Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Sống dồi dào

 

Thu, 27/04/2023 - Lm Phan Văn Lợi

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM A: GA 10,1-10

Sống  dồi  dào

 

            Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”. Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

            Vậy, Đức Giê-su lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào”.                   

SỐNG DỒI DÀO

            Ngày 24 tháng 2 năm 1954, xảy ra một vụ cướp ngân hàng tại thủ đô Paris nước Pháp. Một thanh niên tên Jacques Fesh đã dùng súng bắn trọng thương một nhân viên ngân hàng, sau đó giết chết một nhân viên cảnh sát, đồng thời làm một số người qua đường bị thương. May mà nhân viên công lực đã tóm cổ được hắn.

            Tại phiên tòa, phạm nhân không hề hối hận về tội đã phạm mà còn ngạo nghễ khiêu khích mọi người có mặt. Ban đầu người ta nghi hắn mắc bệnh tâm thần, nhưng trắc nghiệm tâm lý và điều tra lý lịch cho thấy tên Jacques này chỉ là một đứa con được cưng chiều quá hóa ra mất dạy. Thật thế, Jacques Fesh là quý tử của một chủ ngân hàng giàu sụ nước Bỉ. Cho tới tuổi 24, cậu muốn chi được nấy, không hề thiếu thốn sự gì. Cậu đã phung phí tuổi xuân trong ăn chơi, lười biếng và ương ngạnh; học trường nào cũng chỉ được vài bữa là bị đuổi. Đầu năm 1954, cậu nổi hứng đòi bố mẹ cho tiền mua một chiếc thuyền buồm trị giá tới 2 triệu francs. Bị từ chối, Jacques xách súng đi cướp ngân hàng, thành kẻ sát nhân, bị sa lưới pháp luật và phải lãnh án tử hình.

            Nhưng trong ba năm ngồi tù chờ đợi ngày lên máy chém, chàng đã say mê đọc Kinh Thánh, gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa và trở thành một hối nhân đích thực. Chàng bắt đầu ý thức rõ về tội lỗi mình nên tìm chuộc lại bằng cách hết sức giúp đỡ bạn đồng tù, nối lại tình yêu với người vợ trẻ và gặp gỡ Thiên Chúa mỗi ngày qua kinh nguyện. Chàng liên tục gởi thư cho vợ và trong mỗi lá thư, người ta đều đọc thấy bề sâu của một tâm hồn dần dần đổi mới nhờ được biết Chúa Ki-tô. Trong một lá thư, chàng tâm sự : “Em yêu, trước kia anh chỉ là một cái xác động đậy mà thôi. Nay anh thâm tín rằng đây là lần đầu tiên trong đời, anh thực sự sống, sống cách dồi dào”. Một ngày trước khi bước lên máy chém, chàng viết : “Cuộc hành quyết sẽ xảy ra ngày mai, lúc 4 giờ sáng. Xin cho ý Chúa được nên trọn ! Em yêu, trong 5 tiếng đồng hồ nữa, anh sẽ được gặp Chúa Ki-tô. Tạm biệt ! Đợi em trên thiên đàng”.

           Ngày 06-04-1957, sau khi chịu Mình Thánh Chúa, Jacques đã hiên ngang bước lên máy chém. Đội lính canh pháp trường hôm đó cho biết: họ chưa bao giờ thấy một tử tội bước lên đoạn đầu đài với lòng dũng cảm, can trường và bình thản như vậy, y như một vị thánh tử đạo. Các lá thư anh viết cho vợ được in thành sách dưới cái tên “Ánh sáng trên đoạn đầu đài” và đã làm chấn động mọi giới. Năm 1987, Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger, Tổng Giám mục Paris, đã cho lập hồ sơ về cuộc đời anh, và năm 1993 đã ký đơn xin phong chân phước cho anh. (Xem thêm Wikipedia).

            1. Chúa là sự sống dồi dào

            Tử tội Jacques Fesh đúng là người trong lúc nguy cấp, đã biết dùng ba số điện thoại khẩn để gọi Thiên Chúa, nghĩa là ba câu Tin Mừng sau đây : Lc 1,37 : “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” - Mt 25,40 : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” - Ga 10,10 : “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

            Ngay khi nghĩ đến câu Ga 10,10 này, kết thúc của bài Tin Mừng hôm nay, ngay khi mặt giáp mặt với nó, thì ý tưởng sống dồi dào phải tràn ngập tâm trí miệng lưỡi chúng ta và phải làm cho lời cầu nguyện của chúng ta toát lên nét thỏa thuê kinh ngạc. Đa phần ta đến với Thiên Chúa là để phàn nàn hay xin xỏ. Với Ga 10,10, chúng ta nhìn ngắm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đang hạnh phúc vì được làm chúng ta thỏa mãn.

            Thiên Chúa có thể cho chúng ta sống dồi dào, cảm thức đó thường thấy trong Thánh Kinh. Có nhiều bản văn, nhưng thiết tưởng cùng với Ga 10,10 thì hay hơn hết vẫn là Thánh vịnh 22 (Chúa là Mục tử chăn dắt tôi) và Thánh vịnh 64: “Chúa làm vang tiếng reo cười, cửa đông sáng sớm cửa đoài chiều hôm. Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi. Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao” (cc. 9-14).

            Ta biết nhiều người, than ôi, có cái gì đó để viết một thánh vịnh khác hẳn; họ sẽ phàn nàn về một cuộc sống quá nặng nhọc, vắng tiếng cười, chẳng phú túc giàu sang. Nhưng không thể tin rằng câu Ga 10,10 chỉ là một bọt nước xinh xắn vỡ tan ngay khi chạm phải thực tế. Nếu Đức Giê-su đến “để chiên có sự sống dồi dào”, thì phải lật qua lật lại khẳng định này cho tới khi thấy nó là một niềm hy vọng phải đặt vào mọi bàn tay. Trước mặt Đức Giê-su không có những kẻ may mắn và kém may mắn, Người là một may mắn đối với tất cả. Khác nhau theo mỗi cuộc đời, nhưng luôn luôn là cơ may để sống đến cùng, sống tận mức.

            2. Để dồi dào sự sống Chúa.

            Thế tại sao lại có biết bao cuộc đời thiếu máu, ẻo lả ? Thưa vì nếu có những tín hữu thật sự nhảy chúi vào trong đức tin, thì lắm kẻ khác lại chỉ nhúng ngón chân cách rụt rè. Điều đó từng làm Đức Giê-su đau khổ và tức giận, vì thiên hạ như trói tay Người: “Đồ cứng lòng! Ta có thể làm tất cả nhưng cho những ai tin thôi” (x. Mc 9,23).

            Hãy ngắm nhìn một đức tin mạnh mẽ và bạn sẽ thấy rằng tất cả trở thành khả hữu đối với người tin đến độ đó. Bạn sẽ khám phá ra rằng cuộc sống “dồi dào” có trong bất kỳ mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh tồi tệ nhất như trường hợp tử tội Jacques Fesh trên đây. Ai có ngờ nổi một sự đổi đời tuyệt diệu như thế. Anh chẳng phải là người trộm lành của thế kỷ XX ư ? Rồi những hoàn cảnh thường thấy hơn như khi bị gặm nhấm bởi mối lo về tiền bạc, khi đi vào trong đường hầm của một cơn bệnh thập tử nhất sinh, khi tình yêu hay niềm tin bị bội phản, khi không còn những tài năng thu hút tình bạn và tạo được thành công. Đối với chúng ta tất cả, những người luôn đụng phải các giới hạn ấy, câu Ga 10,10 là một mạc khải quan trọng, chờ đợi đức tin của chúng ta. Thậm chí và nhất là một đức tin hay hỏi : - Ta đến để đời con được đầy tràn - Lạy Chúa, con tin Ngài, nhưng xin chỉ cho con thấy làm sao cùng với Ngài, con có thể đổ đầy đời con. Nó đang sổ ra, nó đang bế tắc, nó đang cạn dần!

            Cùng một thử thách nghiền nát người này và ban cho người kia một kiểu tái sinh, đức tin nơi nhiều kẻ đã có thể giật nhiều ân huệ cần thiết để thay đổi cuộc đời họ. Nhưng phần lớn trường hợp, và đây là một điều kinh khủng, người ta cầu nguyện mà chẳng thật sự tin vào đó. Trung tâm Thánh Mẫu Lộ-đức (Pháp Quốc) hay La Vang (Việt Nam) là một thí dụ. Ở đấy có ít phép lạ lành bệnh, nhưng biết bao cuộc đời bị giam hãm trong thân xác và con tim đã từ đó trở về mà được giải thoát. Bình an của họ, nụ cười của họ cho thấy từ nay đời họ đã đặc biệt đầy tràn. Xin được lặp lại : với Chúa Ki-tô, người ta bao giờ cũng có thể khởi công, tiến tới, hay ít nhất biết chịu đựng đến độ vẫn sống đẹp đời mình. Người ta cuối cùng đã tìm được phương thế để hiện hữu hơn bằng cách yêu mến hơn. Và với tình yêu này, ta làm cho thiên hạ chung quanh mình an vui sung sướng. Tất cả đó chẳng phải là “sống dồi dào” sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét