Ý nghĩa ngày tết Việt Nam
1/6/2017- conggiao.info
Lịch sử ra đời ngày Tết
Tet-Vietnam.jpgTết Nguyên đán (hay còn gọi
là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết) là
dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc
chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Chữ "Tết" do chữ "Tiết"
mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" có gốc chữ Hán; "nguyên" có
nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc
đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán" .
Vì Âm lịch là lịch theo
chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi
nôm na là Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu
năm của dịp Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và
sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng
2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7
đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7
tháng Giêng).
Nguyên nghĩa của từ
"Tết" chính là "tiết". Văn hóa Đông Á – thuộc văn minh nông
nghiệp lúa nước – do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã "phân chia" thời
gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau trong đó tiết quan trọng nhất là tiết
khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán sau này được
biết đến là Tết Nguyên Đán.
Theo lịch sử Trung Quốc,
nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời
kỳ cho đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức
tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Người Việt tin rằng vào
ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người,
vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng
tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết họ
kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm
khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau
những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì xì bằng một
phong bì đỏ thắm có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết. Tết ở 3 miền
Bắc, Trung, Nam ở Việt Nam cũng có những điều khác nhau.
Ý nghĩa ngày tết Việt
Nam:
Ở Việt Nam là những ngày
lễ hội lớn cho cả nước. Những ngày ấy mọi xóm làng, nhà nhà, ai ai cũng nghỉ
làm việc và vui vầy đoàn tụ. Ngày tết có tính thiêng liêng và là một dịp làm mới
lại mọi việc.
Chính thức Tết là ngày lễ
gồm ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Giây phút thiêng liêng nhất là đêm
giao thừa, là lúc 0 giờ bắt đầu bước qua năm mới.
Người Việt ăn mừng Tết với
niềm tin thiêng liêng Tết là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn và là
ngày của hy vọng.
Ngày Đoàn Tụ - Tết luôn
luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở
xa, họ thường cố gắng dành tiền và thời giờ để về ăn Tết với gia đình. Đó là nỗi
mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp Tết
gặp mặt và quây quần đoàn tụ.
Tết cũng là ngày đoàn tụ
với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình
theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn
cơm vui Tết với các con các cháu.
Ngày Tết người ta cũng
hay thực hiện những nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần ban phúc cho gia
đình được nhiều sức khỏe, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an vui hạnh phúc
trong năm.
Ngày Làm Mới - Tết là
ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới
mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang
trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người,
để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải
mái, thanh thản hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh
bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều
tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều
được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm
nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên.
Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để
mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người Việt tin rằng những ngày
Tết vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới.
Tết là sinh nhật của tất
cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng
nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để
chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi, còn các cụ thì sống
lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.
Ngày của lạc quan và hy vọng
- Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin
lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
Ngày Tết người ta múa rồng
múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn thịnh
vượng về.
Mùa Tết cũng là mùa cưới
hỏi.
Các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp
và đang mùa hy vọng. Họ hy vọng cho một cuộc đời mới vợ chồng sống hạnh phúc
bên nhau và sẽ có đàn con ngoan.
Ngày Tạ Ơn
- Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm
vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp
chỉ huy. Ngược lại, cấp chỉ huy cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi
hoặc quà thưởng để ăn tết.
Nhiều gia đình đi chùa lễ
Phật đêm giao thừa để tạ ơn và theo truyền thống họ thường hái lộc, mang về nhà
những nhánh cây có lá non nụ mới, như xin Phật được sự tươi mát cùng phúc lành
mang về nhà.
Mồng Một tết - là ngày đầu trong năm, thường dành riêng cho gia
đình nhỏ của mình và gia đình bố mẹ chồng. Trẻ con người lớn đều mặc quần áo đẹp
quây quần bên nhau. Con cháu bắt đầu chắp tay trước ngực cung kính mừng tuổi và
chúc tết, chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà cha mẹ và người lớn lì
xì mừng tuổi cho trẻ con. Lì xì đây là tặng một chút tiền, thường là tiền giấy
mới tinh, gọi là chút quà đem lại may mắn cho trẻ con kèm lời chúc khuyến khích
trẻ con cố gắng học và sống hòa thuận với những người chung quanh.
Mùng hai tết - là ngày thứ nhì trong năm mới, thường dành để thăm
viếng và chúc tết gia đình bên vợ và gia đình những người bạn thân. Đi tới đâu
trẻ con cũng được lì xì và lời chúc mừng năm mới.
Mùng ba tết - là ngày thứ ba trong năm mới. Mối giây liên hệ xã
giao mở rộng ra ngoài phạm vi gia đình. Trong ngày này, người Việt đi chúc tết
thầy giáo, hàng xóm, bạn bè....
Tối ngày mùng ba tết là bữa
cơm cúng tiễn đưa tổ tiên về lại thiên đường. Các gia đình đốt vàng mã là tiền
và thỏi vàng, bạc bằng giấy để gửi tiền lộ phí cho tổ tiên về chầu trời.
Mùng bốn tết - là ngày thứ tư, là ngày chẵn tốt ngày. Mọi cơ quan,
văn phòng dịch vụ, cửa hàng thường chọn ngày này để mở cửa lại. Khi xưa, các vị
học giả nhà nho cũng cẩn thận chọn ngày tốt, giờ tốt đem bút giấy ra khai bút
làm thơ hay viết câu đối.
Ta thường nói “Ba ngày Tết”
nhưng thật ra không khí Tết kéo dài cả tháng. Những lễ hội mừng Tết lan rộng từ
phạm vi gia đình, tới họ hàng, làng xã, đâu đâu cũng có hội mừng xuân. Người ta
nô nức rủ nhau đi thật nhiều chùa để xin được nhiều phúc lộc. Tất cả mọi người
vui đùa với nhau, sống trong sự hòa thuận và đoàn kết. Đó là những ý nghĩa tuyệt
vời của ngày TẾT Việt Nam./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét