Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Vì sao tôi ở lại trong Giáo hội?


Vì  sao  tôi  ở  lại  trong  Giáo  hội?

7/13/2021- conggiao.info

vi-sao-toi-o-lai-trong-giao-hoi.jpg

AFP: Osservatore Romano, file photo

Vài tuần trước, sau khi có bài diễn thuyết ở một hội nghị tôn giáo, câu đầu tiên khán giả đặt ra cho tôi là: Làm sao chúng ta có thể tiếp tục ở lại trong một Giáo hội có vai trò chủ chốt trong việc lập và duy trì các trường nội trú cho người bản địa ở Canada? Làm sao chúng ta ở lại trong một Giáo hội đã làm những chuyện này?

Câu hỏi này chính đáng và quan trọng. Cả trong lịch sử cũng như trong hiện tại, Giáo hội đã phạm đủ tội làm cho câu hỏi này trở nên chính đáng. Danh sách các tội đã phạm nhân danh Giáo hội rất dài: Tòa dị giáo, ủng hộ chế độ nô lệ, vai trò của Giáo hội trong chủ nghĩa thực dân, mối liên kết với chủ nghĩa phát xít, vai trò trong việc áp chế nữ quyền, và vô số những thỏa hiệp trước đây và hiện tại với chủ nghĩa ưu việt da trắng, tiền bạc và chính trị. Những người phê phán Giáo hội có lúc quá đáng và thiếu cân bằng, nhưng nhìn chung, rõ ràng là Giáo hội có tội.

Tuy nhiên, tội này đâu phải chỉ có nơi Giáo hội. Những tội này có thể áp dụng với bất kỳ quốc gia nào mà chúng ta đang sống. Làm sao chúng ta có thể ở lại trong một đất nước có lịch sử kỳ thị chủng tộc, chế độ nô lệ, thực dân, diệt chủng những người bản địa, bất bình đẳng giàu nghèo cùng cực, một đất nước chai đá trước những người tị nạn tuyệt vọng đang đến gõ cửa, và một đất nước mà hàng triệu người căm ghét lẫn nhau? Khi nói rằng tôi hổ thẹn vì là người công giáo (hay kitô giáo) trong khi chúng ta đang sống ở một đất nước cũng mang cùng lịch sử và tội trạng như thế, như vậy chẳng phải là kiểu đạo đức có chọn lọc hay sao?

Nhưng mà, Bởi vì Giáo hội phải là men muối cho xã hội, chứ không phải là tấm gương phản ánh xã hội, nên câu hỏi đó vẫn chính đáng. Tại sao chúng ta ở lại trong giáo hội? Có những câu trả lời biện giáo đủ tốt cho chuyện này, nhưng xét cho cùng, với mỗi người chúng ta, câu trả lời phải là một câu trả lời của riêng mỗi người. Tại sao tôi ở lại trong giáo hội?

Trước hết, vì Giáo hội là tiếng mẹ đẻ của đời tôi. Giáo hội cho tôi đức tin, dạy tôi tin vào Chúa, cho tôi lời Chúa, dạy tôi cầu nguyện, cho tôi các bí tích, cho tôi thấy các nhân đức là thế nào, và đưa tôi liên kết với những vị thánh sống. Hơn nữa, bất chấp những khiếm khuyết của mình, với tôi, Giáo hội đủ chân thực, đủ vị tha, đủ tinh tuyền để có thẩm quyền luân lý cho tôi giao phó tâm hồn mình, một tin tưởng tôi không có với bất kỳ thực thể công nào. Tôi thoải mái với chuyện thờ phượng cùng các tôn giáo khác, và chia sẻ tấm lòng với những người không có đức tin, nhưng trong giáo hội mà tôi lớn lên, tôi thấy có mái ấm và tiếng mẹ đẻ của đời tôi.

Thứ hai, lịch sử của Giáo hội đâu chỉ có một màu. Tôi nhận ra tội lỗi của Giáo hội và công khai công nhận chúng, nhưng những cái đó còn lâu mới là toàn bộ hiện thực. Giáo hội cũng là Giáo hội của các vị tử đạo, các thánh, của lòng quãng đại vô hạn, và của hàng triệu người với tấm lòng cao thượng, rộng lượng, những gương mẫu đạo đức của tôi. Tôi đứng trong bóng tối tội lỗi của Giáo hội, nhưng tôi cũng đứng trong ánh sáng diễm phúc của Giáo hội, trong mọi sự tốt đẹp mà Giáo hội đã làm suốt dòng lịch sử.

Cuối cùng, và quan trọng nhất, tôi ở lại với Giáo hội vì Giáo hội là tất cả những gì chúng ta có! Đâu còn nơi nào khác để đi. Tôi thấy cảm giác vui buồn lẫn lộn này giống với cảm giác của thánh Phêrô sau khi nghe Chúa Giêsu nói “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”, mọi người quay mặt bỏ đi rồi Chúa quay sang thánh Phêrô mà hỏi, “cả anh cũng bỏ Thầy mà đi sao?” và Phêrô, thay mặt các tông đồ, đã trả lời: “ Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.

Về căn bản, thánh Phêrô nói rằng, “Chúng con không hiểu Ngài, và những gì chúng con hiểu được thường lại là cái chúng con chẳng thích. Nhưng chúng con biết ở bên Ngài dù không hiểu, nhưng còn hơn đi bất kỳ nơi nào khác. Bất chấp những lúc tăm tối, Ngài là tất cả những gì chúng con có!”

Giáo hội là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta còn đi đâu được chứ? Ẩn sau câu nói, “Tôi có lòng đạo, nhưng không có tôn giáo” dù thốt ra cách chân thành đến mấy, cũng có hoặc một thất bại cùng cực, hoặc một miễn cưỡng sai trái không dám giải quyết chuyện thiết yếu của cộng đồng tôn giáo, không dám giải quyết cái mà bà Dorothy Day gọi là “chủ nghĩa khổ hạnh của đời sống Giáo hội”. Có thể nói rằng, câu “Tôi không thể hoặc sẽ không giải quyết một cộng đồng tôn giáo ô uế” chính là một lối thoát có lợi cho bản thân, một thứ đến tận cùng sẽ không hữu ích gì mấy, không chỉ cho người nói ra câu đó. Tại sao lại thế? Bởi vì để lòng cảm thương có hiệu lực, nó cần mang tính tập thể, bởi giấc mơ chúng ta mơ một mình vẫn là giấc mơ, nhưng giấc mơ chúng ta mơ cùng người khác có thể trở thành hiện thực. Tôi chẳng thể thấy có gì ngoài Giáo hội có thể cứu thế giới này.

Không có Giáo hội tinh tuyền nào để chúng ta gia nhập cả, cũng như không có quốc gia tinh tuyền nào để chúng ta chọn sống ở đó. Giáo hội này, với toàn bộ lịch sử có tốt có xấu và với hiện tại đang tổn thương của nó, chính là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta cần mang lấy những lỗi phạm của Giáo hội, vì chúng cũng là lỗi phạm của chúng ta. Lịch sử Giáo hội là lịch sử của chúng ta, tội của Giáo hội là tội của chúng ta, và gia đình của Giáo hội là gia đình của chúng ta, gia đình trường tồn duy nhất mà chúng ta có.

J.B. Thái Hòa dịch

(phanxico.vn 13.07.2021/ Ronald Rolheiser, 2021-07-12)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét