Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

XIN VÂNG


XIN  VÂNG   XIN  VÂNG
Thứ ba - 24/04/2018 – ĐGM GB Bui Tuần


     1.

       Mấy ngày nay, tôi hay nghĩ tới muôn vàn ơn Chúa đã ban cho tôi suốt 43 năm đời giám mục của tôi. Tôi nghĩ tới, để mà tạ ơn.

       2.

       Cùng với việc tạ ơn là việc tạ tội. Tôi nghĩ tới muôn vàn tội lỗi đời tôi. Tôi tạ tội với Chúa. Tôi xin Chúa giầu lòng thương xót tha tội và xóa tội cho tôi.

       3.

       Tính tôi vốn hay sợ. Thêm vào đó là chước cám dỗ của Satan. Nó bày ra đủ thứ lý do để đưa tôi vào thất vọng. Có nhiều lần, tôi đã kêu lên thảm thiết: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ rơi con”.

       4.

       Chính những lúc đó, Chúa âu yếm nói với tôi: “Con ơi, Cha đang rửa chân cho con. Con đừng sợ. Hãy tin ở Cha”.

       5.

       Chúa cho tôi nhìn lại việc rửa chân xưa, mà Chúa đã thực hiện cho các môn đệ của Chúa trong bữa tiệc ly.

       “Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ, rồi lấy thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4- 5).

       Chúa nói với tôi: “Cha cũng đang thực hiện việc rửa chân cho con”.

       6.

       Tôi nhận ra đúng là như vậy. Bằng nhiều cách, Chúa đang rửa chân cho tôi, nhất là bằng cách ban cho tôi ơn an ủi.

       Với nhiều cách an ủi, Chúa như rửa tâm hồn tôi khỏi sợ hãi.

       7.

       Những cách an ủi làm tôi cảm động nhất chính là những phục vụ khiêm nhường, nặng nhọc, kín đáo của biết bao người và cộng đoàn, mà Chúa gửi đến tôi.

       Nhìn họ làm những việc đó cho tôi, tôi cảm tưởng là chính Chúa Giêsu đang rửa chân cho tôi.

       8.

       Tự nhiên tôi nghĩ rằng: Trong giáo phận, và trong Hội Thánh tại Việt Nam hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang thực hiện việc rửa chân cho các môn đệ của Người như thế đó.

       Những ai thay Chúa mà lo rửa chân cho người khác như vậy, chính là những kẻ xây dựng Hội Thánh một cách hữu hiệu.

       9.

       Như vậy, giới luật yêu thương của Chúa phải đi kèm với việc rửa chân cho nhau. Rửa chân cho nhau tất nhiên là không bôi xấu cho nhau, mà cái gì xấu nơi họ, thì mình lo rửa cho họ một cách yêu thương, khiêm nhường.

       10.

       Một câu hỏi được đặt ra cho tôi là: Tôi có cảm tạ Chúa, vì ơn được Chúa rửa chân cho không? Và tôi có rửa chân cho người khác như Chúa đã rửa chân cho tôi không?

       Xét mình, tôi thấy tôi có nhiều thiếu sót. Tôi cần tạ tội với Chúa.

       11.

       Khi tạ tội với Chúa vì những thiếu sót đó, tôi chạy lại bên Đức Mẹ Maria.

       Đức Mẹ dạy tôi hãy đọc lại Lời Chúa Giêsu đã nói với Thánh Phêrô xưa: “Thật, Thầy bảo thật cho con biết. Lúc con còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng, khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra, cho người khác thắt lưng cho, và dẫn con đến nơi con chẳng muốn” (Ga 21, 18).

       12.

        Đức Mẹ cho tôi hiểu là tôi hãy tạ tội với Chúa bằng cách vâng theo ý Chúa như Thánh Phêrô xưa.

        Tôi xin Mẹ giúp tôi biết xin vâng, theo gương Thánh Phêrô xưa, và như Đức Mẹ xưa.

Xin vâng, xin vâng.

Tôi tạ ơn với lời xin vâng ý Chúa. Tôi tạ tội với lời xin vâng ý Chúa. Một khi biết đâu là thực ý Chúa, tôi tuyệt đối xin vâng.

       13.

        Theo tôi, ý Chúa quan trọng nhất là tôi hãy nhìn vào Chúa Giêsu mà tin mình được Chúa yêu thương, Chúa yêu thương tôi đến nỗi đã chết cho tôi, đã cho tôi những gì là cao quí nhất, tức mạng sống của mình. Tôi hãy theo gương Chúa mà yêu thương kẻ khác phần nào như vậy.

        14.

        Lúc này hơn bao giờ hết, tôi đang được Chúa nhẳc nhở một cách khẩn khiết: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Ở lại trong tình yêu Chúa, đó là ý Chúa. Tôi xin vâng.

        Tình yêu Chúa ở đâu? Thưa ở nhiều nơi, nhất là ở những việc yêu thương chúng ta làm cho kẻ khổ đau. Làm cho họ được Chúa kể như là làm cho Chúa. Chúa cam kết như vậy (x.Mt 25, 40).

        15.

        Vì thế, tôi coi những việc yêu thương, mà tôi có thể làm, như kinh Hòa Bình đã kể, chính là ý Chúa, tôi cần xin vâng.

        “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”

        16.

        Do vậy, Xin vâng, mà Đức Mẹ dạy tôi, chính là Xin vâng ý Chúa, trong đó có lãnh vực yêu thương kẻ khác.

        17.

        Hạnh phúc của tôi là Xin vâng ý Chúa, như vừa trình bày. Thiết tưởng hạnh phúc của mỗi người anh chị em cũng sẽ như thế. Chúng ta cầu nguyện cho nhau rất nhiều. Bởi vì Xin vâng đâu phải là chuyện dễ. Rất cần ơn Chúa để mà Xin vâng

Long Xuyên, ngày 22.4.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét