Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Jan 30, 2022 - Chúa nhật 4 thường niên năm C Sứ mạng ngôn sứ của Kito Hữu.


Jan 30, 2022- Chúa  nhật  4  thường  niên  năm C-

Sứ  mạng  ngôn  sứ  của  Kito Hữu.

 

Các Bạn thân mến,

Người ta thường nói:"tình đời bạc trắng như vôi - lạt như nước lã ao bèo - thay trắng đổi đen - tráo trở, lật lọng…" nghĩa là tình người có thể thay đổi nhanh chóng, ngay tức khắc, lật ngược hẳn lại, quay"180" độ… Chúng ta hiểu được rằng có thể vì sự thế, vì quyền lợi, vì hiểu lầm, vì thiếu ý thức, thiếu đạo đức, vì khó khăn, đau khổ hay vì lý do nào đấy khiến con người dễ dàng thay đổi như vậy.

Nên là ai cũng biết tình đời đỏ đen, nhưng khi gặp, có lẽ chúng ta cũng không tránh khỏi sửng sốt, ngỡ ngàng, bực bội, tức giận hay buồn phiền phải không?

Khi còn sống ở trần gian, Đức Giesu cũng bi những người đồng hương đối xử như thế. Họ vừa thán phục Ngài với những lời hay ý đẹp Ngài vừa nói, rồi ngay sau đó họ lại phẫn nộ và tìm cách hại Ngài.

Họ phản ứng bởi não trạng cục bộ, thành kiến, ích kỷ, cho rằng nếu Đức Giesu là người của họ thì phải làm cho họ nở mày nở mặt, phải làm những điều lạ lùng có lợi cho họ. Thấy họ kém tin, Đức Giesu không chiều theo những đòi hỏi ấy thì họ phẫn nộ, tẩy chay Ngài, nhưng Ngài nhẫn nhục chịu đựng vì Ngài là ngôn sứ đích thật của Thiên Chúa.

Cảm giác bị xua đuổi, bị loại trừ, bị kỳ thị, bị bỏ rơi…thật là khó chịu, khó chấp nhận, và gần như muốn hận thù, đầu hàng. Nên chúng ta có thể cảm nhận được tâm trạng của Đức Giesu vào những lúc như thế này.

Trước cảnh bị ruồng rẫy trắng trợn, hẳn con tim của Ngài cũng nhói đau, nhưng nó không hề chai đá, tinh thần Ngài không hề bạc nhược, Ngài vẫn đủ kiên vững, dịu hiền để cho họ lôi Ngài ra khỏi thành, kéo lên tận đỉnh núi, muốn xô Ngài xuống vực thẳm. Nhưng Ngài vẫn bình thản băng qua giữa họ mà đi!

Đấy là nội dung Tin Mừng Thánh Luca nói về sự thán phục và phẫn nộ của dân làng Nazaret đối với một ngôn sứ vĩ đại, là Đừc Giesu, người đồng hương của họ.

 1.    Ngôn sứ:

-    Thời xưa, khi Thiên Chúa muốn dạy bảo dân Ngài điều gì, thì Ngài chọn các người bình thường trong dân để truyền lại, chứ Ngài không trực tiếp hiện ra, vì làm sao người phàm có thể trực diện một vị thần linh vĩ đại như Ngài?

-    Những người được Thiên Chúa chọn làm sứ mạng là tổ phụ, tiên tri hay ngôn sứ, họ được nghe Lời Chúa như thế nào thì phải nói lại với dân chúng đúng như vậy, không bình luận, không được thêm bớt, dù lời ấy nghiêm khắc, khó nghe, khó tin, khó chấp nhận…

-    Như thế ngôn sứ chính là người làm cho con người sống đúng luật của Thiên Chúa.

-    Nét đặc biệt hơn người ấy không hẳn lúc nào cũng được vinh quang, được tôn trọng quí mến, ngược lại, ngôn sứ thường bị chống đối, nhạo báng, nhục mạ, tẩy chay, bị tù đầy, sát hại, bởi những Lời Chúa đôi khi vạch trần tội lỗi, lên án nặng nề, khiến người ta không hài lòng, vì chẳng ai muốn bị cấm đóan, phê phán, kết tội!

-   Thành ra sứ mạng của ngôn sứ rất khó khăn và bạc bẽo.

-   Như tiên tri Gieremia tự thuật rằng ông không muốn làm ngôn sứ, vì ông biết mình không có khả năng, ông cũng ý thức rằng ông sẽ gặp nhiều chống đối và đau khổ vì nhiệm vụ này. Nhưng tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, ông đã can đảm đáp lại lời Chúa gọi, không nao núng, dù ông biết sẽ phải đối mặt với cái chết.

-    Đức Giesu, vị ngôn sứ được chính Thiên Chúa sai xuống trần gian, nhưng dân làng Narazet chỉ chấp nhận được sứ điệp Ngài phán truyền, chứ không nhận sứ điệp đó là từ nơi Ngài, vì thân phận của Ngài, là con một bác thợ mộc nghèo nàn cùng hàng xóm, quê quán với họ.

-    Nên số phận của Ngài cũng giống như số phận của các ngôn sứ khác.

-    Tuy nhiên sự thật bao giờ cũng có sức mạnh hơn bạo lực quyền uy.

-    Nên mọi thời kỳ lịch sử đều có ngôn sứ, đều cần ngôn sứ.

-    Thời Cựu Ước có các ngôn sứ nổi tiếng nhu Isaia, Elia, Gieremia, Edekien…

-    Thời Tân Ước có Đức Giesu, các tông đồ, sau đó có các thánh nam nữ như thánh Đaminh, Phanxico, Catharina, mẹ Teresa Calcutta…

-    Trong lúc thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, các môn đệ của Đức Giesu cũng đã bị như Ngài, có lúc được tôn trọng, vinh quang, mến phục, cũng có khi chẳng ai muốn nghe, còn nặng nề phê bình, chống đối, bách hại nữa.

-    Thời nay cũng vậy, con người thường cũng không muốn nghe sự thật, không muốn nói thẳng nói thật, không muốn nghe những lời xây dựng, vì không muốn mất mát, không muốn bỏ thói quen, bỏ đam mê, nghiện ngập, tệ nạn...

-     Dù sao, sứ mạng của mỗi Kito Hữu vẫn là làm ngôn sứ cho thời đại của mình, sứ mạng rao giảng này không cho phép chúng ta làm ngơ, ngại ngùng trước khó khăn, chùn chân khi bị phê phán, chống đối. Mà phải nhẫn nại, chịu đựng, tế nhị để loan báo và làm chứng cách trung thành cho Tin Mừng.

-    Vậy chúng ta đừng cay đắng, cáu kỉnh, chán nản, buồn phiền khi người khác không đồng ý với những điều chúng ta rao truyền, mà hãy noi gương Đức Giesu, cũng đã bị ruồng bỏ, nhưng Ngài vẫn can đảm, dịu hiền làm tròn sứ mạng ngôn sứ của mình.

2.    Ưu tiên:

 -     Cuộc đời vốn khó khăn, phức tạp, rắc rối, lắm cạm bẫy, nên nhiều khi chúng ta ở vào trạng thái bối rối, tình huống cấp bách, không dễ dàng chọn lựa được cái tốt nhất trong những cái tốt, cái xấu nhất trong những cái xấu, điều nào cần ưu tiên trước, quan niệm nào đứng đắn, phổ quát, chân lý nằm phía nào?...

-     Chính vì không phân biệt được rõ ràng, chính xác, không chọn được ưu tiên, làm chúng ta sai lầm, thất bại. Có thể sửa sai, làm lại, nhưng cũng có thể chỉ có một lần, không có cơ hội thứ hai.

-     Cuộc gặp gỡ của Đức Giesu với dân làng Nazaret cũng vậy, ban đầu rất tốt đẹp, nhưng rồi lại nhanh chóng đổ vỡ hoàn toàn.

-     Do khác nhau về quan niệm ưu tiên:

          .  dân làng lấy tình cảm làm ưu tien, nghĩa là Đức Giesu phải ưu tiên cho họ, vì là đồng hương, láng giềng của Ngài. Ngài phải làm nhiều phép lạ, ban nhiều ơn phúc cho họ. Bởi họ còn quen lối suy nghĩ hẹp hòi cho rằng ơn cứu độ là đặc ân cho người Do Thái.

           .  Đức Giesu thì ưu tiên theo sứ mạng, ưu tiên cho người nghèo khó. Không phân biệt nguồn gốc. Vì tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ như nhau.

-    Bởi tình cảm thì hẹp hòi, giới hạn, mù quáng, còn sứ mạng thì bao la rộng lớn, sáng ngời.

-    Tình cảm cũng dễ sinh đố kỵ, vị kỷ, khó thoát ra khỏi thành kiến.

-    Hơn nữa các tôn giáo thì không bằng nhau, nhưng hết mọi người thì đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, không phải cứ thuộc về Do Thái hay Giáo Hội Công giáo là đủ để được ưu tiên cứu rỗi.

-     Những người ngoài Công Giáo không phải là những thọ tạo kém hơn, bởi họ cũng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được định phần chung cuộc là sống trong nhà của Thiên Chúa.

-     Ơn cứu độ được công hiến cho hết mọi người, nhưng ai từ chối Thiên Chúa một cách cố tình thì sẽ bị kết án do bởi sự lựa chọn của chính họ.

-    Và Tin Mừng chỉ đến cho những người nghèo hèn, đó là ưu tiên duy nhất.

-     Đây cũng là vấn đề nhiều khi làm chúng ta băn khoăn bối rối, trăn trở, lệch lạc, nếu không sáng suốt chọn lựa thì chúng ta cũng sẽ vấp ngã, ngay cả khi làm việc bác ái và phục vụ.

3.    Bài học:  Bài học của dân làng Narazet này vẫn luôn lập lại:

-     Nhiều người có cơ hội để biết Chúa nhưng lại bỏ qua, lại từ chối,

-     Những nơi nào có đức tin thì dù tâm lòng có tan vỡ cũng sẽ được hàn gắn lại.

-     Trong khung cảnh nhà hội Narazet, Đức Giesu đã nói, chẳng những về ơn lành của chức vụ Ngài mà còn về quyền năng phổ thông của chức vụ ấy nữa. Ngài đến để thỏa mãn những nhu cầu của nhân loại trong cả thế gian, không phân biệt, không giới hạn cả về con người, không gian và thời gian.

-     Thiên Chúa không bị một áp lực nào, Ngài mạnh mẽ vô song, có thể băng qua giữa những thế lực chống đối mạnh mẽ, hung dữ mà đi.

-     Thiên Chúa là Đấng có tinh thần kiên vững trong phán quyết công minh, lại có tính dịu hiền trong tình thương và ân sủng.

-     Ngày nay người ta đã hiểu rõ hơn về tính phức tạp trong bản chất con người, từ đó làm gì, người ta cũng bị thúc đẩy bởi nhiều động cơ. Ngay cả đằng sau một việc xem ra bất vụ lợi thì cũng có thể có động cơ vụ lợi.

-     Bởi thế thánh Phaolo khuyến cáo chúng ta phải coi chừng những động cơ đằng sau những việc tốt chúng ta làm, để đảm bảo được đức mến đích thực, nghĩa là không ghen tương, không tự mãn tự đắc, không khoe khoang, ích kỷ, hận thù...

-    Người ta cũng thường lấy lý do tôn trọng người khác, tôn trọng tự do, tránh phiền phức, thiệt hại để làm ngơ mọi điều, mọi sự, mọi tình huống có thể giúp đỡ người khác.

-    Chúng ta đã nghe quen những câu mà ở những nơi văn minh người ta thường nghĩ, thường nói: "Việc đó không cần thiết - Không phải trách nhiệm của tôi - Không phải việc của tôi - Đó là việc của bạn, việc của người khác."...

-     Còn Đức Giesu đã dạy chúng ta tránh suy nghĩ, bỏ thái độ ích kỷ, vị kỷ, để biết mở rộng lòng đối với mọi người, vì chúng ta luôn cần có nhau.

Lạy Chúa đầy quyền năng và giầu lòng xót thương, xin thứ tha cho những lần chúng con bỏ ngoài tai Lời của Chúa, của các Ngôn sứ, của anh em; hoặc phản ứng không tốt với người khác khi họ nói thẳng nói thật; cũng như đối xử bất công, vui vẻ với người khen tụng, ngọt ngào; khó chịu với người cứng cỏi, người chân thành góp ý xây dựng…

Xin ban cho chúng con tình yêu, sức mạnh, lòng dũng cảm để chúng con không thù hận người rẫy bỏ chúng con; không ngã lòng khi gặp khó khăn; không đầu hàng khi gặp những gánh nặng...

Cũng xin cho chúng con ý thức rằng ngôn sứ là sứ mạng cao cả và khó khăn của mỗi tin hữu Kito, để chúng con luôn can đảm kiên nhẫn nói điều Chúa muốn nói, nói nhân danh Chúa cho dù bị chống đối, phẫn nộ và loại bỏ. Vì chính Chúa cũng đã bị như vậy. Amen.

 Than men,

M. Goretti duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét