Tuổi về chiều cũng cần có tình yêu
(22/01/2017 Thanh Niên Tuần San)
Trong cái gia đình ấy
chỉ có mỗi mình cô con dâu lớn - vợ anh - là hiểu mẹ, đồng tình việc bà và
người bạn già ấy về sống cùng nhau, còn lại ai cũng phản đối quyết liệt.
Nhiều người nghĩ rằng
người lớn tuổi không còn nhu cầu yêu đương như thời trẻ, chỉ chủ yếu sống sao
cho khỏe mạnh vui vẻ cùng con cháu là đủ rồi, nếu không lại bị mang tiếng là
“mất nết” hay “già mà ham”.
Thế nên, người lớn
tuổi thường gói mình trong những khuôn khổ và suy nghĩ mang tính cục bộ, bó
buộc lại cái tôi cá tính mà lứa tuổi nào cũng có. Chỉ cần mặc một chiếc áo hơi
rằn ri kiểu cọ chút là có thể bị xét nét “già mà không biết mình già” hay đại
loại thế. Chỉ cần một màu son tươi trẻ là sẽ bị soi và cho là lố.
Hoặc bị đánh giá là
“không đàng hoàng” khi đi thêm bước nữa ở cái tuổi gần đất xa trời... Cũng
chính vì lẽ đó, trừ những cặp vợ chồng đã gắn bó cùng nhau từ ngày trẻ cho đến
khi tóc bạc, tình yêu tuổi già ít được nhắc đến hay chào đón.
Thật ra, tình yêu ở
lứa tuổi nào cũng đáng được trân trọng và là một nhu cầu cần thiết như cơm ăn,
nước uống. Bởi vì, ngày nào người ta còn sống, ngày đó người ta còn khóc cười
vì yêu. Chẳng những thế, người già càng cần có tình yêu đôi lứa bởi đó chính là
quãng thời gian người ta cần có một người bạn đồng hành để chia sẻ những vui
buồn, cùng chăm sóc nhau và dắt nhau qua những ngày tháng quý giá vốn đã không
còn nhiều ở phía trước.
Ở lứa tuổi này, người
ta phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe cùng với sự cô đơn khi con cái đã
trưởng thành và bước ra xã hội, để lại những người già cô độc.
Tôi biết gia đình một
người bạn, một gia đình được coi là hạnh phúc viên mãn và thành công. Ba của
anh mất khi em gái út chưa được thôi nôi, mẹ anh gói ghém nuôi các con khôn lớn
và ăn học đến nơi đến chốn bằng nghề may của mình. Nhờ bàn tay khéo léo và sự
hiểu ý khách hàng nên tiệm may Âu phục của bà lúc nào cũng đắt khách.
Trong số những khách
hàng lui tới cửa tiệm có một khách hàng còn độc thân để ý thương mẹ anh từ khi
anh còn nhỏ xíu. Lúc nhỏ mỗi lần chú ấy đến chơi mang theo quà bánh, anh và các
anh chị em khác rất vui thích và cứ ao ước chú ấy là ba mình.
Thế nhưng, khi lớn lên
tất cả đều ghét chú ấy. Lý do của sự đổi chiều tình cảm không phải vì họ sợ
trái tim của mẹ mình sẽ có sự sẻ chia và tình cảm trở nên ít đi, họ sợ một điều
khác. Cái họ sợ chính là dư luận, là những định kiến xã hội áp đặt lên người
phụ nữ cũng như những người lớn tuổi mà còn “dám yêu”.
Mẹ anh muốn gia đình
êm ấm nên chôn kín tình cảm của mình cả quãng đời trẻ, mãi cho đến khi tất cả
các con đã vững vàng và có gia đình riêng mới dám nghĩ đến chuyện tìm cho mình
một người bầu bạn.
Dù các anh chị đã ra
riêng, là ông nọ bà kia, có người còn được học bên Tây bên Mỹ nhưng họ không
thể nghĩ thoáng hơn để chấp nhận sự thật rằng đã là con người thì nhu cầu yêu
và được yêu luôn tồn tại. Và bên cạnh tình yêu gia đình, người ta vẫn cần một
tình yêu đôi lứa thực sự, đúng nghĩa.
Trong suy nghĩ của họ,
tình yêu ở những người lớn tuổi là một điều gì đó xa lạ và cả... xa xỉ nữa vì
“ở tuổi đó còn mần ăn gì được nữa mà yêu với đương chứ!”. Họ sợ người đàn ông
kia đến với mẹ mình để “ăn của”, để bòn rút cái gia tài mà bà dành dụm cả đời.
Họ không hề nhìn ra sự chân thành của ông ấy khi chờ đợi bà suốt cả một quãng
đời dài, và bản thân ông cũng không hề thiếu thốn mà còn có thu nhập rất vững
vàng.
Họ lo sợ bị bên vợ,
bên chồng và những người quen biết cười chê vì bà mẹ “già mà ham”. Họ bảo bà
ích kỷ khi nghĩ đến hạnh phúc riêng mà không giữ thể diện cho con cái, không sợ
con cái mất mặt. Có người con còn hỏi bà một câu hỏi tu từ: “Không lẽ bao nhiêu
năm qua mẹ giữ được tiếng thơm mà giờ lại không đủ bản lĩnh để đi một mình?!”.
Bà bảo, tất nhiên tình
yêu ở tuổi xế chiều không ồn ào cuồng nhiệt như khi người ta trẻ nhưng nó vẫn
hiện diện ở đó vì nó cần thiết và quan trọng. Bởi lẽ, nếu không có tình yêu,
con người ta chỉ còn là ‘“tồn tại” chứ không phải là “sống” nữa.
Bà đã dành tất cả
những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời một người đàn bà để sống vì các con, dẹp
sang bên tình yêu đôi lứa... Giờ các con đã yên bề mà bà vẫn chưa thể sống cho
mình được.
Trong cái gia đình ấy
chỉ có mỗi mình cô con dâu lớn - vợ anh - là hiểu mẹ, đồng tình việc bà và
người bạn già ấy về sống cùng nhau, còn lại ai cũng phản đối quyết liệt. Và với
một “lá phiếu” đồng thuận của chị không thể thắng nổi hàng chục phiếu chống
khác. Bà vẫn lủi thủi ra vào cửa tiệm đông vui nhưng trống vắng, còn ông vẫn là
vị khách hàng trung thành của tiệm may, một khách hàng đúng nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét