Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

CỘNG HƯỞNG (Chúa Nhật V Phục Sinh, năm B)


CỘNG  HƯỞNG
( Chúa  Nhật  V  Phục  Sinh,  năm  B)



Sự cộng hưởng (resonance) là hiện tượng xảy ra trong dao động vật lý. Đó là khi một vật được kích thích bởi một ngoại lực tuần hoàn có cùng tần số với dao động riêng của nó. Cộng hưởng có thể xảy ra trong nhiều loại dao động – như dao động điện tử, dao động cơ học,… Khi có sự cộng hưởng thì biên độ dao động đạt giá trị cực đại.
Sự cộng hưởng là quá trình “rung động” của một vật với tần số tự nhiên của vật đó, chất liệu và kích thước của vật cũng quyết định đến qúa trình này. Sự cộng hưởng diễn ra quanh chúng ta mọi lúc, mọi nơi: Tiếng chuông ngân, tiếng trống vang, tiếng bật nắp chai,... Người ta gọi đó là sự cộng hưởng âm thanh.
Sự cộng hưởng âm là điều thú vị đáng quan tâm đối với những người mê âm thanh. Hai nhánh của một âm thoa (diapason) có bề mặt rất mỏng so với bước sóng nó tạo ra, nhưng khi thân của một âm thoa đang rung được đặt sát với một vật thể có tiết diện lớn hơn và cũng có khả năng dao động ở cùng một tần số thì sẽ chuyển động nhiều không khí hơn, và tạo ra âm thanh lớn hơn. Hợp âm là sự chồng các âm thanh xảy ra cùng một lúc, khiến chúng ta thích thú với sự cộng hưởng âm như vậy.
Cuộc sống là tập hợp những mối quan hệ đa dạng, không ai là một ốc đảo. Người này luôn có mối liên đới với người kia – dù không quen biết hoặc xa cách nhau hàng ngàn cây số. Liên đới với nhau về những điều tốt đã đành, thậm chí người ta còn liên đới với nhau cả những điều xấu. Mối liên đới càng rõ ràng khi mối quan hệ càng thân thiết. Tính liên đới đó cũng tương tự sự cộng hưởng. Có sự liên đới về điều tốt hoặc điều xấu, nghĩa là cũng có sự cộng hưởng tốt hoặc xấu.
Trong đó có “chiều kích xã hội” vì nó nằm trong cách chúng ta có thể hành động tốt hay xấu. Về tội lỗi, chúng ta có thể phạm tội không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp. Chúng ta phạm tội qua hành động của người khác bằng cách: Tư vấn, mệnh lệnh, ưng thuận, khiêu khích, nịnh bợ, che giấu, đồng lõa, im lặng, biện hộ – gọi là “liên đới tội lỗi”, một dạng cộng hưởng tinh thần. Vì vậy, cần lưu ý:
a) Chúng ta ĐỪNG gây nguy hiểm cho LINH HỒN MÌNH bằng cách CAN DỰ vào tội lỗi của người khác.
b) Chúng ta ĐỪNG gây nguy hiểm cho LINH HỒN NGƯỜI KHÁC bằng cách LÔI KÉO họ vào tội lỗi của mình.
Hệ lụy tốt hay xấu đều ảnh hưởng người khác với một mức độ nào đó. Sách Công vụ Tông đồ cho biết: “Khi tới Giêrusalem, ông Saolô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ” (Cv 9:26). Đó là tâm lý chung, ai cũng sợ, nhất là Saolô (tức là Phaolô) đã từng bách hại đạo của Chúa Giêsu một cách gay gắt và dữ dội. Thế nên, “ông Banaba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Saolô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu tại Đa-mát thế nào” (Cv 9:27). Con người không chỉ có liên đới với nhau mà đặc biệt còn liên đới với cả Thiên Chúa.



Kể từ đó, một Saolô-dữ-tợn-và-tội-lỗi đã hoàn toàn biến đổi thành một Phaolô-hiền-từ-và-nhân-đức, hăng say cùng với các Tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Trước đây ông hung hăng bách hại đạo Chúa nhưng bây giờ ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Đấng-chịu-chết-và-phục-sinh. Ông là dân trí thức nên ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Thấy ông tranh luận về Chúa Giêsu một cách say sưa và chí lý, họ ngạc nhiên rồi ghét ông nên tìm cách giết ông. Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô. Hồi ấy, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, “Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9:29). Sức mạnh của Chúa Thánh Thần thật kỳ diệu vô cùng.
Tất cả chúng ta đều là những người từ nơi xa xăm nhưng diễm phúc được nhận biết và tin vào Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao, và đó cũng là cách chúng ta chịu ơn Ngài. Vì thế, chúng ta phải hết lòng “dâng lời ca tụng Ngài” (Tv 22:26a), đồng thời phải chân thành hứa với Ngài: “Điều khấn nguyền, con xin giữ trọn trước mặt những ai kính sợ Ngài” (Tv 22:26b). Quả thật là như thế, như Thánh Vịnh gia xác định:
Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê
Người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng
Cầu chúc họ mãi ngàn đời vui sống
Toàn thế giới nhớ lại và trở về
Cùng Đức Chúa là Thiên Chúa nhân từ
Mọi dân tộc phủ phục thờ lạy Chúa
(Tv 22:27-29)
Thánh Vịnh gia nói rằng ngay cả “những kẻ ngủ yên trong lòng đất cũng sẽ đều bái lạy một mình Ngài” (Tv 22:30a), và “những ai trở về cát bụi sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan” (Tv 22:30b). Còn chúng ta, những người được đón nhận làm con cái của Ngài, phải không ngừng tự nhủ: “Nguyện sẽ sống cho Chúa, con cháu tôi sẽ phụng sự Ngài” (Tv 22:30c-31). Bổn phận và trách nhiệm của chúng ta không chỉ phải hết lòng tôn thờ Chúa, mà còn phải dạy cho con cái biết yêu mến Ngài, trung tín tôn thờ Ngài và nói cho người khác biết về Ngài. Đó là trách nhiệm mang tính liên đới, tạo nên sự cộng hưởng truyền giáo – khởi đầu từ gia đình.
Việc yêu mến Chúa không thể chỉ NÓI mà KHÔNG LÀM, như Thánh Gioan đã phân tích rất rõ: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18). Học rồi phải hành, nói rồi phải làm, khuyên dạy người khác thì mình phải giữ trước – nếu không thì chỉ là “giả hình chính hiệu”. Yêu ai thì phải quan tâm người đó, không thể khác hơn. Nói chung, bất cứ điều gì cũng phải “ngôn hành song song”. Thánh Gioan nói tiếp: “Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1 Ga 3:19). Thật vậy, “nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20). Người ta có thể nói dối nhau, thậm chí tự lừa dối mình, nhưng không ai có thể nói dối Thiên Chúa.
Thật diễm phúc cho chúng ta nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, và “chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa”, để rồi “bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Ngài ban cho” (1 Ga 3:22). Chúng ta xin và được ơn là vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Ngài và làm những gì đẹp ý Ngài. Nói đi nói lại, nói xa nói gần, cả Mười Điều Răn cũng chỉ tóm gọn hai chữ Yêu Thương. Nhưng hãy lưu ý: ĐỪNG BAO GIỜ LỢI DỤNG CHÚA! Thánh Gioan nhắc nhở: “Chúng ta PHẢI tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và PHẢI yêu thương nhau, theo điều răn Ngài đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3:23), rồi giải thích: “Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì Ở LẠI trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa Ở LẠI trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa Ở LẠI trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3:24). Các mệnh lệnh cách “phải” và tình trạng “ở lại” có liên quan với nhau như một hệ lụy tất yếu vậy.



Trong cuộc đời này, tất cả đều có tính liên đới. Liên đới cũng là một trong bốn điểm chính trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo (thường gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công giáo). Chúa Giêsu cũng đã nhắc tới tính liên đới khi Ngài ví Ngài là Cây Nho, còn chúng ta là cành nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15:1-2). Đó là điều chắc chắn. Khoa học cũng đã chứng minh rằng, trong não bộ có những rãnh chứa “chất xám” (grey matter – chất giúp thông minh), ai lười động não thì các “nhánh chất xám” sẽ khô dần và giảm dần mức độ thông minh, nhưng ai càng chịu động não thì các “nhánh chất xám” càng sản sinh và càng thông minh. Rất tự nhiên mà thật kỳ diệu, giống như cây tốt sinh nhiều nhánh sum suê vậy! Đó cũng dạng liên đới mang tính cộng hưởng lẫn nhau.
Trung thành theo Chúa Giêsu, chúng ta “được thanh sạch nhờ lời Ngài đã nói với chúng ta” (x. Ga 15:3). Ngài căn dặn: “Hãy Ở LẠI trong Thầy như Thầy Ở LẠI trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không GẮN LIỀN với cây nho, anh em cũng thế, nếu không Ở LẠI trong Thầy” (Ga 15:4). Chúa Giêsu không ưa vòng vo, Ngài luôn nói thực tế, rõ ràng, giản dị và bất cứ ai cũng có thể hiểu được.
Một lần nữa, chính Chúa Giêsu tái xác định: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15:5a), và Ngài hứa: “Ai Ở LẠI trong Thầy và Thầy Ở LẠI trong người ấ, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:5b). Nhưng chúng ta có sinh hoa trái hoặc làm được gì thì cũng KHÔNG bởi tài năng của chúng ta, chớ có ảo tưởng, bởi vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5c). Ngược lại, Chúa Giêsu nói vế một: “Ai KHÔNG Ở LẠI trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15:6). Chúa Giêsu không hù dọa mà Ngài chỉ nói theo nguyên lý liên đới tâm linh. Rồi Ngài nói vế hai: “Nếu anh em Ở LẠI trong Thầy và lời Thầy Ở LẠI trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15:7). Đó là sự cân bằng trong một phản ứng, giống như sự cân bằng trong phản ứng hóa học vậy. Và Ngài kết luận: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15:8).



Cả cây và cành luôn có tính liên đới chặt chẽ, đặc biệt đó là mối-liên-đới-yêu-thương, sự-cộng-hưởng-tâm-linh. Theo triết lý của Thánh Phaolô, không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô – mặc dù đó là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo,... Chính trong mọi thử thách ấy, chúng ta có thể toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta: “Dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).
Nói về đau khổ, Thánh Phanxicô Assisi cho biết: “Tôi hy vọng rất nhiều về cái hay, cái tốt. Vì vậy mà tất cả đau khổ đều là dễ thương”. Còn Thánh Vinh Sơn Phaolô : “Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con quyết tâm theo Ngài đến cùng, đủ can đảm trong mọi hoàn cảnh để trung thành và kiên tâm chịu đựng mọi nghịch cảnh. Cầu xin Ngài đừng để chúng con lâm cảnh quá nghèo hoặc quá giàu, vì nghèo quá hoặc giàu quá thì chúng con cũng có thể xa Chúa và hư hỏng. Xin thương xót và che chở chúng con như con ngươi trong mắt Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét