Thu, 20/04/2023 - Lm Anmai, CSsR
TÔI THẤY GÌ NƠI NGƯỜI NƠI TÔI ĐANG SỐNG
Tôi đang hiện diện và sống với những
người khác ngôn ngữ, khác văn hóa và khác lối ... suy nghĩ.
Như một mối duyên mà hơn thế nữa,
càng ngày tôi càng nhận ra đó là ân huệ mà Chúa ban cho tôi khi tuổi già sức yếu.
Hèn mọn cùng với biết bao nhiêu hạn chế của tinh thần và thể xác nên tôi vui
cũng như bằng lòng những gì tôi đang có và tôi đang sống.
Ở với người nghèo! Dĩ nhiên không cần
phải nói nhiều lời. Nơi đây họ nghèo lắm!
Nhiều người hỏi tôi là ở đây họ sống
bằng nghề gì? Họ có làm ruộng không? Họ có chăn nuôi không? bla bla ...
Sống ở vùng nông nghiệp thì phải
chăn nuôi chứ! Sống vùng nông nghiệp nên phải trồng trọt chứ! Chuyện có thế mà
cũng hỏi.
Chuyện cần hỏi là họ có đất không để
trồng trọt, họ có súc vật hay không để chăn nuôi? Họ có con giống, cây giống
không để mà chăm sóc và phát triển đời sống.
Mọi người biết. Cách đây 10, 20 năm
thì số người không nhiều. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khá cao và nhất là với
vùng anh chị em sắc tộc nơi tôi đang sống lại khá cao. Kèm theo đó là chuyện
15, 16 tuổi đã có con là chuyện không khó thấy. Có khi chỉ 14 mà thôi.
Thực tại là đất đai không có và
cũng không còn. Bí quá thì bán chia cho con cái cùng với những nhu cầu đua theo
xã hội hết rồi. Lấy đâu mà trồng trọt hay canh tác nữa. Và rồi chuyện gì sẽ xảy
đến ? Đứa mà lanh lanh một chút hay chịu khổ một chút thì tìm đường “cứu nước”.
Những người đó sẽ tìm đến Bình Dương, Đồng Nai hay Sài Gòn để kiếm sống. Tiếc
thay là trong mùa dịch và sau mùa dịch thì công việc không còn nhiều như trước
nên phần lớn phải về quê sinh sống.
Cuộc sống xem chừng càng ngày càng
khó khăn và khắc nghiệt.
Mới hồi trưa, một người thân quen hỏi
tôi về đời sống ở đây. Tôi trả lời là khó nói lắm! Nói ra cũng chả được gì.
Chung chung là quanh năm người dân khổ.
Thế nhưng có một điều tôi trăn trở
và suy nghĩ rằng mình nói họ khổ là theo cái nhìn của mình. Còn với họ, họ có
khổ đâu. Đơn giản là vì nhu cầu cuộc sống của họ đơn giản chỉ có thế. Quanh năm
suốt tháng sống trong làng với nhau, có cái gì ăn cái đó thôi chứ chả có nhu cầu
gì cao. Và như thế, họ đâu có khổ. Khổ chăng đó là chúng ta. Chúng ta khổ là vì
nhu cầu của chúng ta quá cao và quá lớn.
Với người Kinh thì có lẽ chiếc
smartphone không còn xa lạ gì cả. Có khi có người có tận 2 cái. Nhưng với anh
chị em đồng bào ở đây, tỷ lệ có smartphone chiếm tỷ lệ rất thấp. Và dường như
tôi chưa thấy ai xài Iphone cả, Họ đơn giản lắm ! Đâu đủ tiền. Cứ mua cái vài
triệu bạc là khá lắm rồi! Mà cũng đâu phải người nào cũng có smartphone.
Vừa qua, khi chứng hôn cho 36 đôi.
Báo cho các đôi đó nhắn lại số zalo hay mạng xã hội để gửi hình thì được hồi
đáp là 4 người. Trong khi đó, nếu như người Kinh thì ngày chứng hôn chắc có lẽ
có rất nhiều phó nháy hay điện thoại cảm ứng chụp từ phía gia đình. Ở đây, tuyệt
nhiên không có chuyện lộn xộn hay như trong Thánh Lễ khi chủ tế xướng “Đây là mầu
nhiệm đức tin” là điện thoại giơ lên bụp bụp.
Cuộc sống ở đây là vậy đó. Mình ở
ngoài mình cho rằng họ là khổ. Thật sự họ đâu có khổ. Nhìn gương mặt của họ xem
chừng ra như bình an lắm. Ở với họ, chưa bao giờ tôi nghe một lời ta thán nào về
cuộc sống. Chỉ khi nào gặng hỏi thì người ta mới trả lời mà thôi.
Người dân ở đây là vậy đó! Vô nhà của
họ, có lẽ chả có gì để mất cả. Người ở đây chả bao giờ biết đến chìa khóa hay
hơn nữa là cái camera quan sát. Những nơi giàu có khá giả thì coi như phải lo mất
của. Ở đây không hề lo.
Và khi nhìn lại với những người
Kinh khác, tôi có cảm nhận riêng thôi, đó là anh chị em đồng bào họ bình an lắm,
họ thanh thản lắm. Đôi khi mình đứng ngoài mình lo và như người ta nói là “lo
bò trắng răng”. Mà thật! Lo quá coi chừng là “lo bò trắng răng thật”.
Một câu chuyện đơn giản và đơn sơ
nhất vừa mới diễn ra vào buổi sáng. Hôm nay là ngày anh chị em Tân Tòng họp mặt
nhau lại với nhau như truyền thống.
Nếu như ở những nơi khác, có lẽ họ
sẽ ăn bằng mâm và có bàn có ghế hẳn hoi. Và có khi thức ăn cũng ngon nữa. Thế
nhưng rồi ở nơi đây đơn giản lắm. Đội ngũ lo ẩm thực chia cơm ra rừng hộp tính
theo khẩu phần. Thức ăn mặn, xào và canh thì để trong thau. Dễ thương lắm khi
mâm cơm của họ là nền gạch tàu dưới Nhà Thờ.
Họ cũng chả ồn ào, chả nào nhiệt và cũng chả
có dô dô. Chia phần xong rồi ngồi chung với nhau thật vui vẻ. Chả mâm, chả ghế,
chả khăn trải bàn và cũng chả có hoa cắm trên bàn như ta thường thấy. Họ cũng
chả có trải chiếu trải bạt gì sất, Cứ nền gạch tàu vậy mà vui vẻ ngồi với nhau.
Ai nào đó ở xa đến nhìn họ sẽ thấy
họ và nói này nói họ. Thế nhưng họ vui và bình an lắm.
Cơm nước xong ra về. Trên tay ổ
bánh mì ngọt nho nhỏ nhưng vui lắm cơ! Tại trong làng họ thì cũng có bán nhưng
bán loại bánh rẻ tiền hơn Nhà Thờ đặt. Tôi thầm nghĩ cái bánh ấy mà đưa cho dân
Sài Gòn thì chắc cũng ít ai chịu cầm. Nhưng ở đây, người ta vui và trân trọng lắm.
Nói qua nói lại, nói tới nói lui,
điều tôi muốn chia sẻ là có khi ta nói họ khổ, ta nói họ thế này thế kia nhưng
không khéo người khổ lại là ta. Cuộc sống, Chúa ban cho ta nhiều thứ lắm nhưng
ta không bao giờ bằng lòng với những cái ta có và ta cứ phải thay đổi mô dze. Dân ở đây nghèo nên cũng chả
biết mô dze là cái gì để thay đổi.
Nghĩ cũng hay! Chúa cũng an bài cho
đời sống của họ. Tôi thấy đỉnh điểm nhất đó chính là sự bình an. Và có lẽ, ở với
họ tôi học được và nhận được rất nhiều từ
sự bình an từ nơi họ. Để rồi từ đó tôi thấy mình sống sao cũng được. Đơn giản sống
qua ngày vậy mà vui. Ở với họ có khi cũng có cái mùi y như họ.
Quen rồi! Mùi thì mùi
nhưng đơn sơ, chân thành và dễ thương lắm! Lâu lâu có người lạ vào xức thuốc
thơm thấy mũi mình nó nghẹt nghẹt làm sao đó! Và khi đi đâu dó mâm cao cỗ đầy
cũng thấy sao sao đó! Lại cứ nhớ bữa cơm bình dị của anh chị em.
Ở với họ, tôi nhận ra sự
bình an từ nơi họ rất rõ nét. Chả phải nhà lầu xe hơi hay điện thoại đắc tiền
là bình an đâu. Có khi cứ như họ mà lòng lại mãi an vui. Ở đời, chạy theo vật
chất và hơn thua ganh ghét đâm ra lại mệt mỏi. Cứ nhẹ nhàng thanh thoát như những
người dân ở đây vậy mà vui.
Lm. Anmai, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét