Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Khi nào cần điều trị mất ngủ?

 

Thứ hai, 17/4/2023, VnExpress.net

Khi  nào  cần  điều  trị  mất  ngủ?

Tôi bị mất ngủ 2 tuần nay, sử dụng nhiều cách nhưng chưa khỏi. Xin hỏi bác sĩ đây có phải là bệnh và khi nào thì cần điều trị? (Dũng, 40 tuổi, Bình Phước)

Trả lời:

Mất ngủ khá phổ biến trong xã hội hiện đại, với các biểu hiện như khó vào giấc, ngủ không sâu, dễ thức giấc, cảm giác ngủ không đủ, uể oải mệt mỏi sau khi ngủ dậy, giảm tập trung. Mất ngủ có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, không phân biệt giới tính, tuổi tác, công việc, thường thì chỉ khi mất ngủ khá lâu, người bệnh mới để ý và đi khám chuyên khoa.

Mất ngủ gồm có cấp tính tạm thời và mãn tính kéo dài. Cấp tính tạm thời là khi người bệnh bị rối loạn giấc ngủ vài đêm hoặc ít hơn 4 tuần liên tục, chiếm khoảng 30 - 40%. Mãn tính kéo dài là khi người bệnh có tình trạng khó đi vào giấc ngủ, ngủ không đủ giấc kéo dài liên tục trên một tháng. Mỗi ngày người bệnh chỉ ngủ được khoảng 3 – 4 tiếng hoặc ít hơn, hay mộng mị tỉnh giấc giữa đêm và khó có thể ngủ lại.

Nguyên nhân mất ngủ đến từ những rối loạn tâm thần như stress (công việc, tình cảm, cuộc sống), các nguyên nhân thực thể như đau cấp/mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày), lạm dụng thuốc, chất kích thích hoặc đôi khi không tìm được nguyên nhân và cũng có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn.

Mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến cơ thể nhanh lão hóa, mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất lao động, gây tai nạn nghề nghiệp, giảm khả năng giao tiếp xã hội, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Nếu không được điều trị, sẽ là nhân tố làm khởi phát rối loạn lo âu, trầm cảm, tim mạch, đái tháo đường, béo phì, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Người khó ngủ vào buổi tối, dễ bị tỉnh giấc giữa đêm và rất khó có thể ngủ lại; thức giấc sớm vào buổi sáng và không cảm thấy thoải mái sau khi ngủ dậy; cảm giác rất mệt mỏi và rất buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ, nên đi khám chuyên khoa. Người bị mất ngủ kèm dễ cáu gắt, buồn bực hoặc bồn chồn, lo lắng; khó khăn khi tập trung suy nghĩ, trí nhớ giảm sút; luôn cảm thấy lo lắng và suy nghĩ nhiều về giấc ngủ cũng cần đến viện kiểm tra.

Việc chẩn đoán thường dựa vào 2 chỉ số, thời gian và chất lượng ngủ. Người mất ngủ sẽ được chỉ định trị liệu bằng cách thực hiện chế độ làm việc nghỉ ngơi phù hợp, tập thể dục đều đặn. Tuân thủ, duy trì thời gian ngủ và thức dậy giống nhau mỗi ngày. Hạn chế truy cập vào các thiết bị điện tử, tránh sử dụng điện thoại trước ngủ. Nghe nhạc nhẹ có thể giúp xoa dịu tâm trí.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc hóa dược, liệu pháp tâm lý điều chỉnh hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu, dùng thuốc thảo dược, chế độ ăn cân bằng cũng rất quan trọng để hỗ trợ.

 

BS.CK1 Nguyễn Trần Như Thủy

Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét