Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Giật mình “trạng thái thứ ba” của sức khỏe


Giật  mình  “trạng  thái  thứ  ba”  của  sức  khỏe
(Ngày 22 Tháng 3, 2017-giadinh.net)
GiadinhNet - Theo giới y học quốc tế, thời gian gần đây, biểu hiện trạng thái trung gian giữa khỏe mạnh và bệnh tật đang là vấn đề rất đáng lưu tâm. Đó là trạng thái thứ ba - cơ thể không bị một bệnh cụ thể nào nhưng sức lực và khả năng đề kháng đã suy giảm, chúng ta rất dễ mắc bệnh. Phần lớn mọi người đều chủ quan với trạng thái sức khỏe này, cho đến khi bất ngờ phát hiện mình bị mắc bệnh nặng hoặc bệnh nan y nào đó.


Đầu tư cho sức khỏe có nghĩa là chúng ta đã có thể kéo dài được quá trình tồn tại của mình, tận hưởng những gì tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng. Ảnh: p.V
Mắc bệnh nan y lúc nào không biết
Các nhà khoa học chia sức khỏe con người làm ba trạng thái. Trạng thái thứ nhất là những người thật sự khỏe, đáp ứng được định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”. Tỷ lệ ở trạng thái này chỉ đạt 5 - 10%.
Trạng thái thứ hai là những người mắc bệnh, tỷ lệ từ 10 - 15%. Còn trạng thái thứ ba, là những người nằm ở trạng thái giữa mạnh khỏe và mắc bệnh, nghĩa là có sức khỏe kém. Tỷ lệ ở trạng thái này chiếm tới trên 75% dân số, xuất hiện nhiều trong độ tuổi 20 - 45, nhất là ở nữ giới. Dấu hiệu đặc trưng là đuối sức, dễ mệt mỏi, mất ngủ hoặc ngủ không yên, khó tập trung tư tưởng, trí nhớ giảm, thậm chí không thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Tuy nhiên, khi khám bệnh thường không tìm thấy bất cứ tổn thương nào. Người ở trong trạng thái này nhìn thì thấy cơ thể khỏe mạnh nhưng trạng thái tâm lý không tốt đối với công việc, môi trường, xã hội hoặc cơ quan tổ chức của cơ thể đã có biến đổi do bệnh tật nhưng chưa xuất hiện triệu chứng bệnh. Càng đáng sợ hơn là, người ở trong trạng thái thứ ba không biết gì về trạng thái sức khỏe của cơ thể mình. Do vậy, họ sẽ không sử dụng những biện pháp bảo vệ cần thiết và điều chỉnh lại.
Tại sao lại có nhiều người ở trạng thái thứ ba của sức khỏe đến như vậy? Đó là vì chúng ta tồn tại dựa vào môi trường vật chất đang bị ô nhiễm từ mọi phía. Việc ăn uống, nguồn nước, không khí và cả những thành quả văn minh hiện đại của chúng ta đều chịu sự xâm nhập của các nguồn ô nhiễm khác nhau. Điều này khiến cho sức khỏe con người trở nên ngày một yếu đi và không ổn định: Những người mạnh khỏe không ngừng lâm vào trạng thái thứ ba. Những người thuộc trạng thái thứ ba nếu tiếp tục thiếu ý thức bảo vệ sức khỏe và nếu cũng không áp dụng các biện pháp dự phòng có hiệu quả thì sẽ trở thành những người bệnh.
Một điều đáng buồn là trong số những người mắc bệnh có tới 60 - 70% số người mắc phải những bệnh không lây nhiễm: Cao huyết áp, xơ vữa động mạnh, bệnh tim mạch, bệnh não, ung thư, đái tháo đường cùng các bệnh về nội tiết và bệnh AIDS...
Theo thống kê của WHO, trung bình mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch, 500.000 người tử vong vì viêm gan B, 12 triệu người được phát hiện mắc ung thư... Phần lớn trong số đó đều tử vong quá sớm trong khi hoàn toàn có thể dự phòng được. Tại Việt Nam, hàng năm những con số tử vong liên quan đến các bệnh trên cũng khá cao, do những căng thẳng trong cuộc sống, do ảnh hưởng của môi trường và chế độ ăn uống…
Hãy dự phòng trước khi quá muộn
Trong khi thế giới sớm quan tâm đến trạng thái sức khỏe thứ ba của con người và đã có những bước dự phòng, khám sức khỏe theo định kỳ và tới các nhà trị liệu tâm lý khi cuộc sống có những bất ổn hoặc gặp những chấn thương về tâm lý, thì phần lớn chúng ta không có một biện pháp dự phòng nào.
Bước sang thế kỷ 21, con người càng hiểu rõ hơn về giá trị của sức khỏe và càng quan tâm tới nó nhiều hơn. Song cùng với sự thay đổi môi trường, sự ô nhiễm đất, nước, không khí có xu thế gia tăng, thói quen ăn uống không lành mạnh, tỷ lệ sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn và ăn ngoài gia đình ngày càng tăng lên, các dịch vụ thực phẩm bung ra với nhiều nguy cơ chưa kiểm soát được, quy định luật pháp còn chưa đầy đủ, đặc biệt là ban hành các tiêu chuẩn thực phẩm, nhất là các thực phẩm truyền thống, được dùng phổ biến ở trong nhân dân còn rất thiếu. Những vấn đề trên diễn ra ở một nước đang phát triển, nhất là nền nông nghiệp còn thủ công, phân tán, lại càng tạo ra những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Sự thật nêu trên khiến chúng ta phải có sự lựa chọn đúng đắn: Phải bảo vệ, đầu tư cho sức khỏe khi còn khỏe mạnh, khi còn đang ở trạng thái thứ ba, đang ngấm ngầm có các mầm mống bệnh tật trong người mà chưa biểu hiện ra các triệu chứng rõ rệt cần phải xua tan các mầm mống, nhân tố nguy hiểm ẩn náu trong và ngoài cơ thể. Khi chưa có bệnh phải có biện pháp phòng tránh sự phát sinh bệnh. Nếu đã mắc bệnh rồi thì phải kịp thời trị liệu, chặn đứng bệnh phát triển, hạn chế không để tai biến di chứng. Quan điểm kinh tế nhất, đầu tư rẻ tiền nhất là đầu tư cho dự phòng, đầu tư cho sức khỏe khi hãy còn khỏe, đừng để khi thành bệnh rồi mới đầu tư thì vừa tốn kém, vừa có nguy cơ mất tính mạng.
WHO đã chỉ ra rằng, càng ngày càng có nhiều căn bệnh của con người đã được hồi phục mà không thông qua việc sử dụng thuốc. Do đó, hãy đầu tư cho sức khỏe của mình khi bạn mạnh khỏe hoặc ở vào trạng thái thứ ba; tránh rơi vào vũng lầy của các căn bệnh. Chúng ta chỉ có một lần sống duy nhất trong đời. Đầu tư cho sức khỏe có nghĩa là chúng ta đã có thể kéo dài được quá trình tồn tại của mình, tận hưởng những gì tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng.
Trắc nghiệm để xác định tình trạng sức khỏe


Để tự xác định bản thân có ở trong trạng thái thứ ba hay không, bạn hãy trả lời 16 câu hỏi dưới đây (chỉ câu trả lời "đúng" mới được tính điểm):
1. Bạn thường bị lâm vào trạng thái u uất? (3 điểm)
2. Năng suất lao động và học tập của bạn giảm xuống rõ rệt, trí nhớ và sức nghĩ không còn được như trước? (5 điểm)
3. Bạn dự định làm một việc hay đi tới một nơi nào đó nhưng bỗng nhiên không sao nhớ ra nổi - tình trạng như vậy thường xuất hiện gần đây? (10 điểm)
4. Bạn sợ đến cơ quan (hoặc đến trường), cảm thấy công việc (hay học tập) vô cùng đáng chán?(5 điểm)
5. Ngay cả khi không có áp lực từ bên ngoài, bạn vẫn thường có những câu nói hoặc hành vi trái với ý muốn, khiến sau đó cảm thấy hối hận? (2 điểm)
6. Bạn không còn thích những hoạt động tập thể như trước, không muốn tiếp xúc với đồng sự hay bạn học, chỉ thích ở nhà một mình? (5 điểm)
7. Mới chỉ làm việc hay học tập một lát, bạn đã cảm thấy mệt nhoài, thở không ra hơi? (10 điểm)
8. Tình cảm của bạn không còn ổn định như trước, bạn hay cáu gắt, chỉ cần hơi bị kích động là nổi giận đùng đùng? (5 điểm)
9. Bạn ăn uống giảm sút, không muốn ăn cả những món ưa thích? (5 điểm)
10. Bạn mong sớm được thoát ly công việc (khi đi làm) hoặc việc học tập (khi ở trường)? (5 điểm)
11. Hoàn cảnh hơi biến đổi một chút, bạn đã thấy khó chịu, khó thích nghi? (5 điểm)
12. Bạn hay mất ngủ về đêm, vừa chợp mắt đã ngủ mê, thường có ác mộng, chất lượng giấc ngủ rất kém? (10 điểm)
13. Thể trọng của bạn giảm rõ rệt, gò má nhô cao, mắt hõm sâu...? (10 điểm)
14. Bạn dễ bị cảm cúm và tiêu chảy, khả năng chống lại bệnh tật rõ ràng là không được như những người chung quanh? (5 điểm)
15. Sáng ngủ dậy, bạn thường thấy có nhiều tóc rụng trên gối? (5 điểm)
16. Sinh hoạt tình dục giảm sút, bạn không còn cảm giác ham muốn như trước kia? (10 điểm)
Kết quả:
- 30 điểm trở xuống: Bạn khỏe mạnh.
- Từ 31 đến 50 điểm: Sức khỏe của bạn đã bắt đầu đáng báo động.
- Từ 51 đến 80 điểm: Bạn cần xem lại lối sống của mình, nên tăng cường luyện tập và chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
- Trên 80 điểm: Bạn nên đến bệnh viện ngay để khám và chuẩn bị về mặt tâm lý.
(Theo Trung tâm Việt y đạo)

Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét