LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
- A
Lc 24, 13 – 35
Sự kiện Chúa Giêsu phục
sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông
Gia-côbê và bà Salômê (x. Lc 24, 1 –
12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus
trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục
Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi
đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai
ông, giúp lòng họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x.
Lc 24, 13 – 35).
Trở lại Giêrusalem, hai
ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng
bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ “bối rối tưởng
mình thấy ma” (Lc 24, 37).
“Bình an cho các con! Thầy
đây, đừng sợ” (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh,
kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ “vẫn còn chưa
tin” (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật
Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về
sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách
Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : “Chính Thầy đây” (Lc 24, 39), đúng Thầy
là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu
nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên
những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lời Chúa sưởi ấm con tim
Giả bộ khách đồng hành,
tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày
đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi
chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình
sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan
vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn
sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và
“giải thích” Kinh Thánh, “bắt đầu từ Môsê và các tiên tri“, giúp họ hiểu
rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương
trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27).
Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn
đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở
lại với họ chiều hôm đó: “Mời ông ở lại với chúng tôi “, lý do “vì trời đã về
chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29).
Thánh Thể mở mắt đức tin
“Mời ông ở lại với chúng
tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29). Đây là lời mời xin tha
thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng
vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào
nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng
Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ
nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận
ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi ” bẻ bánh ” đơngiản ( Lc 24, 35 ). Khi
trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên
lòng sốt mến và thôi thúc họ ” chỗi dậy trở về Giêrusalem ” ( Lc 24, 33 ) để thuật lại tất cả những gì họ đã
thấy và đã nghe cho ” mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp ” (Lc 24,
33).
Lời Chúa và Thánh Thể
trong đời sống người tín hữu
Lời Chúa giúp tâm hồn các
ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ
nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành
con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể
thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể
luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa
trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ
bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là
cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.
Trong đời sống thường
ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu
trở về “làng Emmaus“, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa
Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui
như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã “nhận ra” Chúa trong việc bẻ bánh, thì
mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những
gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác
làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm
vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ,
lan tỏa.
Thánh Phaolô cũng bảo
chúng ta : ” Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết
của Chúa cho tới khi Người đến“( 1 Cr 11, 26 ). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng
nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say
và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh
Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng
và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt
vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.
Cùng với Mẹ Maria, chúng
ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt
chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa,
nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét