Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

10 điều hầu hết mọi người sợ phải nói ra

 

10  điều  hầu  hết  mọi  người  sợ  phải   nói  ra

Thứ tư, 21/7/2021, VnExpress.net

Ảnh minh họa: The Ladders.


Nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy một người bình thường giữ khoảng 13 bí mật, 5 trong số đó là những bí mật mà họ chưa bao giờ nói với ai.

Khảo sát trên 2.000 người do OnePoll kết hợp với kênh truyền hình Sky History của Anh thực hiện với câu hỏi: Điều gì về bản thân mà bạn sợ phải nói ra nhất?

Kết quả dưới đây là top 10 điều được coi là bí mật không ai muốn bị lộ.

- Sức khỏe tinh thần, thể chất cá nhân

- Một sự cố đáng xấu hổ

- Lịch sử truy cập Internet

- Thói quen ăn uống

- Thói quen vệ sinh

- Số lượng đối tác từng hẹn hò

- Các bí mật về tài chính

- Nói dối để thoát khỏi trách nhiệm

- Ngoại tình

- Tình một đêm

Ngoài ra còn có các đáp án khác như giả ốm nghỉ việc, không giỏi ở lĩnh vực nào đó, lịch sử gia đình...

Các nhà khoa học Liberman và Shaw, trong một nghiên cứu năm 2018 đã phát hiện ra rằng khoảng 6 tuổi, trẻ đã bắt đầu biết giá trị của những bí mật, vì đó là lúc trẻ bắt đầu nhận ra rằng bí mật thường được chia sẻ giữa những người mà chúng coi là bạn bè.

Tại sao chúng ta sợ phải nói ra những bí mật?

Xấu hổ, ngại ngùng là lý do phổ biến nhất khiến mọi người giữ bí mật với người khác, 1/3 số người tham gia khảo sát đã thừa nhận như vậy. Các lý do khác bao gồm giữ gìn danh tiếng cá nhân, không gặp rắc rối với chính quyền, gìn giữ mối quan hệ... Nhiều người tham gia khảo sát cho biết họ che giấu ít nhất hai bí mật với những người xung quanh, tại bất cứ thời điểm nào. Hơn 25% những người được hỏi nói rằng việc giữ bí mật căng thẳng đến mức làm suy giảm đáng kể khả năng hoạt động của họ hàng ngày.

Giữ bí mật lợi hay hại?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sức nặng của những bí mật có thể ảnh hưởng đến thể chất của một người. Thực tế, bí mật có thể khiến bạn suy sụp và thay đổi nhận thức cũng như mức năng lượng. Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi bạn mang theo thứ mà bạn cảm thấy là một bí mật to lớn, bạn trở nên đánh giá quá cao nỗ lực mà các nhiệm vụ thể chất sẽ đòi hỏi, đánh giá sai lệch vấn đề thực tế và "nâng tầm" bí mật. Theo đó, khi tâm trí của chúng ta suy nghĩ về bí mật mà chúng ta đang cố gắng che giấu, chúng ta càng cảm thấy tồi tệ hơn, bởi chúng ta để những suy nghĩ lo lắng lấn át những suy nghĩ tích cực.

Giữa các cặp vợ chồng, việc giữ bí mật với nửa kia có xu hướng khiến mọi người cảm thấy kém tin cậy, bớt tin tưởng. Càng ám ảnh về bí mật, chúng ta càng dành nhiều thời gian "tách biệt về mặt cảm xúc" với đối tác của mình.

Việc tiết lộ bí mật có làm giảm gánh nặng không?

Nếu việc giữ bí mật khiến bạn thất vọng, bạn có nên tiết lộ bí mật này cho người khác không? Trong một nghiên cứu năm 2019, hai nhà khoa học Mỹ là Slepian và Moulton-Tetlock đã phát hiện ra rằng đôi khi tâm sự bí mật của bản thân với người khác thực sự có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.

Tiết lộ bí mật là một cách để đối phó với căng thẳng mà việc duy trì bí mật gây ra. Không chỉ cảm thấy sự hiện diện của sự hỗ trợ trong việc giúp bản thân đối phó với những bí mật, bạn còn gặt hái được những lợi ích từ việc ít để tâm đến bí mật hơn.

Thùy Linh (Theo Psychology Today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét