Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Những việc thiện đưa chúng ta vào thiên đàng thế nào?

 

Những  việc  thiện  đưa  chúng  ta  vào  thiên  đàng  thế  nào?

7/25/2021-conggiao.info


The-Good-Samaritan.jpeg

Những việc thiện cứu rỗi chúng ta như thế nào? Thoạt nhìn có vẻ là một câu hỏi dễ trả lời. Nếu chúng ta đủ tốt, chúng ta chứng tỏ mình xứng đáng được vào thiên đàng, vậy Thiên Chúa sẽ đưa chúng ta vào. Khá đơn giản, đúng không? Không hề. Cả Kinh thánh và Giáo lý đều dạy rất rõ rằng đó không phải là cách mà công trình cứu rỗi thực sự hoạt động. Hãy xem những đoạn văn sau:


“… vì không có sự phân biệt; vì hết thảy đều đã phạm tội, và khuyết hẳn vinh quang Thiên Chúa,  nhưng họ được nên công chính, một cách nhưng không, bởi ơn Người, nhờ việc cứu chuộc trong Ðức Kitô Giêsu” (Rm 3, 22-24).

“Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).

“Chúng ta được công chính hóa nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một ân huệ, một trợ giúp nhưng không mà Thiên Chúa ban để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Người: trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa và vào sự sống đời đời” (GLHTCG 1996).

Từ ba đoạn văn trên, rõ ràng cái nhìn đơn giản về ơn cứu rỗi mà tôi đã mô tả ban đầu không giải quyết được gì. Ơn cứu rỗi là kết quả của ân sủng Thiên Chúa. Đó là ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta cách tự do, dù chúng ta là những tội nhân, không xứng đáng; vậy nên chúng ta không thể tự lãnh nhận hay cứu rỗi chính mình.

Nhưng nếu thế thì những việc tốt đóng vai trò như thế nào trong công trình cứu rỗi? Nếu ơn cứu rỗi hoàn toàn là ân sủng thì còn chỗ trống nào dành cho những việc làm của chúng ta? Trông có vẻ như một nan đề không có câu trả lời, nhưng thật ra vẫn có lời giải. Hãy xem đoạn văn sau, được trích từ một trong những bức thư của Thánh Phaolô:

“Ấy vậy, anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ. Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người” (Pl 2,12-13).

Nếu đọc kỹ lưỡng chúng ta sẽ thấy thánh Phaolô thực sự dạy một điều rất quan trọng. Về cơ bản, ngài bảo các độc giả cần “gắng sức lo sao cho mình được cứu độ”, nên rõ ràng là những việc thiện của chúng ta cũng có vai trò trong quá trình này. Ơn cứu rỗi không chỉ là điều gì đó đến với chúng ta. Thay vào đó, chúng chúng ta cần góp phần và “làm ra [ơn cứu độ]”. Tuy nhiên, ở chính câu tiếp theo, thánh Phaolô minh giải thêm cho giáo huấn này bằng cách giải quyết sự căng thẳng giữa ân sủng và việc làm.

Ngài bảo các độc giả rằng họ có thể lo cho ơn cứu rỗi của mình vì “Thiên Chúa tác động trong anh em”, và đây chính là chìa khóa. Khi chịu phép rửa, các Kitô hữu ở trong tình trạng ân sủng để làm việc thiện, chúng không chỉ là công việc của chúng ta. Chúng còn là công việc của Thiên Chúa. Như thánh Phaolô nói trong một bức thư khác, “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Và khi Đức Giêsu sống trong chúng ta, Ngài cũng hành động trong chúng ta, thúc đẩy chúng ta làm những việc lành để đưa chúng ta vào thiên đàng.

Vậy nên, theo một nghĩa rất thực tế, anh em Tin lành đã có lý, những việc làm tốt đẹp của chúng ta không đưa chúng ta vào thiên đàng. Nhưng đúng hơn là công việc của Đức Giêsu trong chúng ta, và đó chính xác là điều mà Hội thánh dạy:

“Tình yêu Đức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng kết hợp chúng ta với Đức Kitô trong tình yêu năng động, bảo đảm tính siêu nhiên của các việc chúng ta làm và do đó bảo đảm công trạng trước mặt Thiên Chúa và con người. Các thánh luôn ý thức mãnh liệt, công trạng của họ hoàn toàn do ân sủng” (GLHTCG 2011).

Nếu bạn suy nghĩ một chút thì điều này hoàn toàn hợp lý. Nếu Đức Giêsu hành động trong chúng ta, làm sao những công việc đó lại không đưa chúng ta vào thiên đàng chứ? Nếu những công việc của chính Đức Giêsu không thể thành tựu, sẽ chẳng có gì có thể thành tựu. Hoặc hãy nghĩ theo chiều hướng khác. Thiên đàng không phải một nơi chốn tốt đẹp có thực mà Thiên Chúa có thể hầu như quyết định cách tùy hứng việc đưa con người vào hay không. Không, thiêng đàng là tình trạng kết hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa. Đó là sự thông phần vào chính bản tính của Người (2Pr 1,4), là tình yêu (1Ga 4,8; 16), như thế, đó là một sự tháp nhập trọn vẹn vào sự hiệp thông của tình yêu hoàn hảo mà Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần có với nhau.

Đó là tình trạng hoàn thiện chung cuộc (Dt 12,23) và được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô (Rm 8,29), và khi nhìn từ góc độ này, thật rõ ràng là những việc thiện lành của Đức Giêsu trong chúng ta có sức mạnh cứu độ và đưa chúng ta vào thiên đàng. Nếu Ngài hành động trong chúng ta, dĩ nhiên những việc này sẽ giúp ta hoàn thiện, nên đồng dạng với Ngài, và đưa chúng ta đi sâu hơn vào tình yêu hiệp thông với Thiên Chúa. Làm sao lại không thể?

Cũng phải thừa nhận, việc giải quyết sự căng thẳng giữa ân sủng và việc làm lại đưa đến một mối căng thẳng khác: nếu Đức Giêsu hành động trong chúng ta, làm sao việc làm đó có thể là của chúng ta cách thực sự? Đó là một trong những mầu nhiệm quan trọng mà các thần học gia đã cố gắng tìm hiểu suốt hai thiên niên kỷ, và tôi cũng không thử đưa ra câu trả lời ở đây (mặc dù có thể tôi sẽ viết một bài với đôi ý tưởng về chủ đề này trong tương lai). Giống như mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Ba Ngôi, và Bí tích Thánh Thể, chỉ cần biết rằng đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hoàn toàn thấu hiểu, nhưng đã được dạy cách rõ ràng trong Kinh thánh. Thánh Phaolô dạy chúng ta rõ ràng rằng những việc tốt đưa chúng ta vào thiên đàng là vì chúng thực sự là những việc làm của Đức Giêsu trong chúng ta, chúng ta vẫn cần nỗ lực làm việc tốt chứ đừng sợ hãi hay lo lắng.

jpnunez

Grêgoriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

(gpquinhon.org / jpnunezcath.blogspot.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét