Jan 23, 2022 - Chúa nhật 3 thường niên năm C
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Đức Giesu
Các Bạn thân mến,
Hơn hai thế kỷ trước, bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã được viết ra và vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau này. Và hơn bao giờ hết, con người ngày nay cần đến quyền Sống, quyền Tự do và Hạnh phúc cho cá nhân, gia đình cũng như cộng đồng biết cùng nào?
Hôm nay chúng ta cũng được nghe chính Đức Giesu tuyên bố về bản Nhân quyền cuả Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Ngay từ đầu cuộc sống công khai, vào dịp Đức Giesu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nazaret miền Galile, Ngài đã xác định đường hướng cho sứ vụ của Ngài là loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, nghèo cả về thuộc thể cũng như thuộc linh, mà không loại trừ một ai bằng bài diễn văn ấy.
Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức tại hội đường trong ngày Sabbat, Đức Giesu đã công bố chương trình hoạt động của Ngài. Với tư cách Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin Mừng, nghĩa là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.
Ai cũng thấy thời nào, xã hộị nào cũng có những người nghèo. Nghèo thì đáng thương, nhưng hèn thì đáng phê phán. Nghèo là một thách đố lớn lao, rất khó giữ được phẩm giá con người, nên nhiều người đã làm những điều sai trái, lỗi lầm… vì thế người ta thường nói “nghèo hèn” vì nó thường đi đôi với nhau. Rồi nghèo hèn do thân phận khác với nghèo hèn do suy thoái. Không chỉ nghèo về của cải vật chất, mà nghèo cả về tinh thần. Nên có thể nói tất cả chúng ta đều là những người nghèo hoặc hèn về vật chất, tinh thần, trí khôn, tình cảm, đạo đức…Nghĩa là Tin Mừng của Chúa được loan báo cho chính mỗi người chúng ta.
1. Được sai đi:
- Thánh Luca nói:"được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giesu trở về miền Galile, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận."
- Lời trình bầy đó cho thấy rõ ràng Đức Giesu là một người được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi.
- Tại quê hương, vào ngày Sabat, Ngài bắt đầu thăm viếng và giảng dạy bài đầu tiên tại hội đường Nazaret, nơi bà con đồng hương đã tụ họp đông đảo và đang nóng lòng chờ nghe Ngài.
- Đức Giesu bắt đầu bằng lời tiên tri vừa được mở ra trong Sách Thánh để tuyên bố Ngài chính là Đấng Mesia đã được xức dầu tấn phong.
- Với tư cách ấy, Ngài sẽ giảng Tin Mừng cho những người nghèo hèn, sẽ công bố sự giải phóng, cởi bỏ những hậu quả và sự độc ác của lòng ích kỷ và tội lỗi; Ngài sẽ rao truyền một thời đại mới đầy hồng ân cho tất cả. Loan báo tin Thiên Chúa đã xoá hết mọi nợ nần cho nhân loại.
- Như thế Đức Giesu đã diễn đạt đầy đủ tính chất ân điển và phúc hạnh của chức vụ Ngài.
- Với giáo lý cùng hành động của Ngài là do Thiên Chúa đạt định.
- Cả gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa như được gợi lên: theo chương trình của Thiên Chúa, Đức Kito hoạt động nhờ Chúa Thánh Thần là Thần của Chúa Cha, Đấng ngự trong Ngài.
- Việc Đức Giesu thi hành chức vụ tại quê hương của mình có đặc điểm:
. được thi hành do quyền năng của Chúa Thánh Thần - xác định vai trò chủ quản của Thần Khí,
. danh tiếng Ngài đồn rộng ra khắp xứ,
. cách giảng dạy của Ngài có uy quyền giữa công chúng.
- Rồi xuyên suốt chiều dài lịch sử, Đức Giesu tiếp tục hướng dẫn, ban ơn Chúa Thánh Thần, rồi sai các tín hữu lên đường, đến với những người nghèo khó…để rao giảng Tin Mừng cho họ bằng cách này, cách khác tùy hoàn cảnh và khả năng.
- Bởi khi chịu phép rửa, Đức Giesu đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu, chúng ta cũng đã được như vậy.
- Rồi Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó về tiền bạc, tinh thần, kiến thức văn hóa, tình cảm…
- Chúng ta cũng được Ngài sai đi tiếp tục loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
- Đó là một nghĩa vụ cao cả, một trách nhiệm nặng nề gắn liền với đời sống Kito hữu mỗi người.
2. Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó:
- Đức Giesu được sai đến thế gian để báo tin rằng Thiên Chúa rất yêu thương loài người và muốn dạy cho con người con đường dẫn đến hạnh phúc viên mãn.
- Đó là Tin Mừng vĩ đại nhất đối với con người, bởi tất cả mọi người đều khát khao được hạnh phúc bền chặt.
- Ngài giải thích:
. cho người bị giam cầm biết mình được tha,
. cho người mù biết họ được sáng,
. trả tự do cho người bị áp bức,
. công bố một năm hồng ân của Chúa.
- Rõ ràng người nghèo hèn là người đang ở trong tình trạng thể chất hoặc tinh thần bất hạnh, sai trái, sơ cứng, thiếu thốn và đang mong thoát khỏi cảnh ấy.
- Cụ thể:
a) Những người nghèo khó thật sự về vật chất:
- Số người này đông đảo, ở đâu cũng có, ngay cả đất nước dư thừa bánh, mật, và sữa, dược coi như thiên đàng như nước Mỹ. Chúng ta cũng gặp người bới các thùng rác trên đường phố, trong ngõ ngách; những người xìa tay xin vài đồng nơi công cộng, vài người nằm co rúm trong công viên...
- Thường thường họ thiếu thốn mọi thứ vật chất, cả những nhu cầu tối thiểu cũng không có, không đủ, không được hưởng. Tất nhiên nguyên nhân thì đa dạng, mỗi người mỗi cảnh. Ở các nước chậm tiến, lạc hậu, chiến tranh, nghèo khổ thì đối tượng này hẳn là khủng khiếp!
- Chúng ta có thể gặp họ ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, hằng ngày, cả trên truyền hình, trên thông tin báo chí. Người thiếu cái này, kẻ thiếu cái kia.
- Có những người hằng ngày không có cơm ăn, nước uống, quần áo mặc, là những thứ cần dùng tối thiểu,
- Có những người không có nhà cửa, chăn màn cần thiết,
- Có những người không có các phương tiện giao thông, tiện nghi để làm việc,
- Có những người không có nghề nghiệp, không có công việc làm,
- Thiếu kém sức khỏe, thể xác không hoàn thiện, bệnh tật, tệ nạn…
b) Nghèo về tình cảm:
- Đối tượng này gần như họ cô đơn, cô độc, khép kín, thinh lặng giữa xã hội náo động chung quanh.
- Họ bàng quang nhìn cuộc sống quay cuồng, mà chẳng cười với người vui, khóc với kẻ buồn.
- Họ cũng không muốn một sự quan tâm nào đến với họ, không muốn ai chào hỏi họ.
- Họ không rung động trước cả vẻ đẹp, sự hùng vĩ, nỗi sầu muộn nào...
- Thường họ từ chối tất cả những cuộc tiếp xúc mà không cần biết lý do gì.
- Họ chỉ biết một mình họ và sống với một mình họ. Không cho cũng chẳng nhận tình cảm, niềm vui với ai.
- Chúng ta thấy họ khó nghèo, nhưng thường lại chẳng biết nguyên nhân từ đâu!
- Nhưng cũng có kẻ nghèo về tình cảm như thiếu lời hay ý đẹp cần thiết, mà chỉ có những lời nói độc ác, chê bai, bớt xén, hoài nghi làm sứt mẻ tình thân hữu, sự đòan kết giữa mọi người…
c) Nghèo về tinh thần:
- Đối tượng này có thể nói là chiếm toàn bộ dân số trên thế giới, ai cũng đã, đang và sẽ có thể nghèo về tinh thần dưới nhiều lãnh vực, nhiều dạng, nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau, nếu không khôn ngoan, cẩn thận...
- Bởi có vô số kẻ nghèo về tinh thần mà không ai ngờ, không thể nào nói hết: đó có thể là không có lý tưởng, không có niềm tin, không thăng tiến, thiếu rèn luyện, thiếu ý thức, ngại suy nghĩ, thiếu kiên nhẫn, hay thất vọng, dễ thất bại, kiêu căng, tự hào, mặc cảm, nhút nhát, ích kỷ, bon chen, tham lam, mất mát, áp lực, bị bách hại, tai nạn, tội lỗi, tù đầy, đau khổ, khắc khoải, lo âu, sầu muộn, dốt nát, bất công, đa nghi...
d) Nghèo về đạo đức:
- Diện này cũng không phải nhỏ, nhất là ở đối tượng thiếu học, kém ý thức, ưa chuộng hình thức, cá nhân chủ nghĩa...
- Họ quan trọng hình thức cách quá đáng, từ vấn đề giữ đạo, quan niệm, giải thích, vận dụng Tin Mừng đến mọi hành động đều cứng cỏi, gò bó, thô thiển, phô trương...
- Họ thích giậm chân tại chỗ về đức tin, về lòng kính Chúa yêu người,
- Họ hẹp hòi, tính toán, khó khăn, ngại ngùng trong chia vui sẻ buồn với anh em,
- Nhưng lại ưa thích phong thánh và luôn muốn biến đổi anh em.
- Họ tìm ơn cứu độ cho một mình họ, không quan tâm đến người khác,
- Hiển nhiên họ ngại ngùng tiếp xúc với các thành phần của Giáo hội, của cộng đoàn, đoàn thể…
- Họ thiếu tinh thần cộng đòan Kito, và e dè truyền bá Tin Mừng,
- Họ thích khoác lên mình chiếc áo đạo đức dầy cộm thùng thình mà mình ưa thích rồi an phận sống…
3. Nói thêm:
- Xét cho cùng, vì cuộc đời quá khó khăn, phức tạp, nhức nhối, đau đớn, nên ai cũng có ít nhiều nỗi khổ riêng tư nào đó, ai cũng bị giam hãm trong một thứ ngục tù, ràng buộc nào đấy, ai cũng mu mơ về một lãnh vực nào đấy, vì thế ai mà chẳng từng bị một áp lực nào đó, từ người này người kia, từ một thế lực trần gian, nên ai cũng có vấn đề để suy tư trăn trở …
- Tuy nhiên có một số người nghèo về vật chất nhưng họ lại không cảm thấy mình nghèo, đó không phải là những người nghèo đến tận cùng, nhưng là những người nghèo biết phó thác cuộc sống mình cho Thiên Chúa, biết an phận với cuộc sống theo hướng”biết mình đủ là đủ!”, như các vị nam nữ tu sĩ, những người muốn sống thanh thản, thiết thực…
- Ngược lại phần lớn những người nghèo về tinh thần, đạo đức, tình cảm, là những người có thái độ hành vi kém, phản đạo đức, thiếu tư cách, vô liêm sỉ…thì họ lại vô tình hay cố ý không nhận ra mình là người nghèo. Thế nên thực tế đời sống cuả họ thường tồi tệ đi theo cùng năm tháng, cùng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cuả những người chung quanh.
- Thế nên Tin Mừng của Đức Giesu là Tin Mừng cho tất cả mọi người, mọi thời đại. Tuy nhiên nó chỉ có hiệu quả với những ai ý thức mình là người nghéo khó và mong muốn được thoát ra.
- Và hiển nhiên những ai đón nhận Tin Mừng thì sẽ được hưởng Hồng ân cứu độ, ơn toàn xá do Đức Giesu khai mở.
Lạy Chúa, rao giảng Tin Mừng là một nhiệm vụ, một dặc ân và cũng là một trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên cũng như Ngài, chúng con đã được Ba Ngôi Thiên Chúa hỗ trợ. Xin cho chúng con biết dùng chính dời sống Kito hữu của mình để rao truyền Tin Mừng giữa thế giới ngày nay với con người đang khắc khoải lo âu, sầu muộn, vì ngụp lặn trong bóng tối của đam mê lầm lạc, và bị kìm tỏa trong vòng nô lệ luẩn quẩn cho tiền bạc, danh vọng...
Cũng xin cho chúng con, những người đã được xức dầu và sai đi, biết giảm bớt thu lợi cho mình để chia sẻ nhiều hơn cho mọi người, biết xóa nợ cho nhau cả về vật chất, tình cảm và tinh thần, hầu hoàn thành nhiệm vụ mang niềm tin, niềm vui, sự tự do cho mọi người nhờ tình thương của Chúa, đừng để cuộc sống ích kỷ, khô cằn của chúng con ngăn cản Tin Mừng của Chúa đến với những người nghèo khó. Amen. (Mượi ý)
Than men,
M.Goretti duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét