Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

Mar 19, 2017 - Chúa nhật thứ III Mùa Chay năm A - Cuộc cách mạng “hoa tim”!

Mar 19, 2017 - Chúa  nhật  thứ  III  Mùa Chay  năm  A
Cuộc  cách  mạng  “hoa  tim”!

  
Các Bạn thân mến,
 Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người với muôn loài muôn vật trong toàn vũ trụ và thế giới trần gian này. Ngài phân ra làm nhiều ngành, nhiều loại. Riêng con người, Thiên Chúa chỉ dựng người nam và người nữ, Kinh Thánh không nói gì đến sự phân loại nào khác về con người. Điều này được hiểu rằng con người chỉ có một loại, nghĩa là tất cả mọi người đều là người như nhau về cấu tạo hồn xác đến chi tiết, tương đương nhau. Nhưng sau đó do khác về địa lý, môi trường, văn hóa, kiến thức, cuộc sống, cá nhân, phát triển…nên nẩy sinh những khác biệt, khiến con người phân biệt nhau, ganh tị, kỳ thị nhau dể thắng thua , sinh tồn,... Sau bao khổ nhục, chiến tranh, mất mát, cách mạng, hiện nay sự kỳ thị cách lộ liễu, gay gắt đã giảm gần như không còn ở các nơi văn minh, tiến bộ, đạo đức; nhưng trong chính nội tâm sâu thẳm của con người, cùng những nơi kém phát triển thì chưa phải là hết, nó vẫn còn trong máu thịt, vẫn ẩn sâu, đeo bám nơi những người có bộ óc cục bộ, ích kỷ hẹp hòi, chờ thời cơ chỗi dậy, kín đáo hay công khai. Và tất nhiên hậu qủa của nó thãt khó lường. Tuy nhiên con người vẫn không ngừng diệt trừ, tẩy chay nó tận gốc.
Và đã có rất nhiều thành công vĩ đại về sự đấu tranh này, gần đây nhất, mới tám chin năm trước đây, dân chúng Hoa Kỳ đã làm cả thế giới kinh ngạc và thán phục vì lần đầu tiên họ bầu chọn một vị tổng thống da mầu. Tuy nhiên, ngài tổng thống này chẳng được nhẹ nhõm, vẫn phải đối mặt với sự công khai đe dọa hoặc ngấm ngầm phân biệt chủng tộc của dân mình.
 Nêu những sự kiện này để chúng ta hiểu được sự kỳ thị nặng nề dai dẳng đè lên dân Do Thái và dân Samaria từ bao ngàn năm trước và học được bài học sâu sắc từ cuộc cách mạng nhẹ nhàng của Đức Giesu.
Đọan Tin Mừng rất dài của Thánh Gioan cho chúng ta nhiều bài học, bởi ghi lại rất rõ từng chi tiết của câu chuyện xin nước uống nổi tiếng của Đấng Mesia.

 1.    Đức Giesu có nhân tính thật:
 -    Đi đường xa, nắng mưa vất vả, Đức Giesu cũng mệt nhọc như chúng ta, Ngài cũng đói, cũng khát, cũng mỏi chân, nhưng cũng vẫn phải cố gắng tiếp tục đi đến nơi.
 -    Đây là một trong những giới hạn của người trần, cho thấy Đức Giesu không phải một mẫu người siêu nhiên, nên Ngài cũng biết đến lao khổ, mệt mỏi của loài người mà vẫn chịu đựng, vẫn tiếp tục làm việc.
 -    Thật là ý nghĩa khi Gioan nhấn mạnh đầy đủ nhân tính của Đức Giesu. Để chúng ta không chỉ tin vào thần tính, mà còn tin vào nhân tính của Ngài nữa.
 -     Đó không chỉ củng cố niềm tin, mà còn là điểm tựa, là sự động viên an ủi chia sẻ thông cảm với thân phận con người trăm khó ngàn đau.
-     Việc đi lấy nước uống xa xôi của người phụ nữ Samaria này có lẽ do bà ngại ngùng gặp gỡ người quen, những vị lãnh đạo, những người giàu sang, chức tước quyền uy.
 -     Nên khi Đức Giesu bắt chuyện làm quen trước, bà mạnh dạn, như lấy lại được sự tự nhiên, gần guĩ, muốn tâm sự, giãi bày nỗi niềm riêng với người thân thiện, không lên án, chê bai, mà còn thông cảm sâu xa với bà.
 -    Rò ràng thái độ, ánh mắt, lời nói, cử chỉ của Đức Giesu phải rất dịu dàng, trìu mến tha thiết, thương xót lắm, mới giúp bà tự tin trò truyện, hơn thế nữa, còn dám xin Ngài ban cho nước uống trường sinh, và tuyên xưng Ngài là ngôn sứ.
-     Một lần nữa cho thấy Đức Giesu là con người thật có thân xác, dễ cảm thương và cư xử như chúng ta.

2.   Cách mạng trái tim:
-    Lịch sử nhiều nơi trên thế giới, dân chúng đã, đang làm những cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ độc tài với những danh xưng như "cách mạng hoa nhài", "cách mạng hoa sen", "cách mạng hoa mai"…theo đó thì cuộc cách mạng của Đức Giesu có thể gọi là "cách mạng trái tim" hay" cách mạng hoa tim!"
-    Đúng thế, hôm nay, với tình yêu thương, Ngài mở đầu cuộc cách mạng triệt hạ mọi hàng rào ngăn cách bất hòa, kỳ thị, chia rẽ theo nhiều cách khác nhau giữa các quốc gia, và các lề thói lạc hậu.
 -    Như mối bất hòa giữa dân Do Thái và dân Samaria bắt nguồn từ một câu chuyện rất xa xưa: dân Samaria vì hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, nên họ đã đánh mất tính thuần chủng Do Thái của mình.
 -    Người Do Thái coi vấn đề này là một trọng tội không thể tha thứ. Kể từ đó dân Samaria mất hết quyền làm người Do Thái.
 -    Sau đó biết bao xung đột hận thù bất hòa đến đố kỵ liên tiếp xẩy ra cho đến tận thời Đức Giesu vẫn còn gay gắt.
 -    Về hình thức địa lý, xứ Palestin liền một dải nhưng chia làm ba vùng khác nhau như đất nước Việt Nam chúng ta. Phía bắc là Galile, giữa là Samaria và phía nam là Giude, nơi có đền thờ Gierusalem.
 -   Vì thế các khách hành hương từ Galile đến Gierusalem, nếu muốn đi bằng con đường ngắn nhất thì phải đi qua Samaria.
 -    Đó là một cơ hội để người Samaria ngăn chặn, gây gỗ, trả thù vì mối bất hòa cay đắng oán ghét sâu đậm họ phải chịu.
 -    Thế mà lần này Đức Giesu và các môn đệ lại quyết định đi qua Samaria, Ngài còn trò truyện, xin nước uống, và các môn đệ còn vào làng để mua lương thực của họ nữa.
 -    Thái độ đó đã làm người đàn bà Samaria sửng sốt kinh ngạc.
 -     Đây phải là một sự biến chuyển nội tâm mạnh mẽ nơi các môn đệ. Vì nếu không cùng đi với Đức Giesu, chẳng bao giờ các ông lại làm thế, chẳng bao giờ lại ăn uống thực phẩm của người Samaria.
 -    Đúng là từ vô thức, các hàng rào ngăn cách, phân biệt, kỳ thị đã từ từ bị phá bỏ.
 -    Chưa hết, Đức Giesu còn phá bỏ hàng rào chia rẽ một cách tuyệt vời nữa, là bỏ sự kỳ thị, cấm đoán phụ nữ cách triệt để, vô lý nơi dân Do Thái.
 -    Luật nghiêm ngặt của các đạo sĩ cấm họ chào hỏi tất cả phụ nữ giữa nơi công cộng, nghĩa là cả vợ, con gái hay chị em gái của mình.
 -    Nhiều người biệt phái còn nhắm nghiền mắt khi gặp phụ nữ ngòai đường phố.
 -    Đạo si nào bi bắt gặp trò truyện công khai với phụ nữ, thì kể như tiếng tăm sự nghiệp của họ bị tiêu tan!
 -    Thế nhưng Đức Giesu lại công khai nói truyện với phụ nữ, mà là người phụ nữ xấu nết xứ Samaria thù địch nữa!
 -    Một sai trái không chỉ đáng ngạc nhiên, phải lên án, mà còn xúc phạm đối với tổ tiên người Do Thái.
 -    Hình ảnh này còn rất nguy hiểm đối với những người đàn ông đứng đắn đạo đức.
 -    Nhưng nó đã thật sự xẩy ra vào thời điểm lịch sử cả về không gian, thời gian có sự hiện diện của Đấng Cứu Thế.
 -    Đúng vậy, tại ranh giới của sự kỳ thị gay gắt này, Đức Giesu lại mỏi mệt, và khát nước!
 -    Tại đây Con Thiên Chúa ngồi yên lắng nghe và thông cảm một câu truyện tình duyên lận đận đáng buồn của một phụ nữ đào hoa, đa đoan!
 -    Nhưng chính nơi đây, Đức Giesu đang phá vỡ các bức tường ngăn cách giữa các quốc gia và các lề thói chính thống của Do Thái giáo nói riêng và của nhân lọai nói chung.
 -    Tại giếng Giacop này tính cách phổ quát của Tin Mừng là khởi điểm, được tiếp diễn, truyền bá tới ngày thế mạt của nhân loại.
 -    Tại đây Thiên Chúa đang tỏ lộ tình yêu thương con người, đang yêu thương thế gian, không bằng lý thuyết, nhưng bằng hành động.
 -    Để biến người phụ nữ từng là một người tội lỗi bị khinh rẻ, trở nên nhà truyền giáo đầu tiên, không còn e dè xấu hổ, sợ hãi, nhưng nhanh chóng chạy đi chia sẻ Tin Mừng về Đức Giêsu ngay với các bạn hữu và láng giềng của mình.
 -    Đây là một ý nghĩa thực tế trong đoạn Tin Mừng hôm nay cho mỗi người chúng ta: ai cũng đã từng đáp ứng với sự gặp gỡ Đức Giêsu ở giếng nước rửa tội như phụ nữ Samaria gặp Ngài ở giếng Giacop khi xưa.
 -    Nên chúng ta cũng phải làm giống như bà. Chúng ta cũng phải chia sẻ với người khác về sự sống mới mà Đức Giesu đã giúp thực hiện. Chúng ta cũng phải ra đi nhanh chóng để chia sẻ tin mừng về Ngài cho người khác.

3. Nước hằng sống:
-    Câu truyện người phụ nữ Samaria đi lấy nước ở giếng Giacop xa cả cây số nhắc chúng ta nhớ rằng nước là nhu cầu cấp thiết nhất, con người có thể vượt qua những thiếu thốn của cải, tiện nghi, ngay cả nhịn đói hằng tháng trời, nhưng không ai có thể cầm cự với cái khát quá vài ngày.
-    Ngoài cái khát nước tự nhiên đó, còn có nhiều cái khát khác xuất phát từ nhu cầu của sự phản tỉnh, sinh tồn, siêu thoát hay sự tự nhận biết về hiện hữu của mình như:
      . Khát được nhìn nhận: ai cũng là một con người. Nhưng vẫn còn đó, trong quá khứ và hiện tại hôm nay, rất nhiều người chưa được nhìn nhận như là một con người: trẻ em, phụ nữ, người nô lệ, người bất hạnh, quả phụ, cô nhi, người nghèo hèn, kém phận… Như người phụ nữ Samaria này, dù đã năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, thế mà bà chưa được nhìn nhận là một người vợ, người có chồng. Bà vẫn bị xem như một thứ "sở hữu" của đàn ông.
       .  Khát được là một nhân vị: như bao nhiêu người khác, được tự do, độc lập, được người khác tôn trọng và đón nhận. Không bị áp bức, nô lệ, đồng hóa bởi một thế lực nào. Đây là điều khác biệt giữa chúng ta với tha nhân và là một trong những lẽ sống của con người, vì thấy mình còn có giá trị, còn hữu ích.
       .  Khát được hoàn thiện, trường sinh, bất tử cho những điều tốt đẹp, người, vật mình ưa thích không mất đi, không thoái hóa, hao mòn, mà mãi mãi trọn vẹn ở bên mình để luôn được sống hạnh phúc.
-     Đây chính là điều Đức Giesu gọi là"Nước hằng sống" mà Ngài hứa ban cho những ai uống:"Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời."
-     Là Kitô hữu, chúng ta cần góp phần giải khát cho tha nhân bằng cách nhìn nhận nhau, chấp nhận nhau và đón nhận nhau ngay trong hiện trạng của nhau để cùng được hưởng phúc thiên đàng.
-     Đừng ích kỷ, tự cao hoặc bị cám dỗ chấp nhận hay đón nhận kẻ khác với điều kiện này nọ. Bời nó phản tình yêu, và lúc ấy những điều kiện thường mang tính chủ quan hoặc duy ý chí.
-     Như người phụ nữ Samaria, là người đã khám phá sự sống mới tại một giếng nước, xin Chúa giúp chúng ta chia sẻ với người khác sự sống mà chúng ta đã lãnh nhận tại giếng rửa tội. Đó là điều tối thiểu mà chúng ta có thể thi hành để đáp trả ơn sự sống mà Ngài đã ban cho chúng con.

Lạy Chúa, khi đến với chúng con, Ngài thường đến như:
      Một người hành khất,
      Người cần một chút nước uống của người phụ nữ Samaria,
      Người cần năm cái bánh và hai con cá nhỏ của một em bé,
      Người cần nhà ông Giakeu để nghỉ chân…
Xin dạy chúng con biết noi theo Ngài, đến với tất cả mọi người để nhận ra rằng sự thiện vẫn còn ẩn sâu nơi tâm lòng mỗi người, dù tội lỗi, nguội lạnh...
Xin cho chúng con cũng được nhìn tha nhân với con tim, ánh mắt của Ngài, dám hy vọng vào lòng tốt của con người, mà can đảm tin tưởng nơi sự quảng đại của họ, nhờ đó cộng đoàn, xã hội, thế giới chúng con trở nên nhân bản hơn, thần linh hơn mà không còn bất kỳ sự kỳ thị nào nữa. Vì Đức Giesu Chúa chúng con.  Amen. (Mượn ý)

Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét