Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

Người Công giáo không nên giữ đạo

 

Người  Công  giáo  không  nên  giữ  đạo

10/18/2012

nguoi-cong-giao.jpg



Đúng là một lời phản động, theo nghĩa là đi ngược lại với nếp nghĩ của rất nhiều người. Thế thì cần phải minh xác về vấn đề từ ngữ. Khi nói về đời sống đức tin của mình, người Công giáo Việt Nam có 4 cách nói: theo đạo, giữ đạo, sống đạo, và ít khi gặp hơn, "đi đạo".

Theo đạo

Anh chị "theo đạo nào"? Tôi "theo đạo" Công giáo. Đối với nhiều người Công giáo, cụm từ "theo đạo" có nghĩa là mình đã chịu Phép Rửa. Vì đạo Công giáo được chúng ta xem là đạo mặc khải, nghĩa là do chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết, nên đó là đạo trên hết các đạo, nếu không phải là Đạo duy nhất. Và cũng vì thế mà khi nghe một người không Công giáo đón nhận đức tin, ta bảo rằng người ấy "trở lại Đạo". Thực ra, trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ "đạo" rộng nghĩa hơn nhiều, và người đầu tiên nói đến Đạo, không phải là Chúa Kitô, mà là Lão Tử, "giáo chủ" của Đạo giáo. Chúng ta nói đến nhiều đạo khác nữa: đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng, Đạo Ông Bà, ấy là chưa nói đến đạo làm người, đạo làm vợ làm chồng, đạo làm con… Nếu chúng ta gọi đời sống đức tin của mình là "theo đạo" thì hẳn không sai, nhưng rất bó hẹp: Đón nhận đức tin Công giáo không chỉ nhằm cho ta có một cái đạo hầu sống cho hợp với luân lý làm người. Do đó, người Công giáo theo đạo mà thôi thì chưa đủ.

Giữ đạo

Khi đã có "Đạo Công giáo" rồi, thì người tín hữu "giữ đạo". Cụm từ giữ đạo cũng có nhiều cách hiểu. Cách thứ nhất là "giữ" luật đạo. Nói một cách nôm na là giữ "Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, Sáu Điều Răn Hội Thánh cùng các điều khác Hội Thánh dạy". Cụ thể là đi xem lễ, ít nhất là mỗi tuần một lần; xưng tội mỗi năm ít là một lần; chịu Mình Thánh Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh,... Ngoài ra, đối với những người "đàng hoàng" hơn thì đọc kinh sáng tối, và nếu "ngon" hơn nữa thì hằng ngày đọc kinh phụng vụ và một đoạn Phúc Âm. Ngoài ra, "giữ" đạo còn một cách hiểu thứ hai, ấy là "giữ" làm sao cho Đạo Công giáo (và người Công giáo) không bị ai chạm đến. Giữ đạo theo kiểu các lãnh đạo quốc gia nói đến việc "giữ nước" hay "bảo vệ tổ quốc". Người Công giáo "giữ đạo" theo nghĩa là "bảo vệ" tôn giáo mình, bảo vệ người Công giáo, bảo vệ học thuyết Công giáo, bảo vệ nhà thờ và đất đai thuộc sở hữu Giáo hội Công giáo. Tóm lại, giữ đạo theo cách xem tất cả những gì và những ai không công giáo là "kẻ thù" hay "lạc đạo" mà mình phải "dụ địch" theo tinh thần bác ái để cho họ "trở lại". Và nếu không thể được, thì phê phán họ, chỉ trích họ, đồng thời củng cố lực lượng của "phe ta" để khỏi bị "kẻ thù" lấn lướt. Giữ đạo như là giữ một thành trì, tay cầm súng, với tinh thần căng thẳng của một "chiến sĩ" luôn xem người lạ là "kẻ thù", và sẵn sàng nổ súng.

Sống đạo

Vì chữ "giữ đạo" có một nghĩa như trên, nghĩa là khá tiêu cực, nên những thập niên vừa qua, người công giáo dùng chữ "sống đạo" thay cho chữ "giữ đạo". Sống đạo là đối chiếu đời mình với Lời Chúa, làm thế nào để cho toàn bộ cuộc sống phù hợp với Phúc Âm. Đấy là lý tưởng. Nhưng trong thực tế, "sống đạo" cũng có khuynh hướng trở thành "giữ đạo" trong cuộc sống, nghĩa là làm "các việc đạo đức" như xem lễ, đọc kinh, xưng tội rồi chấm hết. Cao lắm là làm thêm vài việc bác ái và tông đồ. Tóm lại, đối với một số giáo dân chúng ta, sống đạo nhiều khi có nghĩa là dành ra một số thì giờ (tối đa là 1 phần 10, và bình thường là 1 phần trăm thời gian trong tuần) để làm các việc đạo đức ấy, phần còn lại là đời sống cơm áo gạo tiền, nghĩa là chẳng ăn nhập gì đến đạo cả. Nếu sống đạo như thế thì vẫn có cái gì đó chưa ổn.

Đi đạo

Có lẽ cụm từ súc tích nhất, mà ông cha ta đã dùng từ lâu nhưng hiện nay ít khi người công giáo dùng, ấy là "đi đạo". Chúa Kitô là Đường, là Đạo, và trọn cuộc đời của người công giáo là phải đi trên Con Đường đó. Điều này đòi hỏi Kitô hữu phải ở trên Đường, ở trong Chúa Kitô đã đi; phải "bước đi trong ánh sáng như chính Người ở trong Ánh Sáng… Ai bảo rằng mình ở trong Người, thì phải bước đi như chính Người đã bước đi" (1 Ga 1,7). Chúa Giêsu đã sống cuộc sống "Đạo làm Con" của mình bằng cách kết hiệp với Cha trong mọi nơi mọi lúc: "Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30). Ngài từng lên nơi thanh vắng mà cầu nguyện, thậm chí có lần thức trắng đêm lên núi mà cầu nguyện (x. Lc 6,12), Ngài cũng "xem lễ" tại hội đường vào ngày hưu lễ (x. Lc 4,16), Ngài cũng rao giảng rất nhiều lần về Nước Trời và con đường về Vương Quốc, nhưng tuyệt đại đa số thời gian của Ngài là "bước đi trong ánh sáng" đến với tha nhân, nhất là những người bất hạnh: người đui, người què, người bệnh, người tội lỗi; và đường đi tuyệt đỉnh của Ngài là con đường thánh giá để chết đi không có một mảnh áo che thân, trong tinh thần hoàn toàn tự hủy. Rốt cục, Chúa Giêsu không "giữ đạo" mà cũng chẳng "sống đạo" mà Ngài "Đi Đạo". Hơn thế nữa, Ngài chính là Đạo, nghĩa là Con Đường. Đi Đạo là như thế đó. Đi Đạo là trở nên "trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành" (Mt 5,48). Đi Đạo là "trở nên một" với Chúa Kitô 24 giờ một ngày, và từ đó "truyền đạo" của Ngài, nghĩa là truyền cho mọi người chung quanh cảm nhận được thế nào là Tình Yêu, và Tình Yêu chính là Thiên Chúa.

Vì thế, người Công giáo không nên giữ đạo. Hay nói cho đúng hơn, người Công giáo không được phép chỉ "giữ đạo" mà thôi - dù với cái nghĩa tích cực nhất là giữ các lề luật Giáo Hội - mà phải Đi Đạo, nghĩa là đi theo con đường tự huỷ của Chúa Kitô để nên thánh như Ngài là Đấng Thánh. Và nếu chúng ta tiếp tục bảo rằng mình theo đạo, giữ đạo, sống đạo, thì tự thâm sâu ta cũng phải hiểu những hạn từ ấy theo nghĩa là "đi đạo".

Trần Duy Nhiên

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét