Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Mar 5, 2017 - Chúa nhật thứ I Mùa Chay năm A Cuộc thử nghiệm của Đức Giesu

Mar  5,  2017 - Chúa  nhật  thứ  I  Mùa  Chay  năm A
 Cuộc  thử  nghiệm  của  Đức  Giesu



Các Bạn thân mến,
Thường thường chúng ta có khuynh hướng được cái này muốn thêm cái kia, có khi đó là những điều tốt đẹp về tinh thần, tình cảm hay vật chất, có khi là thói quen xấu. Nhưng thật khó khăn để cầm lòng, bởi ước muốn nhiều khi như một đam mê, nên nếu đó là những điều lành mạnh đáng muốn thì tốt, nhưng nếu chỉ là những thỏa mãn sự mời gọi, cám dỗ thì chúng ta cần can đảm loại bỏ! Nên các nhà đạo đức luôn khuyến cáo mọi người phải cẩn thận đề phòng, tỉnh táo trước những nhu cầu hầu sáng suốt chọn lựa điều cần thiết, hữu ích, bởi nhiều loại cám dỗ tinh vi, mầu mè, kín đáo mà chúng ta khó nhận ra.
Thật thế, không chỉ ma qủi, mà gần như mọi đối tượng, mọi vấn đề, mọi sự việc chung quanh liên quan đến con người đều có thể dễ dàng trở thành những cám dỗ nhẹ, nặng. Bởi cám dỗ muôn hình vạn trạng, trăm nẻo đường đi, vạn kiều ẩn dạng. Nhất là những cám dỗ về vấn đề thuộc linh.
Khi cám dỗ chúng ta, ma qủi cũng không dùng chiến thuật lạ lùng nào khác. Nó rất khôn ngoan tinh xảo, không bắt đầu cám dỗ chúng ta sa ngã ngay một lỗi lầm lớn, xuí phạm ngay một tội trọng, nhưng vòng vo quanh quéo, dụ dỗ từ từ, dần dần vấp phạm những điều nhỏ bé, lẫn lộn, khó phân biệt tốt xấu, hoặc làm những việc tốt nhưng với ý riêng của mình, để thỏa mãn tính tự cao, tự ái với lý do nào đó mà sau khi vi phạm, chúng ta mới nhận biết; đôi khi lại chỉ để thỏa hiệp một chút dục vọng thầm kín nào đấy, rồi tự trấn an, biện hộ cho mình để rồi một ngày nào đó nhận ra thì chân đã lún sâu vào thói quen vấp phạm tội lỗi, khó  rút ra!
Bài đọc thứ nhất hôm nay cũng nhắc lại, ngay sau khi Adam được Chúa tạo dựng, ma quỉ liền cám dỗ ông, và Adam đã sa ngã. Kể từ lúc đó, ông bà tổ tiên chúng ta không thể dừng lại được nữa, tất cả con cháu ông bà cũng vậy, phải làm nô lệ cho ma quỉ. Giờ đây ma quỉ lại cám dỗ Đức Giêsu. Tuy nhiên, Ngài đã đứng vững. Ðiều này cho thấy Ngài đến để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ, điều chỉnh sai lầm tội lỗi đầu tiên của Adam.
 Biết rõ những cạm bẫy, cám dỗ, lôi cuốn hấp dẫn bất chính, nguy hiểm khôn lường, những hậu qủa tai hại của nó do satan hoặc trần gian gây ra, Đức Giesu đã kể lại cho các Tông đồ nghe về kinh nghiệm cám dỗ của Ngài, cùng sự chống trả mạnh mẽ dứt khoát, không du di, không khoan nhượng, không thỏa hiệp với satan như thế nào khi một mình Ngài ăn chay cầu nguyện 40 ngày đêm trong sa mac hoang vu.
Một việc làm mà trong Cựu Ước, và cả trong lịch sử nhân loại, các vị tổ phụ, lãnh đạo, các vĩ nhân đã từng làm, là đi tìm sự yên tĩnh, cô tịch để suy tư về ý nghĩa và mục đích của đời sống, về Thiên Chúa, về vũ trụ bao la, về con người. Ông Môisê đã làm thế. Các tiên tri đã làm thế. Gioan Tẩy Giả cũng làm thế, và trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu cũng làm thế.
Nhưng rồi Đức Giesu đã bị cám dỗ, các cơn cám dỗ cho thấy Ngài đã cảm nghịêm trận chiến nội tâm giữa điều thiện và điều ác, cũng như cuộc tranh dấu giữa điều phải và điều trái giống hệt chúng ta. Một lần nữa cho thấy Đức Giêsu chính là con người có xác thịt như mọi người.
Nhưng các cơn cám dỗ không chỉ nói lên điều ấy. Vì dù bị cám dỗ giống hệt chúng ta nhưng Đức Giêsu đã phản ứng lại cơn cám dỗ khác với chúng ta. Ngài không hề giao động hay do dự khi đương đầu với cám dỗ. Ngài không nhượng bộ cám dỗ. Nói lên điểm đặc biệt nơi con người Ngài: Đức Giêsu là con Thiên Chúa làm người. Chính ma quỉ đã cho chúng ta thấy mỗi khi nói với Đức Giêsu: "Nếu ngươi là Con Thiên Chúa..." ma quỉ gợi cho chúng ta biết Đức Giêsu không chỉ là một con người, mà Ngài còn là Con Thiên Chúa đến sống giữa loài người.
 Ngài như là một Adam mới mang sứ mệnh phục hồi sự sống mới cho nhân loại. Các bài đọc hôm nay thật thích hợp để dẫn nhập chúng ta vào Mùa Chay. Làm nổi bật nội dung của Mùa chay, giúp chúng ta sống lại kinh nghiệm trong hoang địa của Đức Giêsu xưa kia về việc chống lại ma quỉ cám dỗ.
Cũng lưu ý rằng cám dỗ thông thường có nghĩa xấu, có ý bao hàm sự xúi dục làm điều quấy, tìm cách lôi cuốn chúng ta vào đường tà. Nhưng cám dỗ theo chữ nguyên thủy của Do Thái có nghĩa là sự thử nghiệm, sự trắc nghiệm, không phải nghĩa xấu, không dữ dằn. Mà chỉ như người ta thường thử nghiệm trước khi dùng người, trước khi trao phó công việc nào đó cho ai. Với ý nghĩa này, cám dỗ không có mục đích khiến chúng ta phạm tội, chỉ để chúng ta vượt thắng tội lỗi. Nó cũng không làm chúng ta xấu, không nhằm làm chúng ta suy yếu, mà để khi chúng ta ra khỏi thử nghiệm, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, tốt hơn và tinh sạch hơn. Cám dỗ càng không phải là một hình phạt, mà là vinh hiển. Nên xem cả biến cố và kinh nghiệm này không phải là sự cám dỗ, mà là cuộc thử nghiệm của Đức Giesu.

1.  Cám dỗ cho đá thành bánh:
  - Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!
  -  Đức Giesu đáp: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
  -  Ma quỉ đã dựa vào hình dạng những hòn đá vôi tròn giống hệt những ổ bánh mì nhỏ, là một gợi ý để cám dỗ Đức Giesu vì biết Ngài đang rất đói.
  -  Đây là sự cám dỗ hai mặt:
        a) Cám dỗ Đức Giesu xử dụng quyền năng cách ích kỷ cho chính Ngài.
          . Cám dỗ xử dụng quyền năng Chúa ban cho mình cách ích kỷ là loại cám dỗ rất phổ biến.
          . Chúa ban cho mỗi người một ân huệ riêng, một tài năng riêng để xử dụng vào công việc cho Ngài.
        b)  Đói khát của tâm hồn không thể thỏa mãn được bằng vật chất:
          . Sự cám dỗ biến đá thành bánh này còn có một mặt khác là chọn lựa phương pháp để thực hiện công tác Thiên Chúa trao cho Đức Giesu.
          . Cách chắc chắn thuyết phục dân chúng đi theo Ngài là cho họ ăn uống thỏa lòng, cho họ nhu cầu vật chất. Hình thức hối lộ để dân chúng theo mình, để cầu lợi.
          . Nếu Chúa muốn ban bánh thì phải hóa đá thành bánh.
          . Hối lộ bằng vật chất là làm hỏng mục tiêu của Ngài, phủ nhận điều Ngài dậy dỗ con người là sống cuộc đời dâng hiến chứ không phải lãnh nhận.
          . Hơn nữa hối lộ như vậy chỉ mới cắt bỏ triệu chứng, mà chưa quan tâm đến giải quyết căn bệnh.
          . Phải biết vấn đề tại sao người ta đói?  Vì biếng nhác, cẩu thả hay bệnh tật, diên dại?...
          . Dùng lời đúng đắn để chữa trị nạn đói là loại bỏ duyên cớ khiến con người bị đói.
        . Nhưng duyên cớ này nằm trong linh hồn người ta.
          . Sự đói khát của tâm hồn không thể thoả mãn được bằng vật chất.
          . Chỉ có con đường duy nhất dẫn đến no thỏa lòng thật của con người, đó là con đường học tập, lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

2.   Ma quỉ bố trí đợt tấn công khác:
 -   Sau khi thất bại, ma qui đem Đức Giesu lên nóc đền thờ.
 -   Chúng ta biết đền thờ được xây trên đỉnh núi Sion, đỉnh được san bằng thành một cao nguyên và toàn thể những tòa nhà đều nằm trên đó.
 -   Nơi cao thẳng đứng tới 135 met, nhìn xuống thung lũng.
 -   Ma quỉ xuí dục Ngài đứng nơi cao trên chóp đền thờ để nhẩy xuống đất, việc này sẽ gây kích động, dân chúng thấy việc lạ lùng mà thán phục, uà theo.
 -   Đức Giesu từ chối vì Ngài không chấp nhận đường lối kích động.
 -  Bởi người nào tìm cách thu hút người khác về với mình bằng cách tạo kích động cho họ, là chấp nhận một đường lối không có tương lai.
 -  Đơn giản là họ phải thường xuyên tạo ra những kích động càng ngày càng lớn hơn, càng hấp dẫn hơn, để duy trì quyền lực của mình.
 -  Nên kich động không phải là cách xử dụng quyền năng của Thiên Chúa.
 -    Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.
 -   Nghĩa là lao mình vào chỗ nguy hiểm, cẩu thả, liều lĩnh rồi trông chờ Chúa giải cứu là một việc sai lầm.
 -   Thiên Chúa mong một người liều mình để giữ lòng trung tín với Ngài, nhưng không mong một người liều mình để tăng thêm uy tín riêng.
 -   Đức tin tùy thuộc vào những phép lạ không phải là đức tin.
 -   Đức tin tùy thuộc vào cảm xúc cũng không phải là đức tin thật, mà chỉ là nghi ngờ, đi tìm bằng cớ nhưng tìm không đúng chỗ.
 -   Quyền năng cứu vớt không để chơi hoặc thí nghiệm mà là quyền năng chúng ta phải yên lặng tin cậy trong đời sống hằng ngày.
 -    Đức Giesu từ chối con đường gây cảm xúc, vì Ngài biết đó là con đường gây thất bại.

 
3.   Kẻ cám dỗ thử đến phương thế tấn công thứ ba:
  -   Đó là hình ảnh thế giới đầy vinh hoa lợi lộc mà Đức Giesu đến cứu vớt hiện lên trong tâm trí Ngài.
  -    Hảy qùy xuống thờ lạy ta, ta sẽ cho ngươi tất cả các nước thế gian.
  -   Đây là loại cám dỗ để thỏa hiệp, điều đình với thế gian thay vì trình bầy cách không khoan nhượng những đòi hỏi của Thiên Chúa cho thế gian.
   -   Nó đúng là sự cám dỗ cố gắng tiến lên bằng cách thoái lui, cố gắng biến cái thế gian bằng cách đồng hóa với thế gian.
   -   Đức Giesu đã khẳng định rằng chúng ta không thể đánh bại sự ác bằng cách thỏa hiệp với điều ác.
   -   Ngài đã thiết định tính chất bất thỏa hiệp của đức Tin Kito.
   -   Đức Giesu đã quyết định không bao giờ Ngài hối lộ để khiến người ta theo Ngài, không bao giờ dùng con đường gây xúc động, Ngài quyết định không có sự tương nhượng trong sứ điệp Ngài rao giảng và trong đức tin Ngài đòi hỏi.
   -   Sự chọn lựa đó của Ngài có nghĩa là chọn lựa thập gía, và thập gía chắc chắn là con đường dẫn đến đắc thắng cuối cùng.
   -   " Satan kia, xéo đi! Người phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ lạy một mình Ngài mà thôi."

 Lạy Chúa, bị cám dỗ là thân phận của con người, nhưng thắng dược cám dỗ là nhờ ơn Chúa ban.
Cuộc sống của chúng con hôm nay bị bao vây đè nén bởi những cám dỗ ngọt ngào, tinh vi, hấp dẫn làm khuấy động sự thèm khát nơi chúng con. Cám dỗ chiếm đọat và sở hữu, cám dỗ thống trị bằng quyền uy, trí thức; cám dỗ lập lòe hào nháng lừa bịp, cám dỗ buông thả theo bản năng tự nhiên.
Cám dỗ nào cũng hứa hẹn cho chúng con ít nhiều vinh quang, hoan lạc nhưng thật ra nó lại làm chúng con mù quáng, sa ngã, liều lĩnh xúc phạm đến Chúa và anh em với cái tôi ích kỷ, mê muội.
Xin Chúa cho chúng con noi gương Ngài, luôn biết tỉnh thức, cầu nguyện để thắng được các cám dỗ, vững tin vào Chúa nhân hậu tha thứ hầu chúng con được lớn lên mạnh mẽ trong tình yêu của Chúa và anh em. Vì Đức Kito chúa chúng con. Amen.

Than men,
duyenky



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét