Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

MÙA CHAY VIẾNG ĐÀNG THÁNH GIÁ



MÙA  CHAY  VIẾNG  ĐÀNG  THÁNH  GIÁ
(Mon, 06/03/2017 - Trần Mỹ Duyệt)





Đàng Thánh Giá là con đường từ Vườn Giệtsimani tới Nhà Thờ Mồ Thánh. Con đường hiện nay đi xuyên qua nhiều khu dân cư và phố xá đông đúc của thành cổ Giêrusalem. Khách hành hương xưa đã đi theocon đường từ phế tích của Đồn Antonia dẫn đến nhà thờ Mồ Thánh để suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, vì Ngài đã đi qua con đường này để chịu chết. Người ta đặt tên cho nó là “Via Dolorosa” (Con Đường Đau Khổ) hay cũng được gọi là “Đường Thánh Giá”. Theo tương truyền, thì Đức Trinh Nữ Maria vẫn hằng ngày thăm viếng những nơi xẩy ra cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Thánh Giêrônimô cũng đã giảng cho đám đông khách hành hương từ nhiều quốc gia kính viếng những nơi thánh trong thời gian ngài sinh tiền, và thánh Sylvia (c.380) cũng cho biết rằng ngài đã thấy hình thức đạo đức này. 

Sơ lược lịch sử 1

Bà Egeria quê ở Gaul nước Pháp, một khách hành hương,đã diễn tả một trong những cuộc hành hương cầu nguyện mà bà tham dự vào thế kỷ thứ IV như sau: Giám mục Giêrusalem và khoảng 200 khách hành hương bắt đầu “ngay từ lúc có tiếng gà gáy sáng đầu tiên” tại địa điểm Chúa Giêsu hấp hối ở vườn Giệtsimani vào đêm thứ Năm Tuần thánh. Họ đọc kinh, hát thánh ca và nghe Tin Mừng, sau đó cứ tiếp tục đi như thế tới Giêrusalem.Những chặng dừng chân trên con đường này được đặt ra để ghi nhớ những gì xảy ra cho Chúa Giêsu trên đường Ngài tới núi Sọ và việc Ngài chịu đóng đinh vào thập giá. Ở nhiều chỗ, người hành hương chỉ phỏng đoán vị trí nơi đã xảy ra sự việc mà thôi, vì trong thực tế, Giêrusalem đã bị quân lính Roma phá hủy hoàn toàn vào năm 70.

Sau 250 năm bị cấm đạo, năm 313 Hoàng đế Constantinô cho phép người Kitô giáo được công khai thờ phượng Chúa trong toàn cõi Đế quốc Roma. Năm 335 ông xây Nhà thờ Mồ Thánh trên địa điểm được cho là ngôi mộ Chúa Giêsu.Không bao lâu sau khi khánh thành, đã bắt đầu có những cuộc cung nghinh của người hành hương tới ngôi thánh đường này, nhất là trong Tuần Thánh.Những người hành hương trở về nhà, đem theo dầu từ những ngọn đèn đã thắp quanh mồ Chúa Giêsu và những di tích từ các nơi thánh.

Nhưng vào thế kỷ thứ VII, khi người Hồi Giáo chiếm đóng Palestine đã khiến các Kitô Hữu không thể về kính viếng Đất Thánh, nên buộc phải tìm các nơi hành hương gần nhà hơn, nơi có những dấu tích của Đất Thánh mà các khách hành hương trước đây đã mang về.

Lòng sùng kính Đàng Thánh Giá mỗi ngày một lên cao nên Dòng Phanxicô, đi đầu là Thánh Leonard thành Port-Maurice (1676-1751), đã cổ võ lòng sùng mộ này và dựng Đàng Thánh Giá tại hơn 500 nhà thờ và khắp nơi tại Nước Ý. Thánh Anphongsô Ligori năm 1787 đã viết bản kinh để suy niệm về Đàng Thánh Giá được dùng trong hầu hết các thánh đường vào thế kỷ XIX và XX.2 Theo phong trào sùng kính Đàng Thánh Giá, các dòng tu khác như Dòng Tên và Passionist cũng coi Đàng Thánh Giá là một phần trong các tuần đại phúc và buổi tĩnh tâm của mình.

Năm 1686, Đức Giáo Hoàng Innocent XI đã chính thức ban phép cho các tu sỹ Dòng Phansicô được phép dựng những Đàng Thánh Giá bên trong các thánh đường và ban những ân xá cho những ai viếng, cầu nguyện và suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Cứu Thế. Tiếp đó là Đức Innocent XII năm 1694, Đức Bênêđíctô XIII năm 1726, và Đức Clêmentê XII năm 1731 cũng đã cổ võ lòng sùng kính này.

Trước đó con số những nơi trong Đàng Thánh Giá cũng khác biệt nhiều, có những tài liệu ghi tới 37 nơi. Nhưng cũng có những Đàng Thánh Giá ít hơn những nơi đã xẩy ra những gì liên quan đến Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giêsu.

Thí dụ, năm 1799 tại Giáo Phận Vienne, Đàng Thánh Giá chỉ có 11 nơi:
1.    Chúa hấp hối trong vườn Giệtsimani.
2.    Chúa bị Giuđa phản bội.
3.    Chúa chịu đánh đòn.
4.    Chúa chịu đội mão gai.
5.    Chúa bị kết án tử hình.
6.    Chúa gặp Simêon thành Syrênê.
7.    Các phụ nữ Giêrusalem.
8.    Chúa nếm mật đắng.
9.    Chúa bị đóng đanh vào thập giá.
10.           Chúa chết trên thập giá.
11.           Tháo xác Chúa khỏi thánh giá.

14 nơi hay gọi là Đàng Thánh Giá cổ truyền được xếp đặt theo thứ tự như hiện nay là do Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII đã ấn định:

1.    Chúa Giêsu bị Philatô tuyên án tử.
2.    Chúa Giêsu vác thập giá lên núi Sọ.
3.    Chúa Giêsu ngã lần thứ nhất.
4.    Chúa Giêsu gặp mẹ trên đường lên núi Sọ.
5.    Ông Simêon vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu.
6.    Bà Veronica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt.
7.    Chúa Giêsu ngã lần thứ hai.
8.    Các phụ nữ Giêrusalem khóc thương Chúa Giêsu.
9.    Chúa Giêsu ngã lần thứ ba.
10.           Lý hình lột áo Chúa Giêsu.
11.           Chúa Giêsu bị đóng đanh vào thập giá.
12.           Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá.
13.           Hai môn đệ tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi thánh giá.
14.           Xác Chúa Giêsu được táng trong mồ đá.

Nền tảng Thánh Kinh
           
Tìm hiểu nền tảng Thánh Kinh của 14 nơi trong Đàng Thánh Giá cổ truyền trên, trong 14 nơi đó, chỉ có 8 nơi có nền tảng Thánh Kinh rõ ràng. Những nơi khác như thứ 3, thứ 4, thứ 6, thứ 7, thứ 9 và thứ 13 đều không được nhắc đến trong cả bốn sách Tin Mừng. Thí dụ, Chúa Giêsu ngã xuống đất 3 lần (nơi 3, 7 và 9), Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ (nơi 4), Chúa Giêsu được Bà Veronica dâng khăn lau mặt (nơi 6), và xác Ngài sau khi được đem xuống khỏi thánh giá đã được đặt trong tay Đức Mẹ (nơi 13) đã không được Thánh Kinh nhắc đến.

Để 14 nơi Đàng Thánh Giá có căn bản Thánh Kinh, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bắt đầu suy niệm Đường Thánh Giá dựa trên những trích đoạn Tin Mừng vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1991 tại Hý trường Colosseum ở Roma. Năm Thánh 2000, chính ngài đã tự tay viết bài suy niệm. Năm 2005, ít ngày trước khi qua đời, ngài vẫn duy trì việc suy niệm Đàng Thánh Giá trong nhà nguyện riêng ở Vatican.

ĐGH Bênêđictô XVIđã tiếp nối truyền thống này.Mỗi năm, một người khác nhau được mời viết bài suy niệm Đường Thánh Giá cho Đức Giáo Hoàng, trong số này có cả những người ngoài Công giáo. Cả hai vị giáo hoàng trên đều nói rõ: các ngài không có ý định bãi bỏ Đường Thánh Giá cổ truyền, đúng hơn các ngài muốn thêm một sắc thái mới để mọi người hiểu hơn cuộc thương khó của Chúa.

14 Đàng Thánh Giá mới gồm những suy niệm dựa trên nền tảng Thánh Kinh như sau: 3

Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Chúa toàn năng và thương xót,
Do tình yêu, Chúa đã sai Con Chúa xuống để chúng con được sạch tội và sống với Chúa muôn đời.
Xin chúc lành cho chúng con đang họp nhau đây để suy niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Ngài, nhờ đó chúng con noi gương Ngài con đường chúng con phải đi.
Chúng con xin điều ấy vì danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

1. Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani.(Matthew 26:36-41)
2. Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị bắt. (Mark 14: 43-46)
3. Chúa Giêsu bị công nghị kết án.(Luke 22: 66-71)
4. Chúa Giêsu bị Phêrô chối. (Matthew 26: 69-75)
5. Chúa Giêsu bị Philatô luận tội. (Mark 15: 1-5, 15)
6. Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mão gai. (John 19: 1-3)
7. Chúa Giêsu vác thập giá. (John 19: 6, 15-17)
8. Chúa Giêsu được Simon vác giúp Thánh giá. (Mark 15: 21)
9. Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem.(Luke 23: 27-31)
10.Chúa Giêsu bị đóng đinh.(Luke 23: 33-34)
11.Chúa Giêsu hứa nước Thiên Đàng cho người trộm thống hối.(Luke 23: 39-43)
12.Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho Gioan.(John 19: 25-27)
13.Chúa Giêsu chết trên thập giá.(Luke 23: 44-46)
14.Chúa Giêsu được táng trong mồ. (Matthew 27: 57-60)

Lời Nguyện Kết Thúc:
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Sự Thương Khó và sự chết của Chúa là của lễ nối kết trời và đất, và hòa giải chúng con với Chúa.
Xin cho chúng con là những người đang thành tâm suy ngắm những mầu nhiệm này theo chân  Chúa và để đến chia sẻ vinh quang với Chúa trên quê trời, nơi Chúa hằng sống và hiển trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen   

Ý nghĩa và cầu nguyện

Để hướng dẫn các tín hữu và giáo dân, Giáo Hội qua những vị thánh như Thánh Anphongsô, những người đạo đức đã viết thành các bài suy niệm mà phần đông người Công Giáo Việt Nam đã học thuộc lòng mỗi khi viếng Đàng Thánh Giá. Tuy nhiên, sự suy ngắm và cầu nguyện riêng tư trước mỗi nơi như thế là tùy thuộc mỗi tâm hồn.Căn cứ vào Đàng Thánh Giá cổ truyền, thì đa số phụ nữ muốn dừng lại để suy niệm ở nơi thứ 4 vì họ có cùng cảm nghiệm khi suy ngắm và thương cảm với Đức Maria, người mẹ đang bất lực nhìn con bị dẫn đi chịu chết, nơi thứ Sáu khi bà Veronia trao khăn cho Chúa lau mặt, nơi thứ 8 khi Chúa dừng lại để an ủi các phụ nữ Giêrusalem đứng hai bên đường khóc thương Ngài. Những hình ảnh này hợp với tâm lý tình cảm của nữ giới.Nhưng đối với chungmọi người thì nơi thứ 12 là nơi khơi dậy nhiều suy nghĩ và cảm động nhất. Đặc biệt khi suy về cơn hấp hối nghiệt ngã mà Chúa Giêsu phải trải qua từ thể xác đến tinh thần. Nhất là khi nghĩ đến Ngài phải gánh chịu tất cả những đau đớn ấy vì mỗi người chúng ta. Chính chúng ta đã dùng tội lỗi mình mà đóng đanh con Thiên Chúa.

Tóm lại dù là viếng Đàng Thánh Gia chung hay riêng, những gì đọc ngoài miệng không quan trọng, nhưng chính cốt là để lòng mình hòa nhập vào với mỗi mầu nhiệm, hình dung lại những gì đã xẩy ra đối với Chúa Giêsu tại mỗi nơi. Để từ đó, chúng ta cảm được, chia sẻ và an ủi Ngài trong những đau thương, khốn khó mà Ngài đang phải chịu vì yêu thương, và để đền thay tội lỗi của nhân loại, cũng như tội lỗi của riêng mỗi người chúng ta: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa đã dùng thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ!”

Mùa Chay 2017

______________

Tham khảo:

1.Way of the Cross.Catholic Encyclopedia
2.St. Alphonsus Liguori's Stations of the Cross. the-latinmass.com .
3.United States Conference of

Catholic Bishops

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét