Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

THÁNH LỄ TIỆC LY

 

Wed, 05/04/2023 -  Lm Nguyễn Văn Độ

Thánh Thể - Chức Linh Mục - Giới Luật Yêu Thương

THÁNH  LỄ  TIỆC  LY

(Ga 13, 1-15)

Khởi đầu Tam Nhật Thánh bằng Thánh lễ Tiệc ly, tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể, lấy chính Thịt Máu Mình làm của ăn của uống nuôi dưỡng chúng ta. Để tiếp tục yêu thương và tha thứ cho con người, Chúa đã thiết lập thiên chức Linh mục đời đời. Và cũng chính hôm nay, Chúa truyền dạy chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu.

Thánh Phaolô kể lại như sau: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11,23-25).

Đoạn tường thuật trên là cổ xưa nhất ta có được về những gì đã xảy ra trong nhà Tiệc ly, do Thánh Tông đồ Phaolô kể lại. Thánh Phaolô không chứng kiến tận mắt, nhưng Người truyền lại điều đã được bảo quản như một mầu nhiệm thánh và đã được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn Kitô giáo trẻ trung.

Cao điểm của việc cứu độ chúng ta là cái chết trên Thập giá và sự sống lại từ cõi chết của Chúa Giêsu. Để cuộc tử nạn và sự sống lại của Chúa luôn hiện diện với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là thiết lập Bí tích Thánh Thể vào buổi chiều ngày thứ năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, tử nạn và Phục Sinh để cứu chúng ta. Để rồi mỗi khi tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận được ơn cứu độ y như người đứng dưới chân Thánh Giá trên đồi Calvariô xưa. Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn và cầu xin Chúa trước sáng kiến đầy yêu thương này.

Đức Cố Giáo hoàng Bênêđictô đặt câu hỏi: “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Thưa: Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội. Việc đóng đinh vào thập giá. nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Đức Bênêđictô XVI, 21-8-2005)

Thật không thể hiểu nổi, Thiên Chúa yêu nhân loại biết là chừng nào. Ngài đã yêu bằng một Tình Yêu trao ban, hy sinh và tận hiến. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa hiến chính thân mình làm lượng thực nuôi dưỡng chúng ta, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Không những thế, Chúa còn cho chúng ta tham dự vào sự sống của chính Chúa khi rước Mình và Máu Thánh Ngài, để được sống đời đời.

Sau khi lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng lập luôn bí tích Truyền Chức Thánh  khi Người nói  với các Tông Đồ hiện diện: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19 ;1 Cr 11, 24). Với lời trên, cho thấy Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tín nhiệm con người. Mặc dù phàm nhân bất xứng, Chúa vẫn ủy thác cho sứ mạng thay mặt Chúa hiện tại hóa Hy tế Thập giá trên bàn thờ mỗi ngày, tất cả là chỉ vì yêu chúng ta.

Khi Ngài rửa chân xong cho các môn đệ, một lần nữa, Ngài mời gọi chúng ta: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Bằng cách này, Ngài thiết lập một sự liên kết thân mật giữa bí tích Thánh Thể, bí tích của quà tặng hy sinh và huấn lệnh yêu thương.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập thiên chức Linh mục, chúng ta có nhiều dịp nhắc đi nhắc lại một câu rất sâu sắc nhưng cũng cần phải tìm hiểu thêm : Không có Thánh Thể thì không có chức Linh mục - không có chức Linh mục thì cũng không có Bí tích Thánh Thể (chỉ một lần rồi thôi). Hai điều đó gắn chặt, liên kết với nhau nhờ đức bác ái. Không thể tham dự Thánh Thể nếu không có Tư Tế, nhưng cũng không thể tham dự Thánh Thể nếu không có đức bác ái và sự tha thứ. Trong Bí tích Thánh Thể, tất cả chúng ta đều tham dự vào một Mình Thánh, một Máu Thánh, trở nên một thì chúng ta không còn tách biệt được nữa.

Ai tham dự bàn tiệc của Chúa thì người đó không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị. Mỗi lần chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng nói “Amen” trước Mình và Máu Thánh Chúa, như thế chúng ta cam kết thực hiện điều Ðức Kitô đã làm, là “rửa chân” cho anh chị em, trở nên một hình ảnh thực sự và tỏ tường của Ðấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ”(Phil 2,7).

Tình yêu là di sản cao quý nhất mà Ðức Kitô để lại cho những ai được Ngài kêu gọi bước theo Ngài. Chính tình yêu của Ngài, được chia sẻ bởi các môn đệ, là điều được ban tặng cho tất cả nhân loại trong buổi chiều nay.

Thánh Thể là một ban tặng cao cả, nhưng cũng là một trách nhiệm lớn lao cho những ai tiếp nhận. Ðứng trước Phêrô, người đã từ chối không chịu để được rửa chân, Ðức Giêsu đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải nên thanh sạch để có thể dự phần vào bàn tiệc Thánh Thể.

Nghi thức rửa chân nói lên sự khiêm tốn của mình đối với người khác, nhìn nhận rằng mình là người có tội, nếu có điều gì là do tôi chứ không phải do anh em, tha nhân thật sự là anh em của tôi. Bác ái không phải là chối từ việc người khác không có lỗi, nếu lỗi là có lỗi với Chúa. “Rửa chân cho nhau” chứ không phải rửa chân cho người trên hay cho người dưới, tất cả đều là tha thứ, yêu thương và giúp đỡ nhau.

Chúng ta cầu xin Chúa cho Thánh lễ cử hành chiều hôm nay, đưa chúng ta vào trong ba Mầu nhiệm : Mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể, Mầu nhiệm của thiên chức Linh mục, và giới răn trọng nhất là bác ái yêu thương. Chúng ta cố gắng ghi nhớ những điều này để đưa vào trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình và Máu Thánh Chúa để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con một niềm sùng kính, mến yêu bí tích kỳ diệu này để cảm tạ tình yêu của Chúa và để chúng con nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét