Thu, 06/04/2023 - Lm Xuân Hy Vọng
NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH
Thế giới đảo điên trước
tin đồn, tin nóng hổi, nào là người từ cõi chết trở về dương gian, người nằm
trong mồ trỗi dậy về với gia đình trước sự bàng hoàng, hoảng sợ của gia luyến,
người được xác quyết là đã lìa thế, nay lại trở về, v.v...Theo thói thường, con
người chúng ta có xu hướng mong mỏi sự kiện, thông tin ‘shock’, thích bàn tán,
bàn luận về ‘thế giế bên kia’, phép lạ này phép lạ kia, v.v... Thế thì, đứng
trước niềm xác tín, lòng tin Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta có thái độ thế nào,
và sống chứng tá ra sao?
Trước tiên, chúng ta cùng
tán tạ Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công vĩ đại và hân hoan chia san niềm
vui Chúa Phục Sinh với nhau “Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a”. Thiết
nghĩ rằng lời chúc mừng này chính là động lực, niềm xác tín của đời sống Ki-tô
hữu chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng khẳng định khi Ngài nói về sự phục sinh của
Đức Ki-tô như sau: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy từ cõi chết, thì lời rao giảng
của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng...và nếu Đức
Ki-tô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền...nếu chúng ta chỉ
đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ
đáng thương hơn hết” (x. 1Cr 15, 14.17.19). Vì thế, niềm vui phục sinh là bài
ca tán tụng Thiên Chúa, là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta.
Thế nhưng, sự chiến thắng
khải hoàn này, sự phục sinh này không phải nhờ vào công trạng, lòng đạo đức
thánh thiện của riêng ta, mà đây chính là sự chiến thắng tử thần của Đức Giê-su
Ki-tô, và nhờ vào lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa mà chúng ta được
thông phần vào niềm hân hoan phục sinh của Chúa Ki-tô. Hơn nữa, một khi chúng
ta kết hợp mật thiết với Ngài, đồng chịu tử nạn với Ngài, đóng đinh những sai lầm,
tội lỗi, tính hư nết xấu của bản thân chúng ta, thì chúng ta sẽ được cùng sống
lại với Ngài. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Có bước qua con đường thập giá, mới
nhận được vòng hoa phục sinh” (no cross, no crown). Thật vậy, lắm lúc, chúng ta
mong muốn, hồ hởi đón nhận niềm vui, vòng hoa chiến thắng vinh quang, nhưng
chúng ta chẳng muốn thông phần, chịu tử nạn, bước qua con đường hy sinh, dâng
hiến ‘con đường thập tự’! Lắm lúc, chúng ta khước từ lời mời gọi ‘uống chén đắng’
với Thầy Giê-su trong mọi giây phút sinh hoạt hằng ngày, mà chỉ ước mong nhanh
nhanh lãnh lấy triều thiên quang vinh!
Trong các bài đọc hôm
nay, Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy xác tín, tin vào
Ngài, vì chỉ có Ngài là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11, 25). Thứ đến, hãy
trở nên nhân chứng cho Chúa Ki-tô phục sinh qua mọi sinh hoạt, mọi nơi, mọi
lúc, trong mỗi cử chỉ, lời ăn, lối suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách sống
xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn, vì chúng ta là đoàn dân của Chúa Ki-tô
phục sinh như chính ĐHY Luis Antôniô G. Tag-lê (trước kia là TGM Ma-ni-la,
Phi-luật-tân; hiện tại là Chủ tịch Thánh Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc)
đã xác tín khi ngài viết sách suy tư về ơn gọi cùng đích của người Ki-tô hữu,
và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo với tựa đề nguyên bản ‘The Church: The People
of the Resurrection’ (tạm dịch: Giáo Hội: Tín Hữu của Niềm Tin Phục Sinh). Theo
ngài, mỗi Ki-tô hữu là một chứng nhân của niềm hân hoan Phục Sinh, chứ chẳng phải
là người ủ dột, buồn sầu. Người Ki-tô hữu là chứng tá sống động của Chúa Ki-tô
Phục Sinh, chứ không phải là người vô cảm, vô hồn, chẳng màng đến sự thống khổ
của đồng loại. Người Ki-tô hữu là những người con cưng của Giáo Hội luôn mang
trong mình niềm tin Chúa Ki-tô Phục Sinh, luôn mặc lấy con người mới, con người
của sự chia san, của sự quên mình, luôn nghĩ cho tha nhân, và đặt Chúa Ki-tô
làm chủ, trung tâm đời sống của mình.
Tương tự bà Ma-ri-a
Mag-đa-lê-na, với lòng trìu mến, gắn bó với Chúa Giê-su, và nhất là bà đã đặt
Ngài làm chủ, làm trung tâm của mọi sinh hoạt của bà; thế nên, bà đã chiến thắng
nỗi sợ sệt khi phải một mình ra mộ lúc trời còn tối (x. Ga 20, 1). Bà trở nên
can đảm nhanh nhẹn chia san, loan truyền những gì bà cảm nghiệm, cảm nhận, và
đón nhận từ Chúa Phục Sinh. Cũng như Phê-rô, Gio-an đã dật tung cánh cửa khép
kín bởi nỗi sợ hãi mà ra khỏi con người cũ của mình, đến với niềm xác tín vào
Chúa Phục Sinh, và trở nên chứng tá Tin Mừng “ông thấy và ông tin” (x. Ga 20,
9). Hơn nữa, như Phao-lô được mời gọi hoán cải từ một người bắt bớ, cấm cách
tín hữu tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, trở thành tông đồ nhiệt thành, sống và
làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh “...Ngài đã truyền cho chúng tôi rao giảng
cho toàn dân và làm chứng rằng chính Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh...” (x.
Cv 10, 42). Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của niềm tin Chúa Phục
Sinh trong đời sống thường nhật, và cũng được thông phần vào sự hân hoan trọn vẹn
mà Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta, đó là ơn cứu độ, và chiến thắng sự chết.
Chúa đã sống lại thật rồi,
Al-lê-lui-a! Chúng ta hãy hân hoan, mừng rỡ, chia san, thông truyền niềm vui Phục
Sinh đến hết mọi người, mọi dân nước vì Chúa đã chiến thắng sự chết và sống lại
vinh quang. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
SỐNG NIỀM VUI
PHỤC SINH GIỮA ĐỜI
Tại một làng nọ, có một
người đạo đức thánh thiện đầy khôn ngoan, được mọi người yêu mến và ai ai cũng
gọi đây là vị thánh sống. Người ta khắp nơi đổ về, tư vấn, hỏi han mọi chuyện.
Trong đó có một vị bề trên tu viện đến tìm và lo lắng trình bày về tình trạng
bi đát của tu viện. Được biết, trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút
vô số khách hành hương; nhà nguyện lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân khắp
nơi tuôn đến; nhà dòng không còn chỗ nhận thêm người xin gia nhập. Thế mà bây
giờ tu viện hoang vắng hơn ‘chùa Bà Đanh’; nhà thờ chìm lắng, số tu sĩ èo uột,
leo teo mấy người. Cuộc sống thật buồn tẻ!
Vì thế, vị bề trên đánh
liều đến hỏi người khôn ngoan này về nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đẩy tu
viện tới tình trạng trên. Người khôn ngoan đạo đức thánh thiện này ôn tồn đáp:
‘Có lẽ, sai lầm của cộng đoàn là thái độ vô tình, dửng dưng chăng!’ Và ông tiếp
tục giải thích: ‘Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người hiện diện giữa quí vị,
nhưng dường như quí vị không nhận ra Ngài!’ Nghe lí giải xong, vị bề trên này
trở về tu viện. Từ đó trở đi, ai ai cũng thay đổi thái độ, đối xử với nhau như
với Đấng Cứu Thế vậy. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ trở nên thắm
thiết, sức sống mới nảy sinh, và niềm vui tràn ngập tu viện. Khắp nơi người ta
lại tìm đến tu viện tĩnh tâm cầu nguyện; các bạn trẻ quay về xin gia nhập cộng
đoàn.
Niềm hân hoan khôn tả này
khởi sự từ tin mừng vui, đó là Đức Giê-su Ki-tô đã phục sinh khải hoàn; ánh
sáng Ngài rạng ngời, chiếu tỏ khắp nơi, xoá tan bóng đêm tăm tối tử thần và tội
lỗi, ngỏ hầu dẫn đưa con người chúng ta bước vào miền ánh sáng sự sống. Lòng
sung sướng, sức sống hồi sinh này phát xuất từ tin vui mừng Đức Giê-su Ki-tô Phục
Sinh luôn hiện diện giữa những ai tin Ngài sống lại hiển vinh, mang lại cho họ
niềm hoan hỷ và bình an trong đời sống mới. Nếu ngôi mộ u tối đã không thể chôn
giữ Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, và gông cùm sự chết đã bị bẻ gãy, xiềng xích tội
lỗi bị phá tan, thì không còn gì có thể tiêu diệt chúng ta được. Thật vậy,
Thánh Phao-lô Tông đồ đã xác tín rằng: “Ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi
tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm
nguy, bắt bớ hay gươm giáo?…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35. 39).
Chúa Ki-tô Phục Sinh là nền
tảng cho đức tin của chúng ta. Đây là một biến cố lớn lao nhất, vĩ đại nhất chứng
thực Đức Giê-su là Thiên Chúa. Đó là lí do Thánh Phao-lô đã không ngần ngại tỏ
bày: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
và cả đức tin của anh (chị) em cũng trống rỗng” (1Cr 15, 14). Thật vậy, “Đức
Giê-su là Chúa, Ngài đã sống lại từ cõi chết” (Rm 10, 9) là trọng tâm, cốt lõi
của Tin Mừng khởi nguyên (kerygma), lời rao giảng của các Tông đồ, vì chưng
Chúa đã báo trước Ngài sẽ trỗi dậy từ cõi chết và sai các Tông Đồ ra đi loan
truyền tin vui ấy cho hết mọi người. Hơn nữa, Lễ Phục Sinh đem lại cho chúng ta
niềm vui tràn trề hy vọng và ơn can đảm trong cuộc sống đầy đau khổ và thử thách
này, bởi vì chúng ta xác tín rằng mình còn có cuộc sống vinh hiển mai sau với
Chúa Ki-tô. Vì thế, sống niềm vui Phục Sinh chính là chết đi cho tội lỗi để sống
lại với Chúa trong đời sống mới, đời sống Phục Sinh. Sống niềm vui Phục Sinh
chính là tin rằng Chúa đã sống lại khải hoàn, đã cứu thoát chúng ta khỏi vòng tội
lỗi, nên chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng phó thác và lòng trông cậy nơi Ngài. Sống
niềm vui Phục Sinh chính là sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện
diện của Chúa Giê-su Phục Sinh. Sống niềm vui Phục Sinh không phải ‘hô một cái,
đau khổ biến mất’, mà đức tin vào Chúa Phục Sinh mang lại ý nghĩa trổi vượt cho
đau khổ, và chiếu sáng tia hy vọng lên khổ đau, cũng như những ai đang trầm kha
khốn cùng. Bởi vậy, dù vẫn sống giữa những đau thương, nhưng Chúa Ki-tô Phục
Sinh hằng ân ban cho tâm hồn chúng ta niềm vui khôn tả, tuy âm thầm nhưng chất
chứa và bình an sâu lắng.
Tắt một lời, cộng đoàn tu
viện trong câu chuyện kể trên chỉ tìm lại được bầu không khí yêu thương và niềm
vui huynh đệ khi và chỉ khi mọi người nhận ra Chúa Cứu Thế, Đức Ki-tô Phục Sinh
đang sống-đồng hành với họ, đang hiện diện giữa họ, và trong người anh em. Chúa
đã sống lại thật, nào chúng ta hãy hoan hỷ mừng vui, Hal-lê-lui-a!
Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh,
xin cho mọi người chúng con luôn biết sống niềm vui Phục Sinh giữa đời đầy biến
động này. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét