MỤC SỞ THỊ
( Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm B)
Mục Sở Thị nghĩa là “nhìn
tận mắt”, đó là cách nói rút gọn của câu “thực mục sở thị”. Từ điển Hán Nôm giải
thích: MỤC là con mắt; SỞ là rõ ràng, minh bạch; THỊ là thân cận, gần gũi. Người
ta cũng dùng chữ “mục kích” (mục: mắt, kích: đập vào). Cách nói phổ biến là
“nhãn tiền”. Chữ “nhãn tiền” (nhãn: mắt, tiền: trước – ý nói “thấy trước”) do
câu “quả báo nhãn tiền”, ý nói về điều không tốt, nhưng ngày nay chữ này cũng
được dùng khi nói về điều tốt.
Tình yêu thương là hiện
thân của Thiên Chúa (1 Ga 4:8 và 16). Tình yêu đó cũng chính là Lòng Thương Xót
của Ngài. Lòng Chúa Thương Xót luôn được nhắc đến suốt Năm Phụng Vụ, đặc biệt
vào Mùa Phục Sinh – cách riêng là Chúa Nhật II Phục Sinh. Chẳng phải mới đây mà
từ thuở khai thiên lập địa, Kinh Thánh đã nói đến tình yêu thương. Đây là vài
câu cụ thể trong sách Sáng Thế:
St 19:19 – “Này, tôi tớ
ngài đây đã được đẹp lòng ngài, và ngài đã tỏ LÒNG THƯƠNG lớn lao của ngài đối
với tôi khi để cho tôi sống. Nhưng tôi không trốn lên núi được đâu, tai ương sẽ
đuổi kịp, và tôi chết mất!”
St 24:14 – “Xin mời ông,
con sẽ cho cả lạc đà của ông uống nữa", thì đó là người Chúa đã xe duyên
cho tôi tớ Chúa là I-xa-ác; cứ đó, con sẽ biết rằng Chúa đã tỏ TÌNH THƯƠNG đối
với chủ con”.
St 24:27 – “Chúc tụng Đức
Chúa là Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham, chủ tôi, đã không ngừng tỏ TÌNH THƯƠNG và
lòng thành tín của Người đối với chủ tôi; còn tôi, Đức Chúa đã dẫn dắt tôi trên
đường đến nhà anh em họ hàng của chủ tôi”.
St 33:10 – “Tôi đã nhìn
thấy mặt ngài như nhìn thấy mặt Thiên Chúa, và ngài đã tỏ LÒNG THƯƠNG với tôi”.
Bởi vì “Thiên Chúa là
tình yêu” (1 Ga 4:8 & 16) – cách định nghĩa của Thánh Gioan, thế nên Đạo (của)
Chúa là Đạo Yêu Thương. Yêu thương, tình thương, tình yêu, hoặc lòng thương đều
là một – có thể rút gọn còn một từ YÊU. Phàm ngôn có nhiều cách gọi, nhưng thực
chất vẫn là Lòng Chúa Thương Xót. Ngay trong Việt ngữ cũng không thống nhất,
khi thì Lòng Thương Xót Chúa, khi thì Lòng Chúa Thương Xót, đó là cách rút gọn
của cách nói “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”. Đôi khi Việt ngữ dễ gây hiểu lầm
do cách “rút gọn” văn phạm! Cuộc sống đời thường có nhiều loại thực tế, cuộc sống
tâm linh cũng vậy.
THỰC TẾ TỘI LỖI
Có lẽ không thực tế nào
buồn và đáng sợ bằng thực tế tội lỗi. Nó không chỉ khiến người ta sa sút về
tinh thần, nguy hiểm về phần rỗi, mà còn gây yếu đuối cả về thể lý.
Tội lỗi liên quan ma quỷ,
nghĩa là đối lập với Thiên Chúa. Thánh Phêrô nói: “Thiên Chúa của các tổ phụ
Ápraham, Isaác và Giacóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi
Trung của Ngài là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh chị em đã NỘP và CHỐI BỎ trước mặt
quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh chị em đã CHỐI BỎ ĐẤNG THÁNH và ĐẤNG
CÔNG CHÍNH, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh chị em đã giết ĐẤNG KHƠI
NGUỒN SỰ SỐNG, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết” (Cv
3:13-15). Chúng ta thật khốn nạn, dám “giao nộp” Chúa Giêsu, dám “chối bỏ”
Ngài, dù biết rõ Ngài là “Đấng Thánh”, là “Đấng Công Chính”, là “Đấng khơi nguồn
sống”. Tội to lắm!
Và rồi với “kinh nghiệm
đau thương” về việc này (tội chối Thầy) nên vị giáo hoàng tiên khởi đã chân
thành kêu gọi: “Thưa anh chị em, giờ đây tôi biết anh chị em đã hành động vì
KHÔNG HIỂU BIẾT, cũng như các thủ lãnh của anh chị em. Nhưng, như vậy là Thiên
Chúa đã thực hiện những điều Ngài dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước,
đó là: Đấng Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh chị em hãy SÁM HỐI và TRỞ
LẠI cùng Thiên Chúa, để Ngài xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3:17-19). Ông Phêrô
đã sám hối và được Thầy Giêsu xót thương. Tấm gương sám hối đáng để chúng ta
noi theo mỗi khi sảy bước sa chân.
Từ ngàn xưa, có thể dân
Do Thái hành động vì thiếu hiểu biết, bởi vì họ quá bất ngờ và quá bị “sốc” khi
nghe chàng-thanh-niên-con-bác-thợ-mộc nói chính mình là Con Thiên Chúa. Nếu lúc
đó chúng ta nghe được điều đó, chắc chắn chúng ta cũng thấy “chói tai” lắm đấy!
Nhưng ngày nay, chúng ta không thể biện minh là chúng ta không hiểu biết – bởi
vì chúng ta được dạy quá nhiều rồi.
Thế thì làm sao? Nếu thực
sự không thể tự biện hộ, thực sự biết mình đã và đang phạm nhiều tội lỗi thì
chúng ta phải biết thành tâm sám hối, chân thành trở lại, tin tưởng và khẩn cầu
LCTX: “Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu
khẩn” (Tv 4:2). Nên biết rằng Chúa biệt đãi người hiếu trung với Ngài; khi kêu
cầu thì Ngài luôn nghe lời. Có thể chính chúng ta cũng đã bao lần thắc mắc: “Ai
sẽ cho ta thấy hạnh phúc?” (Tv 4:7a). Chính trong câu hỏi đó đã mặc nhiên có
câu trả lời – nghĩa là không ai khác, không một thần linh nào khác ngoài Thiên
Chúa. Và vì thế, chúng ta càng phải kêu cầu: “Lạy Chúa, xin toả ánh Tôn Nhan
Ngài trên chúng con” (Tv 4:7b).
Cầu nguyện là khiêm hạ và
hạnh phúc, chính lúc cầu nguyện là lúc chúng ta trở nên vĩ đại, bởi vì được
thưa chuyện với Thiên Chúa và được Ngài lắng nghe chúng ta trút mọi nỗi niềm.
Có ai như Thiên Chúa của chúng ta? Chắc chắn là không! Đó chính là thực tế về
ân sủng.
THỰC
TẾ HỒNG PHÚC
Thiên Chúa vô cùng đại lượng
và hào phóng, hằng ngày Ngài luôn ban muôn vàn hồng ân cho chúng ta – từng
phút, từng giây. Đơn giản nhất mà lại cần thiết nhất chính là KHÔNG KHÍ – vì
thiếu không khí vài phút là chúng ta chết ngay! Mọi người, không trừ ai, đều đã
và đang nhận lãnh hồng ân của Thiên Chúa – dù chúng ta chưa hề mở lời xin Ngài.
Chưa nói được lời tạ ơn
thì cũng đừng đối kháng. Thánh Gioan khuyên chúng ta “đừng phạm tội”, và “láy”
một câu: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:
đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Thật quá tuyệt vời!
Chắc chắn chúng ta đều là
những tội nhân khốn nạn, nhưng chúng ta lại vô cùng may mắn có Chúa Giêsu là luật
sư biện hộ cho chúng ta trước Tòa Án Công Lý của Chúa Cha. Hơn nữa, “chính Đức
Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà
thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:2). Nhận xét của Thánh Gioan rất
“ăn khớp” với lời khẩn cầu trong Chuỗi LCTX: “Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng
lên Cha Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Tha
thiết lắm, Thiên Chúa không nỡ làm ngơ đâu!
Một thực tế khác: Nếu
chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài, chúng ta nhận ra mình là những người
biết Thiên Chúa. Nhưng “ai nói mình biết Ngài mà không tuân giữ các điều răn của
Ngài, đó là kẻ nói dối, và Sự Thật không ở nơi người ấy” (1 Ga 2:4). Ngược lại,
“ai giữ lời Ngài dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1
Ga 2:5). Tình yêu và bổn phận luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Thực tế thế thôi!
Chiều Chúa Nhật Phục
Sinh, sau khi hai môn đệ nhận ra Sư phụ Giêsu trên đường Emmau khi Ngài bẻ
bánh, họ vội vã trở lại Giêrusalem và thuật lại chuyện đã xảy cho các môn đệ
khác biết. Các ông còn đang bàn tán thì chính Đức Giêsu hiện ra đứng giữa họ và
bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc 24:36). Thế nhưng các ông kinh hồn bạt vía, hồn
xiêu phách lạc tưởng là thấy ma. Nhưng Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng
anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma
đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:38-39). Lời-chúc-bình-an
đó là Chúa Giêsu đã trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ lúc đó – và ban cho
cả chúng ta ngày nay.
Vừa dứt lời, và để các
môn đệ thấy thực tế minh nhiên, Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ấy thế mà
họ còn chưa tin, có lẽ một phần vì quá vui mừng, một phần vì quá ngỡ ngàng. Mừng
vì Thầy đã sống lại thật chứ không bị bọn ma mãnh lấy mất xác Thầy, mừng vì hai
môn đệ kia (gặp Chúa trên đường Emmau) cũng nói thật chứ không hề “nổ” hoặc “xạo”
chút nào. Và cũng là để cho “chắc cú”, Ngài hỏi rất thực tế: “Ở đây anh em có
gì ăn không?” (Lc 24:43). Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng thơm phức, thế
là Ngài cầm lấy và ăn ngon lành trước mặt họ. Ôi, Sư phụ Giêsu thật chứ không
phải tay nào khác giả dạng. Thế thì trên cả tuyệt vời luôn rồi!
Sau khi ăn khúc cá nướng,
Ngài giải thích: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả
những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều
phải được ứng nghiệm” (Lc 24:44). Vâng, Thánh Ý Chúa quá mầu nhiệm, vượt xa tầm
hiểu biết của nhân loại – dù là những bậc thông thái. Bấy giờ, chính Ngài mở trí
cho các ông hiểu Kinh Thánh và Ngài nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng
Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh
Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được
ơn tha tội” (Lc 24:46-47). Một thực tế minh nhiên và các môn đệ cũng đã “thực mục
sở thị”. Rõ ràng và rạch ròi rồi.
Tất nhiên Chúa-Giêsu-phục-sinh
biết rõ chúng ta luôn yếu đuối, luôn sai phạm, nên Ngài cũng luôn nhấn mạnh động
thái “sám hối” và “tín thác”. Có được hai điều đó thì LCTX luôn chan hòa trên
chúng ta. Và chính Ngài xác định bổn phận được trao cho chúng ta: “Chính anh em
là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:48). Bổn phận và trách nhiệm không của
riêng bất kỳ ai!
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa
hứa hẹn vừa dặn dò: “Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em,
hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”
(Lc 24:49). Lời hứa đó đã, đang và sẽ được Ngài thực hiện cho nhân loại chúng
ta mãi cho tới khi niên tận thế cùng.
Lạy Thiên Chúa
chí tôn chí thánh, xin thánh hóa và gia tăng ba đức đối thần cho chúng con, và
cũng ban các đức đối nhân để chúng con làm người xứng đáng. Xin Ngài luôn ban
Thần Khí để chúng con can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Ngài và Đức Kitô
phục sinh, hôm nay và mãi đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Đức
Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
ĐỨC MẸ MARACAIBO
(Venezuela) – trích từ Radio Vatican ngày 8-4-2018
Đức Mẹ đề cập vấn đề
trang phục khi đến Nhà Chúa – nhất là đối với giới trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét