TÌNH NGƯỜI NƠI CỬA TỬ
Sat,
14/04/2018 - Huệ Minh
Cứ mỗi thứ Tư, tôi lại
vào nơi không ai muốn đến nơi cái chết gần kề: Bệnh Viện Ung Bướu.
Ai nào đó cứ đi ngang ngã
ba đường Nơ Trang Long và Phan Đăng Lưu khi rẽ vào Nơ Trang Long sẽ khá vất vả
để di chuyển đi ngang cái “cửa tử”. Dẫu rằng có cầu vượt dành cho người đi bộ
nhưng rồi lượng người đến đây dừng như quá tải. Giản đơn vì kèm theo một người
“mang án tử” lại có thêm cả mấy người thương đi cùng.
Có một điều lạ lẫm, hai
bên vách tường của hành lang đi lại, tôi lại thấy có cái gì đó cuộn lại nằm sát
nhau. Tò mò muốn biết thì ra đó là nơi của những người nghèo không có khả năng
thuê nơi trọ “dành” một chỗ qua đêm.
Với những người có tiền
hay có khả năng, người ta có thể tìm đến để ngả lưng ở những nhà trọ hay phòng
thuê quanh bệnh viện. Với những người nghèo thì đành phải chấp nhận vì lẽ vào
nơi đây không chỉ tính tháng tính ngày mà có người lê lết cả năm. Có người vào
nơi đây quen cả lối đến và lối về.
Thật vậy! Chả ai muốn
mình có một chỗ ngả lưng sau đêm dài mệt nhoài vất vả nhưng rồi vì hoàn cảnh
nên đành chịu vậy. Và, cứ ngày này qua ngày khác cứ phải sống trong hoàn cảnh
như thế. Chẳng bất đặng đừng chứ chẳng ai muốn mình rơi vào cám cảnh như thế. Thế nhưng, cũng chỉ vì
chữ tình để họ đi theo người thân vào cái nơi không ai muốn đến như thế này.
Có hôm, vì hoàn cảnh để rồi
tôi ở lại nơi “cửa tử” đó đến quá chiều. Điều ngạc nhiên đập vào mắt tôi đó là
những người thân đi nuôi những bệnh nhân ung bướu không ai bảo ai cứ trải giấy
ra ngồi tụm lại với nhau. Và, cũng chả ai trách ai, chả ai than phiền ai, cứ có
cái gì đưa ra cái đó và cùng ăn chung với nhau như bữa cơm gia đình.
Có thể bon chen nơi đâu
đó nhưng khi vào nơi ‘cửa tử” này người ta cần lắm sự sẻ chia và đỡ nâng. Vào
đây mới cảm được ngày nay “sỏi đá cũng cần có nhau” chứ không phải đợi mãi tới
ngày sau.
Có thể ở đâu đó của cuộc
đời, người ta vẫn còn bon chen tranh đấu nhưng khi đến cái nơi gọi là “cửa tử”
này thì tình người trở nên ấm lại. Cũng dễ hiểu vì lẽ khi đã đặt chân đến đây
thì sự sống đang dần khép lại và sự sống ấy không còn tính tháng tính năm nữa
nhưng lại tính theo ngày và có người tính theo giờ. Dẫu rằng biết trước sau sớm
muộn gì cũng chết nhưng từ người bệnh đến gia nhân chả ai muốn cho người thân
mình đi sớm quá. Thế là cứ phải cố gắng để níu kéo với thời gian.
Ai nào đó có dịp vào đây
thăm nom hay chữa trị sẽ phần nào hiểu được số phận của kiếp nhân sinh. Khi và
chỉ khi vào đây lòng ta mới chạnh lại để khỏi hăm hở bon chen.
Cách đây ¼ thế kỷ, tôi
cũng đã đến nơi này để rồi ngày ngày đón nhận án tử dành cho Mẹ. Cũng chỉ vài
tháng đau đớn với nỗi đau giằn vặt thì Mẹ cũng đã về Trời.
Ngày hôm nay, lại có dịp
trở lại nơi “cửa tử”, phận người mong manh một lần nữa nhắc nhớ cho tôi về kiếp
người. Và đặc biệt, hình ảnh của những con người chen chúc nhau trên dưới một
chiếc giường thật đau khổ. Họ đã nghèo và còn khổ khi phải đặt chân đến đây.
Tiếc nuối, đớn đau, buồn
tủi cho phận người.
Đã nghèo còn gặp khổ, đã
đau còn gặp buồn vì phải chen chân nhau từ sáng đến tận khuya để chữa trị. Cứ
ngày này qua ngày khác dù có khỏe cũng phải tàn hơi kiệt sức vì nơi đây ngày mỗi
ngày càng quá tải.
Cũng nên chăng đi vào đây
để thấm thía cái phận người và nhất là phận người phải đón nhận chứng ung thư.
Cũng nên chăng đi vào đây
để khám phá được tình người mà mọi người vào đây dành cho nhau khi đồng cảnh ngộ.
Cũng nên chăng đi vào đây
để học biết cách thương người của những con người chưa hề quen biết để hiểu hơn
sự sẻ chia.
Trở về sau một vòng rong
ruỗi nơi “cửa tử” thân quen, thoáng lên một tình thương người biết thương người.
Ai nào đó còn hơn thua
tranh chấp, nên chăng cứ phải gói mình vào đây một hôm hay vài bữa sẽ nhận ra
được chân đích của cõi nhân sinh. Và rồi, ngày nào còn sống cứ hãy yêu thương
thật tình bởi lẽ “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét