Liguori, tổ phụ dòng Chúa Cứu Thế: Nếu cốt tủy của đạo Chúa là tình yêu và sự trọn lành hệ ở mức độ ta yêu mến Chúa, thì Dẫn Ðàng Mến Chúa quả là cuốn sách không thể bỏ qua với những người khao khát lớn lên trong lòng mến Chúa yêu người. Nếu bạn chỉ được chọn một cuốn sách duy nhất trong các tác phẩm của thánh An-phong, bạn sẽ hài lòng khi chọn Dẫn Ðàng Mến Chúa.

5. Vinh Quang Ðức Mẹ Maria của thánh An-phong Liguori: Về tác phẩm này, đức hồng y Villecourt nhận xét: “Có thể nói rất đúng rằng tác phẩm quan trọng của thánh An-phong đây là một kỳ tích vĩnh cửu của lòng tôn sùng âu yếm và nồng nhiệt của thánh nhân đối với Ðức Nữ Vương vinh hiển trên trời...Nó đã từng qui hồi và thánh hóa từng ngàn linh hồn, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục dẫn đưa vô số các linh hồn nữa về cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Tôi đã đọc nhiều sách viết về Ðức Mẹ, nhưng chưa có cuốn sách nào giúp tôi thêm lòng yêu mến, cậy trông, và gắn bó với Ðức Mẹ hơn cuốn Vinh Quang Ðức Mẹ Maria của thánh Tiến Sĩ Rất Nhiệt Thành. Qua cuốn sách này, bạn sẽ cảm nhận không những lòng mến yêu Ðức Mẹ của thánh An-phong mà còn nhận ra rằng lòng biệt kính Ðức Mẹ là dấu chỉ của những người được cứu rỗi và đặc tính không thể thiếu được nơi các vị đại thánh trong lịch sử Hội thánh.

Huấn ngôn về việc dạy giáo lý dành cho các bậc cha mẹ và thày cô Công giáo của Thánh Giáo Hoàng Piô X

1. Việc dạy giáo lý là việc hướng dẫn về đức tin và luân lý của Chúa Giêsu Kitô. Nó cho con cái Chúa sự nhận thức về nguồn gốc, phẩm giá và số phận của họ cũng như sự hiểu biết về các bổn phận của họ. Nó gieo vào tâm trí và phát triển nơi trí khôn họ các nguyên tắc và động lực của tôn giáo, của nhân đức và của sự thánh thiện trong đời sống ở trần gian và rồi của hạnh phúc trên Thiên Ðàng.

2. Việc dạy giáo lý vì vậy là việc cần thiết và ích lợi nhất đối với cá nhân, Hội Thánh và xã hội trần thế. Nó là việc giảng dạy căn bản nhất nơi nền tảng của đời sống Kitô hữu. Nơi nào việc giảng dạy giáo lý thiếu sót hay hời hợt, đời sống Kitô hữu nơi ấy sẽ yếu ớt, bấp bênh và dễ dàng suy giảm về sức mạnh.

3. Vì các bậc cha mẹ Kitô hữu là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái họ, họ phải là những giáo lý viên đầu tiên và chính yếu của chúng. Những giáo lý viên đầu tiên vì bổn phận của họ là phải làm cho con cái họ thấm nhuần đạo lý (doctrine), như chính những dưỡng chất đầu tiên, mà chính họ đã lãnh nhận từ Hội Thánh. Và những giáo lý viên chính yếu vì các bậc cha mẹ phải lo sao cho những điều chính yếu của đức tin phải được học biết từ trong gia đình.

Ðiều này phải bắt đầu với những kinh quan trọng nhất. Các bậc cha mẹ phải để ý trông nom sao cho chúng phải được đọc mỗi ngày để chúng dần dần thấm nhuần sâu vào linh hồn con cái họ.

Hầu hết các bậc cha mẹ phải bó buộc ủy thác việc giáo dục con cái họ cho những người khác. Nhưng họ phải luôn nhớ đến trách nhiệm thánh thiêng của họ trong việc chỉ chọn lựa những trường sở và thày cô nào biết chu toàn bổn phận nghiêm trọng ấy thay cho họ như chính họ, và có lương tâm ước ao thực hiện như thế. Sự dửng dưng trong vấn đề này gây nên sự mất mát không sửa chữa được của bao trẻ em! Các bậc cha mẹ sẽ phải trả lẽ thế nào trước mặt Chúa về điều này!

4. Ðể có thể dạy đạo lý Công giáo có hiệu quả, cần phải biết rõ đạo lý đã rồi mới diễn tả và giải thích nó trong một cách thích hợp với khả năng của người học. Nhưng trên hết, vì giáo lý liên hệ đến một đạo lý sẽ được ứng dụng, các bậc cha mẹ và thầy cô cần phải sống đạo lý ấy ngay trong đời sống của chính họ.

 5. Như chúng tôi đã nói, đạo lý Kitô phải được biết rõ; vì làm sao một người có thể hướng dẫn người khác về điều mà chính họ không được hướng dẫn? Vậy nên, các bậc cha mẹ và thầy cô có bổn phận chính họ phải ôn lại sách giáo lý, thấm nhuần chiều sâu của các chân lý trong ấy. Ðể thực hiện điều này, họ nên thường xuyên học hỏi những bài giảng giải rộng rãi hơn về đạo lý dành cho người lớn từ các linh mục trong xứ. Hơn nữa, họ nên tham khảo những người có khả năng và nếu có thể, họ nên đọc những sách tham khảo thích hợp.

6. Hơn nữa, như chúng tôi đã nói, họ nên giải thích các chân lý đức tin trong cách thức thích hợp với khả năng người học. Ðiều này có nghĩa là họ nên giải thích với sự thông minh và tình thương, trong một cách thức để con em đừng gớm ghét hay khó chịu đối với người dạy hay đối với đạo lý đựơc dạy. Vậy nên mỗi người phải đặt mình vào trình độ của con em, dùng những từ ngữ thường được biết đến và đơn giản nhất, bày tỏ điều mình đang dạy bằng những ví dụ thích hợp và những minh họa đánh động đến tâm hồn của đứa trẻ. Người hướng dẫn phải có sự khôn ngoan và quân bình tế nhị nhất để khỏi làm mệt đứa bé. Sự tiến bộ phải từ từ. Thầy dạy phải sẵn lòng lập lại. Người dạy phải tiến hành với sự nhẫn nại và âu yếm, cảm thông cho sự quậy cựa, lo ra, bất nhẫn và những khuyết điểm khác thừơng thấy nơi trẻ em. Trên hết thầy dạy phải tránh lối dạy cách máy móc khiến đè nén tinh thần và để vấn đề mù mờ, chỉ đòi học thuộc mà không khơi dạy trí thông minh và tâm hồn của người học.

7. Cuối cùng, thầy dậy hoặc cha mẹ khi dạy phải sống đức tin và luân lý mà họ đang dạy. Nếu không, làm sao một người có đủ can đảm để dạy trẻ em một đạo giáo mà chính mình không thực hành, và những giới răn và lề luật mà mình bôi đen ngay trước mắt chúng? Và trong trường hợp như thế, người ta còn trông mong kết quả gì? Thực thế, họ sẽ mang lại kết quả trái ngược: các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng đánh mất thẩm quyền của chính họ, đào tạo con em họ trở nên lãnh đạm và ngay cả khinh thường đối với những nguyên tắc cần thiết nhất và những bổn phận thánh thiêng nhất của đời sống con người.

8. Có một cảnh huống đặc biệt hôm nay. Một bầu khí vô tín ngưỡng đã được tạo ra, gây nguy hiểm cho đời sống nội tâm và thiêng liêng. Bầu khí này gây chiến với bất cứ tư tưởng nào nhìn nhận thẩm quyền trên cao, bất cứ tư tưởng nào về Thiên Chúa, về mạc khải, về đời sau, và về sự hãm mình trong đời này. Vậy nên các bậc cha mẹ và thầy cô phải suy tính với sự cẩn trọng nhất những chân lý căn bản gặp thấy trong những câu hỏi đầu tiên trong sách giáo lý. Họ hãy gợi lên trong con em quan niệm Kitô hữu về sự sống, ý thức trách nhiệm trong mỗi hành vi nhân linh đối với Vị Thẩm Phán Tối Cao Ðấng ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, nhìn thấy mọi sự. Họ hãy làm phát triển nơi người học, cùng với lòng kính sợ thánh thiêng đối với Thiên Chúa, một tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội Thánh, một sự cảm nếm của đức ái và của lòng đạo đức vững chắc. Họ hãy vun trồng nơi con em một lòng yêu mến nhân đức và các việc thực hành Kitô giáo. Chỉ có thế sự đào tạo trẻ em mới được xây dựng trên đá tảng của những xác tín siêu nhiên và không bị lật đổ suốt đời chúng, bất chấp những sóng gió cuộc đời. Bất cứ phương pháp nào khác là một cố gắng xây dựng sự đào tạo Kitô giáo trên cát của những ý kiến dễ đổi thay và sự cả nể phàm nhân.

9. Ðể nhận ra tất cả những điều này, các bậc cha mẹ và thầy cô phải có một đức tin sống động và một xác tín thẳm sâu đối với giá trị của linh hồn và của những lợi ích thiêng liêng. Họ phải có được thứ tình yêu khôn ngoan để biết tìm kiếm trên hết hạnh phúc đời đời của linh hồn của những người thân yêu của họ. Họ cần có một ơn đặc biệt để nắm bắt tư chất của mỗi đứa trẻ, tìm ra đúng cách để đến với trí khôn và tâm hồn của nó. Các bậc cha mẹ Công giáo nhờ ơn của Bí Tích Hôn Phối đã nhận lãnh cách xứng hợp sẽ được những ơn cần thiết cho bậc sống của họ, và như vậy cũng được những ơn cần thiết để giáo dục con cái họ trong đường lối Kitô giáo này. Hơn nữa, nhờ những lời cầu nguyện khiêm nhượng họ có thể đạt được những ơn phong phú hơn cho cùng một mục đích này, vì đây là một công việc làm đẹp lòng Chúa cách đặc biệt khi họ đào luyện con cái họ để thờ phượng Thiên Chúa như những Kitô hữu vâng phục và sốt sắng. Họ hãy chấp nhận mọi hy sinh để thực hiên điều đó: chính phần rỗi đời đời của linh hồn con cái họ đang gặp nguy, và cả phần rỗi đời đời của chính họ là những bậc cha mẹ nữa! Chúa sẽ chúc lành cho đức tin và đức mến của họ trong công việc tối quan trọng này, và sẽ trả công cho họ với phần thưởng đáng ao ước hơn cả, đó là cho con cái họ cùng với họ được đời đời thánh thiện và hạnh phúc trên thiên đàng.

Chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho Chúa Thánh Thần, Ðấng An Ủi từ Chúa soi sáng tâm trí chúng con và đem chúng đến sự thật toàn diện, như Chúa Giêsu Kitô Con Chúa đã hứa, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đời đời. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét