Apr 8, 2018 - Chúa nhật II Phục Sinh năm B
Kính Lòng Chúa Thương Xót.
Các Bạn thân mến,
Lễ
Phục Sinh hằng năm thường vào mùa Xuân của khí hậu thời tiết thiên nhiên; mùa phát
sinh, tái sinh, bừng lên sức sống mới của các loại thực vật sau thời gian dài
tàn tụy rơi rụng tưởng như đã chết. Nhưng cũng như Chúa Phục Sinh, chúng chỉ
ngủ nghỉ, lấy lại sức mạnh để rồi tỉnh giậy, đâm chồi nẩy lộc xanh tươi mơm mởn
rồi ra hoa, kết trái, phát sinh cành lá xum xuê, hương thơm thoang thoảng…tạo
hương sắc đặc biệt cho mùa Xuân thiên nhiên trời đất, làm rung động lòng người!
Nhưng chúng ta lại gần như vô tư thưởng thức, hưởng thụ như muôn ngàn cái vô tư
khác mà chẳng tốn kém, mất mát gì! Có suy nghĩ thì nhiều khi cũng rất “logic”, cái logic vay mượn, logic đã
thành công thức: hạt giống gieo xuống lòng đất lạnh thì lớn lên, sinh hoa kết
trái, vậy thôi, có gì đâu!? Mà quên rằng ai cho nó mọc lên? Bởi con người nhỏ
bé, không thể tự tạo ra được gì, càng không thể tạo ra một phép lạ cỏn con! Thế
mà lại dám nghi ngờ Đấng duy nhất có thể làm được mọi điều. Và dám thách đố cả
Đấng đã tự sống lại sau ba ngày yên nghỉ trong mồ! Ngày xưa, đó là một Toma
tông đồ, người đã được chính Đức Giesu chọn. Nhưng sau đó, và cho đến ngày nay,
còn không biết bao nhiêu người cố tình không tin vào sự Phục Sinh của Ngài, tệ
hơn nữa họ còn chống phá, phỉ báng nhiều
điều Ngài dạy bảo nữa.
Tuy nhiên như Toma, người không có mặt lúc Chúa
Phục Sinh hiện ra với các môn đệ lần đầu tiên, nhưng Ngài vẫn chiều những đòi
hỏi qúa quắt của ông!
Năm
1931, qua nữ tu Maria Faustina Kowalska, Chúa còn truyền cho Giáo Hội trọng
kính lòng thương xót của Ngài vào chúa nhật II Phục Sinh, chúa nhật mà cả thế
giới phải hướng về Toma. Để những ai cứng lòng như ông, có cơ hội tuyên nhận
Đức Giesu là Thiên Chúa của mình. Tình thương xót của Thiên Chúa thật không thể
hiểu nổi phải không các Bạn?
Tin
Mừng Gioan hôm nay tường thuật hai lần Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ.
Cả hai lần đều vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và cách nhau
một tuần lễ. Lần đầu Toma vắng mặt, lần sau ông hiện diện.
Khi hiện ra lần thứ hai, Đức Giêsu đã thỏa mãn đòi hỏi của Tôma đòi
được“mắt thấy tay
sờ”. Nhưng khi được Chúa
Phục Sinh hiện ra, lập tức Tôma đã có đức tin và tuyên xưng đức tin ngay:“Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!”. Sau đó, Đức Giêsu đã
động viên các tín hữu sau này là những người chỉ có đức tin
bởi nghe:“Phúc
thay những người không thấy mà Tin!”.
Gioan đã kể chi tiết câu
chuyện đó như sau:
1. Chúa
Phục Sinh hiện ra với các môn đệ:
a) Lần thứ nhất:
- Tuy
được bà Macdala báo tin và hai ông Phero, Gioan nói đã chứng kiến ngôi mộ
trống, nhưng các môn đệ vẫn hoang mang, sợ hãi, tiếp tục ẩn náu trong một ngôi
nhà đóng cửa kín mít.
- Ngày
thứ nhất trong tuần: Ngày nay,
Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa
Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ
nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sabát) của Do Thái Giáo.
- Đức
Giêsu đến: Đức Kitô hiện đến trong lúc cửa nhà đóng kín. Cho thấy thân
xác phục sinh của Ngài có đặc tính
thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi.
- Bình
an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Kitô Phục Sinh
đem lại sự bình an và niềm vui cho các môn đệ.
- Người
cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giêsu Phục Sinh là
Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá, bị lưỡi đòng đâm thâu
cạnh sườn. Cho thấy có sợi dây liên kết
giữa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng
sai anh em: Tông
đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này
xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giêsu, và giờ đến lượt Đức Giêsu
Phục Sinh truyền lại cho các môn đệ và các tín hữu.
- Người thổi hơi vào các
ông và bảo:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh
Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí
vào Adam và ban sự
sống cho ông, thì nay, Đức
Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các
môn đệ lại ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu.
- “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy
được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giêsu
được Gioan Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa
bỏ tội trần gian. Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt,
Đức Giêsu đã cho thấy Ngài có quyền
tha tội.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài còn thiết
lập Bí Tích Giải Tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc
thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục kế vị các Tông
đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những
cộng sự viên của các ngài.
- Lần hiện ra này vắng
mặt Toma. Khi gặp Toma, các môn đệ thuật lại thì ông
không tin, còn thách đố:"Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ
ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có
tin…”
b) Lần thứ hai:
- Biết Toma
đòi hỏi quyết liệt, nhưng Đức Giesu hiểu rõ tấm lòng ông yêu kính Ngài, chỉ vì
tính bi quan, nên sau cái chết của Ngài, Toma đau đớn đến độ không làm chủ được
bản thân mình, không muốn gặp ai, nên đã mất cơ hội gặp Chúa Phục sinh lần đầu
tiên.
- Tính tình lại bộc
trực, can
đảm; Toma ưa nêu thắc mắc khi Đức Giêsu giảng để được Ngài
dạy rõ hơn.
Lần này ông đòi một đức tin khả giác giống như
một nhà khoa học thực nghiệm.
- Thật ra nhiều
môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng Nhất ghi:“Ngài khiển trách các ông
không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được
thấy Ngài sau khi Ngài
chỗi dậy”
- Chờ
khi Toma có mặt với các môn đệ, Đức Giesu lại hiện ra, lập lại lời Toma đòi hỏi
và mời ông kiểm tra.
- “Đặt ngón tay vào
đây, và hãy nhìn xem tay thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức
Giêsu đã thoả mãn những đòi hỏi của Tôma.
- Đừng cứng lòng nữa, nhưng
hãy tin: Đức
Giêsu tuy khiển trách tội cứng lòng của Tôma, nhưng Ngài
cũng thông cảm và chỉ kêu gọi ông từ bỏ sự cứng lòng để tin vào mầu
nhiệm Phục sinh của Ngài.
- Bấy giờ lòng Toma tràn tình yêu thương, tôn thờ,
thốt lên “Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Câu nói bộc lộ rõ tâm
trí của Toma. Thật không hổ thẹn với con người có đầu óc thực nghiệm! Ông
là môn đệ cuối cùng tin Đức Giêsu sống lại, nhưng lại là người đầu
tiên tuyên xưng nội dung đức tin đầy đủ nhất về Đức Giêsu: Người vừa là Chúa Cứu Thế,
vừa là Thiên Chúa.
- Tuy nhiên có lẽ Đức Giesu chưa hài lòng nên
nói tiếp:”Phúc thay những người
không thấy mà tin”.
- Từ
nay trở đi, đức tin và mầu nhiệm Phục Sinh không dựa trên kinh nghiệm
khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng dựa trên lời chứng của các
Tông Đồ. Sau này các tông đồ còn làm chứng về Đấng
Phục Sinh bằng việc sẵn sàng chịu chết vì đức tin và
mầu nhiệm ấy.
- Lời kêu than của Tôma không chỉ là một lời
tuyên xưng đức tin, mà đó còn là lời sửng sốt bàng hoàng khi thấy các bàn tay
của Đức Giêsu bị xé nát và đầy sứt sẹo!
- Chỉ lúc bấy giờ Tôma mới thực sự nhận thức
được sự đau đớn mà Đức Giêsu đã chịu trên thập giá. Và sự khám phá đó vượt quá
mức chịu đựng của Tôma. Điều này nhắc chúng ta nhìn lại chính con người của
mình. Chúng ta phải tin Đức Giêsu một cách cá biệt, phải tìm ra lý do của riêng
mình để giúp chúng ta quỳ xuống, tuyên xưng Đức Giêsu như Toma.
- Điều
ông nói còn chứng tỏ đức tin của ông đã cao đến độ tin mà không cần kiểm tra.
- Nhờ Toma, chúng ta được
những bài học qúi gía: chúng ta không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi bàn tay
của Đức Giêsu, không thể giải phẫu bàn tay con người, để qua cảm nghiệm, biết
được sự đau khổ vô cùng mà Đức Giêsu đã phải chịu.
-
Nhưng chúng ta có thể làm như Toma đã
làm. Chúng ta có thể tin vào Phúc Âm.
Chúng ta có thể đến với Đức Giêsu qua đức tin.
Chúng ta có thể đến với Đức Giêsu qua đức tin.
- Từ những cảm nghiệm của riêng mình, chúng ta
có thể khám phá rằng Đức Giêsu đã sống lại, ở giữa chúng ta và sẵn sàng giúp đỡ
chúng ta, cũng như Ngài đã giúp đỡ Toma cùng bao nhiêu người cứng cỏi khác.
- Đấy là lời mời gọi mà Tin Mừng hôm nay đưa
ra. Lời mời gọi mà chính Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta khi Ngài nói với Tôma:"Có phải anh tin là vì anh thấy Thầy?
Phúc cho những ai không thấy mà tin!"
- Nên
mỗi người phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Đức Giêsu. Chúng ta không thể
tin chỉ vì bạn hữu chúng ta tin. Có thể đức tin của họ giúp đỡ chúng ta, nhưng
điều đó chưa đủ. Chúng ta phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Đức Giêsu,
giống như Tôma đã làm trong Tin Mừng hôm nay.
2.
Con người Toma:
a) Lỗi lầm:
- Là
người bi quan, nên Toma dễ thất vọng, dễ đau buồn, thích sự cô đơn hơn là họp
mặt bạn bè.
- Ông
đã mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh, lãnh bình an, và Thánh Thần lần thứ nhất.
- Đấy
là lỗi lầm lớn nhất của Toma và cũng là kinh nghiệm cho chúng ta, nếu không hợp
thông với nhau, chúng ta sẽ mất nhiều dịp may lành.
- Bởi
nhiều điều tốt đẹp chỉ có khi chúng ta hiệp thông với nhau trong Giáo Hội, mà
không xẩy ra khi chúng ta ở riêng rẽ cô đơn.
- Chính
những lúc buồn đau, chúng ta nên tìm đến với nhau, sự thông hiệp chia sẻ có cơ
may được gặp Chúa và lãnh nhận ơn phúc.
- Tuy
nhiên thắng cá tính mình không dễ dàng, dù biết đó là điều tốt đẹp cần làm,
nhưng cố gắng rèn luyện tính lạc quan, thói quen phó thác, chạy đến Chúa mỗi
khi thất vọng lo buồn, dần dần sẽ dễ dàng hơn.
b) Những đức tính:
- Toma
trung thực, thẳng thắn, can đảm, dứt khoát, bất khả khoan
nhựơng, không nói ngược với lòng trí mình.
- Không
dễ dàng chấp nhận, cũng không phải là người thiếu suy nghĩ.
- Ngờ
vực, hoài nghi của ông có cơ sở khoa học, nghĩa là muốn biết rõ, biết chắc sự
việc.
- Chỉ
tin khi ông đã hiểu kỹ càng, không qua loa chiếu lệ, không lưng chừng, không môi
miệng, khách sáo.
- Những
đức tính chín chắn, cẩn thận của Toma rất cần thiết cho vấn đề giao tế xã hội.
- Có
thể nói Toma là người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng tâm trí mạnh mẽ, tin
tưởng vững chắc, quyết tâm lớn, kiên trì; đã tin, đã ý thức, thuần phục thì
thực hiện đến cùng.
3. "Phúc thay những người không thấy mà
tin”:
- Tin
Mừng hôm nay cho thấy có hai mức độ tin:
. Mức
độ thấp: tin do thấy, nghĩa là dựa vào bằng chứng cụ thể.
. Mức độ cao: tin mà không thấy, là không cần bằng
chứng nào.
- Đức
Giesu đánh gía mức độ sau cao hơn, và kêu gọi chúng ta hãy cố vươn lên tớ mức độ
ấy.
- Bởi
đức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa vào bằng chứng,
vì có bằng chứng rồi thì là điều hiển nhiên, cần gì tin nữa.
- Tuy
vậy đức tin không mù quáng, vì có lý do: thường thì chúng ta tin theo lời ai đó
là do tình cảm, tư cách, và uy tín của người ấy.
- Điều
này làm nên gía trị của sự tin vào lời chứng, nên Đức Giesu nói:"Phúc thay những người không thấy mà tin", là vậy.
- Thí
dụ Toma chưa tin các môn đệ bạn thuật về Đức Giesu sống lại, nhưng khi nghe lời
Ngài thì ông tin ngay, sau đó ông còn làm nhân chứng cho nhiều người khác tin
theo.
- Và
khi yêu kính ai thì dễ tin vào người ấy, bởi yêu nên hạnh phúc, như thế có sự
liên hợp giữa Tin Yêu - Hạnh phúc, mà người ta thường nói gọn là Tin - Yêu.
- Trong
tương quan với Chúa cũng vậy, tin Chúa nên chúng ta yêu Ngài và yêu nên chúng
ta được hạnh phúc.
- Lý
do để tin còn là những dấu chỉ, dấu chỉ Chúa cho Toma là những thương tích của
Ngài.
- Chỉ
cần thấy dấu chỉ là Toma tin ngay, không cần đụng chạm, sờ mó vào bằng chứng nữa.
- Ngày
nay không thấy Chúa, cũng chẳng thấy thương tích của Ngài, nhưng Chúa ban cho
chúng ta những dấu chỉ khác, đó là những phép Bí tích, các biến cố, gương sống
của các tín hữu công chính, và ngay chính mình, chúng ta cũng có thể là dấu chỉ
nào đó cho người khác nhận biết Chúa.
- Do
giới hạn về không gian, thời gian, địa lý, lịch sử, chuyên môn, khả năng…khiến
con người hiểu biết mọi sự mọi điều phần lớn là do kinh nghiệm, lý luận và tin
tưởng.
- Bởi
thế giới hữu hình mà chúng ta quan sát được chỉ là một phần của thế giới rộng
lớn bao gồm nhiều điều vô hình.
- Phương
cách để chúng ta có được những tri thức thông thường còn chân thật như thế, thì
cách thức để chúng ta có được những tri thức tôn giáo càng chân thật hơn nhiều.
- Nên
phần lớn các tri thức tôn giáo mà chúng ta có là do chúng ta tin vào Kinh
Thánh, tức là tri thức tôn giáo do niềm tin mà có, và người ta đã mặc nhiên
công nhận.
- Tuy
nhiên về mặt nào đấy, cũng có thể kết hợp niềm tin với suy luận.
- Thí
dụ: biết Đức Giesu đã sống lại thật nhờ những gì Kinh Thánh nói, chúng ta cũng
có thể suy luận thêm:
. Khi Đức Giesu chết, các môn đệ
bị khủng khoảng tinh thần đến tột độ, chỉ còn như một đám người yếu hèn, nhát
sợ, thất bại, lẩn trốn…
. Thế rồi Chúa Phục Sinh hiện ra,
đã làm họ thay đổi một cách lạ lùng, lòng họ bùng lên niềm vui mừng hạnh phúc
tràn đầy không thể cầm lòng được, vội chạy đi loan báo cho mọi người là họ đã
gặp Đức Giesu sống lại, và Ngài hiện đang sống. Họ tin chắc chắn đến độ sẵn
sàng chịu bách hại đủ điều, đủ kiểu, chấp nhận mất tính mạng chứ không chối bỏ
niềm tin.
- Qua những cảm nghiệm của chính họ về quyền
năng của Đức Giêsu đang hoạt động trong đời sống của họ mà họ đã phải tin.
- Trước Phục Sinh, họ vỡ mộng, tiêu tan hy
vọng. Sau Phục Sinh họ biến đổi một cách lạ lùng. Ngay cả họ được sức mạnh để
làm phép lạ. "Không một giải thích
nào đủ lý lẽ để giải thích về sự biến đổi đời sống của họ ngoại trừ chính họ:
họ đã thấy Đức Giêsu... còn sống."
- Không
chỉ đời sống họ biến đổi, họ còn làm thay đổi toàn lịch sử nhân loại, mà chỉ có
thể giải thích vì họ dã thấy Đức Giesu hiện đang sống.
- Lời
chứng của họ càng ngày càng ảnh hưởng tới mọi người, càng ngày càng đi xa, đến
tận cùng mọi ngõ ngách của địa cầu.
- Cảm
nhận được một năng lực mới lạ diệu kỳ khiến họ còn có thể làm nhiều phép lạ.
- Thật
vậy, lý trí thuần lý đã xác quyết rằng một biến cố nào đó đã xẩy ra làm biến đổi
các môn đệ Đức Giesu, tức là lý trí đã xác nhận sự Phục Sinh của Đức Giesu thật
sự đã xẩy ra.
- Như
vậy chúng ta có thể tin tưởng vào chứng cứ của Thánh Kinh, chúng ta cũng có thể
dùng lý trí, lý luận để xác quyết thêm điều Kinh Thánh đã truyền dạy
- Vì thế trải qua hơn hai ngàn năm, niềm tin
Phục Sinh vẫn là nền tảng để Kito giáo sống và phát triển mãi mãi cho đến ngày
tận cùng của thế giới như lời Chúa nói.
- Mặt
khác, “tin” là chấp nhận bấp bênh,
chấp nhận có thể sai trái, lừa gạt …nhưng không thể sống mà không tin, và càng
không thể nói "có thấy mới tin", bởi ngay chung quanh chúng ta
có biết bao điều không thể thấy được mà chúng ta vẫn tin, và dù không giải
thích được, nó vẫn là một hiện thực. Như lực hút của nam châm, lòng dạ con
người, tình cha mẹ con cái, nghĩa vợ chồng…
- Riêng
chúng ta, mặc dù đã được rửa tội theo Chúa từ ngày sinh ra, nhưng vẫn còn biết
bao yếu đuối, thiếu tin, hoài nghi, ngã lòng…
- Chúng
ta cần bồi dưỡng thêm bằng nhiều cách, bởi Lời Chúa, ơn Chúa Thánh Thần, anh
chị em, gương thánh nhân... Đặc biệt liên tục trông cậy, cầu xin lòng Thương
Xót Chúa.
Lạy Chúa, khủng hoảng lớn nhất của thế giới ngày nay là niềm tin
của con người, bị giảm đến gần như mất hẳn ở mọi lãnh vực, từ tôn giáo, giáo
dục, xã hội, chính quyền, đến gia đình, bạn bè, láng giềng ...
Xin cho chúng con, những tín hữu mà Ngài đã dựng nên và quan
phòng, luôn sáng suốt giữ vững niềm tin vào:
- Thế giới do Ngài tạo
nên,
- Vì xót thương nhân loại, Chúa đã Phục Sinh để
cứu chuộc mọi người,
- Cuộc đời mà Ngài gởi chúng con đến,
- Vẻ đẹp tốt lành của tạo vật,
- Sự sống viên mãn hạnh phúc
Ngài hứa ban…
"Cậy nhờ cuộc tử nạn đau thương và sự sống lại vinh hiển
của Đức Giesu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới." Amen
Thân mến,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét