Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

CHÚC TẾT CHÍNH MÌNH VÀ ĐỂ VÀO MÙA CHAY KHÔN NGOAN

CHÚC  TẾT  CHÍNH  MÌNH
  VÀ  ĐỂ  VÀO  MÙA  CHAY 
KHÔN  NGOAN
Thứ năm - 16/02/2017-ĐGM GB Bùi Tuần


1.
Những ngày này, tôi nhận được khá nhiều lời chúc Tết. Tôi đón nhận tất cả với lòng trân trọng biết ơn.

Đến lượt tôi, tôi cũng muốn chúc Tết chính mình. Suy nghĩ và cầu nguyện xong, tôi nói với chính mình một lời chúc đơn sơ.
“Xin cầu chúc cho chính mình được khôn ngoan như Chúa muốn”.
Khi cầu chúc cho chính mình được ơn khôn ngoan, như Chúa muốn, tôi nhìn đời tôi như chiếc thuyền nhỏ giữa dòng lịch sử.

2.
Dòng lịch sử đang chuyển biến phức tạp. Tôi không được Chúa dạy hãy bỏ dòng lịch sử đó mà đi nơi khác. Lịch sử ví như dòng sông lớn. Tôi không được Chúa sai đi uốn nắn dòng sông đó theo hình hài khác. Nhưng Chúa sai tôi vào dòng lịch sử đó, để sống Tin Mừng giữa những phức tạp của nó.
Khôn ngoan là như thế.

3.
Trôi giữa dòng lịch sử phức tạp đó, tôi không khẳng định mình là một quyền lực, cũng không là một người dạy dỗ áp đặt, nhưng tôi hãy chỉ là một tia sáng tình yêu, phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa.
“Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con. Ở điểm này mà người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 14-15).
Tôi xác tín: yêu thương là cách khôn ngoan để làm chứng cho Chúa.

Khôn ngoan như thế đòi tôi phải khiêm nhường và tế nhị trong thái độ sống với các liên đới gần xa.

4.
Cách đây đã mấy chục năm, tôi nói với một ông cán bộ thế này: “Nếu các anh bắt tôi, rồi lên án giết tôi, thì trước khi bắn tôi, xin cho tôi hai phút để nói lời sau cùng”. Ông cán bộ hỏi: lời sau cùng đó là gì? Tôi thưa: đó là lời: Tôi vẫn thương các anh. Tôi không thù ghét gì các anh”.
Nói xong, tôi hiểu Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho tôi, để nói lên điều chân thành đó từ đáy lòng mình, chính là một cách khôn ngoan về Tin Mừng giữa dòng lịch sử phức tạp hôm nay.

5.
Muốn sống khôn ngoan giữa dòng đời phức tạp, để gieo rắc Tin Mừng, là điều không dễ. Rất nhiều khi, tôi đã cảm thấy chán nản, tối tăm, cô đơn, đau đớn. Thú thực là, có lần tôi đã than với Chúa cũng bằng chính lời Chúa Giêsu đã thốt lên xưa trên thánh giá: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 16, 34).
Nhưng, chính lúc đó, tôi như mở được lòng mình ra, để sự thất vọng ra đi, và đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Chúa chotôi thấy sự hy sinh tôi chịu vẫn được Chúa đón nhận, để tình yêu trở thành của lễ có sức cứu độ.

6.
Sự khôn ngoan trong nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng giữa dòng lịch sử phức tạp đòi người mục tử phải rất khiêm nhường.
Khiêm nhường đối với người khác, như thánh Phaolô nói:
“Hãy coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,16).

Khiêm nhường trước mặt Chúa, cũng như thánh Phaolô dạy:
“Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, thì tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7).

Khiêm nhường đối với chính mình: “Tôi là người không xứng đáng mang danh là tông đồ” (1Cr 9).
Nói tắt là: có khiêm nhường mới biết sống khôn ngoan trong việc làm chứng cho Tin Mừng giữa lịch sử hôm nay.

7.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dạy cách làm sáng danh Chúa một cách chắc chắn nhất và cao cả nhất, đó là từ bỏ ý riêng, để vâng phục thánh ý Chúa Cha, dâng mình hy sinh chính mình làm của lễ đền tội cho nhân loại: “Lạy Cha, đã đến giờ. Xin Cha làm vinh danh Con Cha để Con Cha làm vinh danh Cha” (Ga 17,1).

Điều Chúa Giêsu dạy trên đây thực là thiết thực và cao quý. Tôi thấy khôn ngoan làm chứng cho Tin Mừng giữa dòng lịch sử phức tạp tại Việt Nam hôm nay là phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng để vâng phục thánh ý Chúa, nhất là trong những trường hợp từ bỏ ý riêng là điều rất khó.

8.
Kinh nghiệm nhiều năm sống tu đức cho phép tôi có nhận định này: từ bỏ ý riêng, từ bỏ cái tôi, là điều rất khó. Nếu không có ơn Chúa, tôi không thể vượt qua được cái khó đó, mà nếu cái tôi và ý riêng vẫn được nâng niu, thì sẽ mất khôn, để rồi làm chứng cho Tin Mừng giữa Việt Nam hôm nay có nguy cơ sẽ là phản chứng.

9.
Vậy, phải làm thế nào, để ta có được sự khôn ngoan, như Chúa muốn. Nói một cách đơn giản, thì để có sự khôn ngoan như Chúa muốn, chúng ta cần được Chúa biến đổi, để biết sống tự do đích thực của người con Chúa.

Thánh Phaolô viết: “Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần

Khí của Chúa, thì ở đó có sự tự do. Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương. Như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, ngày càng rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là

Thần Khí” (2 Cr 3, 17-18). 10.

10.
Vài suy nghĩ trên đây về điều chúc tết cho chính mình cũng sẽ là điều tôi định tâm thực hiện cho mùa Chay đang tới.

Tình hình đang rất bất ổn. Chúng ta cần phải khôn ngoan.

Khôn ngoan sau cùng, mà Chúa Giêsu dạy là: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).


Long Xuyên, 9.1.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét