Mặt nạ
Chuyện Phiếm Gã Siêu
Cách
đây mấy năm, cứ mỗi khi hè về, các đài truyền hình tại Việt Nam đều thi
nhau trình chiếu bộ phim “Tây Du Ký” để phục vụ quí vị con nít. Chính vì thế,
sáng hôm nay, khi gã chuẩn bị đi chợ, thì đứa cháu con ông bác đến bên và năn
nỉ ỉ ôi: Chú nhớ mua cho cháu chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không nhé. Chẳng là thấy bọn
nhóc hàng xóm, đứa nào cũng trang bị cho mình một chiếc mặt nạ. Đứa thì đeo mặt
nạ Đường Tăng. Đứa thì đeo mặt nạ Trư Bát Giới. Vì thế, đứa cháu gã nhất định
đòi cho bằng được chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không.
Ghé
vô tiệm bán đồ chơi con nít, gã nhìn thấy đủ thứ mặt nạ, làm bằng giấy cũng như
làm bằng nhựa, từ “Người nhện” cho đến con sư tử. Từ cô gái mắt to cho đến
thằng quỉ dữ. Thôi thì hầm bà lằng. Cầm chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không, mang về cho
đứa cháu mà bỗng dưng gã cảm thấy buồn rười rượi, bởi vì gã nghiệm rằng trong
cuộc sống hiện nay có quá nhiều người đeo mặt nạ để đến với nhau. Thế nhưng,
trước hết mặt nạ là gì?
Mặt
nạ là một thứ mặt giả, được làm bằng những chất liệu khác nhau, như “các tông”,
nhựa dẻo, kim loại. Tùy theo công dụng của nó, mà chúng ta có được những thứ
mặt nạ khác nhau.
Trong
quân đội, những người lính được trang bị chiếc mặt nạ chống hơi độc, khi tấn
công vào những cao ốc hay những đường hầm bị coi là nguy hiểm. Tại thẩm mỹ
viện, các bà các cô đến để chăm sóc sắc đẹp, cũng thường được các chuyên viên
đắp cho một chiếc mặt nạ bằng kem, bằng bột, bằng dưa leo, bằng cà chua,
bằng lòng trắng trứng gà, để tẩy và dưỡng da mặt. Tại bệnh viện, người ta cũng
thường chụp vào mặt bệnh nhân một chiếc mặt nạ, để gây mê, hay để giúp cho bệnh
nhân được thở dưỡng khí. Trong lãnh vực thể thao, những người thợ lặn được
trang bị chiếc mặt nạ để có thể thở dưới nước. Hay những vận động viên đấu kiếm
cũng được trang bị chiếc mặt nạ bằng sắt để phòng chống những tai nạn có thể
xảy ra.
Tuy
nhiên, người ta thường hay dùng mặt nạ để che dấu bộ mặt thật của mình trong
những lễ hội. Theo phong tục phương Tây, mặt nạ thường được sử dụng trong hai
lễ hội chính yếu sau đây:
Lễ
hội thứ nhất là lễ hội giả trang, hay “Carnaval”, được tổ chức vào ngày
thứ ba trước thứ tư lễ tro. Người Pháp gọi ngày thứ ba này là “thứ ba béo”
(mardi gras). Trong ngày thứ ba béo, người ta mặc sức ăn uống, nhảy nhót, đeo
mặt nạ và cải trang thành con người hay con vật mà mình muốn diễn tả. Lễ hội
này chấm dứt vào lúc 12 giờ đêm, để rồi ngày Thứ Tư Lễ Tro, người ta sẽ ăn chay
kiêng thịt, xức tro trên đầu, như dấu chỉ của cõi lòng sám hối ăn năn và chính
thức bước vào mùa chay. Phải chăng đây là một sự bù lỗ cho những hy sinh hãm
mình người ta thực hiện trong suốt bốn mươi ngày đêm trong mùa chay? Lễ hội thứ
hai là lễ hội “Halloween”, được tổ chức vào tối ngày 31 tháng 10. Đây là một lễ
hội dành riêng cho quí vị con nít. Buổi tối hôm ấy, bọn nhóc được hóa trang và
mang mặt nạ quỉ dữ, đi tới từng nhà và người trong nhà thường phải cho bọn nhóc
ấy bánh kẹo.
Từ
những sự việc kể trên, hai chữ “mặt nạ” được mang thêm một nghĩa bóng, đó là sự
giả hình và gian dối. Chẳng hạn như khi chúng ta nói: Hãy lột mặt nạ những kẻ
hắc ám. Nếu hiểu đeo mặt nạ là sống bằng sự giả hình và gian dối, thì có lẽ con
số những kẻ đeo mặt nạ hơi bị nhiều trong xã hội rồi đấy. Sách Cổ Học Tinh Hoa
kể lại “Lời nói của người bán cam” như sau:
Ở
Hàng Châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam, lâu ngày mà không ủng, vỏ
vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng, như ngọc, đem ra chợ bán giá đắt, mà người ta
lại tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về bóc ra, hơi xông lên mũi, múi
xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ hỏi người bán cam: Anh bán cam cho người
ta để làm của cúng lễ, đãi khách khứa hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để
đánh lừa người ta ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm! Người bán cam cười và nói: Tôi
làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai
nói gì, chỉ có ông kêu ca! Thiên hạ giả dối nhiều chẳng phải gì một mình tôi?
Ông thật không chịu nghĩ đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ,
hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn
Tẫn, Ngô Khởi không? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng
quan văn lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc
nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết
trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương, chẳng biết
xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cao lương,
oai vệ, hách dịch vô cùng! Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, mà bề trong
chẳng như bông nát là gì? Ông không chịu xét những hạng người ấy, mà đi xét quả
cam của tôi.
Ta
nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có
giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới
thác ra truyện bán cam để dạy người đời chăng? Vì vậy, bàn dân thiên hạ mới có
câu thơ:
–
Trông em, anh tưởng sao mai,
Biết rằng trong có như ngoài hay không?
–
Nhác trông cứ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.
Báo
chí tại Việt Nam trong những ngày gần đây đã phanh phui biết bao nhiêu quan
chức đã dùng bằng giả để leo lên ghế nọ ghế kia. Vào chợ mua sắm, chúng ta gặp
phải biết bao nhiêu loại hàng giả. Nếu không tinh ý thì khó mà phân biệt được.
Thậm chí người ta đã tổ chức cả một hội chợ tại Hà Nội đề trình bày những mẫu
mã hàng thiệc và hàng giả. Bác nông dân mua chai thuốc diệt cỏ, mang về xịt
trên ruộng đồng. Xịt xong cỏ không chết mà còn liên tục phát triển, thành thử
bị thất thu. Thì ra đó chỉ là thuốc dổm. Có anh bạn quí từ xa ghé thăm, bèn vội
chạy ra tiệm mua một chai rượu tây XO hẳn hoi để đãi khách. Thế nhưng, thoạt
khi mở nắp, mùi cồn nồng nặc xông lên mũi. Hóa ra đó là hàng nhái. Đổ đi thì
tiếc, mà uống vào thì nhức đầu.
Tuy
nhiên, điều bi đát hơn cả đó là người ta đến với nhau bằng những chiếc mặt nạ,
người ta cư xử với nhau bằng sự giả dối, người ta luôn “đóng kịch” với nhau ở
mọi nơi và trong mọi lúc. Sự gian dối và lường gạt dường như đã trở thành một
nguyên tắc chỉ đạo, giúp chúng ta gặt hái những thành công trên đường đời.
Trước
hết là trong lãnh vực thương mại: Muốn mau kiếm lời, thì phải gian dối bằng mọi
cách. Nào là cân thiếu và thước hụt. Nào là hàng giả và hàng nhái. Nào là nói
thách và nói dối. Có nói thành không và không nói thành có. Buôn bán mà
cứ thật thà như đếm, thì thà rằng dẹp tiệm đi còn hơn. Chính vì vậy, người xưa
đã bảo: Thật thà như thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
Tiếp
đến là trong lãnh vực quân sự: Muốn mau chiến thắng thì làm sao phải lừa được
kẻ địch. Gã nhớ không rõ lắm, hình như trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có kể lại
một sự việc như sau: Tào Tháo dẫn một đội quân hùng tấn công Gia Cát Lượng.
Thấy lực lượng của mình vừa ít lại vừa yếu, Khổng Minh bèn dùng kế nghi binh.
Ông buộc cành cây vào đuôi ngựa, rồi đánh cho ngựa phi nước đại, làm cho cát
bụi tung bay mịt mù. Địch quân thấy vậy hoảng sợ chạy trốn và Khồng Minh đã
chiến thắng một cách dễ dàng. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng thế. Việt
Cộng tuy ít, nhưng dùng chiến thuật du kích, bất ngờ tấn công chỗ này chỗ khác.
Rồi gây hoảng sợ bằng cách tung tin đồn thất thiệt, đã chiếm được tỉnh nọ tỉnh
kia. Tạo hoang mang bằng cách bắn đọp đọp chỗ này vài tiếng, chỗ kia vài tiếng,
ngụy trang máy cày thành chiến xa, lái đi ầm ầm trong đêm, làm cho tâm lý quân
đội và người miền Nam bị chao đảo và hốt hoảng. Chính vì sự chao đảo và hốt
hoảng này đã dẫn tới tình trạng co rúm và thua chạy, dù chẳng bị tấn công.
Trong
lãnh vực chính trị cũng thế: Để chạy đua vào những chức vụ quan trọng như tổng
thống, dân biểu, nghị sĩ…các ứng cử viên đã tự đánh bóng mình bằng những hình
ảnh đẹp đẽ và những lời tuyên bố đao to búa lớn thật nảy lửa. Nhưng sau khi đã
an tọa trên chiếc ghế của mình, thì mọi sự vẫn như cũ.
Dám
ăn dám nói là chuyện đương nhiên, còn có dám làm hay không, thì việc này còn
phải”ngâm kíu” và xét lại. Người ta thường bảo: Nghề luật sư là nghề thường
xuyên phải giả dối, thường xuyên phải đóng kịch. Chính một luật sư bên Âu châu
đã phát biểu: Nghề diễn viên rất cần cho nghề luật sư. Khi ra tòa, nếu mô tả
được đúng tình cảm định khoác cho mình, thì rất có ảnh hưởng đến người nghe, là
bồi thẩm đoàn và ba tòa quan lớn: không giận mà làm như giận, không thương mà
làm như thương, như vậy bảo đảm “chăm phần chăm” là sẽ thành công. Cũng vị luật
sư này đã kết luận một cách chua chát: Đã là người thì ai mà lại chẳng đóng kịch.
Cha mẹ đóng kịch trang nghiêm với con cái mà trong thâm tâm chưa chắc đã là
trang nghiêm. Càng điêu luyện thì càng dễ thành công.
Thực
vậy, kinh nghiệm đời thường nhiều khi cho thấy: muốn thành công, thì đừng bao
giờ nói ra ngoài miệng những gì mình suy nghĩ trong lòng. Dù trong lòng có ghét
cay ghét đắng, thì ngoài miệng vẫn ngọt như mía lùi, vẫn bùi như lạc rang. Kinh
nghiệm này cũng đã được tục ngữ ca dao Việt Nam diễn tả: Khẩu phật tâm
xà. Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm. Ngoài thì thơn thớt nói cười, mà trong nham
hiểm giết người không gươm.
Sách
Cổ Học Tinh Hoa kể lại mẩu chuyện mang tựa đề là “Ác ngầm” như sau: Vua Ngụy
đem một người con gái đẹp dâng vua Kinh. Vua Kinh rất lấy làm thích thú và đem
lòng yêu thương người con gái ấy. Phu nhân là Trịnh Tu biết thế, chính mình
cũng tỏ ra yêu mến người con gái ấy, có khi lại còn tỏ ra yêu mến hơn cả
nhà vua nữa. Người con gái ấy muốn ăn mặc, chơi bời gì, phu nhân cũng đều sắm
sửa cho đủ cả. Vua khen: Phu nhân biết ta yêu mến tân nhân, nên cũng đem lòng
yêu mến tân nhân của ta, thật có khác nào như người con có hiếu thờ cha mẹ,
người bầy tôi trung thờ vua vậy. Phu nhân đã chắc bụng vua không ngờ mình là
người ghen, nhân dịp mới bảo tân nhân rằng: Vua yêu mến nhà ngươi lắm, nhưng
ghét cái mũi nhà ngươi. Giá từ nay, hễ ngươi trông thấy vua, ngươi cứ che lấy
cái mũi đi, thì sẽ được vua yêu mến mãi đấy. Tân nhân nghe theo lời ấy, từ
đó mỗi khi trông thấy vua, là che ngay cái mũi lại. Vua thấy thế, bảo với phu
nhân rằng: Tân nhân trông thấy ta mà cứ che mũi là ý làm sao? Phu nhân thưa:
Tôi không được rõ. Đợi vua cưỡng hỏi nữa, phu nhân mới thưa rằng: Tôi nghe đâu
tân nhân có nói hơi vua khí nặng, rất lấy làm khó chịu. Vua phát giận bảo: À
nếu thế thì xẻo cái mũi nó đi. Vua nói đoạn, thì một viên hầu cận cầm dao ra
xẻo ngay cái mũi của tân nhân. Sở dĩ như vậy là vì phu nhân đã dặn một viên
quan hầu đứng chực sẵn ở đấy trước, rằng: Hễ nghe vua phán gì, thì phải làm
ngay lập tức.
Trong
Phúc âm, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh cụ thể để diễn tả về hạng người
giả hình, đeo mặt nạ đạo đức. Nào là họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt trửng
gia tài của các bà góa. Nào là họ nói mà không làm, và nếu có làm thì cũng tìm
cách kiếm chác cho mình một chút hào quang để nghênh ngang với đời. Nào là họ
chịu khó tắm rửa cơ thể và lau chùi những đồ dùng, nhưng tâm hồn lại chất đầy
tội ác. Nào là họ giống như mồ mả, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng bên trong chỉ
toàn dòi bọ và xú khí…Và Ngài đã kết luận: Hãy nghe những lời họ nói, nhưng
đừng làm theo những việc họ đã làm.
Gã
xin đưa ra một vài trường hợp người ta cư xử với nhau theo sự giả dối. Trước
hết trong phạm vi gia đình, vợ chồng thường đeo mặt nạ đối với nhau: Có những
anh chồng luôn tỏ yêu thương và chu toàn những bổn phận đối với vợ con, nhưng
đồng thời vẫn cứ lăng nhăng lít nhít, hở một tí là đèo bòng bồ nhí. Chắc
hẳn khi trở về gia đình, những anh chồng này phải đeo cái mặt nạ đạo mạo, mực
thước. Nhưng khi đến với bồ nhí lại đeo cái mặt nạ hào hoa phong nhã.
Tiếp
đến trong phạm vi nhà trường, thày cô thường đeo mặt nạ đối với học trò của
mình. Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, quí mến
những bậc thầy: Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
Sở dĩ như vậy là do ảnh hưởng của Nho giáo. Thực vậy, đối với Nho giáo thì trên
cõi đời này có ba hạng người chúng ta phải tỏ lòng trọng kính, đó là quân sư
phụ, có nghĩa là vua thầy và cha. Ông thầy là biểu tượng của sự hiểu biết đã
đành, mà còn là biểu tượng của tác phong đạo đức, xứng đáng được gọi là bậc mô
phạm, làm khuôn mẫu cho bàn dân thiên hạ noi theo. Thế nhưng, trong mấy ngày
qua báo chí tại Việt Nam đã phanh phui chuyện một ông thầy hiếp dâm học trò của
mình là một nữ sinh lớp 12 tại Cần Thơ. Thậm chí một ông thầy khác ở Kiên Giang
còn có hành vi đồi bại đối với sáu bảy em tiểu học của mình. Những ông thầy
này, khi đứng trên bục gỗ để giảng dạy, hẳn cũng bệ vệ, oai phong lắm lắm,
nhưng hành động của họ đã làm cho chiếc mặt nạ đạo đức ấy bị rơi rụng, để rồi
họ hiện nguyên hình là những…con quỉ râu xanh!
Để
kết luận, gã xin kể lại vở kịch “Hầu Tước” của Albert Thompson. Vở kịch ấy có
nội dung như thế này: Sau khi Đức Quốc Xã bị sụp đổ và Thế giới đại chiến lần
thứ hai kết thúc, quân đội Đồng Minh đi lục soát trong các trai tập trung để
tìm kiếm những nạn nhân khốn khổ và bất hạnh bị nhốt trong đó. Và họ đã gặp
được một quả phụ còn sống sót. Chồng bà là một người Do Thái đã trở lại Công
Giáo và đã bị thủ tiêu. Bà biết được rằng lúc phải ra đứng trước những họng
súng thù địch, ông vẫn không ngừng cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho họ.
Thế nhưng, người con trai của bà không thể nào chịu đựng nổi cảnh thương tâm
này. Oán giận nổi lên bừng bừng, anh ta đã nhào tới, cướp lấy một khẩu súng và
điên cuồng nhả đạn vào đám mật vụ, làm cho một người trong bọn bị thương nặng.
Tên mật vụ này, khi hấp hối trong bệnh viện, đã cho mời bà quả phụ đến để xin
tha thứ, và rồi sau đó cả hai cùng đọc một kinh “Lạy Cha”, như dấu chỉ của sự
hòa giải. Vở bi kịch này đã thành công và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp mỗi khi
trình diễn và đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Tuy nhiên, có
một lần trình diễn, khi tới chỗ tên mật vụ và người góa phụ cùng đọc kinh “Lạy
Cha”, thì diễn viên đóng vai tên mật vụ đang hấp hối bỗng dừng lại, nhất định
không chịu đọc câu: Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Anh ta đứng phắt
dậy, xua tay và nói lớn: Tất cả đều đóng kịch, đóng kịch hết.
Mỗi
ngày, vợ chồng, cha mẹ và con cái đều đọc kinh “Lạy Cha”, thế mà gia đình vẫn
cứ lục đục và bất hòa, cơm chẳng lành và canh chẳng ngọt, thiếu điều muốn
thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau và cho chén dĩa bay ra ngoài sân.
Phải chăng chúng ta cũng đang đóng kịch và đeo mặt nạ với nhau? Mỗi ngày có
hàng triệu người đọc kinh “Lạy Cha” thế mà nhân loại vẫn sôi sục vì khủng
bố, vì chiến tranh. Phải chăng người ta cũng đang đóng kịch và đeo mặt nạ với
nhau? Hãy chấm dứt những thái độ đóng kịch và hãy vứt bỏ những chiếc mặt nạ giả
nhân giả nghĩa, để đến với nhau bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét