Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

ĐI TRONG CÕI DIỆU QUANG



ĐI  TRONG  CÕI  DIỆU  QUANG
Sat, 04/03/2017 - Trần Mỹ Duyệt




Bước vào Mùa Chay, tôi đang đi tìm cho mình một cuốn sách để giúp suy niệm và sống với tinh thần Mùa Chay hầu chuẩn bị lòng đón nhận ơn Cứu Chuộc qua mầu nhiệm Phục Sinh. May mắn quá, tôi được Linh Xuân Vũ tức linh mục Peter Vũ Tiến Đạt thuộc dòng Citô Chiêm Niệm gửi tặng cuốn sách của ngài với tựa đề The Paradise Man, mà tôi tạm dịch là TRONG CÕI DIỆU QUANG theo sát với nội dung của nó.

Tôi chọn cuốn sách này vì nó được viết do một đan sỹ chiêm niệm, nên chắc chắn là chứa đựng chiều sâu tâm linh. Tiếp đến nội dung của nó chuyên chở những suy tư mà tác giả cũng dựa trên những suy niệm thần bí của một nhà chiêm niệm lẫy lừng của Hoa Kỳ và cũng có thể là cả thế giới, linh mục đan sỹ Thomas Merton.

Ngay khi vừa đọc những dòng giới thiệu đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút và say mê tác phẩm.Tác giả viết: “Từ khi Adong và Evà rời vườn Diệu Quang, nhân loại đã kéo dài hàng thiên niên kỷ trong khổ đau và trong thử thách, đặc biệt là sự chết. Nhưng trong tâm tư của con cháu ông bà không ngừng nuôi hy vọng, rằng một ngày kia, họ sẽ trở lại chốn hạnh phúc mà một lần đã được ban cho. Đây là một giấc mơ chính đáng và cao cả.Thật ra, từ ngày Adong và Evà ra khỏi, vườn Diệu Quang vẫn luôn còn đó trên mặt đất, chờ đợi con cái loài người trở lại.” (Since Adam and Eva left Eden, humanity has endured through long millennia of hardships and suffering, especially death. But the hearts of their children and great-grandchildren have never given up the hope that, someday, they could return to the place of happiness that once had been their inheritance. It is a legitimate and dignified dream. In fact, since the day Adam and Eve left, paradise has remained on earth, waiting for every single human child to return.)

Để đưa độc giả vào những suy niệm thâm sâu của mình trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc thật, tác giả đã trích dẫn tư tưởng của Thomas Merton, và theo đó “Bạn không cần phải là giám mục, linh mục, tu sỹ, nữ tu hoặc một ẩn sỹ để bước vào hành trình tâm linh. Bạn có thể là một tín hữu, một người đi lễ bình thường rất bận bịu với những công việc thường ngày, nhưng bạn chắc chắn đích thực có thể là một người trong vườn Diệu Quang.” (You need not be a bishop, a priest, a monk, a nun, a religious person, or a hermit to enter the spiritual journey. You may be a lay person, a normal churchgoer very busy with your daily duties, but you certainly could be a real paradise man.) Và đây cũng là những gì tôi muốn chia sẻ với các độc giả của mình như một món ăn tinh thần để giúp nhau sống trọn vẹn ý nghĩa mùa Chay, và cũng để khích lệ nhau sống trọn vẹn ơn gọi của mình trong môi trường cuộc sống hầu an hưởng tất cả những phúc lành mà Thiên Chúa đã ban sẵn cho nhân loại cũng như cho Tổ Tông loài người xưa trong vườn Địa Đàng.

Thông thường, nhiều người nhất là các giáo hữu vẫn hay than thở và buồn phiền vì vai trò và chỗ đứng của mình trong giáo hội khi so sánh với các vị trong hàng giáo phẩm, linh mục và tu sỹ.Sự so sánh này khiến nhiều người cảm thấy mặc cảm, và cho rằng vì đó mà mình không thể vươn cao trên đường tu đức, và sống mật thiết với Chúa là cội nguồn hạnh phúc. Hậu quả là nhiều giáo hữu sống đạo, giữ đạo theo lối cầm hơi, cốt đủ điểm lên Thiên Đàng, để rồi khi gặp những gian nan, thử thách họ than van, giận hờn và kêu trách Chúa. Xem như Chúa là người cha thiếu công bằng chỉ quan tâm và đặc cách cho một số thành phần mà họ cho là may mắn hơn họ.

Không chỉ tìm thấy, nghe thấy, hoặc cảm thấy phần lớn những tư tưởng bi quan trên thuộc phạm vi tôn giáo.Trong sinh hoạt xã hội, rất nhiều người cũng rơi vào tâm trạng phiền não, chán nản, và buông xuôi khi nghĩ đến cuộc đời này như một thời khắc trống rỗng, vô duyên, và không ý nghĩa.Một cái gì bất công đối với họ.Hơn thế nữa, nó còn là một thử thách lớn lao và những đau khổ triền miên. Từ đó ý tưởng cuộc đời được gán cho hai chữ “bể khổ”, và kiếp người được cho là kiếp phù sinh. Hành trình cuộc sống như những người vượt biển trên những chiếc thuyền nan mong manh.

Thật sự không phải vậy, và cuộc đời không phải là những thời khắc lang thang kiếm tìm hạnh phúc, những cái trống rỗng, những điều huyền hoặc và không tưởng. Nếu những cái đó xẩy ra là vì con người đã lạc mất ý niệm hạnh phúc, và trên tất cả, hạnh phúc đối với họ là những gì đang xảy ra trước mắt theo như ý của họ muốn, một thứ hạnh phúc do thế gian ban tặng. Nhưng hạnh phúc hay bình anthật chính là cái đang tiềm ẩn trong cõi lòng mỗi người. Trong tầm nhìn ấy, và chỉ trong tầm nhìn ấy con người mới nhận ra mình thật sự hạnh phúc, và nơi mình đang cư ngụ đây không gì hơn chính là Vườn Diệu Quang mà Thiên Chúa đã thiết lập cho Adong và Evà và con cháu. Trước khi trở về với Đấng Tạo Dựng, trên hành trình dương thế, con người không chỉ băng qua những chặng đường chông gai, hiểm trở, đầy thử thách, mà còn là những giây phúc trải nghiệm hạnh phúc và bình an trong Đấng Tạo Hóa. Bằng vào cái nhìn mới với những suy tư mới về thân phận và giá trị con người, trong tác phẩm The New Man, Thomas Merton đã viết:

“Một cách bản thể, nguồn gốc của đời sống mới này ở bên ngoài và ở trên chúng ta, trong Thiên Chúa.Nhưng một cách tâm linh, cả đời sống siêu nhiên và Chính Thiên Chúa Đấng ban cho sự sống ấy đang ở trung tâm của chính con người chúng.Ngài, Đấng một cách vô biên ở trên chúng ta cũng lại ở trong chúng ta, và chóp đỉnh cao nhất của đời sống thể lý và tinh thần của chúng ta là được xáp nhập vào trong chính Ngài một cách thực tế.Nếu chúng ta thật sự ở “trong Ngài”, là vì Ngài chia sẻ thực tại của Ngài với chúng ta và làm cho nó trở nên của chính chúng ta.” (Ontologically the source of this new life is outside and above ourselves, in God. But spiritually, both the supernatural life and God Himself Who gives it are in the center of our being. He Who is infinitely above us is also within us, and the highest summit of our spiritual and physical life is immersed in His own actually. If we are only truly real “in Him,” it is because He shares His reality with us and makes it our own.)

Tóm lại, thì tuy đời sống con người có những thử thách, nhưng hạnh phúc và sự bình an không vuột mất khỏi con người, nếu con người biết đặt Thiên Chúa và tìm Chúa trong chính tâm hồn của mình. Đây cũng là món quà Chúa Con trao tặng con người khi Ngài từ trời xuống trần trong đêm Giáng Sinh tại Belem. Đêm đó, các thiên thần hát rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” (Luca 2:14)


Nhân Mùa Chay, hãy trở về với lòng mình. Dùng thời giờ nhìn lại con người và cuộc sống của mình để biết xem Thiên Chúa đã có chỗ nào trong trái tim, trong tư tưởng, và trong hành động của mình hay không? Và hãy xin Ngài tạo cho ta một trái tim trong sạch, trái tim thịt mềm, một tinh thần cương nghị, “Lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch và canh tân tinh thần cương nghị trong con.” (Thánh Vịnh 51:10) để chúng ta rung động với tình yêu của Ngài, để chia sẻ hạnh phúc làm con Ngài với anh em mình, và để bước đi trong hành trình tìm về vĩnh hằng bằng niềm vui, dưới bóng mát ân sủng, bởi vì chúng ta đang đi “trong cõi diệu quang”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét