Bà xã
Chuyện phiếm Gã Siêu
Tiếng Việt Nam của chúng
ta thật là tuyệt vời để diễn đạt những “gam”, những mức độ tình cảm đậm nhạt
khác nhau. Khi mới bắt đầu thương, anh chàng luôn mồm gọi chị chàng với cặp môi
dẻo quẹo: Em yêu! Người tình bé! Con mèo nhỏ! Khi bước vào cuộc sống lứa đôi và
tình yêu còn nồng như rượu nếp mới và còn thơm như mật ong rừng, thì anh chồng
luôn trìu mến gọi chị vợ với giọng nói ngọt như đường cát, mát như đường phèn:
Em! Mình! Cưng! Mẹ thằng cu! Đằng ấy! Rồi hùng hổ giới thiệu vị “nội tướng” của
mình với bà con lối xóm bằng những danh từ thật bùi tai, còn hơn cả đậu phộng
rang, chẳng hạn như: Nhà tôi! Bà xã! Nếu là dân ghiền cải lương, thì anh chồng
không ngần ngại ca sáu câu vọng cổ có mùi bắt đầu bằng những chữ: Hiền thê ơi!
Ái khanh lòng ta hỡi! Nhưng khi tình yêu đã bị xuống cấp, nhất là trong những
lúc nóng nảy, thượng cẳng chân hạ cẳng tay mí nhau, thì anh chồng không ngần ngại
tuôn ra những lời “hàng tôm hàng cá” để mà phang chị vợ một trận tơi bời hoa
lá: Cái con mẹ mày! Cái con mụ kia! Cái bà chằng lửa! Từ những kinh nghiệm đời
thường ấy mà có kẻ đã hung hăng phát biểu: Trong đời anh đờn ông có hai ngày
vui. Ngày vui thứ nhất đó là ngày lấy vợ. Còn ngày vui thứ hai đó là ngày vợ chết!
Chuyện kể rằng: Có một
anh đờn ông chẳng may qua đời, mon men đến cửa thiên đàng. Ông thánh Phêrô thấy
vậy bèn chặn lại và lên tiếng hỏi: Ngươi đã làm được những gì để xứng đáng bước
vào chốn hạnh phúc muôn đời? Anh đờn ông gãi đầu gãi tai. Xem ra trong cuộc nơi
sống trần gian anh ta đã chẳng làm được việc gì cho ra ngô ra khoai, cho nên
trò nên trống, cho nên cơm nên cháo. Sau một hồi suy nghĩ và xét mình, cuối
cùng anh ta mới rụt rè thưa lên: Bẩm thánh cả, con có vợ ạ. Ông thánh Phêrô bèn
đưa bàn tay vuốt chòm râu bạc, rồi gật đầu ra dáng thông cảm: Thôi được. Ta rất
hiểu ngươi. Nào, ngươi hãy lẹ lẹ bước vào thiên đàng ngay đi.
Qua câu trả lời trên, có
lẽ ông thánh Phêrô đã nhìn thấy rất rõ những khó khăn, những gánh nặng và những
bế tắc của những anh đờn ông có vợ. Biết đâu chừng đó cũng chính là những khó
khăn, những gánh nặng, những bế tắc của bản thân ông thánh khi nhìn về dĩ vãng
xa xưa của mình. Còn gã, gã cũng xin ăn theo mà chia sẻ và mổ xẻ cái nỗi buồn của
những anh đờn ông có vợ.
Người Việt Nam hiện nay
thường được nghe đến độ mòn cả lỗ tai và thuộc lòng câu nói sau đây: Không có
gì quí hơn độc lập và tự do. Khi còn là “giai tơ”, anh đờn ông lúc nào cũng có
được cái kho tàng quí giá ấy là sự tự do. Anh ta muốn đi đâu thì đi, muốn làm
gì thì làm, muốn nhậu lúc nào thì nhậu. Thế nhưng khi đã đèo bồng cái “rờ mọc”,
thì liền mất toi cái kho tàng ấy, vì phải đổi đời và thoát xác. Có những anh
chàng thưở trước thuộc hạng “phá gia chi tử”, đã quậy thì phải quậy tới bờ tới
bến, đã nhậu thì phải nhậu cho xỉn, vì không xỉn không về, đã chơi thì phải
chơi xả láng sáng về sớm, thế mà khi lập gia đình thì bỗng trở nên nghiêm túc,
chí thú làm ăn, có lẽ vì nghĩ tới trách nhiệm của mình ở phía trước. Bởi đó,
khi đứng trước những “con ngựa chứng”, nhiều cụ đã khuyên: Cứ lấy vợ cho nó là
xong tuốt luốt. Chỉ có con vợ mới trị được nó mà thôi. Và thế là nỗi buồn cứ
len lén đi vào tâm can tì phế, ám vào lục phủ ngũ tạng của anh đờn ông, hay như
một bài hát đã diễn tả: Buồn vào hồn không tên. Để rồi anh đờn ông cứ thở dài
thườn thượt mà rằng: Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu. Chính vì vậy, các cụ ta
ngày xưa cũng đã phát biểu: Một là vợ, hai là…nợ. Hay: Trai có vợ như dợ buộc
chân. Còn người Pháp, vốn mang giòng máu “ga lăng” thì đã diễn tả một cách hoa
hòe hoa sói hơn: Nếu em là trại giam, thì anh sẽ là thằng tù. Thế mà cũng có
lúc đã phải chua chát: Đờn bà vừa là niềm vui lại vừa là tai họa cho đờn ông. Đờn
bà vừa là nữ thần lại vừa là sói cái của đờn ông.
Có những người nhờ vợ mà
nổi đình nổi đám, nên cơ đồ nên sự nghiệp: Giàu vì bạn sang vì vợ. Nhưng cũng
có những người vì vợ mà tiêu tán đường, mất cả chì lẫn chài, mất cả vốn lẫn
lãi. Vì thế người xưa đã cho rằng: Thứ
nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba rựa cùn. Sống trên đời, anh đờn
ông con giai nào cũng cảm thấy có ba cái bực. Thế nhưng, cái bực vào hạng nhất
đó chính là vợ dại, bởi vì nhà dột thì hắn có thể lợp lại, rựa cùn thì hắn có
thể mài lại, hay bỏ một nơi, quẳng một xó, chứ còn vợ dại thì vẫn cứ phải chấp
nhận, vẫn cứ phải sống chung hòa bình, vẫn cứ phải đeo đẳng bên mình có khi còn
dài hơn cả một đời, bởi vì đờn ông thường “ngỏm củ tỉ” trước đờn bà, và tuổi thọ
của anh chồng thường vắn hơn chị vợ. Vậy đâu là những cái nơi chị vợ thường làm
cho anh chồng phải bực, phải tức như bị bò đá mà vẫn cứ phải cắn răng chịu vậy? Nếu bới lông tìm vết, sợi tóc chẻ làm mười,
thì hẳn sẽ tìm thấy nhiều tính mê nết xấu nơi đờn bà con gái. Và nếu viết hết về
những thói hư ấy thì chắc chắn gã sẽ bị lây cái thói “rậm nhời” tức là thói nói
nhiều của “phe mình”. Vì vậy, phe ta chỉ xin đề cập qua quít một vài chuyện lỉnh
kỉnh của phe mình mà thôi.
Trước hết đó là chuyện nói năng.
Tìm được một chị vợ vừa
niềm nở tươi tắn lại vừa kín miệng trong lời nói qủa là một sự khó, bởi vì nói
dài, nói dẻo, nói dai, nói day, nói dứt, nói gian, nói dối…vốn là nghề của các
nường. Có những chị vợ thường xuyên càu nhàu với anh chồng. Chúng ta thử tưởng
tượng xem một anh chồng làm công chức. Ở sở thì bị bề trên trù dập, bề ngang
ganh tị và bề dưới bướng bỉnh. Về tới nhà những ước mong được nhìn thấy khuôn mặt
dễ thương với những lời nói êm dịu của chị vợ, rồi được nghe thấy những tiếng
cười trong trẻo đầy vô tư của con cái, để quên đi những mệt mỏi, những buồn tủi
và tìm lấy niềm phấn khởi để tiếp tục cuộc dành dựt chén cơm manh áo. Thế mà
cái mong ước thật nhỏ nhoi, thật tầm thường này cũng chẳng có được. Bởi vì hễ
thò mặt vào nhà là y như rằng chị vợ bèn càu nhàu: Sao anh thua người ta thế
này, sao anh thua người ta thế ki. Người ta kiếm tiền như nước, đem về cho vợ
cho con. Còn anh thì lại vô tài bất tướng. Thật khốn nạn cho cái thân tôi.
Không hiểu kiếp trước tôi vụng dại thế nào, mà kiếp này lỡ vớ phải một ông chồng
cù lần cù lèo như anh. Ngay cả những lúc thân mật nhất, chị vợ cũng vẫn sẵn
sàng rót vào tai anh chồng những lời nói chua như chanh và cay như ớt hiểm. Ngồi
vào bàn ăn mà mặt mày cứ sụ xuống như bánh bao chiều hay lầm lầm lì lì làm
thành một đống. Trong tình huống như vậy, làm sao anh chồng có thể chịu đựng
cho thấu. Nhất là mỗi khi có chuyện bất đồng hay có điều chi xích mích, mà sự
sai lỗi lại nằm trên phần đất của anh chồng, thì chị vợ liền xả ga, nói cho bằng
thích : nói xiên nói xẹo, nói xỉa nói xóc. Lải nhải ngày cũng như đêm, bất cứ
lúc nào chị vợ cũng như làu bàu trong miệng một điều gì ấm ức và bực bội. Tới
nước này, thì anh chồng chỉ có hai cách giải quyết: Một là yên lặng bỏ nhà ra
đi dăm bảy tiếng đồng hồ hay đôi ba ngày, hai là tức nước vỡ bờ, liền nổi máu
yêng hùng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, cho “cái con mẹ mày một trận” để mà câm
miệng lại. Cả hai cách thức giải quyết trên đều bất lợi cho cá nhân và gia
đình. Vì vậy nhiều chị vợ đã đấu tranh bằng những độc chiêu sau đây:
Độc chiêu thứ nhất
là nước mắt.
Mỗi khi có một yêu cầu
nào đó mà xem ra anh chồng còn chần chừ, lừ khừ không muốn dứt điểm và xem ra
như muốn ngâm kíu thêm, rồi ngâm tôm luôn, thì chị vợ thường hay vật mình vật mẩy
rồi nhỏ ra dăm ba giọt nước mắt. Về cái khoản muớc mắt thì xem ra phe mình
không bao giờ thiếu. Nếu gã là tay “thợ thơ” thì chắc chắn sẽ phệu ra được một
bài ca tụng đôi mắt em là như một hồ chứa đầy nước, có thể tuôn chảy bất kỳ lúc
nào. Nếu chẳng may hồ bị bể đập, nước đổ
xuống gây nên cơn lũ, cuốn phăng đi mọi sự. Cũng vậy, một khi nước mắt chị vợ
đã vãi ra, thì cũng sẽ làm tan mất cái dũng khí đờn ông, khiến cho anh chồng
hóa nên mềm nhũn như con chi chi. Bảo cái gì cũng ừ. Nói cái gì cũng gật. Bởi
vì chỉ còn là: Chìu thôi…chìu thôi. Suy gẫm về những giọt nước mắt của đờn bà
con gái, người La mã thời xưa đã phải ngán ngẩm mà thốt lên rằng: Nước mắt của
đờn bà thường ẩn chứa những âm mưu toan tính. Còn dân Ăng lê thì bảo: Trên đời
này không có gì mau khô cho bằng nước mắt đờn bà. Mưa ban sáng và nước mắt đờn
bà thì chẳng mấy chốc mà ráo.
Độc chiêu thứ hai đó bất hợp tác
Nhờ độc chiêu này mà
Gandhi đã dành được độc lập cho dân tộc An Độ. Trong phạm vi gia đình, chị vợ bất
hợp tác bằng cách không nói không rằng,
không cười không hỏi, không làm không lụng, thậm chí cả đến lúc leo lên giường
cũng không thèm quay mặt ra, mà chỉ “tôi nhìn tôi trên vách”. Đến cái nước này
thì thử hỏi bố anh chồng nào chịu nổi. Có một chị vợ kia đã hiên ngang và anh
dũng tuyên bố với anh chồng của mình như sau: Liệu anh có thể chịu đựng nổi sự
lạnh lùng của tôi không thì bảo? Và thế là anh chồng bèn phải xuống ngựa làm một
màn năn nỉ ỉ ôi, suýt gẫy cả lưỡi, để rồi yêu sách nào cũng giải quyết, đòi hỏi
nào cũng thỏa mãn. Và anh chồng ấy đã vuốt chòm râu lún phún và nhủ thầm: Mình
nhịn vợ mình chứ có nhịn vợ thiên hạ đâu mà sợ.
Tiếp đến là chuyện tiền nong và chi tiêu.
Chúng ta thường bảo: Có
thực mới vực được đạo. Tiền bạc tuy là của phù vân giả trá, nhưng lại rất cần
thiết để bảo đảm cho một cuộc sống được ấm no và hạnh phúc. Hơn thế nữa, người
xưa cũng thường bảo: Lấy vàng nhử đờn bà, lấy đờn bà nhử đờn ông và lấy đờn ông
để làm ra vàng. Phần đông đờn bà con gái đều thích vàng, thích hột soàn, nói
chung là thích tiền: Có ăn thiếp ở cùng chàng, không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp
lui. Theo gã nghĩ: Tiền bạc là do công lao vất vả, mồ hôi nước mắt của mọi người,
nên nó phải được tiêu dùng chung, nhằm bảo đảm những tiện nghi tối thiểu, chứ
không được phép tiêu xài hoang phí cho riêng mình. Trong hầu hết các gia đình,
thì chị vợ thường được trao cho chân thủ quĩ để quản lý tiền bạc chi tiêu. Đang
lúc anh chồng lo quần quật làm lụng đem tiền về cho gia đình, thì chị vợ sẽ lo
quán xuyến, nên phải biết chi tiêu cho hợp tình và hợp lý. Với chức vụ thủ quĩ
và quản lý, các chị vợ thường mắc phải hai thái cực sau đây.
Thái cực thứ nhất đó là
quá hà tiện và keo kiệt, mặc dù không đến độ vắt cù chày ra nước, rán sành ra mỡ,
đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà mót hạt tấm, nhưng rất sẻn so trong việc chi
tiêu, ngay cả những chi tiêu chính đáng, chẳng hạn như không dám mua thức ăn,
nên chi bữa nào cũng chỉ là cà ghém mắm tôm và canh cua rau đay…rồi thì lại
canh cua rau đay, mắm tôm và cà ghém. Thái cực thứ hai đó là quá hoang phí,
theo kiểu con nhà lính tính nhà quan, bóc ngắn cắn dài, nghèo mà lại thích xài
sang. Lương tháng anh chồng ba cọc ba đồng, thế mà chị vợ ở nhà lại vung tay
quá trán, nên suốt đời mang công mắc nợ. Từ chỗ thiếu hụt, chẳng bao lâu sẽ dẫn
tới chỗ xào xáo lẫn nhau và gia đình cũng đi đoong luôn.
Trước
hết là hoang phí cho việc may mặc
Nay bộ này, mai bộ khác.
Hôm thì uốn cái đầu, hôm thì mua cái bóp, ấy là chưa kể tới son phấn cùng muôn
vàn sự lỉnh kỉnh khác nữa. Ở nhà lắm lúc hạt cơm không có để mà bỏ vào bụng, những
ra đường thì cứ như bà hoàng bà chúa. Dĩ nhiên gã không chối cãi: Đờn bà con
gái cần phải làm đẹp vì làm đẹp cũng là một phương thế, một nghệ thuật để giữ lấy
anh chồng và làm cho gia đình được ấm cúng. Gã thấy có những chị vợ khi đã được
một hai nhóc tì là bắt đầu cẩu thả trong việc ăn mặc. Cứ thử tưởng tượng xem
anh chồng đi làm mệt nhoài, về tới nhà thì liền nhìn thấy chị vợ lem luốc, đầu
bù tóc rối, còn con cái thì bẩn thỉu, thò lò mũi xanh. Rất có thể chỉ vì sự cẩu
thả này, mà anh chồng đi tìm những an ủi, thoải mái nơi người khác sạch sẽ,
tươm tấp và thơm tho hơn. Tuy nhiên, làm đẹp không có nghĩa là làm đỏm, xa xỉ
và chạy theo thời trang. Nghệ thuật làm đẹp mà chị vợ cần phải nắm chắc và thực
hiện, đó là đói cho sạch, rách cho thơm.
Thứ đến là hoang phí cho việc ăn uống
Nếu mua để cho mọi người
cùng xài thì không sao, nhưng mua để cho mình xài riêng lại là chuyện khác. Một
trong những thói quen, đôi khi cũng hơi dễ thương một tí, mà đờn bà con gái thường
thích mắc phải đó là cái thói ăn hàng, xơi quà vặt. Có những cô nàng, nhất là
phe nữ sinh kẹp tóc, đã hăng tiết vịt mà phát ngôn: Là con gái mà không ăn quà
vặt thì không phải là con gái nữa. Đi chợ mà không ghé hàng quà, thì dân buôn
bán sẽ chết hết: Đi chợ mất tám tiền
quà, chồng thương, chồng bảo về nhà đỡ cơm. Có chị vợ không thèm ăn quà vặt, mà
lợi dụng mỗi khi chồng vắng là mẹ mẹ con con xúm xít bày tiệc tùng bánh trái để
xơi cho khoái khầu, cũng như để tập tành nữ công gia chánh con gái.
Sau cùng là hoang phí cho bài bạc, đỏ đen
Trong khi các anh chồng tới
nhà máy hay công sở, thì các chị vợ ở nhà, tụm năm tụm ba, dở bài cào tứ sắc,
hay số đề số đuôi. Thua thì nhiều, mà được chẳng bao nhiêu. Nếu có được thì
cũng đãi đằng. Tiền chưa kịp nóng tay, thì đã vội bay hơi lúc nào không biết.
Những hoang phí trong việc chi tiêu như thế, chắc chắn sẽ tạo nên một lỗ hổng,
mà anh chồng, suốt đời làm thân trâu ngựa, cũng không thể lấp đầy cho nổi.
Trong phạm vi tiền bạc
cũng còn có một sự lợm cợm khác nữa. Đó là hiện nay vì hoàn cảnh đổi thay, tại
nhiều gia đình, ở Việt Nam và nhất là ở phương tây, chị vợ cũng phải chen chân
ra ngoài xã hội, kiếm thêm phần thu nhập, từ đó phát sinh ra những tình huống dở
cười dở khóc. Nếu chị vợ gặt hái được những thành công, tiền lương có phần trội
hơn anh chồng, thì phần thắng sẽ thuộc về người nắm được nguồn kinh tế và tài
chánh. Và nếu chẳng may, anh chồng lâm vào cảnh thất nghiệp thì bèn phải cúi đầu
xuống như muông chim và trật tự
trong gia đình sẽ bị đảo lộn: Làm trai rửa
bát quét nhà, vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây. Còn nếu như thu nhập đồng đều, thì
tiền ai người ấy tiêu. Anh chồng có một tài khoản trong ngân hàng và chị vợ
cũng có một tài khoản khác. Có được tài khoản trong tay, chị vợ bèn ngước mặt
lên, quắc mắt nhìn đời, cảm thấy như mình được giải phóng và bình đẳng với anh
chồng vì không còn bị lệ thuộc vào kinh tế và tài chánh nữa.
Từ chỗ bình quyền, chị vợ
chỉ cần nhảy thêm một tí nữa là sẽ tót ngay lên chỗ lộng quyền cái một. Chỉ tội
nghiệp cho con cái khi cần tiền, chẳng biết ngửa tay xin ai. Anh chồng hì hục
kéo cày và chị vợ cũng hì hục kéo cày. Con cái không còn được chăm sóc. Gia
đình biến thành quán trọ. Gặp nhau thoáng chốc rồi đường ai người ấy đi, việc
ai người ấy làm. Thậm chí có người đã nhận xét: Ông một nhà, bà một nhà, con
cái có hai nhà những lại chẳng có được một mái ấm yêu thương.
Để kết luận, gã xin chuộc
tội bằng cách ghi lại một vài thơ vui mà gã đã thuổng được ở một tờ báo. Bài
thơ mang tựa đề là Vợ:
Vợ là tình cảm sâu xa,
Vợ là gió mát, vợ là bão
giông.
Vợ như một đóa hoa hồng,
Vợ là sư tử Hà đông kinh
người…
Thiệc tình!!!
chuyện phiếm Gã Siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét