Những bà ngoại 'dại dột'
(19/02/2017 Thanh
Niên Tuần San)
Nhiều người vẫn bảo: “Bà ngoại thương dại thương
dột. Bà nội chẳng vội gì thương” để nói về cái tình cảm ấp yêu, thắm thiết của
những bà ngoại. Nói thế không có nghĩa là bà nội không thương cháu mà chỉ là
theo thói thường của nền văn hóa Á Đông với truyền thống phụ nữ lấy chồng thì
sống ở nhà chồng nên bà ngoại ít được gần cháu hơn.
Có lẽ vì thế mà bao nhiêu tình yêu thương, sự
quan tâm được chắt chiu dành cho phía mà người ta nghĩ rằng trong cả cuộc đời
thời gian gặp nhau cộng lại cũng vẫn còn quá ít ỏi, nên có yêu thương bao nhiêu
cũng chẳng đủ, nên cứ rót yêu thương như nước từ chỗ cao tràn về chỗ trũng.
Hơn thế, giữa những người phụ nữ luôn có sự đồng
cảm với nhau. Chẳng thế mà khi sinh ra một đứa con gái, người mẹ không chỉ
thương con bằng tình yêu thuần túy mà còn thương hơn một chút, yêu hơn một chút
vì cái cảm giác xao xác khi hiểu rằng đứa con mình đứt ruột đẻ ra rồi cũng sẽ
làm mẹ, sẽ mang nặng đẻ đau và gánh gồng bao trách nhiệm. Chính vì vậy mà những
bà ngoại thường thương cháu bằng tình thương thâm trầm hơn, nhiều rung động
hơn...
Và có khi, càng lớn người ta càng thấm thía cái
tình thấm đẫm vị quê hương, thấm tình thân ruột thịt và sự yêu thương có phần
ít lý trí đáng yêu, đáng nhớ của những bà ngoại. Nói đến bà ngoại, trong ký ức
của nhiều người là hình ảnh người phụ nữ với nụ cười đôn hậu để dành cho cháu
từng miếng quà bánh ngon, gói ghém từng chút một yêu thương như sợ đứa cháu bé
bỏng sẽ nhanh chóng lớn lên và rời khỏi vòng tay mình. Bà ngoại là mẹ của mẹ,
luôn là cả thế giới tuổi thơ, là một góc êm đềm của bao con người.
Ngày tôi sinh con, trong căn phòng hồi sức cách
ly với người thân, nỗi đau da thịt vẫn còn nguyên, chợt thấy ấm áp vô cùng khi
nằm đó và an tâm biết rằng bà ngoại của con mình đang chăm sóc cháu và nó hẳn
rất an toàn trong vòng tay của bà.
Làm mẹ, không có sự sung sướng tinh thần nào
sánh bằng và cũng không có nỗi đau xác thịt nào sánh bằng trong cuộc đời một
người đàn bà... và chỉ có người mẹ mới xót xa đến tận cùng sự sung sướng và nỗi
đau ấy của đứa con mình, nên cũng chính vì thế mà những bà ngoại thường dành
cho cháu tình yêu thương rất rộng và sâu đến mức “bất chấp”, đến mức “dại dột”
mà người ta thường nói.
Một người bạn gái từng tâm sự với tôi rằng,
ngoài cha của con mình, cô ấy chỉ an tâm tuyệt đối khi giao con cho bà ngoại
của nó chứ không thể tin bất kỳ ai khác.
Thoạt nghe có vẻ hơi bảo thủ và phân biệt, nhưng
ngẫm lại tôi thấy cô ấy có nhiều lý do cho suy nghĩ có phần thiên vị của mình.
Một lần tôi đi chung đoàn từ thiện với một cô giáo về hưu, khi xe vừa đến vùng
cao nơi đoàn bác sĩ của chúng tôi chuẩn bị khám bệnh, phát thuốc... thì cô vội
vàng bắt xe quay trở về thành phố. Cô bảo vừa được tin con gái cô đang chuyển
dạ, trong khi ngày dự sinh còn đến gần 3 tuần nữa.
Cô hy vọng kịp về đón cháu chào đời và chăm sóc
con gái, dù rằng con rể cô và nhà chồng chị ấy đã túc trực ở bệnh viện. Ai cũng
ngăn cản cô vì việc về trước một mình sẽ vô cùng vất vả vì rất khó để bắt xe và
đường xa trắc trở, không có xe của đoàn thì việc đi lại sẽ hết sức gian khó
nhưng cô vẫn cương quyết về ngay. Cô bảo, cháu ngoại: là con của con gái, bao
nhiêu đó thôi cũng đủ lý do để bà ngoại, là mẹ của mẹ nó... yêu thương nó vô
điều kiện rồi.
Bất giác hôm nay ngồi viết những dòng này, tôi
lại nhớ đến mẹ... của mẹ, rưng rưng một nỗi nhớ sâu thẳm. Thoảng đâu đó mùi
hương trái sa pô chê chín và bất giác khóc khi nhớ đến những trái sa pô chim ăn
chín rụng trong vườn nhà ngoại mà bà ngoại đã chăm chút nhặt lấy rồi gọt sẵn
cho cháu ăn cùng nụ cười ngọt ngào: “Những trái chín chim ăn mới là những trái
ngon nhất cây, vì chim rất khôn, thường lựa những trái ngon nhất mà ăn...”.
Không biết rồi tôi có cái diễm phúc trở thành bà
ngoại hay không nhưng có lẽ rồi tôi cũng sẽ lại “thương dại thương dột” như bà
ngoại tôi đã từng, và như cách mẹ tôi đang thương con của tôi.
Hải Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét