Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

CHUYỆN THƯƠNG XÓT

 

Sun, 09/04/2023 - Trầm Thiên Thu

CHUYỆN  THƯƠNG  XÓT

Đức Chúa Thương Xót Luôn Thể Hiện

Tin Mừng Phục Sinh Mãi Loan Truyền

Đức Mẹ Maria đã xưng tụng: “Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1:54-55) Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ cạn, chuyện lòng thương xót kễ mãi cũng chẳng hết.

Trình thuật Ga 20:19-31 là sự kiện quen thuộc nói về tình trạng “cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Như trong một bộ phim hoặc cuốn truyện, nhân vật phản diện thường không được người ta có cảm tình, nhưng có lẽ chúng ta quên rằng nhân vật phản diện đó lại làm “nền” để nổi bật nhân vật chính diện. Thánh Tôma cũng là “đích nhắm” của chúng ta mỗi khi đề cập đức tin – nhất là trong Mùa Phục Sinh, cách riêng là Chúa Nhật II Phục Sinh.

Có lẽ ông Tôma là con người thực tế nên ông muốn cái gì cũng cụ thể, rõ ràng. Chúng ta “chê” ông cứng lòng, nhưng chính chúng ta cũng vẫn cứng lòng vậy, bằng chứng là chúng ta chưa tin vào Kinh Thánh và các chứng cớ của Giáo Hội, thế nên đức tin của chúng ta vẫn dễ bị “lung lay” mỗi khi gặp gian khổ, và rồi chúng ta vẫn chạy đua về các “sự lạ” ở chỗ này hoặc chỗ nọ vì tò mò hoặc hiếu kỳ hơn là vì đức tin. Vậy không là cứng lòng sao?

Thánh sử Gioan cho biết rằng vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ ở trong phòng đóng kín cửa vì họ sợ người Do Thái, trong “khoảng sợ hãi” đó có thể có phần họ sợ cũng bị lôi cổ ra hành hình nếu bị phát hiện. Ớn thật đấy! Nhưng bất ngờ Chúa đến giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn.

Các môn đệ vui mừng vì được gặp lại Thầy. Và Ngài nói với họ: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” Thế nhưng chiều hôm đó không có mặt ông Tôma – Điđymô. Sau đó, các môn đệ khác nói với ông về việc thấy Chúa nhãn tiền, nhưng ông nói chắc nịch: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Coi bộ “căng” thật!

Một tuần sau, các tông đồ lại quy tụ, lần này có cả ông Tôma. Các cửa cũng vẫn đóng kín mít. Thật kỳ lạ, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa và chúc bình an cho họ. Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ngại quá, ông chỉ còn biết sụp lạy và thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đó là một cách thú tội. Chúa Giêsu nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29)

Sau khi sống lại, hai lần đầu Ngài hiện ra đều vào “ngày thứ nhất trong tuần” và khi các tông đồ đang họp nhau. Điều đó cho thấy việc thờ phượng Chúa vào ngày Chúa Nhật là việc quan trọng trong đời sống tâm linh của các Kitô hữu, đó cũng là ngày nhận phúc lành bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép lại. Còn những điều đã được chép ở đây là để người ta TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Ngài. Thánh Giacôbê cũng có cách nói tương tự: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Ngài làm chỗ nương thân.” (Gr 17:7)

Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng. (Ga 13:1) Chính vết thương nơi Thánh Tâm Ngài là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót, chính Máu và Nước đó đã làm cho viên đội trưởng Longinô sáng mắt, [2] và rồi ông đã phải thú nhận ngay tại chân Thập Giá vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa, là người công chính!” (Mt 27:59; Mc 15:39; Lc 23:47) Tin để được Thiên Chúa thương xót là hệ lụy liên kết chặt chẽ, không thể tách rời. Chúa Giêsu được Chúa Cha trao trọn quyền, và là độc đạo dẫn đến Chúa Cha, bởi vì Chúa Giêsu là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài. (Ga 14:6)

Niềm vui Phục Sinh gợi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước khi Ngài chịu chết: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:1-3) Lời này là lực đẩy mạnh mẽ để tín nhân tiếp tục bước lữ hành trần gian cho đến cuối đời – lúc chúng ta được gặp và sống với Đức Kitô Phục Sinh vĩnh viễn.

Có nhiều mầu nhiệm, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Ngay trên đỉnh Canvê, Thập Giá đã nảy lộc, đơm hoa và kết trái. Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần khi Ngài phục sinh vinh hiển, ngôi mộ trống là chứng có hùng hồn đầy tính thuyết phục, mặc dù người ta đã hèn nhát hối lộ nhau để bóp méo sự thật: “Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.” (Mt 28:15)

Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được Thánh GH Gioan Phaolô II thiết lập ngày 30-4-2000, ngày tuyên thánh Nữ tu Faustina Kowalska (1905-1938), vị tông đồ tiên khởi của LCTX. Tình Yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa, và LCTX tuy ba mà một. Chính Chúa Giêsu đã mặc khải ước muốn của Ngài cho Thánh nữ Faustina: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó.” (Nhật Ký, số 341) Ngài hứa: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta.” (Nhật Ký, số 1109)

Ơn tha thứ hoàn toàn đó là Ơn Toàn Xá mà người trộm lành Dismas đã được nhận ngay trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm xưa trên đồi Golgotha. Cũng từ Giờ Cứu Độ đó, Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã tuôn trào chan hòa mãi đến muôn đời cho mọi người, chỉ với một điều kiện đơn giản là thật lòng sám hối và tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

Đức tin vô cùng quan trọng, vì Thánh Phaolô xác định: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.” (Rm 3:28) Ngoài Tám Mối Phúc, còn có Mối Phúc đặc biệt liên quan đức tin, và có thể coi như “mối phúc thứ chín” do chính Chúa Giêsu xác nhận: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29) Chắc chắn rằng “bất kỳ ai tín thác vào Đức Kitô – Đấng làm người, tử nạn và phục sinh – sẽ không phải thất vọng.” (x. Rm 10:11; 1 Pr 2:16)

Đề cập vấn đề đức tin trong ngày lễ kính LCTX, xin được “mở ngoặc” nhỏ: Có những người Công giáo vẫn tin vào tử vi. Họ lý luận rằng đó là khoa học, không có tội. Cách biện hộ nguy hiểm quá! Nên biết rằng tử vi hoặc tử vi đẩu số” là hình thức bói toán để biết trước vận mệnh con người được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết âm dương, ngũ hành, can và chi,… [1] Người ta lập lá số tử vi với Thiên bàn, Địa bàn và các Cung sao – gọi là “chấm tử vi.” Căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính để lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người. Vậy không phải là dị đoan ư? Miệng nói tin Chúa mà lòng có tin? Chúng ta phó thác tương lai cho Chúa hay tử vi? Thảo nào Chúa Giêsu trách là “mồ mả tô vôi,” vì chỉ tin bằng môi miệng – nghĩa là giả hình y như Pharisêu vậy!

Người Việt so sánh: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Cái “phẩm” quan trọng hơn cái “lượng.” Rễ càng sâu thì cây càng vững, loại cây nào có rễ ăn nổi thì dễ đổ khi gặp mưa gió. Vấn đề đức tin tương tự, nếu không có chiều sâu thì chỉ là đức tin trống rỗng, hào nhoáng bề ngoài mà thôi. Thực tế minh nhiên!

Nói về việc sống đức tin, Thánh Faustina cho biết: “Tôi đã thấy rõ thánh ý Chúa đang và sẽ được thực hiện đến từng chi tiết cuối cùng. Những nỗ lực điên cuồng của kẻ thù không thể cản trở chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những điều Chúa đã tiền định. Chẳng hề gì nếu có những lần công cuộc dường như hoàn toàn bị tiêu tan; vì chính khi ấy, công cuộc lại càng được củng cố hơn nữa.” (Nhật Ký, số 1659) Thánh Vịnh gia luôn vững tin: “Dẫu cho hồn xác suy tàn thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn.” (Tv 73:26) Chỉ người nào có đức tin son sắt như vậy mới có thể nói như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:39)

Tin vào Chúa là tin vào Tình Yêu của Ngài, là tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Trình thuật Cv 2:42-47 cho biết: “Ngày xưa, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.”

Đoạn văn ngắn gọn nhưng cho thấy rõ nét của một xã hội đại đồng, một cộng đoàn lý tưởng, luôn đầy ắp tình yêu thương, tình liên đới và sự hiệp nhất. Sống trong tình yêu thương như vậy là sống trong lòng thương xót, ai cũng thể hiện lòng thương xót với nhau ở mọi góc độ và mọi cấp độ, không chi li, không so đo, tính toán, không phe cánh, không vụ lợi, biết quên mình vì người khác,...

Những ai sống đúng lòng thương xót như vậy thì chắc chắn được Thiên Chúa cứu độ. Thiên Chúa trước sau như một, Ngài mãi mãi giàu lòng thương xót và bất biến: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:2-3) Thật vậy, Thiên Chúa muốn mọi người đều được hưởng Ơn Cứu Độ. Mỗi tín nhân đều có nhiệm vụ loan báo LCTX cho mọi người biết, và tuyên xưng: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.” (Tv 118:14)

Kỳ công của Thiên Chúa vô song. Chúa Giêsu là “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” nhưng lại “trở nên đá tảng góc tường.” (Tv 118:22) Vì thế, chúng ta hãy nhắc nhở nhau và đồng thanh: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!” (Tv 118:24) Trong tâm tình hân hoan đó, Thánh Phêrô vui mừng nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.” (1 Pr 1:3-5) Đó là lời chứng của người đã trải nghiệm các cung bậc sống, thực sự là lời chứng chính xác và đáng tin.

Thánh Phêrô nhắn nhủ thêm để động viên chúng ta: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1 Pr 1:6-7

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Qua gian khổ mà vẫn trung tín thì mới chứng tỏ đức tin sắt son, không nao núng trước mọi cám dỗ. “Không thấy mà tin” thực sự là một Mối Phúc. Tuy nhiên, miệng nói tín thác vào LCTX mà lại tin vào tử vi thì hoàn toàn bất xứng. Việc lặp đi lặp lại “lời tín thác” cũng chỉ như niệm thần chú, đọc như con vẹt, chứ trong lòng chưa thực sự tin tưởng thì vô ích mà thôi.

Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21) Ngôn hành phải song song, không thể nói một đàng làm một nẻo. Thánh Phêrô cũng giải thích rạch ròi: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.” (1 Pr 1:8-9)

Đức tin quan trọng, nhưng đức tin có những mức độ khác nhau ở mỗi người, đức tin càng sâu rộng càng có giá trị, và tất nhiên cũng cần trau giồi hằng ngày.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hằng hữu, chí thánh và giàu lòng thương xót, xin cho chúng con được sống dồi dào nhờ tín thác vào Con Một Ngài, Đấng chịu chết và phục sinh để cứu độ nhân loại. Xin giúp chúng con thể hiện lòng thương xót với mọi người trong cuộc sống đời này. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng yêu thương đến cùng và là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[1] Tử vi là tên một loài hoa tím – TỬ là tím, VI là huyền diệu. Khoa Chiêm Tinh Tướng Mệnh Đông Phương dùng loại hoa tím này để chiêm bốc.

[2] Đội trưởng Longinus (cổ ngữ Hy Lạp: Λογγῖνος, Longĩnos) kém thị lực, khi ông cầm ngọn giáo đâm vào Trái Tim Chúa Giêsu, Máu và Nước chảy theo ngọn giáo xuống tay, ông lấy tay dụi mắt và được sáng mắt, ông đã thật lòng tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa và đã chịu tử đạo, lễ ngày 15-03.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét