ĐỨC MẸ và MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
(Wed, 22/02/2017 -
Trầm Thiên Thu)
[Đăng
báo TTĐM, số 471, tháng 03-2017, Dòng Đồng Công xuất bản tại Hoa Kỳ]
Chị Êlisabét có thai
được sáu tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê,
gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc
dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh
nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị”.
Nghe lời ấy, Maria rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần
liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và
này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên
cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho
Người ngai vàng Vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn
đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:26-33).
Nhập thể là gì? Nhập
thể là Con Thiên Chúa hóa thân làm người, mặc xác phàm, có nhân tính nhưng vẫn
có thần tính. Để dễ hiểu, chúng ta cứ nghĩ như thân xác và linh hồn chúng ta
vậy.
Nhập thể là hóa thành
xác phàm, hóa thành nhục thể, đó là hành động khiêm nhường nhất. Nghĩa là Ngôi
Hai Thiên Chúa hằng hữu, toàn năng, vô tận và bất biến đã tự nguyện làm người
và cũng có những yếu đuối thể lý của nhân loại. Ngài tự hạn chế trong thân xác
nhân loại, cũng cảm thấy đau đớn và bệnh tật, và với linh hồn của nhân loại
cũng làm cho Ngài cảm thấy đau khổ, cô đơn, ưu sầu.
Bởi tác động của Chúa
Thánh Thần, Con Thiên Chúa xuống thế làm người ngay khi Đức Mẹ khiêm nhường nói
lời “xin vâng” (Lc 1:38), vì Đức Mẹ tin tưởng rằng “đối với Thiên Chúa, không
có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Thần tính của Đức Kitô có từ đời đời,
chỉ có nhân tính của Ngài bắt đầu từ khi Ngài nhập thể.
Không bao giờ chúng ta
có thể hiểu hết Mầu Nhiệm Nhập Thể, nhưng chúng ta phải tin kính và tôn thờ.
“Ngôi Lời đã trở nên
người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Đức Kitô là người như chúng ta về mọi phương
diện, ngoại trừ tội lỗi. Ngài không thể phạm tội vì Ngài là Thiên Chúa toàn thiện.
Nhưng về các phương diện khác thì Ngài cũng như chúng ta: Ngài có thân xác, có
linh hồn, có ý muốn của một con người. Hầu như chúng ta không thể hiểu được
điều này theo lý luận của con người. Thánh Gioan Chrysostom nói: “Tôi
biết Con Thiên Chúa trở nên con người, nhưng tôi không biết như thế nào”.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ hư vô, Ngài cũng khả dĩ tạo nên Mầu Nhiệm Nhập
Thể.
Con Thiên Chúa được
thụ thai trong lòng Đức Trinh nữ Maria và trở nên Con Người nhờ quyền năng của
Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hợp tác trong Mầu Nhiệm Nhập Thể,
nhưng chỉ có Ngôi Hai làm người khi hóa thành nhục thể.
Nhập thể là công việc
đặc biệt của Tam vị Nhất thể. Chúa Ba Ngôi hình thành linh hồn và cơ thể nhân
loại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô, một Thiên-Chúa-Con-Người. Quyền
năng Chúa Thánh Thần tạo nên Mầu Nhiệm Nhập Thể, vì Ngôi Ba Thiên Chúa là Tình
Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, Ngôi Ba Thiên Chúa đặc biệt diễn tả Tình yêu ấy.
Mầu Nhiệm Nhập Thể là ví dụ tối cao và điển hình về Tình yêu Thiên Chúa dành
cho nhân loại.
Đúng là Chúa Con nên
nhập thể, hơn là Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần, vì Chúa Con xuất phát từ Chúa
Cha và được Chúa Cha sai đến trần gian. Chúa Con là hoa trái của Ơn Cứu Độ và
gởi Chúa Thánh Thần đến. Như vậy qua Chúa Con chúng ta trở thành dưỡng tử của
Thiên Chúa.
Chúa Con được thụ thai
và hóa thành nhục thể từ khi Sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, thế nên
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trinh nữ Maria là một thôn nữ nhu mì và giản dị
sinh sống tại Nadaret, thuộc miền Galilê. Một hôm, Sứ thần hiện ra với Đức
Maria và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị”
(Lc 1:28).
Thôn nữ Maria quá đỗi
kinh ngạc, nhưng Sứ thần đã trấn an: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì
Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và
đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc
1:30-32). Sự kiện trọng đại này được gọi là Truyền tin, lễ kính vào ngày
25-3.
Đức Mẹ biết Sứ thần
được Thiên Chúa sai đến, nên Đức Mẹ liền thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ
của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).
Ngay lúc Đức Mẹ nói những lời đó, Đức Giêsu Kitô trở thành con người trong cung
lòng Đức Mẹ, thế là sự nhập thể hoàn tất.
Mầu Nhiệm Nhập Thể
được kính nhớ hàng ngày khi chúng ta đọc kinh Truyền Tin (Angelus) – chúng ta
quen gọi là “sai Thiên thần” (Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho
Đức Bà Maria… Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người…). Lời cầu nguyện này
được Giáo hội đọc mỗi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối, và khi đó thường kéo
chuông – gọi là chuông Truyền Tin.
Trong mùa Phục Sinh,
kinh Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Cœli – Lạy Nữ vương Thiên đàng hãy vui mừng,
Alleluia…) được thay thế kinh Truyền Tin. Xin được “mở ngoặc” nhỏ: Ai không thuộc
kinh Truyền Tin và kinh Nữ Vương Thiên Đàng thì có thể đọc thay bằng 5 kinh
Kính Mừng.
Chúa Giêsu có cha mẹ
là con người? Ngài có một hiền mẫu nhân loại là Đức Maria, nhưng không có một
người cha nhân loại. Đức Thánh Giuse chỉ là Dưỡng Phụ (1). Đức Maria là Mẹ thật
của Đức Giêsu Kitô, nhưng Đức Maria không là Thiên Chúa. Nhân tính và thần tính
của Chúa Con không thể tách biệt. Cũng vậy, chúng ta vẫn gọi song thân là cha
và mẹ dù cha mẹ không là người cho chúng ta thể xác, cũng chẳng cho chúng ta
linh hồn.
Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu
nhưng Đức Mẹ vẫn hoàn toàn đồng trinh. Việc sinh Chúa Giêsu là một mầu nhiệm mà
chúng ta không thể hiểu thấu. Chúng ta chỉ có thể dùng đức tin để chấp nhận đó
là sự thật dựa vào Lời Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng.
Đức Thánh Giuse là hôn
phu hợp pháp của Đức Maria, nhưng cả hai đều khấn giữ mình đồng trinh. Các ngài
chung sống với nhau nhưng luôn coi nhau như anh em. Đức Thánh Giuse là “vệ sĩ”
hoặc Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu.
Chúng ta phải kính
trọng và yêu mến Đức Thánh Giuse vì chính Chúa Giêsu đã kính trọng và yêu mến
Đức Thánh Giuse. Kinh Thánh đã tôn xưng Đức Thánh Giuse là Người Công Chính, là
người khiết tịnh, đó là lý do Thiên Chúa tuyển chọn Đức Thánh Giuse làm Thánh phu
trinh khiết của Đức Maria, để chăm sóc Thánh thê Maria và Thánh tử Giêsu. Chúa
Giêsu cũng đã luôn tuân phục ý muốn của Đức Thánh Giuse, dù Đức Thánh Giuse chỉ
là một bác thợ mộc.
Mầu Nhiệm Nhập Thể
hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta – vì nhân loại bất túc, bất
trác, bất toàn. Mầu Nhiệm Nhập Thể là sự siêu việt của Thiên Chúa. Những người
không có niềm tin tôn giáo luôn thắc mắc về “sự đồng trinh của một phụ nữ đã
sinh con” như Đức Maria. Khái niệm về Thiên Chúa trở thành phép ẩn dụ đối với
sự sống thấm nhập vào vũ trụ và khả năng hiểu biết của nhân loại.
Chúng ta đã và đang
tạo ra nhiều vị thần để “giám sát” cuộc đời chúng ta, thậm chí chúng ta còn
“tôn thờ” nhiều thụ tạo mà chúng ta không biết gì về nguồn gốc của họ. Hàng
ngày chúng ta vẫn tôn thờ nhiều loại ngẫu tượng, nhưng chúng ta cứ cho đó là
điều tất nhiên của cuộc sống.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã
nhập thể hơn 2.000 năm qua. Đó là một mầu nhiệm mà cứ ngỡ là một nghịch lý.
Nhưng chính Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại biết tỏ tường, Ngài không hề mơ
hồ hoặc giấu giếm:“Ai thấy Tôi là thấy Cha” (Ga 14:9). Qua Đức Giêsu
Kitô, chúng ta có thể quan hệ mật thiết với Thiên Chúa tới mức riêng tư, Ngài
không câu nệ điều gì. Đó là thách đố đối với luận lý học và lý lẽ của nhân
loại.
Nhập thể là mầu nhiệm
và là tín lý về Ngôi-Lời-Làm-Người. Các Giáo phụ từ thế kỷ IV đã phổ biến dùng
từ Ngôi Lời. Các Thánh Giêrônimô, Ambrôsiô, Hilariô,… cũng sử dụng từ đó. Từ
“Ngôi Lời” dựa vào Phúc Âm của Thánh sử Gioan: “Ngôi Lời hóa thành nhục
thể”(Ga 1:14). Theo cách hoán dụ của ngôn ngữ Kinh Thánh, nhục thể nghĩa là
bản chất con người hoặc nhân loại. Con người là xác thịt, điều này nhấn mạnh
đến bản chất yếu đuối của con người.
Khi Ngôi Lời trở thành
xác phàm, hóa thành nhục thể, bản chất tốt lành của Thiên Chúa được diễn tả tốt
hơn khi Ngài tự biến mình thành “không” như thánh Phaolô diễn tả: “Ngài
hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm
nhân, sống như người trần thế” (Pl 2:7).
Đó là bản chất và hiệu
quả của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Ngài tự nhận bản tính nhân loại – nghĩa là Ngài
cũng chịu đau khổ, bệnh tật và chết như một người bình thường. Ngài trở nên
phàm nhân để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cứu độ chúng ta, những
tử-tội-đáng-nguyền-rủa. Mầu Nhiệm Nhập Thể còn được diễn tả bằng những cách
khác: Epiklepsis (2), vì “những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên
thần, mà là con cháu của Áp-ra-ham” (Dt 2:16).
Chúng ta tin rằng “tất
cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho
việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (1 Tm 3:16).
Tất nhiên vẫn có cách
khác, nhưng có thể nói rằng nếu Đức Mẹ không “xin vâng” thì chúng ta không được
hưởng Ơn Cứu Độ. Đức Mẹ và Mầu nhiệp Nhập thể được coi là mối quan hệ gần gũi.
Lạy Chúa, chúng con
mạo muội cả dám xin Ngài “dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:2-4; Mt 6:9-13),
kiên trì mong chờ Chúa đến, và sống Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chúng con cầu xin, nhân
Danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
------------------------
(1) Chúng ta quen xưng
hô là Thánh Giuse, riêng tôi muốn gọi là Đức Thánh Giuse. Chúng ta gọi là Đức
Maria, tại sao lại không thể xưng hô Đức Thánh Giuse? Trong Việt ngữ, tiếng
“đức” để tỏ lòng tôn kính một người: Đức giáo hoàng, Đức khâm sứ, Đức hồng y,
Đức giám mục, Đức viện phụ, Đức ông, Đức thượng phụ, Đức vua, Đức Khổng Tử, Đức
Dalai Latma,… Người đời bình thường còn được thêm từ “đức” phía trước thì huống
chi đối với Ngài Giuse, một người cũng có công lớn trong Mầu Nhiệm Nhập Thể.
(2) Epiklesis: Phần
kinh khẩn cầu Thánh Linh, tức là kinh khẩn cầu Chúa Thánh Linh do chủ tế đọc
sau lời nguyện Truyền phép. Kinh này được đọc trong mọi phụng vụ của Giáo Hội
Đông Phương và được xem là cốt yếu trong Giáo Hội Chính Thống đối với hiệu lực
của Hy tế Tạ ơn. Kể từ Công Đồng Vatican II, mọi Lễ Quy mới của Thánh Lễ đều có
kinh Khẩn Cầu Thánh Linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét